'Biết ơn' là tố chất nhất định phải có khi muốn tìm việc làm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chàng trai trẻ có học lực xuất sắc đi đến một công ty lớn để xin vào vị trí quản lý. Anh đã vượt qua cuộc phỏng vấn đầu tiên, giám đốc công ty sẽ đích thân phỏng vấn vòng cuối, sau đó đưa ra quyết định cuối cùng. 

Theo lý lịch, vị giám đốc nhận thấy thành tích học tập của chàng trai này luôn ở mức xuất sắc, từ khi học cấp 2 đến khi nghiên cứu sinh, chưa năm nào học lực trung bình.

Vị giám đốc hỏi: "Anh đã từng nhận học bổng ở trường chưa?"

Người thanh niên đáp: "Chưa ạ"

Giám đốc hỏi: “Là cha anh đã trả học phí cho anh phải không?”

Chàng trai trẻ nói: “Cha tôi mất khi tôi mới một tuổi, mẹ tôi đã trả tiền học phí cho tôi”.

Vị giám đốc hỏi tiếp: “Mẹ anh làm việc ở đâu?”

Người thanh niên nói: “Mẹ tôi là công nhân giặt là”.

Vị giám đốc yêu cầu người thanh niên duỗi bàn tay của mình ra. Người thanh niên duỗi ra một đôi bàn tay mịn màng và hoàn hảo.

Giám đốc hỏi: "Anh có giúp mẹ giặt quần áo không?"

Chàng trai trẻ trả lời: "Chưa từng ạ. Mẹ tôi luôn muốn tôi chăm chỉ học hành và đọc nhiều sách hơn. Hơn nữa, mẹ tôi giặt quần áo nhanh hơn tôi".

Giám đốc nói: "Tôi có một yêu cầu. Hôm nay khi anh về nhà hãy rửa tay cho mẹ, sáng mai lại đến gặp tôi".

Chàng trai trẻ cảm thấy mình có cơ hội nhận được công việc này. Vừa về đến nhà, anh ta liền cao hứng đòi rửa tay cho mẹ. Người mẹ cảm thấy kỳ lạ, vừa hạnh phúc vừa có một cảm giác phức tạp, bà đưa đôi bàn tay mình cho cậu con trai.

Chàng trai trẻ chậm rãi rửa tay cho mẹ. Anh đang rửa, đột nhiên nước mắt trào ra.

Đây là lần đầu tiên anh nhận thấy trên tay mẹ có nhiều nếp nhăn và vết sẹo chồng chất như vậy. Một số vết sẹo chưa lành khi bị ướt đau đớn vô cùng, khiến người mẹ không khỏi run rẩy.

Đây là lần đầu tiên cậu thanh niên nhận ra: Chính đôi tay này hàng ngày giặt quần áo cho cậu đến trường. Vết sẹo trên tay mẹ chính là cái giá mà mẹ phải trả để anh có thể học tập tốt hơn và có một tương lai tốt đẹp hơn.

Sau khi rửa tay cho mẹ, người thanh niên lặng lẽ giặt sạch tất cả quần áo còn lại cho mẹ.

Đêm đó, hai mẹ con nói chuyện rất lâu.

Sáng hôm sau, chàng thanh niên bước vào văn phòng vị giám đốc.

Giám đốc hỏi: "Anh có thể cho tôi biết hôm qua ở nhà anh đã làm những gì, và cảm nhận ra sao?"

Người thanh niên trả lời: “Tôi đã rửa tay cho mẹ và giặt hết những bộ quần áo còn lại”.

Vị giám đốc hỏi tiếp: "Hãy cho tôi biết cảm giác của anh".

lòng biết ơn
Tôi giờ đây đã biết 'biết ơn' là thế nào. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Chàng trai chia sẻ: "Đầu tiên, tôi giờ đây đã biết 'biết ơn' là thế nào. Nếu không có mẹ thì sẽ không có tôi như ngày hôm nay. Thứ hai, thông qua làm việc và giúp đỡ mẹ, giờ tôi mới ý thức được rằng để hoàn thành một việc gì đó thật khó khăn và vất vả dường nào. Thứ ba, tôi bắt đầu hiểu được tầm quan trọng và giá trị của tình cảm gia đình".

Vị giám đốc cho biết: "Đây là phẩm chất của người quản lý mà tôi đang tìm kiếm. Tôi muốn tuyển dụng một người có thể cảm ân sự giúp đỡ của người khác, một người biết cảm thông với người khác, một người làm việc chăm chỉ để hoàn thành công việc, và một người không lấy tiền làm mục tiêu sống duy nhất của mình. Anh đã được tuyển".

Về sau, người thanh niên này làm việc rất chăm chỉ và được cấp dưới kính trọng. Mỗi nhân viên dưới sự lãnh đạo của anh đều đang làm việc chăm chỉ để tạo thành một tập thể vô tư vô ngã, biết nghĩ cho người khác trước. Hiệu quả hoạt động của công ty cũng được cải thiện đáng kể.

Còn bạn, bạn đã từng một lần rửa tay cho người mẹ hay người cha yêu quý của mình hay chưa? Cảm giác lúc ấy ra sao? Câu chuyện tuy không mới, nhưng có lẽ cũng không bao giờ cũ đối với mỗi người phận làm con như chúng ta!

Hòa An
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

'Biết ơn' là tố chất nhất định phải có khi muốn tìm việc làm