Bí mật cuộc đời mỹ nhân và thuật xem tướng xương

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trương Ninh 17 tuổi, vừa hay gặp phái đoàn của vợ của Lâm Bưu là Diệp Quần, đang tìm tuyển vợ cho con trai là Lâm Lập Quả trên toàn quốc. Lâm Bưu là Bộ trưởng bộ Quốc phòng và cũng là Phó chủ tịch nước Trung Quốc. Thế là cô bước chân vào gia đình quyền lực thứ 2 của Trung Quốc.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Mỹ nhân đi xem tướng xương

Vào một ngày của năm 1982, tại nhà của giáo sư Khương ở Nam Kinh có một người phụ nữ ngoài 30 tuổi tới để xem tướng. Giáo sư Khương 60 tuổi, ông có một con mắt đã bị hỏng. Ông liền bảo cô gái ngồi bên cạnh mình và sờ xương của cô ấy, rồi ông thở dài nói: “Ôi, tai của cô mọc ngược, nó phản lại cô rồi”.

Người phụ nữ không nhịn được cười nói: “Tai của tôi chẳng phải rất tốt đó sao? Mọc ngược cái gì chứ?”.

Giáo sư Khương liền nói: “Tôi nói ngược là trong học thuật xem tướng xương. Nói về tai phải và tai trái của cô, nếu đổi đi một chút, thì cô sẽ là hoàng hậu, là quốc mẫu”.

Người phụ nữ nghe xong giật mình lẩm bẩm nói: “Ông làm sao mà biết được chuẩn như vậy? Chỉ cần sở qua xương là có thể biết rõ ràng đến vậy sao?"

Lai lịch bí ẩn của vị giáo sư biết xem tướng xương

Những năm 1850, có một người tinh thông trong thuật xem tướng xương, vác theo một tấm biển hiệu, đi khắp Nam Bắc xem tướng cho mọi người. Một hôm ông tới một thị trấn nhỏ tên là Tử Kinh Sơn, vừa bước ra phố ông đã giật mình, bởi vì ông nhìn thấy hầu hết tất cả những người đi trên phố đều có mệnh làm quan: Một người phu khuân vác có mệnh làm quan ngũ phẩm; một người gò hàn sắt có mệnh làm đại tướng quân; thậm chí ngay cả người bán hàng rong cũng có tướng của quan viên tam phẩm.

Người xem tướng nghĩ trong lòng, nếu như trên thị trấn này có hai cử nhân thì cũng là bình thường, có một tiến sĩ thì quả là quá giỏi rồi, tại sao khắp phố đều là những trọng thần triều đình vậy. Điều này quả là khó mà tin nổi. Ông liền thở dài, cảm thấy học nghệ chưa đủ tinh thông, xem tướng lần này cũng kém quá rồi, quả thực không thể đáng tin nữa rồi, quả thực là không còn mặt mũi nào mà tiếp tục hành nghề này nữa rồi. Thế là ông đập biển hiệu và chuyển nghề, đến tiệm thuốc phụ bán thuốc.

Lại một năm trôi qua, bỗng nhiên đang yên đang lành thì thiên hạ có biến loạn. Theo đó, Hồng Tú Toàn ở Quảng Tây đã dấy binh tạo phản, đánh chiếm Nam Kinh, và lập ra Thái Bình Thiên Quốc. Những người ở thị trấn Tử Kinh Sơn cũng theo Thái Bình Thiên Quốc. Thế là, những người phu khuân vác, sai dịch ở trên phố trước đây, từng người từng người một, đều đã trở thành những quan viên có phẩm cấp.

Người xem tướng lúc này mới giật mình tỉnh ngộ: "Hóa ra lúc đó ta xem không hề nhầm chút nào".

Lúc này, thầy xem tướng mới lấy lại tự tin và quay trở lại làm nghề cũ.

Tìm được truyền nhân

Chớp mắt qua đi, chẳng mấy chốc người xem tướng này đã có một đồ tôn. Đồ tôn sau khi kế thừa y bát của ông, đã có thể sờ xương xem tướng mệnh cho người vô cùng chuẩn xác, nhưng hai mắt gần như đều bị mù. Thầy tướng mù này định cư ở Nam Ninh, và mở một quầy hàng ở miếu Phu Tử để xem tướng cho người.

Thuyết định mệnh (P2): Phá giải những hiểu lầm về thuyết định mệnh
Đồ tôn sau khi kế thừa y bát của ông, đã có thể sờ xương xem tướng mệnh cho người vô cùng chuẩn xác.

