Bộ y bát truyền thừa của Bất Giác tỳ kheo và 49 năm tu luyện như 'mò trăng đáy nước'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất Giác tỳ kheo như bừng tỉnh ngộ. Hỡi ôi, chỉ lầm lẫn một chút mà ông đã đi lệch lúc nào không hay, bốn mươi chín năm thoắt đã trôi qua tựa như bóng nước, tựa như ảo ảnh, tựa hồ hư huyễn!...

Chiều buông... Ánh nắng cuối ngày như dát vàng khắp tịnh xá Cáp Kỳ Na rạng rỡ với những tòa lầu và bảo điện cao thấp đan xen thật uy nghi tráng lệ. Tiếng chuông chùa từ khu cổ tháp điểm đều đều tám mươi mốt tiếng, trầm tĩnh ngân vang khắp một vùng không gian mênh mang rộng lớn. Tiếng chuông mang năng lượng bình an. Tiếng chuông thức tỉnh cõi vô thường nhân thế. Tiếng chuông điểm ngộ chúng sinh buông bỏ sân si, sớm ngày thoát khỏi sông mê biển khổ để trở về nơi bến giác. Tiếng chuông truyền tải thông điệp về trí huệ và lòng từ bi Phật Pháp…

Bất Giác tỳ kheo đứng tựa tay trên lan can tầng lầu thứ chín của khu bảo điện, từ nơi cao chót vót đó, ông phóng tầm mắt ra xa nhìn khắp một lượt khung cảnh tươi đẹp của tinh xá Kỳ Na, điểm kết thúc là khu điền trại rộng dài tít tắp, ngút ngát màu xanh của đồng cỏ, ruộng vườn, xum xuê cây trái…

từ nơi cao chót vót đó, ông phóng tầm mắt ra xa nhìn khắp một lượt khung cảnh tươi đẹp của tinh xá Kỳ Na
Từ nơi cao chót vót đó, ông phóng tầm mắt ra xa nhìn khắp một lượt khung cảnh tươi đẹp của tinh xá Kỳ Na. (Ảnh: Pixabay)

Đã bốn mươi chín năm rồi, kể từ ngày sư phụ ra đi. Bốn mươi chín năm - quãng thời gian đủ dài cho một đời tu hành cửa Phật.

Ngày sư phụ hạ phàm vân du, khi ấy Bất Giác tỳ kheo còn trẻ lắm. Lão phương trượng nói với ông rằng: "Ta đi chuyến này có lẽ dài lâu, hữu phận hữu duyên ắt sẽ còn gặp lại. Trong số chúng tăng nơi tinh xá Cáp Kỳ Na này, con cũng được coi là người khả ngộ. Vậy nay ta trao lại y bát cho con, hãy chăm chỉ tu hành, sớm hôm tinh tấn, gột sạch tâm phàm. Quyết không được buông thả bản thân, càng không được cô phụ lời dặn dò từ sư phụ".

Bất Giác tỳ kheo đi quanh lão phương trượng ba vòng đảnh lễ, đoạn cúi đầu nhận trao truyền y bát, trong tâm ngậm ngùi không thốt lên lời.

Theo quy định của bổn môn, 'gia tài' của mỗi tỳ kheo là ba y một bát - ba bộ tăng phục, một chiếc bình bát hóa duyên. Tuy nhiên, vì tinh xá khi ấy quá thanh bần nên tính cả bộ y vừa mới được sự phụ trao truyền, vị tỳ kheo trẻ cũng chỉ có vỏn vẹn hai bộ tăng phục sờn rách để sớm tối che thân. Khổ nỗi, tăng phục cứ bị lũ chuột cắn rách hoài, vậy nên năng năng Bất Giác tỳ kheo lại phải đi xin một mụn vải về vá lại y áo để đắp đổi che thân.

