Cả giận mất khôn hại người hại mình - Biết nhẫn nhịn mới có được thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay, nhiều người không thể kiềm chế bản thân, dễ nổi giận, thậm chí gây án mạng, hại tính mạng người, hại cả cuộc đời mình. Người ta vẫn thường nói: “Cái nhỏ không nhẫn được thì sẽ làm loạn kế hoạch lớn”; “Nhẫn một lúc sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, thế nên, biết nhẫn nhịn thì mới thành công.

Cả giận mất khôn, hại người hại mình

Chiều 8/6/2022 trên sân Nha Trang, trong trận đấu tranh suất từ hạng Nhì lên hạng Nhất, khi Bình Thuận đang bị Vĩnh Phúc dẫn 2-0, Ngô Anh Vũ đã có pha vào bóng khá thô bạo, trọng tài chính Trần Ngọc Nhớ đã rút thẻ vàng thứ hai, đồng nghĩa với chiếc thẻ đỏ buộc Anh Vũ phải rời sân. Không giữ được bình tĩnh, Ngô Anh Vũ đã lao đến tranh cãi rồi dùng tay đánh vào mặt trọng tài, và sự can thiệp của lực lượng an ninh, Ngô Anh Vũ mới chịu rời khỏi sân.

Sự việc này chắc chắn khiến Anh Vũ bị trừng phạt nặng, bị cấm thi đấu 2 năm. Với 2 năm 'ngồi chơi xơi nước' và vết nhơ 'đánh trọng tài' này, thì sự nghiệp cầu thủ, niềm đam mê từ nhỏ của anh, đứng trước nguy cơ tan thành mây khói, quả thật đáng tiếc thay, cũng chỉ vì nóng nảy nhất thời.

Hiện nay, rất nhiều người không thể kiềm chế bản thân, dễ nổi giận, nhất là những người thanh niên và trung niên, thậm chí giận quá hóa cuồng, gây án mạng, hại tính mạng người, hại cả cuộc đời mình.

Trước đó nửa tháng, ngày 16/5/2022, Vũ Hoàng H., sinh năm 1983 xin tiền cha là Vũ Hoàng Â. để mua ô tô làm xe taxi, nhưng ông Â. không đồng ý. Sau đó, cả 2 cha con cãi nhau, H. nổi giận đã lấy 1 chiếc tuốc-nơ-vít từ trong người ra đâm liên tiếp nhiều nhát vào phần lưng và người ông Â., và tiếp tục đâm nhiều nhát vào phần cổ và ngực cho đến khi ông Â. chết.

Mới cách đây vài ngày, Nguyễn Anh Khoa, 30 tuổi, từng một du học sinh, đã sát hại cha ruột 72 tuổi chỉ vì xin tiền ông không cho.

Cũng vài ngày trước, Trần Ngọc Tân, 34 tuổi, khi đang cãi nhau với mẹ, thì có một người đàn ông vào can ngăn, Tân tức giận tạt xăng đốt ông này tử vong…

Những sự tình như thế này ngày nay thực sự quá nhiều, hầu như xuất hiện khắp nơi, động tí là nổi nóng, động tí là hành hung, đâm chém giết người không ghê tay, cũng chẳng phải việc gì to tát, toàn là những việc cỏn con, thật không đáng chút nào, khi tước đoạt sinh mệnh người, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.

Người không kiềm chế được cơn nóng giận, thì dẫu là đại tướng quân, anh hùng cái thế, cũng tự hại mình, nói gì đến những người bình thường. Thời Tam Quốc, Trương Phi, một trong Ngũ đại hổ tướng của nhà Thục Hán cũng là nạn nhân của chính cơn tức giận của mình.