Con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc, nghe thông tin giai thoại rằng, có một người ở miếu Phu Tử xem tướng xương cho người cực kỳ chuẩn xác, ông cũng khởi tâm hiếu kỳ. Tưởng Kinh Quốc tự coi mình được giáo dục tốt, đã từng đi du học ở Liên Xô, rất tin vào khoa học, và coi thường tất cả những điều mê tín phong kiến. Một hôm Tưởng Kinh Quốc đến trước quầy hàng của thầy xem tướng mù này nói: “Ông xem tướng cho tôi, sờ xương của tôi. Nếu ông xem cho tôi không đúng, tôi sẽ phá bỏ quầy hàng này của ông, không cho phép ông tiếp tục ở đây lừa người nữa”.

Thầy tướng không nói gì, liền bắt đầu sờ từ đầu của Tưởng Kinh Quốc xuống. Sờ tới bộ phận ngực thì ông ấy dừng lại, thở dài và nói: “Anh là đầu rồng thân chó, quân chẳng phải quân, thần chẳng phải thần”.

Tưởng Quốc Kinh nghe xong nửa tin nửa ngờ, nhất thời khó hiểu lời thầy tướng phán định, cũng không còn cớ gì để gây sự, nên đành đội nón quay về nhà.

Cách một thời gian sau, Tưởng Kinh Quốc lại đến để thử vị thầy tướng mù này. Thầy tướng vừa sờ một cái liền tức giận và nói: “Anh còn làm cái gì thế? Tôi chẳng đã nói rồi sao? Đầu rồng thân chó, không cần phải xem nữa!”

Sau khi Tưởng Kinh Quốc tới lần thứ 2, thì thầy tướng mù này đã biến mất khỏi miếu Phu Tử. Sau đó thầy tướng mù có một đệ tử ở Tử Kinh Sơn xem tướng. Đây chính là thế hệ thứ tư, là một công tử con nhà giàu, không cần phải dựa vào nghề sờ xương xem tướng để kiếm tiền sinh sống. Anh không có nguyện ý kế thừa y bát của thầy, anh luôn muốn đi ra nước ngoài. Anh đã ngấm ngầm mua vé tàu để đi ra nước ngoài du học, và cũng không nói với thầy của mình.

Một hôm người đệ tử này chào tạm biệt tất cả người thân trong gia đình để đi du học. Khi ở bến tàu, anh bỗng nhiên thấy thầy vội vàng đi đến bến tàu. Người thầy này khuyên học trò đừng đi, và nói nếu con đi thì sẽ không trở về nữa. Tuy nhiên anh vẫn nhất quyết muốn đi. Người thầy thấy không thể ngăn cản học trò được nữa, mặc dù ở bến tàu, trước mặt bao nhiêu người, ông đã quỳ xuống trước mặt đệ tử cầu xin học trò ở lại. Anh thấy thầy như vậy thì cũng không còn cách nào khác, đành miễn cưỡng ở lại, nhưng trong tâm vẫn nung nấu ý định lần sau sẽ tìm cơ hội ra đi.

Ai ngờ hai tháng sau, có một thông tin gửi đến nói rằng, con tàu đó đã biến mất trên đại dương mênh mông. Rất có thể nó đã gặp tai nạn, tất cả các hành khách trên tàu không rõ sống chết ra sao. Người đệ tử lúc đó khắp thân toát mồ hôi lạnh: “Sư phụ đã cứu mình rồi!”.

Từ đó anh bắt đầu toàn tâm học tập, kế thừa y bát của thầy. Người đệ tử này họ Khương, sau này trở thành giáo sư của trường đại học Nam Kinh.

Cuộc đời mỹ nhân và lời thầy xem tướng xương

Giáo sư Khương nói với cô gái: “Cô 10 tuổi đã rời gia đình tự mưu sinh, được hưởng thụ ở chế độ thất phẩm. Cô có sự nghiệp nổi bật xuất chúng. 16 tuổi cô tha hương ở nước ngoài, có một cơ hội thăng quan tiến chức, lên như diều gặp gió, nhưng thật tiếc là không xung phá lên được, nếu không thì cô sẽ là một người hưởng vinh hoa phú quý ở nước ngoài”.