Cư sĩ Cấp Cồ Danh thấy vậy bèn biếu Bất Giác tỳ kheo một con mèo về nuôi, phòng trừ lũ chuột. Kể từ đó chuột không dám lộng hành nữa, y phục cũng đỡ phải chịu thêm cảnh vá chằng vá đụp. Nhưng khốn thay Bất Giác lại phải lo thêm một phần ăn. Ngoài khất thực hóa duyên chay tịnh, vị tỳ kheo trẻ đáng thương còn phải xin thêm chút sữa để nuôi con mèo.

Kể từ đó chuột không dám lộng hành nữa, y phục cũng đỡ phải chịu thêm cảnh vá chằng vá đụp.
Kể từ đó chuột không dám lộng hành nữa, y phục cũng đỡ phải chịu thêm cảnh vá chằng vá đụp. (Ảnh: Pixabay)

Cư sĩ Đa Tư Lợi thấy vậy bèn nguyện ý dâng tặng tỳ kheo một con bò cái để có sữa nuôi mèo, Bất Giác vui vẻ nhận lời. Vậy là đã có thừa sữa cho mèo ăn, nhưng lại không đủ rơm nuôi chú bò cái bự, do đó sự tình ngày càng thêm vướng bận - bởi lẽ ngoài đồ ăn khất thực, thầy tỳ kheo lại phải đi xin rơm về để nuôi bò.

Trưởng làng Khưu Ma Tình thấy vậy, cám cảnh quá, ông bèn biếu ngài Bất Giác một thửa điền trang rộng lớn mênh mông và đầy đủ dụng cụ canh nông để thầy tỳ kheo tiện bề trồng trọt chăn nuôi. Vốn là người rộng sức, lại chăm chỉ nhẫn nại nên Bất Giác ra công cày cấy, vậy là rau trổ thật nhiều, hoa trái xum xuê, bò đẻ ra bê, v.v. nhiều đến nỗi phải mang ra chợ bán.

Miếng đất thật màu mỡ, nó tạo ra hoa lợi nhiều quá là nhiều! Bất Giác làm không xuể, phải mướn cả người trong làng tới giúp. Lạ thay, điền trang của tinh xá Cấp Kỳ Na kể từ dạo đó cứ thế mà sinh sôi nảy nở: trồng gì cũng tốt tươi, nuôi gì cũng mau lớn, đất tràn thêm đất, vật đổi ra tiền... cảnh cày cuốc, chăm bón, thu hoạch diễn ra tấp nập sáng ngày tối đêm. Chẳng mấy chốc cả một vùng rộng lớn mênh mang bao quanh khu tinh xá đã trở thành một đại đồn điền ngút ngàn trù phú.

Lạ thay, điền trang của tinh xá Cấp Kỳ Na kể từ dạo đó cứ thế mà sinh sôi nảy nở: trồng gì cũng tốt tươi, nuôi gì cũng mau lớn, đất tràn thêm đất, vật đổi ra tiền...
Lạ thay, điền trang của tinh xá Cấp Kỳ Na kể từ dạo đó cứ thế mà sinh sôi nảy nở: trồng gì cũng tốt tươi, nuôi gì cũng mau lớn, đất tràn thêm đất, vật đổi ra tiền... (Ảnh: Pixabay)

Sẵn giàu lợi tức, Bất Giác tỳ kheo bèn thuê người trùng tu kiến tạo lại hết thảy tam quan bảo điện, đúc chuông kỳ vĩ, tạc tượng khổng lồ, xây dựng cảnh quan, sưu tầm kỳ hoa dị thảo, cổ mộc quái thạch v.v. thôi thì đủ cả. Ngài lại cho xây thêm ba mươi ba tòa nhà lớn, trước là tạo phúc cho người làm công, sau là sắp xếp nơi ăn ở, tĩnh tu cho khách hành hương và số đông cư sĩ. Vậy là "đất lành chim đậu" - dòng người hướng về tinh xá Cáp Kỳ Na ngày một thêm đông, tình người cũng thêm gắn kết: khách hành hương muốn ở lại làm công; người làm công thì trở thành cư sĩ; cư sĩ thì xin ở lại tinh xá tu tập rồi trở thành tăng chúng, tỳ kheo, v.v. sức người thêm lớn, tiền công đức quy tụ về ngày một thêm nhiều, hoa màu, tài phú thảy đều tăng bộn. Tinh xá Cáp Kỳ Na khi này rực rỡ hoa lệ đến độ các tượng thờ thảy đều được chạm ngọc, dát vàng. Ngay cả những lu nước dành cho khách hành hương rửa chân trước mỗi hiên nhà cũng được tạo tác bằng đá cầu vồng nguyên khối, vành lu mạ vàng, chân đế nạm bạc.

