Bí quyết thay đổi cuộc sống nhờ cải thiện tần số rung động (Phần 3): Căn bệnh thờ ơ vô cảm và cái chết lâm sàng của xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

... Nhưng nó là một vực thẳm về mức năng lượng mà người ta đang trượt đến cùng với dự báo cái chết lâm sàng của đời sống xã hội. Người ta có thể coi xã hội Trung Quốc đương đại là tấm gương xấu để tránh né.

Tựa: Công trình của Hawkins là sự kết hợp giữa tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc và trình độ nhận thức tâm linh của một tín hữu tu tập có thành tựu, cũng là một gạch nối giữa khoa học chân chính hiện đại với lời dạy của các Thánh giả, hiền nhân xa xưa. Độc giả có thể xem chi tiết trong cuốn “Power vs Forces”. Mục đích của loạt bài viết này là minh họa, giải thích kết quả nghiên cứu trên bằng Văn hóa Thần truyền Á Đông - ngược lên đến đầu nguồn của nó chính là Đạo - qua những câu chuyện sinh động, đồng thời gợi ý những giải pháp, những ứng dụng của chúng trong đời sống. Qua đó chúng ta có thể nhận thức sâu hơn về trí huệ “sâu khó có thể dò” của cổ nhân mà đến nay đang được khoa học chân chính tái khám phá.

Xem lại
Phần 1: Tần số rung động có ý nghĩa gì?
Phần 2: Giải được “Nhục” chỉ có “Nhẫn”

Hết “nằm ngửa” lại “đến đâu thì đến”

Sự kiện Lục Tứ ngày 4/6/1989 là phong trào thanh niên, sinh viên trí thức Trung Quốc cất cao tiếng nói đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải cải cách xã hội nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ của họ đã bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dìm trong bể máu.

Hơn ba mươi năm sau, bất công xã hội càng gay gắt hơn, song thanh niên Trung Quốc không chọn biện pháp cứng rắn để đối đầu với nhà nước như thế hệ cha anh của họ. Họ chọn một cách phản đối khác khiến chính quyền khó mà bắt bẻ. Đó là “nằm ngửa”“đến đâu thì đến”.

“Nằm ngửa” là một “hot trend” (xu hướng nổi bật) của một vài năm trước.

Có thể tóm tắt ý tưởng của “chủ nghĩa nằm ngửa” như sau: “không làm việc, không mua nhà, không mua đồ, không tiêu dùng, không kết hôn và sinh con, tiết chế ham muốn và nhu cầu đến tối thiểu”.

“Nằm ngửa” không có nghĩa là hoàn toàn không làm việc, mà là làm việc ít đi, sao cho có đủ chi phí tối thiểu để duy trì cuộc sống, chứ không “bán mạng” cho công việc hay những “giấc mơ đổi đời” nữa.

Tương tự như “nằm ngửa”, “đến đâu thì đến” hiện đang là một phong trào xã hội được rất nhiều người trẻ Trung Quốc hưởng ứng, điều kiện tham gia rất dễ, thay vì nỗ lực vươn lên thì hãy buông xuôi, bất cần, xã hội muốn sao cũng được, nhà nước muốn gì cũng kệ, đến đâu thì đến, ra sao thì ra.

“chủ nghĩa nằm ngửa”, được rất nhiều thanh niên Trung Quốc hưởng ứng
“Chủ nghĩa nằm ngửa”, được rất nhiều thanh niên Trung Quốc hưởng ứng (Ảnh: Vision Times)

Thờ ơ bất cần không phải là tâm thái của người tu luyện

Có người đồng nhất trạng thái buông xuôi này với cảnh giới buông bỏ của người tu luyện, hay của các hiền triết Đông - Tây xưa nay. Nhưng không, chúng tuyệt đối khác biệt. Người tu luyện chân chính một khi đã nhìn thấu ý nghĩa của kiếp nhân sinh, liền có thể buông bỏ danh lợi từ trong tâm, nỗ lực chịu khổ, tu dưỡng tâm tính để nâng cao cảnh giới đạo đức và tinh thần, cũng tức là chân chính cải thiện tần số rung động và mức năng lượng. Còn “nằm ngửa”, “đến đâu thì đến” là trạng thái buông xuôi, bất lực, chán nản khi những mưu cầu danh lợi gắng mấy cũng không thể đạt được, chính là “lực bất tòng tâm”. Đó là một biểu hiện của sự thờ ơ.

Căn bệnh thờ ơ vô cảm của người Trung Quốc đương đại

Thực ra không phải chờ đến khi thanh niên Trung Quốc theo nhau “nằm ngửa” hay “đến đâu thì đến”, người dân nước này từ lâu đã trở nên thờ ơ, thậm chí đã đến mức dửng dưng vô cảm.