Giáo sư Khương tiếp tục nói: “Từ lúc 17, 18 tuổi tới lúc 20 tuổi, cô chính là tam thủ lĩnh long hổ phượng, một lời nói như sấm sét san bằng mặt đất, tiếc là cô không xung phá lên được. Cô chính là một con phượng hoàng. Đối tượng của cô không cần biết là long hay là hổ, cô đều là đệ nhất phu nhân. Nhưng thật tiếc rằng lúc đó, mệnh của cô đã bị rớt xuống nghìn trượng, giống như một viên ngọc bị rơi vào ao bùn vậy”.

Cô gái kinh ngạc không nói lên lời. Cô ấy tên là Trương Ninh. Năm 1949 cô được sinh ra ở Nam Kinh. Tên gọi tắt của Nam Kinh là Ninh, chính là tên của cô. Cô chính là thế hệ thứ 2 chính cống của triều đại đỏ. Bố cô là tướng quân quân khu của Nam Ninh. Nhưng tiếc là bố cô đã qua đời từ rất sớm. Trương Ninh lúc 10 tuổi là là một văn công của đoàn văn công quân khu Nam Ninh. Sau đó cô trở thành diễn viên chính của đoàn. Khi lớn lên, cô có nét đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Ảnh chân dung mỹ nhân Trương Ninh.

Năm 16 tuổi cô đã theo đoàn văn công đi biểu diễn ở Indonesia. Lúc đó đã lọt vào mắt xanh của công tử con trai tổng thống Indonesia. Công tử này vừa nhìn đã thích cô, và chuẩn bị lưu giữ cô ở lại Indonesia. Tuy nhiên, người của đoàn văn công đã kịp thời phát hiện, và đã đưa cô trở về nước. Đây chính là điều mà giáo sư Khương nói rằng cô 16 tuổi tha hương ra nước ngoài, và có cơ hội thăng tiến như diều gặp gió.

Khi Trương Ninh 17 tuổi, vừa hay gặp phái đoàn của vợ của Lâm Bưu là Diệp Quần, đang tìm tuyển vợ cho con trai là Lâm Lập Quả trên toàn quốc. Lâm Bưu là Bộ trưởng bộ Quốc phòng và cũng là Phó chủ tịch nước Trung Quốc.

Người trong quân khu vì muốn lấy lòng bà Diệp Quần, nên đã ngấm ngầm mang ảnh của Trương Ninh gửi cho bà. Quả nhiên, Trương Ninh đã được chọn. Tổ chức liền đưa Trương Ninh, người chẳng hề biết chuyện gì, lên Bắc Kinh để tuyển chọn. Lâm Lập Quả vừa nhìn thấy cô là đã yêu thích, và cô đã trở thành vị hôn thê của Lâm Lập Quả. Và như vậy, cô vô tình bước vào gia đình quyền lực thứ 2 của Trung Quốc.

Thực ra trước đó Trương Ninh đã có người yêu, nhưng đã bị Lâm Lập Quả nhắm trúng rồi thì không còn cách nào khác nữa. Ở chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc, Gia đình họ Lâm quyền thế rất lớn, nên cô đành phải chia tay với người yêu, nếu không người yêu cô chỉ có 1 con đường chết.

Sau khi Trương Ninh trở thành con dâu tương lai của gia đình Phó chủ tịch nước Lâm Bưu, thực ra cô cũng không có nhiều cơ hội gặp được Lâm Bưu.

Lúc đó Lâm Bưu là “chiến hữu thân mật” và “người kế nghiệp” của Mao Trạch Đông. Nhưng sức khỏe người chiến hữu thân mật này lại không tốt, bệnh tật quanh năm phải uống thuốc. Khi Mao Trạch Đông triệu kiến ông, ông mới được tiêm một ít thuốc hưng phấn, khiến ông trông có vẻ như tràn đầy sức sống. Khi Lâm Bưu biết tên “người kế nghiệp” của mình viết vào điều lệ Đảng, ông chỉ nói duy nhất một câu: “Xong rồi, tôi bị đóng đinh lên thập tự giá rồi”.

Từ đó, cuộc sống hàng ngày của Lâm Bưu cứ nơm nớp lo sợ, như đi trên lớp băng mỏng vậy. Quả nhiên tại hội nghị Lư Sơn năm 1971, lãnh tụ ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông đã ám chỉ Lâm Bưu là “chủ nghĩa bè phái” và “chủ nghĩa tông phái”. Đây được coi như bản án tử dành cho vị thống soái họ Lâm.