Tinh xá Cáp Kỳ Na khi này rực rỡ hoa lệ đến độ các tượng thờ thảy đều được chạm ngọc, dát vàng.
Tinh xá Cáp Kỳ Na khi này rực rỡ hoa lệ đến độ các tượng thờ thảy đều được chạm ngọc, dát vàng. (Ảnh: NTD VIệt Nam tổng hợp từ Pixabay)

Riêng phiền muộn một điều - mà đã tồn tại từ rất lâu rồi: khoảng thời gian dành cho việc tu tập thường ngày của Bất Giác tỳ kheo chẳng còn lại đáng là bao nữa. Vì một mặt ngài phải lo quản lý toàn bộ tinh xá có tới cả vài ngàn tỳ kheo, chúng tăng và cư sĩ; một mặt phải trông nom đồn điền, tính toán sổ sách giao dịch buôn bán, kiểm soát nhân công trồng tỉa, chấm công và trả lương cho các nghệ nhân tạo tác... rồi có thêm tiền bạc thì phải lo đầu tư, bỏ vốn mua thêm đất đai, khai khẩn điền trang thêm nữa, v.v. Ai za..aa!... đúng là bận càng thêm bận!

Một ngày chính hạ của năm thứ bốn mươi chín - kể từ khi hai sư đồ chia tay, lão sư phụ trở về. Hình ảnh của tinh xá Cáp Kỳ Na mộc mạc, thanh tịnh và bình yên khi xưa đã không còn nữa. Hiện ra trước mắt ngài là cả một quần thể đình chùa, bảo điện, tam quan, trai phòng, tháp chuông... nguy nga tráng lệ. Khắp sân, vườn của khu tinh xá nô nức khách tới hành hương, dập dìu nam thanh nữ tú, tấp nập kẻ bán người mua. Trong bảo điện thì ngột ngạt khói hương, ồn ào chen chúc, kẻ ra người vào, kẻ quỳ người vái, kẻ cúng người cầu, lễ phẩm tài vật tràn lan, chay mặn thôi thì đủ cả!...

Trông thấy sư phụ, Bất giác tỳ kheo mừng quýnh chạy tới đảnh lễ, nghẹn ngào không thốt lên lời! Hai sư đồ vào thư phòng dùng trà. Sư phụ ôn tồn hỏi:

"Này Bất Giác tỳ kheo, tại sao tinh xá Cáp Kỳ Na của chúng ta lại có sự thay đổi lớn như thế này?"

Bất Giác tỳ kheo cung kính trả lời: “Bạch sư phụ, thật tâm con muốn tu hành nhưng tại lũ chuột cứ cắn rách áo hoài. Để bảo vệ cái áo, con nuôi mèo. Để có sữa cho mèo ăn, con phải nuôi bò, và để có rau nuôi bò, con phải làm điền trại. Rồi thì cứ trúng mùa liên tiếp, sức con làm không xuể nên phải gọi thêm người làm giúp, rồi thì buôn bán thành công, tài phú nhiều thêm, con phải đích thân trông nom mọi việc. Sau đó con cho xây cất tinh xá trang hoàng, đúc tượng thật vĩ đại, dựng tháp chuông lớn... con còn cắt đặt người lo việc cúng tế, nhang đèn cẩn thận”.

