Bích họa của một ngôi chùa cổ tiết lộ tiền kiếp của Đức Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Bích họa "Thiện Hữu thái tử và ngọc Như Ý" ở chùa Khai Hoa là bức họa lớn thời kỳ Bắc Tống duy nhất còn tồn tại ở Trung Quốc, nói về câu chuyện tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Trải qua nhiều năm không đắc nguyện, cuối cùng Ma-Ha-La-Các cũng có hai người con

Ngày xưa, có một nước lớn gọi là Bà-La-Sấn, thống trị 60 nước nhỏ, quốc vương nhân từ hiền minh, tên gọi Ma-Ha-La-Các. Ông tuy có đến hai vạn phi tử, nhưng đã qua 12 năm mà vẫn chưa có con. Quốc vương khát vọng có con nên ngày ngày cầu khấn Thần linh.

Một ngày, vương hậu mang thai, sau sinh hạ một con trai. Việc này làm quốc vương vô cùng vui mừng. Cậu bé có ngũ quan tuấn mỹ, thân hình đoan chính. Không lâu sau, một phi tử khác cũng sinh được một cậu con trai. Quốc vương lệnh cho thầy tướng chiêm bốc tên gọi. Thầy tướng nêu ra vấn đề hỏi Quốc vương, đó là khi hai vị này giáng sinh, có điềm báo cát tường gì không? Quốc vương sau đó trả lời: “Vương hậu nguyên là người đố kỵ ngang ngược, kiêu mạn tự đại, nhưng từ khi hoài thai thái tử lại trở lên ôn hòa thiện lương, thương xót chúng sinh.”; “Quý phi thì nguyên là ôn hòa thiện lương, được lòng mọi người, nhưng khi hoài thai lại biến ra thô bạo vô lý, đố kỵ ngang ngược.”

Thầy tướng căn cứ lời Quốc vương, nói rằng: "Cậu bé thứ nhất do có phúc đức tương lai mà làm cho mẫu thân có cải biến tốt đẹp, nên đặt tên là Thiện Hữu thái tử cậu thứ hai do nghiệp hạnh tương lai mà làm cho mẫu thân thành ra như vậy, nên gọi là Ác Hữu thái tử".

Khi hai cậu lên 14 tuổi, khác nhau rất lớn. Thái tử Thiện Hữu thông minh nhân từ, phụ mẫu yêu thương coi như ngọc quý, hết sức sủng ái. Còn thái tử Ác Hữu tính tình hung bạo, ai thấy cũng ghét. Ác Hữu luôn tật đố Thiện Hữu, lợi dụng các cách khác nhau làm thương hại Thiện Hữu, nhưng Thiện Hữu vẫn thường khuyên bảo Ác Hữu, tiếc là Ác Hữu không nghe mà còn ôm hận trong lòng.

Vào một ngày, Thiện Hữu thái tử lần đầu ra ngoài thành du ngoạn. Nhìn thấy nông dân trồng cấy, rất là vất vả; còn thấy nhiều nam nữ cùng nhau xe sợi dệt vải, cũng lao khổ vô cùng; sau đó lại còn thấy đồ tể giết bò, ngựa, lạc đà, luộc lợn, xẻo dê, lại càng thêm thương cảm; lại thấy phường săn, ngư phủ chăng lưới đánh bắt chim cá mưu sinh, thái tử sầu muộn hồi cung, thỉnh cầu quốc vương cho mở kho tiền, lương thực, vải vóc bố thí cho thiên hạ bách tính. Quốc vương bèn chiều theo tâm nguyện của thái tử. Tin thái tử bố thí truyền ra, dân chúng tụ tập rất đông về vương thành. Không lâu sau, quốc khố đã bị thái tử dùng hết 2/3.

Do vậy, quần thần hết sức lo lắng quốc khố rỗng không, bèn dâng tấu quốc vương, quốc vương trả lời: “Không được làm tổn thương tâm nguyện của thái tử. Các vị có thể dùng cách trì hoãn kéo dài mà cản trở việc bố thí.”