Linbiao.jpg
Lâm Bưu. (Ảnh: Miền công cộng)

Hiểu rõ bối cảnh đấu đá để tranh giành quyền lực vô cùng tàn độc của nội bộ ĐCSTQ, cả gia đình Lâm Bưu từ sớm đã luyện được khứu giác chính trị cực kỳ nhạy bén. Họ dự cảm thấy đại nạn sắp giáng lên đầu rồi. Nhưng Lâm Bưu không thể tưởng tượng ra được, người chiến hữu thân mật, Mao huynh đệ lại chính là người muốn giết mình. Trong lúc bó tay chờ chết, thế là họ nghĩ ra được một cách duy nhất, đó là chạy trốn. Cả nhà họ đều cố làm ra vẻ bình tĩnh, không hề kinh động. Ngay cả Trương Ninh cũng chẳng hay biết gì.

Lâm Lập Quả muốn đưa vị hôn thê là vợ tương lai cùng đi trốn, nhưng trong nhà lại có một “tiểu tướng” lòng son dạ sắt, tận tụy hết lòng với cách mạng. Đó chính là chị gái của Lâm Lập Quả là Lâm Lập Hằng. Cô ấy không chỉ tự mình không ngồi máy bay để trốn chạy, mà còn đưa thông tin gia đình chạy trốn báo cho Chu Ân Lai. Trước đêm gia đình chạy trốn, Lâm Lập Hằng đã cho em dâu tương lai là Trương Ninh uống thuốc ngủ, khiến cô ngủ mê mệt, khiến Lâm Lập Quả không tìm thấy Trương Ninh đâu. Nhưng hành động này đã cứu được mệnh của Trương Ninh. Nếu không thì ở Undur Khan, Mông Cổ đã có thêm một thi thể nữ nữa chết. Sau này mọi người đều biết đến sự kiện ngày 13 tháng 9, chiếc máy bay mà cả gia đình Lâm Bưu dùng để bỏ trốn đã gặp tai nạn và bị rơi. Nguyên nhân có thể là bị trúng đạn mà rơi xuống.

Trương Ninh, người được phê chuẩn là con dâu của Lâm Bưu, sau đó đã bị cách ly thẩm tra. Trong thời gian bị thẩm tra, sắc đẹp như hoa như nguyệt của cô đã thu hút sự hy vọng có được cô của một người khác. Anh ta là người mới nổi lên trong giới chính trị tên là Mao Viễn Tân, là cháu trai của Mao Trạch Đông. Nhưng Trương Ninh lần này đã rút ra được bài học giáo huấn. Cô không muốn bị cuốn vào loại đấu tranh chính trị vô vị này nữa, nên kiên quyết kháng cự. Sự việc này cũng chẳng giúp cô thoát khỏi tai họa. Cuối cùng, cô đã bị đưa tới nông trường để cải tạo lao động. Ba người anh em trong gia đình cũng bị liên lụy. Sau khi chuyển từ bộ đội chuyển ngành, họ bị phân bổ những công việc tồi tệ. Mãi tới năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, thì một thời kỳ đảo điên, trắng đen lẫn lộn mới kết thúc.

Trương Ninh cũng được thả ra, nhưng lúc này cô đã bị trải qua 4 năm lao động cải tạo, toàn bộ cơ thể đã bị sa sút, nét đẹp như hoa như nguyệt đã không còn nữa. Sau khi lao động cải tạo, Trương Ninh, một cô gái yếu ớt về cả thân lẫn tâm, được gả cho một người cầu hôn khác. Nhưng lần hôn nhân này đã không hạnh phúc.

Những lời thẳng thắn từ miệng thép của giáo sư Khương nói ra khiến Trương Ninh bàng hoàng. Từ nhỏ cô được giáo dục vô Thần, nên cô không tin có quỷ hay Thần. Lần này, cô đến gặp thầy Khương xem tướng, thực ra là vì cảm thấy cuộc sống và tâm lực quá mệt mỏi, muốn tìm một chút an ủi từ trong mê tín phong kiến, xem xem tương lai liệu có hy vọng gì không.

Giáo sư Khương tiếp tục nói: “Cuộc hôn nhân hiện nay của cô sẽ kết thúc trong cuối năm nay. Đợi tới khi cô 38 tuổi đến 40 tuổi, thì cô sẽ “hồng loan tinh động” (sao hồng loan chỉ nhân duyên tốt đẹp), sẽ có người từ Đông Nam tới đưa cô bay qua đại dương, vượt qua biển, để cô được sống bình yên đến những năm cuối đời. Anh ta mới chính là phu quân của bản mệnh của cô. Cô gái à, cô là người có mệnh tam phu (có 3 đời chồng).