Cuối tháng 6/2021, trên mạng internet có một đoạn video ghi lại cảnh một chiếc ô tô bốc cháy trong đường hầm Vành đai Thượng Hải. Trong video đó, một người phụ nữ được cho là đang bị mắc kẹt trong chiếc ô tô và la hét không ngừng. Cách đó không xa nhiều chiếc xe dừng lại xem nhưng không ai tới giải cứu. Cuối cùng tiếng la hét cũng tắt hẳn, người phụ nữ chết cháy trong sự thờ ơ của những người chứng kiến.

Ngày 20/6/2018, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền đoạn video quay lại cảnh một cô gái ngồi ở cửa sổ tầng 8 của một tòa nhà và có ý định nhảy xuống dưới tự tử. Trong khi đó, đám đông xung quanh cô hô hào: “Sao còn chưa nhảy xuống?”, “Nếu muốn nhảy thì làm nhanh lên!”. Chính những người này đã ngăn cản nỗ lực giải cứu cô gái của các lính cứu hỏa và vỗ tay thích thú khi cô gái nhảy xuống, đập xuống đất và chết ngay lập tức.

“Sự kiện Tiểu Duyệt Duyệt” năm 2011 còn gây chấn động hơn nữa. Tiểu Duyệt Duyệt là một bé gái 2 tuổi, bị hai chiếc ô tô chạy trên lề đường Phật Sơn, lần lượt chèn qua. Lúc đó không ai trong số 18 người qua đường chìa tay ra giúp đỡ em. Một người công nhân vệ sinh cuối cùng cũng đưa em đến bệnh viện cấp cứu, song vết thương chí mạng đã khiến em qua đời.

v.v.

Thấy đau không thương, thấy họa không giúp, thấy chết không cứu, gặp lửa cháy đổ thêm dầu… thờ ơ vô cảm đã trở thành một dạng bệnh tâm lý trầm trọng của xã hội Trung Quốc đương đại.

Vì đâu nên nỗi?

Khó mà thống kê cho đủ lý do khiến người Trung Quốc ngày nay trở nên thờ ơ, sau đây là một số nguyên nhân chính.

Vì đâu mà thanh niên Trung Quốc hưởng ứng phong trào “nằm ngửa”, “đến đâu thì đến”? Từ những tâm sự của họ, thấy rằng:

Vì xã hội quá bất công, không nhiều người còn ấp ủ khát vọng cống hiến cho một xã hội mà sự cần cù, tài năng, lòng trung thực… vẫn luôn thất bại trong cuộc cạnh tranh với nguồn gốc huyết thống, văn hóa dối trá và tệ nạn “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.

Vì cuộc sống quá bất an, ai biết ra sao ngày sau. Thiên tai ngày càng dồn dập, nào là dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh châu chấu, động đất, mưa đá, kinh tế khủng hoảng v.v. trong thiên tai lại bồi thêm nhân họa, thậm chí đáng sợ hơn gấp bội. Chẳng hạn như ở Thượng Hải, người ta sợ chính sách “Zero COVID” hơn cả sợ virus COVID - 19. Ở Trịnh Châu, người ta sợ cán bộ nhà nước xả lũ hơn cả sợ mưa bão. Và ở khắp Trung Quốc, người ta chưa chắc đã sợ nạn châu chấu hơn chính sách cưỡng ép trồng cây lương thực mà phá bỏ mùa màng đang chờ gặt hái của họ.

Vì những bài học ghê rợn ở Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng… nên thanh niên thay vì chọn cách đứng lên giơ cao cánh tay tranh đấu, họ chán chường nằm xuống im lặng phản kháng.

Vì mấy ai còn giữ được lòng tin vào chính sách tuyên truyền, những cuộc vận động chính trị lừa gạt hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Còn với đại bộ phận người Trung Quốc thì sao?

Họ đã quá quen thuộc với đủ loại tai họa xảy ra trong cuộc sống. Khi bất công và tội ác đã trở nên phổ biến thì cảm xúc cũng hóa chai lỳ. Chủ nghĩa vô Thần cũng khiến người ta không còn tin vào luật Nhân - Quả, “Đức - Nghiệp”, quan niệm “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”... trong văn hóa truyền thống, từ đó muốn sao làm vậy, bất chấp hậu quả.

Phật Pháp là vĩnh hằng, còn những ai chống lại Thần Phật đều sẽ nhận phải quả báo bi thảm.

Vì lòng tin giữa con người với nhau đã trở nên hiếm hoi và xa xỉ, khi mà các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống đã bị quét sạch, thay vào đó là những quan niệm méo mó biến dị.

Chẳng hạn, vào năm 2006, một bà lão ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bị ngã ở bến xe buýt. Một nam giới tên Bành Vũ đã bước tới đỡ bà cụ đứng lên. Nhưng sau đó bà lão lại cho rằng Bành Vũ đã xô ngã bà và yêu cầu anh phải bồi thường. Cuối cùng, việc này đã được đưa ra tòa.