Khi Thiện Hữu thái tử đến kho lấy tiền tài, quan coi kho cố ý đi xa lánh mặt. Việc này làm thái tử tức giận nói: “Mấy người này dám vi phạm tâm nguyện của ta sao?”, nhưng nghĩ lại đây có thể là ý của phụ vương, lại nghĩ là người con hiếu thảo thì không nên làm rỗng quốc khố của phụ vương, mà lên tự mình làm ra tài vật đem bố thí. Thế là, thái tử cho triệu tập quần thần đến tham vấn, nhằm tìm ra cách tốt nhất để có được tiền vật.

Các đại thần lục tục dâng kế sách:

“Làm đất trồng cây, trồng một hạt mà thu vạn hạt”.

“Nuôi gia súc, hàng năm sinh sôi, là có lợi nhất”.

“Thế nhân cầu lợi, cầu vật quý, chi bằng ta xuống biển tìm ngọc quý. Nếu lấy được ngọc Như ý, thì có thể đáp ứng tất cả nguyện vọng thế gian”.

Thái tử nghe lời vị đại thần thứ ba, cao hứng nói: “Cách ấy là tốt nhất nhanh nhất!”, rồi lập tức khẩn cầu quốc vương: “Con muốn xuống biển để lấy trân bảo và ngọc Như ý.”

Quốc vương thấy việc này quá gian nan nguy hiểm, kiên quyết không cho thái tử đi, ai ngờ thái tử không ăn không uống, quỳ liền 7 ngày. Quốc vương và thái hậu biết rằng, nếu không đáp ứng thì thái tử sẽ chết, nên đành miễn cưỡng đồng ý.

Quốc vương cho mời một vị lão nhân 80 tuổi bị mù nhưng thông thuộc đường đi để dẫn đường, cùng 500 bách tính đi theo, cùng nhau xuống biển tìm ngọc.

Thiện Hữu thái tử xuống biển tìm ngọc - Thủ đoạn tàn độc của Ác Hữu

Ác Hữu lo sợ sau khi Thiện Hữu lấy được bảo ngọc mang về thì sẽ càng được yêu quý, dẫn đến mình lại càng bị coi thường, nên yêu cầu được đi cùng. Quốc vương cũng đáp ứng, và còn đặc biệt căn dặn: “Lúc nguy cấp, anh em hai người phải tương trợ, cứu trợ nhau.”

Đoàn người thuận lợi đến được hòn đảo ngọc trên biển. Thiện Hữu cho Ác Hữu cùng 500 người lưu lại trên đảo để thu thập ngọc quý, còn mình cùng lão nhân tiếp tục lên đường, đi tìm ngọc Như ý.

Họ đi được 21 ngày, lão nhân sức khỏe không trụ được mà qua đời, trước khi chết có dặn thái tử, đi thêm 28 ngày nữa có thể đến được Long Cung. Trong tai Long vương có một hạt ngọc Như ý, có được nó, thì có thể ban tài vật mà chúng sinh nhân gian mong cầu như mưa từ trời xuống. Mai táng xong lão nhân, Thiện Hữu lại lên đường.

Do thái tử nhất tâm chỉ mong cầu hạnh phúc cho bách tính, nên cho dù gặp rắn độc, rồng dữ, cũng không làm hại thái tử. Cuối cùng thái tử đã đến Long Cung, gặp Long vương.

Thiện Hữu thái tử giảng pháp lý cho Long vương, thuyết giảng đạo thiện. Long vương nghe xong rất vui mừng. Giữ Thiện Hữu lưu lại 7 ngày, còn cho ngọc Như ý, rồi đưa thái tử Thiện Hữu vào bờ.