Trương Ninh nghe xong những lời này thì theo bản năng lắc lắc đầu nói: “Làm sao có thể thế được, tôi làm sao có thể cưới hai lần được”.

Giáo sư Khương nhìn Trương Ninh và nói: “Cô nương à, người mà là vị hôn phu, là người mà lần đầu tiên chưa kết hôn thành công với cô, mới là người chồng thực sự của cô”.

Và đương nhiên Người mà giáo sư Khương nói đến ở đây chính là Lâm Lập Quả.

Trương Ninh nửa tin nửa ngờ đối với những lời của giáo sư Khương. Nhưng cô nhìn thấy một mắt của giáo sư Khương dường như bị mù, mất khả năng nhìn. Cô liền nói với giáo sư Khương rằng, cô muốn tìm chuyên gia để chữa cho ông. Giáo sư Khương cười và nói: “Không có tác dụng gì, sư phụ của tôi và sư tổ của tôi lúc tuổi già mắt đều không tốt, bởi vì chúng tôi tiết lộ quá nhiều thiên cơ. Đây là một dạng Trời phạt. Vì vậy lúc bình thường, tôi không dễ dàng xem tướng cho người, trừ phi có ngọn nguồn của nó”.

Thuật xem tướng xương

Nói về thuật xem tướng xương, thực ra nó đã rất được thịnh hành thời kỳ triều đại Nam Bắc. Tương truyền do Quỷ Cốc Tử thời đại Xuân Thu đã được sáng lập ra. Nó dựa vào hình dáng xương, vị trí và độ to nhỏ của xương để dự đoán vận mệnh của một người. Hình dáng xương ở đây cũng được gọi là “Cốt cách”. Nó là một loại môn dự đoán học của Trung Quốc cổ đại. Có khi nó đứng độc lập, có khi nó được vận dụng kết hợp với bói toán.

Người ta quen thuộc nhất với câu chuyện thuật xem tướng xương (xem cốt cách) chính là trong hồi thứ 53 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Ngụy Diên đã giết quan trên của mình là Quan Thái thú Trường Sa tên là Hàn Huyền. Ngụy Diên tới đầu hàng Lưu Bị, không ngờ Gia Cát Lượng ở bên cạnh lặng lẽ quan sát, rồi đột nhiên lớn tiếng hạ lệnh thị vệ hai bên tả hữu lôi Ngụy Diên ra chém đầu. Lưu Bị ở bên cạnh không hiểu tại sao, liền hỏi: “Ngụy Diên có công vô tội, quân sư vì cớ gì mà lại muốn chém đầu hắn ta?

Gia Cát Lượng nói: “Ngũ quan của Ngụy Diên đằng sau sọ não có xương tạo phản”

Nghĩa là sau sọ não của Ngụy Diên có mọc một phần xương, báo trước sau này hắn sẽ tạo phản, nên cần phải chém để trừ hậu họa sau này. May mà Lưu Bị là xin giúp, nên lúc đó mới cứu được sinh mệnh của Ngụy Diên.

Những tướng cốt mà thầy tướng nhìn và sờ đó, nó không phải là xương cốt mà mang ý nghĩa trên y học giải phẫu, mà là một bộ phận nhỏ xương cốt có liên quan đến tinh khí thần. Nó cần phải có những người thầy chuyên môn kế thừa và trải qua nhiều năm thể ngộ mới có thể nắm rõ được.

Cái kết có hậu

Sau khi Trương Ninh xem tướng xong 7 năm sau. Lúc cô vừa tròn 40 tuổi, và chồng cũng đã qua đời, một hôm bỗng nhiên cô nhận được một bức thư từ nước Mỹ. Người viết thư tên là Lâm Trại Phổ, nói muốn đặt quan hệ với cô ấy. Hai người thường xuyên thư từ qua lại với nhau, rất nhanh sau đó thì kết hôn. Lâm Trại Phổ mang Trương Ninh bay qua đại dương, vượt qua biển đến nước Mỹ. Từ đó hai người sống hạnh phúc bên nhau.

Giai nhân mặc dù đã trải qua lận đận, nhưng nếu so với đại đa số những người Trung Quốc ở trong khổ nạn vượt ra thì cô ấy vẫn được tính là một người có kết cục hạnh phúc tốt đẹp. Bà Trương Ninh năm nay (2022) là 73 tuổi.

Phương Lam
Theo DVC



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật cuộc đời mỹ nhân và thuật xem tướng xương