Dựa trên phân tích về “kinh nghiệm sống hàng ngày” và “lý luận xã hội”, thẩm phán tuyên bố Bành Vũ “nếu làm điều tốt vì dũng cảm trượng nghĩa, thì cách tiếp cận thực tế hơn lẽ ra nên là bắt kẻ đã xô ngã nguyên đơn, chứ không phải chỉ đỡ bà cụ đứng dậy vì lòng tốt.” Cuối cùng, thẩm phán đã phán quyết Bành Vũ phải bồi thường 45.000 nhân dân tệ (khoảng 160 triệu VNĐ).

Dẫu là nguyên nhân gì, thì hậu quả vẫn là một xã hội bạc nhược với những cá nhân tuyệt vọng.

“Nằm ngửa” gần giống như ngủ đông - trạng thái mà cơ thể duy trì nhu cầu năng lượng ở mức thấp nhất, đủ để tồn tại. Nếu vài người “nằm ngửa”, thì là lựa chọn cá nhân, không ảnh hưởng đến xã hội. Nhưng số đông “nằm ngửa”, “đến đâu thì đến”, “thờ ơ vô cảm” thì quốc gia vô vọng. Tuổi trẻ “nằm ngửa”, đất nước sẽ “ngã sấp mặt” và không có tương lai. Vậy mà những kế hoạch ĐCSTQ đặt ra nghe thật là kỹ vĩ, cứ như sắp làm bá chủ hoàn cầu đến nơi.

Không có “giấc mơ Trung Hoa” nào có thể xây dựng trên nền móng tinh thần rệu rã của dân chúng. Chúng ta quay lại công trình nghiên cứu của tiến sĩ David R. Hawkins về mức năng lượng tương ứng với trạng thái thờ ơ tuyệt vọng.

Tầng năng lượng 50 - Thờ ơ

Trong cuốn “Power vs Forces”, tiến sĩ David R. Hawkins viết về tầng năng lượng này như sau:

“Tầng này có đặc điểm là nghèo đói, tuyệt vọng và vô vọng. Thế giới và tương lai trông có vẻ ảm đạm; cuộc sống đầy đau thương. Thờ ơ là trạng thái bất lực; nạn nhân của nó thiếu thốn mọi thứ, họ không chỉ thiếu nguồn lực mà còn thiếu cả năng lượng để có thể tận dụng những nguồn lực sẵn có. Nếu không có nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài thì họ có thể không làm gì nhằm duy trì đời sống, kết quả là tự tử thụ động, mất hết ý chí sống, ánh mắt của họ đờ đẫn và vô vọng…

Đây là tầng của những người vô gia cư và những người bị bỏ rơi… Thường thì, xã hội không có đủ động lực nhằm giúp đỡ một cách thiết thực cho các cộng đồng cũng như các cá nhân ở tầng này - họ bị coi như những người ăn bám. Đây là tầng năng lượng của các đường phố ở Calcutta, nơi chỉ những người thánh thiện như mẹ Teresa và đệ tử của bà mới dám đặt chân đến. Thờ ơ là từ bỏ hy vọng, và chẳng có mấy người có đủ dũng khí để thực sự đối diện với nó.”

Thực ra trạng thái thờ ơ của nhiều người Trung Quốc hiện nay cũng không hoàn toàn khớp với mô tả của tiến sĩ Hawkins về những người hoàn toàn mất phản ứng với đời sống. Nói chính xác hơn là họ thờ ơ về một vài khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Giống như người trẻ Trung Quốc không hy vọng rằng nỗ lực vươn lên sẽ giành được quả ngọt. Và người Trung Quốc nói chung không hy vọng vào chính quyền sẽ trở nên khoan thứ và công bằng, rằng tiếng nói của mình sẽ khiến xã hội tốt đẹp hơn, rằng “ở hiền sẽ gặp lành”, rằng “hành thiện tích đức”...

Nhưng nó là một vực thẳm về mức năng lượng mà người ta đang trượt đến cùng với dự báo cái chết lâm sàng của đời sống xã hội. Người ta có thể coi xã hội Trung Quốc đương đại là tấm gương xấu để tránh né.

Người thờ ơ (mức năng lượng 50) là người đã trơ lì về mọi cảm xúc, giống như một kẻ vô hồn. Họ không còn cảm thấy nỗi đau (mức năng lượng 75), chẳng biết sợ hãi (mức năng lượng 100), không còn ham muốn (mức năng lượng 125), hay sự giận dữ (mức năng lượng 150)... xin nhắc lại rằng nó tuyệt đối khác hẳn với những người dày công tu luyện để ngoại vật không thể tác động đến nội tâm, đạt đến trạng thái an bình, bình hòa (mức năng lượng 600). Người thờ ơ ở đây là người không còn hy vọng vào bất cứ điều gì.