Chúng ta là cỏ xanh, hay trai ngọc?
Long vương nghe xong rất vui mừng. Giữ Thiện Hữu lưu lại 7 ngày, còn cho ngọc Như ý, rồi đưa thái tử Thiện Hữu vào bờ. (Ảnh tổng hợp)

Thiện Hữu lên bờ thì chỉ tìm thấy một mình Ác Hữu. Ác Hữu nói: “Thuyền chìm rồi, tất cả đều chết chìm. Chỉ có mình tôi trôi dạt vào bờ, tất cả ngọc quý đều chìm dưới biển”.

Thiện Hữu an ủi: “Tất cả ngọc quý đều không hơn được sinh mệnh của mình.” Rồi kể rằng mình đã tới Long cung cầu được ngọc Như Ý, lập tức Ác Hữu sinh lòng đố kỵ.

Thiện Hữu hoàn toàn không hay biết tâm địa cậu em, lấy ngọc Như ý từ trong búi tóc ra, giao cho Ác Hữu rồi nói: “Nếu ta mệt nằm ngủ thì em thức canh chừng. Nếu em mệt ngủ thì ta thức trông coi ngọc Như ý.”

Khi Thiện Hữu nằm ngủ, Ác Hữu tìm hai đoạn trúc nhọn sắc đâm mù hai mắt Thiện Hữu, rồi lấy ngọc Như ý đi mất. Thiện Hữu thái tử đau đớn kinh hãi gọi: “Ác Hữu, Ác Hữu mau tới cứu, có kẻ cướp đâm mù mắt ta, lấy ngọc đi rồi!”, tuy nhiên kêu khóc mãi cũng không ai tới cứu. Thiện Hữu đau buồn nói: “Em ta có lẽ cũng bị bọn cướp làm hại rồi, không biết em đang ở đâu?”

Thiện Hữu bi thống khóc than, kinh động Thần cây. Thần cây nói với Thiện Hữu: “Chính người em đã chọc mù mắt cậu, lấy ngọc Như ý chạy đi rồi, cậu vẫn còn gọi nó làm gì?”

Thiện Hữu thái tử nghe được, đau khổ vạn phần.

Thái tử Ác Hữu mang ngọc Như Ý về nước, gặp cha mẹ, rồi nói: “Con do phúc lớn mệnh dày, được cứu giúp nên toàn mạng quay về. Còn Thiện Hữu phúc nhỏ mệnh mỏng, đã chết chìm đáy biển rồi.”

Quốc vương và Hoàng hậu nghe xong khóc lớn ngã lăn xuống đất, cận thần vội lấy nước lạnh cấp tốc hồi tỉnh. Lúc lâu sau mới tỉnh lại được, vừa bi thương vừa tức giận nói với Ác Hữu: “Anh của con đã chết, con một mình quay về, còn mặt mũi nào mà đến tìm chúng ta?”

Ác Hữu nghe vậy, không dám đưa ngọc Như Ý ra, nên đem chôn dưới đất.

Còn Thiện Hữu hai mắt bị mù, đau đớn khổ sở, muốn sống không được, muốn chết chẳng xong, lần mò đi khắp nơi, không lâu sau bò tới thuộc quốc Lợi Sư Bạt. Lợi Sư Bạt quốc vương có một người con gái, trước đây đã hứa gả cho Thiện Hữu thái tử của Bà La Sấn quốc. Lúc này có một người chăn bò đang xua đàn bò tới. Khi đàn bò gần giẫm đạp lên Thiện Hữu, con bò đầu đàn dùng bốn chân che chắn trên người Thiện Hữu, bảo vệ cậu, sau đó dùng lưỡi gẩy que trúc trong mắt thái tử ra. Người chăn bò nhìn thấy Thiện Hữu hỏi: “Anh là ai?”

Thiện Hữu nghĩ: “Mình không thể nói rõ sự tình bị hại, vì nếu việc này truyền ra thì em ta sẽ bị thống khổ.”, nên đáp: “Tôi là một kẻ ăn mày mù lòa.”