'Phật tại tâm trung' - phải tu cái tâm của bản ngã cho thanh cho tịnh, xả bỏ hết thảy mọi vướng chấp thế gian, như thế mới mong có đặng ngày viên mãn...
'Phật tại tâm trung' - phải tu cái tâm của bản ngã cho thanh cho tịnh, xả bỏ hết thảy mọi vướng chấp thế gian, như thế mới mong có đặng ngày viên mãn... (Ảnh: Pixabay)

Lão sư phụ nhấp một ngụm trà, ngài từ tốn đưa tay vuốt chòm râu bạc như cước rồi thở dài nhìn đồ đệ nói: “Ài!... Bất Giác à, Bất Giác! Bổn môn có câu: 'Phật tại tâm trung' - phải tu cái tâm của bản ngã cho thanh cho tịnh, xả bỏ hết thảy mọi vướng chấp thế gian, như thế mới mong có đặng ngày viên mãn... Nay con buông lỏng việc trì giới, tu hành, xa rời kinh kệ, gốc bồ đề lại không thoái chuyển chăng?

Cả không gian thư phòng như tĩnh lặng. Ngưng lại một hồi lâu, lão sư phụ ôn tồn giảng tiếp:

"Này Bất Giác tỳ kheo: kiến thiết tinh xá kỳ vĩ, khai khẩn điền trại rộng lớn, chạm khắc tượng ngọc trang hoàng, sưu tầm cổ mộc quái thạch... hết thảy chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát tự thân. Thiện nam tín nữ tuy đông, nhưng ồn ào phức tạp. Người tinh tấn tu trì thì ít, kẻ làm công, buôn bán thêm nhiều. Nếu tiêu tốn hết cả tâm lực để quản mấy việc này thì còn đâu nữa thời gian để mà thanh tĩnh thực tu? Bất Giác à, Bất Giác, chỉ vì một bộ y áo rách mà con đã đi xa, thật xa hẳn con đường mà ta đã chỉ dạy nhằm hướng đến cõi Phật ân…"

Nếu tiêu tốn hết cả tâm lực để quản mấy việc này thì còn đâu nữa thời gian để mà thanh tĩnh thực tu?
Nếu tiêu tốn hết cả tâm lực để quản mấy việc này thì còn đâu nữa thời gian để mà thanh tĩnh thực tu? (Ảnh: Pexels)

***

Bất Giác tỳ kheo như bừng tỉnh ngộ. Hỡi ôi, chỉ lầm lẫn một chút mà ông đã đi lệch lúc nào không hay, bốn mươi chín năm trôi qua, thoắt đã tựa như bóng nước, tựa như ảo ảnh, tựa hồ hư huyễn! Giữa biển thế nhân cuồn cuộn đầy sóng nghiệp nơi cõi Ta bà này, hết thảy những gì đã từng diễn ra trên bước đường tu tập của ông tưởng chừng như đều rất hợp lý: này là danh, này là lợi, này là tình... chỉ cần lơ đễnh một chút xíu thôi, người tu luyện sẽ bị cuốn theo nó lúc nào không hay để rồi ngày càng một rời xa nẻo giác, xa rời bến bờ viên mãn.

Tám mươi mốt tiếng chuông chùa lại điểm: Tiếng chuông của năng lượng bình an, tiếng chuông thức tỉnh, tiếng chuông thanh tĩnh, tiếng chuông giác ngộ, tiếng chuông ca ngợi lòng từ bi Phật Pháp... Đã bốn mươi chín năm trôi qua rồi, bốn mươi chín năm là bao nhiêu ngày? Mỗi ngày tinh xá Cáp Kỳ Na đều điểm từng lượt ba hồi, tám mươi mốt tiếng chuông. Kể từ ngày lão sư phụ khả kính vân du hỏi có bao nhiêu tiếng chuông đã điểm? bao nhiêu người đang mê? bao nhiêu người đã tỉnh?...

Ngoài hiên, bóng tà dương đã lặn.

Đường Phong

- Tài liệu tham khảo: câu chuyện 'Cái khố của thầy tu'/sống tích cực.



BÀI CHỌN LỌC

Bộ y bát truyền thừa của Bất Giác tỳ kheo và 49 năm tu luyện như 'mò trăng đáy nước'