Một người ở trạng thái thờ ơ tuyệt vọng thì khiến họ cảm thấy nỗi đau hay sự sợ hãi, ham muốn, thậm chí sự giận dữ cũng là một cải thiện tích cực, dù rằng những trạng thái tinh thần này vẫn chưa đạt được mức tối thiểu cần có (mức năng lượng 200: dũng khí). Nhưng rốt cục, để chữa trị căn bệnh nan y này, những liệu pháp bề mặt nông cạn là không đủ.

Trào lưu “nằm ngửa” gây sốt trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc gần đây đã thu hút sự chú ý của chính quyền. (Ảnh Internet)
Trào lưu “nằm ngửa” gây sốt trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc gần đây đã thu hút sự chú ý của chính quyền. (Ảnh Internet)

Văn hóa truyền thống là bài thuốc đặc trị bệnh thờ ơ

Người xưa có thể thờ ơ với công danh sự nghiệp, với chế độ chính trị đương thời mà họ bất phục, chứ không thờ ơ với việc làm người tốt. Ví như Đào Tiềm thời Đông Tấn, treo ấn từ quan bởi không muốn “vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm…” Ông về quê tự cày cấy nuôi thân, sống cuộc đời trong sạch, để lại cho hậu thế những kiệt tác thơ văn về thú điền viên. Hay như “Trúc Lâm thất hiền" đời Tấn là những văn nghệ sĩ không đồng tình với những gian trá, hèn hạ của giới quan liêu trong triều đình bèn từ quan bỏ lên rừng trúc, tiêu dao tự tại, uống rượu đàn hát vui vẻ.

Văn hóa truyền thống (VHTT) chịu ảnh hưởng của Tam giáo Nho - Phật - Lão. Đạo gia coi trọng chữ “Chân”; Phật gia lại dạy người sự từ bi, Nho gia coi chữ “Nhân” đứng đầu trong “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”… Người có lòng nhân, có sự từ bi hay có sự chân thành không thể thờ ơ vô cảm với đau khổ của đồng loại.

Ngược lại với thuyết vô Thần, VHTT chịu ảnh hưởng của thuyết Nhân - Quả của nhà Phật, tin rằng ai gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy, người thấy chết không cứu, thấy ác theo hùa cũng là một tội ác phải chịu quả báo.

Người Việt thì giáo dục lòng trắc ẩn trong ca dao, tục ngữ, dễ học, dễ thuộc và đi vào lòng người:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”

Hay là:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

VHTT giúp con người nhìn ra quy luật của vũ trụ “sự cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” (Chu Dịch), tạm hiểu là: “sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền.” Đi đến tận cùng cái khổ, sẽ hưởng quả ngọt, chính là “khổ tận cam lai”. Đạo lý ấy đã giúp biết bao thế hệ người xưa vượt qua đau khổ và tuyệt vọng.

Người Việt cũng có đạo lý tương tự, chẳng hạn:

“Sông có khúc, người có lúc”

Hay là:

“Chớ than phận khó ai ơi. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.”

Chính là bài thuốc đặc trị căn bệnh thờ ơ vô cảm hay tuyệt vọng.

Phục hồi văn hóa truyền thống sẽ nâng cao tần số rung động của cá nhân và xã hội

ĐCSTQ phá hoại VHTT đề cao đạo đức và các quan niệm về nhân quả, thiện ác hữu báo… khiến con người thời nay mất đi điểm tựa tinh thần, khủng hoảng niềm tin, nhìn đâu cũng thấy hoang mang sợ hãi. ĐCSTQ những năm gần đây cũng hô hào khôi phục VHTT, nhưng cái mà họ gọi là VHTT chỉ là cái vỏ, là hình thức bề ngoài, mà nội hàm bên trong đã bị đánh tráo, thay bằng những quan niệm méo mó biến dị của văn hóa Đảng, lại càng khiến cho con người mất lòng tin hơn nữa.

Khôi phục VHTT chân chính, con người sống, hành xử theo VHTT thì những chứng bệnh tâm lý như thờ ơ vô cảm sẽ tự biến mất. Chính là một biện pháp cải thiện, nâng mức năng lượng và tần số rung động từ mức thấp (50) lên những mức cao hơn trong “Bản đồ ý thức” của David R. Hawkins. Khi mỗi cá nhân nâng cao mức năng lượng của mình thì các vấn đề xã hội ắt hẳn sẽ có chuyển biến tích cực.

(Bài viết chỉ là nghiên cứu của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết thay đổi cuộc sống nhờ cải thiện tần số rung động (Phần 3): Căn bệnh thờ ơ vô cảm và cái chết lâm sàng của xã hội