Người chăn bò nhìn thấy người này tâm từ diện thiện, là phúc tướng quý nhân, nên dìu về nhà chăm sóc. Một tháng trôi qua, người trong nhà thấy phiền nên Thiện Hữu thái tử bèn cáo từ người chăn bò.

Tiếng đàn Thiện Hữu rung động lòng người - Con gái quốc vương Lợi Sư Bạt quốc lấy chồng

Người chăn bò lương thiện cho thái tử một cây đàn, rồi đưa tới nơi đông đúc phồn thịnh, vương thành của Lợi Sư Bạt quốc. Thiện Hữu thái tử tinh thông âm luật, người nghe trên đường say mê tiếng đàn. Người ta cho thái tử rất nhiều y phục, lương thực, cả 500 người ăn mày ở vương thành cũng theo thái tử mà được ấm no.

Trong thành có một vườn hoa của quốc vương, một lần người coi vườn ra ngoài phố, nghe thấy tiếng đàn Thiện Hữu, rất thán phục, nên mời thái tử giúp ông ta trông coi vườn hoa.

Một ngày nọ, con gái quốc vương cùng thị nữ tới hoa viên du ngoạn, nghe thấy tiếng đàn như oán như than, lay động lòng người, lần theo tiếng đàn tới bên Thiện Hữu. Công chúa thấy một người mù đang gảy cổ cầm, bèn hỏi: “Ngươi là ai?”

Thái tử Thiện Hữu đáp: “Tôi là người ăn mày mù lòa.”

Công chúa nghe xong động lòng xót thương, ngồi bên Thiện Hữu nghe đàn, không muốn rời đi. Quốc vương cho sứ thần mời công chúa về cung, nhưng công chúa không muốn về, cô nói với sứ thần: “Cho mang đồ ăn tới đây.”

Sau khi cùng dùng bữa với Thiện Hữu, trở về vương cung liền khẩn cầu quốc vương: “Phụ vương, xin hãy gả con cho người mù đó, người đó rất hợp tâm nguyện của con.”

Quốc vương kinh ngạc, mắng công chúa: “Con bị ma nhập rồi, tâm loạn cuồng điên rồi! con là công chúa, sao lại đi lấy gã ăn mày mù? Chẳng lẽ con không biết là chúng ta đã hứa gả con cho thái tử Thiện Hữu của Bà La Sấn quốc rồi sao? Nay thái tử đang xuống biển tìm ngọc, vẫn chưa quay về, con sao có thể đi làm vợ một kẻ ăn mày được?”

Công chúa tâm ý đã quyết, thà chết không thay đổi, quốc vương thấy con ý chí kiên định, không dám cự tuyệt, bèn cho sứ thần đưa Thiện Hữu vào vương cung, cho ở trong một cung thất vô cùng vắng lặng. Khi công chúa đến cung thất của Thiện Hữu, nói với thái tử: “Chàng biết không, nay ta muốn cùng chàng kết duyên chồng vợ.”

Thiện Hữu nghe xong cả sợ hỏi: “Cô là con nhà ai? Sao lại muốn làm vợ ta?”

Công chúa đáp: “Ta là con gái quốc vương Lợi Sư Bạt.”

Thiện Hữu nói: “Cô là công chúa, tôi là kẻ ăn mày mù, chúng ta sao có thể kết thành phu thê, kính ái lẫn nhau được?”

Công chúa nói: “Ta toàn tâm toàn ý cung phụng chàng, tuyệt không phụ lòng chàng.”

Thế là hai người hình bóng không rời, hạnh phúc bên nhau suốt 3 tháng.

Một ngày, công chúa có việc ra ngoài, khi đi không bảo Thiện Hữu, rất lâu sau mới quay về. Thiện Hữu nổi giận trách công chúa: “Nàng đi đâu vậy? sao đến giờ mới về? có tư tình gì không?”

Công chúa trả lời: “Tuyệt không có tư tình.”

Thiện Hữu lại nói: “Nàng có tư tình hay không, ai mà biết được?”

Công chúa đau lòng tuôn lệ, đặt lời thề: “Nếu thiếp có tư tình, thì đôi mắt chàng sẽ vĩnh viễn tối tăm. Nếu thiếp không tư tình, cầu xin một mắt chàng lập tức sáng lại.”

Lời vừa dứt, một mắt thái tử bỗng máy động, khôi phục nguyên trạng, ánh sáng ùa về, nhìn rõ dung mạo mỹ lệ của vợ, muôn phần ngại ngùng.

Công chúa nói với Thiện Hữu: “Bây giờ chàng đã tin chưa”.

Thiện Hữu thái tử ngậm cười không nói.

Công chúa bảo: “Thiếp là công chúa, chàng là kẻ bần cùng, thiếp nhất tâm nhất ý cung phụng chàng, nhưng chàng lại không tin thiếp!”

Thiện Hữu thái tử bèn nói ra thân phận của mình: “Ta là thái tử Thiện Hữu của Bà La Sấn quốc.”

Công chúa hỏi lại: “Thiện Hữu thái tử xuống biển tìm ngọc chưa về, sao chàng lại giả làm anh ta? Đây là lời nói dối.”

Thiện Hữu trả lời mình không nói dối, nên công chúa yêu cầu có người làm chứng để phân thật giả. Thiện Hữu nói: “Nếu ta lừa nàng, thì con mắt còn lại của ta vĩnh viễn không sáng lại. Nếu ta nói là thực, thì con mắt đó hãy lập tức phục hồi.”

Lời vừa dứt, mắt đã sáng, trông anh tuấn như xưa. Công chúa vui mừng chạy đi tìm phụ vương rồi nói: “Chồng con chính là Thiện Hữu thái tử đó!”, và đưa phụ vương đến xác nhận.

Chân tướng đã rõ ràng -Thiện Hữu đưa vợ về

Quốc vương tới thâm cung của Thiện Hữu, thấy đúng là thái tử Thiện Hữu nên bất giác thấy bất an trong lòng: “Nếu Bà La Sấn quốc biết được việc này sẽ trách tội ta.”

Nên lập tức ân hận tới xin lỗi thái tử: “Ta thực sự đã không biết con là thái tử Thiện Hữu!”

Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đối đãi với bậc trọng thần 'trung ngôn nghịch nhĩ' như thế nào?
“Ta thực sự đã không biết con là thái tử Thiện Hữu!”(Ảnh NTD Việt Nam tổng hợp)

Thái tử nói: “Không sao cả, nhờ ngài thay con cảm tạ người chăn bò đã cứu mạng con.”

Lập tức quốc vương ban thưởng vàng bạc châu báu, vải vóc lương thực cùng 500 con bò cho người chăn bò. Ông ấy rất vui mừng mà nói với mọi người: “Tôi chỉ có một chút ân tình với Thiện Hữu thái tử, mà được báo đáp nhiều trân bảo tài vật như thế này. Đây đúng là Trời cao ban phúc, nhân quả rõ ràng!”

Lại nói, thái tử có nuôi trong cung một con nhạn trắng lớn. Thái tử lâu không về, vương hậu nói với đại nhạn: “Nhạn nhớ thái tử không?”

Đại nhạn ướt nước mắt nói: “Nếu muốn tôi đi tìm thái tử, tôi sẽ cố hết sức mình.”

Vương hậu liền viết một bức thư, buộc vào cổ đại nhạn. Đại nhạn vượt qua bao gian nan cuối cùng cũng tìm được thái tử, nó đỗ xuống trước mặt thái tử, kêu tiếng vui buồn. Thái tử kinh ngạc vui mừng, xem thư biết mẹ cha vì thương nhớ tối ngày khóc than lên đã mờ hai mắt. Thiện Hữu thái tử lập tức viết thư cho đại nhạn mang về.

Quốc vương và vương hậu nhận thư do đại nhạn mang về, vô cùng vui mừng. Biết được Ác Hữu chiếm đoạt ngọc Như ý, đẩy Thiện Hữu vào cảnh khốn cùng, lập tức cho bắt Ác Hữu, tống vào nhà lao. Rồi cho người sang Lợi Sư Bạt quốc đón thái tử hồi cung.

Vừa vặn quốc vương Lợi Sư Bạt đang tổ chức hôn lễ cho công chúa, nên đưa rước thái tử và công chúa về nước. Quốc vương cùng vương hậu cưỡi voi lớn, nghênh đón thái tử từ xa. Bách tính xa gần, bất kể già trẻ nam nữ, ai ai cũng vui mừng đi đón.

Thiện Hữu thái tử hồi cung, quỳ lạy hành lễ phụ mẫu. Phụ mẫu nhìn không rõ dung mạo thái tử, nên dùng tay ôm đầu thái tử, rưng rưng hỏi: “Con đúng là thái tử Thiện Hữu chứ?”

Thiện Hữu hỏi: “Em trai con nay ở đâu?”

Quốc vương đáp: “Kẻ ác như vậy, đã bị tống ngục, quyết không thả ra.”

Thiện hữu khẩn cầu: “Xin phụ vương thả em ra, cho con gặp mặt.”

Thiện Hữu khẩn cầu ba lần, cuối cùng Ác Hữu cũng được thả. Thiện Hữu lập tức ra đón, nhẹ nhàng nói: “Anh không ở nhà nên em phải chịu nhiều khổ cực. Còn ngọc Như ý, em để ở đâu?”

Thiện Hữu khuyên bảo một lúc, đã cảm hóa được Ác Hữu, Ác hữu nói: “Em chôn xuống đất rồi.”

Hai anh em cùng nhau đi đào ngọc lên, hướng về cung phụ mẫu đặt bàn dâng hương, quỳ lạy cầu nguyện: “Xin ngọc quý hãy làm mắt mẹ cha sáng trở lại!”

Lời vừa dứt, mắt phụ vương và vương hậu bừng sáng, trông thấy Thiện Hữu thái tử, vạn phần mừng vui.

Sáng sớm ngày rằm, Thiên hữu thái tử sau khi tắm gội phục trang, đứng trên lầu cao, tay nâng lư hương, đầu đội ngọc Như ý, lập lời thề nguyện với Trời: “Con vì giải cứu chúng sinh khốn khổ, lĩnh chịu khổ nạn cự đại, cầu được ngọc Như ý, hy vọng Ngài chấp thuận, ban hạnh phúc cho nhân gian!”

Lời nguyện vừa dứt, từ phương đông thổi về làn gió mát lành, xua đi tất cả mây mù u ám chốn nhân gian, phút chốc trời trong như nước, trước tiên ban xuống lúa chín, quả ngọt thơm mềm. Sau là đến y phục giày mũ đẹp đẽ, vòng ngọc trâm cài. Cuối cùng ban xuống vàng bạc châu báu cùng nhạc khí chuông trống, tất cả những thứ cần cho sinh hoạt nhân gian đều đầy đủ.

Theo ghi chép trong “Ác Hữu phẩm đệ lục”, câu chuyện này do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể theo thỉnh cầu của đệ tử A Nan. Khi ấy Phật Tổ bảo A Nan: “Quốc vương Bà La Sấn khi đó là phụ vương Tịnh Phạn Vương của ta bây giờ. Vương hậu khi ấy là mẫu thân Ma Da của ta bây giờ. Còn Ác hữu thái tử chính là Đề Bà Đa Đạt ngày nay (em họ của Phật Thích Ca Mâu Ni, mưu hại Phật, sau bị đày Địa Ngục). Thiện Hữu thái tử khi ấy, là kiếp trước của ta”.

Thái Bình
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Bích họa của một ngôi chùa cổ tiết lộ tiền kiếp của Đức Phật