Sau khi nghe tin nhị ca Quan Vũ bị Đông Ngô hại chết, Trương Phi không kiềm chế nổi nỗi đau đớn, yêu cầu Lưu Bị lập tức xuất binh đi diệt Đông Ngô. Lưu Bị vẫn giữ vẻ trầm tĩnh, từ chối yêu cầu của Trương Phi. Không biết phải làm sao, Trương Phi liền cả ngày rượu say, khi say thì không làm chủ được chính mình, lúc nào cũng đánh đập quân lính để trút giận. Cuối cùng, thuộc hạ của Trương Phi là Phạm Cương, Trương Đạt do không thể nhẫn nhịn được nữa, nên đã thừa lúc Trương Phi say rượu ngủ say, đã ra tay chặt đầu Trương Phi rồi chạy sang Đông Ngô.

Trương Phi Một đời sự nghiệp oai hùng: “Đầu cầu Trường Bản nổi sát khí, cưỡi ngựa cầm thương mắt trợn tròn. Một tiếng thét vang như sấm đánh, một mình lui trăm vạn Tào binh”. Thế nhưng cuộc đời anh hùng lại kết thúc lãng xẹt, chỉ vì không kiềm chế nổi cơn nóng giận, khiến người đời sau nuối tiếc.

“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?”
“Yên nhân Trương Dực Đức ở đây! Kẻ nào dám tử chiến?” (Tranh Nhật Bản)

Nhẫn nhịn trước sự sỉ nhục mới làm nên việc lớn

Nhiều người cho rằng, ai sỉ nhục mình thì mình phải sỉ nhục lại, ai đánh mình thì mình phải đánh lại, như thế mới là người mạnh mẽ, là thể hiện bản lĩnh của trai nam nhi. Cách nghĩ như thế này có đúng không?

Thời nào cũng vậy, đàn ông vẫn được coi là phái mạnh, là nòng cốt của xã hội, là trụ cột của gia đình, xã hội, sơn hà xã tắc. Thế nên, người ta hay nói “trai nam nhi, đầu đội trời, chân đạp đất”, “làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, “làm trai chưa trả xong nợ nước, luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”...

Đàn ông mạnh mẽ hay không thể hiện ở ý chí kiên cường, kiến công dựng nghiệp, rạng danh tổ tông, rạng rỡ non sông.

Nhẫn nhịn vì mưu việc lợi ích quốc gia

Thời Chiến Quốc, Lạn Tương Như, đại phu nước Triệu, nổi tiếng là người giỏi ứng xử để giữ uy tín của nước Triệu trong chư hầu. Với công lao đem được ngọc quý trở về Triệu, Lạn Tương Như được vua Triệu thăng làm tướng quốc, địa vị của ông cao hơn cả võ tướng Liêm Pha nổi tiếng. Liêm Pha thường nói với mọi người rằng:

“Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận lập được công lớn, trái lại Tương Như chỉ nhờ vào miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta!”.

“Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục người này”.

Khi Lạn Tương Như biết được điều này, ông đã rất mực cẩn thận để tránh các tình huống gây xung đột với Liêm Pha. Ông sẽ cáo bệnh và tránh xuất hiện tại các buổi thượng triều mà Liêm Pha tham dự.

Một lần, cỗ xe ngựa của Lạn Tương Như đang đi trên một con đường hẹp. Ngay lúc đó, cỗ xe của Liêm Pha cũng rẽ vào từ hướng ngược lại. Lạn Tương Như ngay lập tức ra lệnh cho phu xe hãy quay ngược đầu xe lại, để nhường đường cho Liêm Pha đi trước. Các môn hạ đều cùng nhau ngăn cản, họ nói:

“Chúng tôi sở dĩ bỏ thân thích đến thờ ngài chỉ vì mến cao nghĩa của ngài. Nay ngài chức vị trên Liêm Pha một bậc. Liêm Pha rêu rao nói xấu mà ngài lại sợ trốn tránh ông ta, e dè quá đáng, người thường còn lấy làm xấu hổ, huống hồ là bậc tướng quốc, tướng quân! Bọn chúng tôi bất tài, xin từ giã về”.

Lạn Tương Như điềm nhiên hỏi: “Các ông xem Liêm tướng quân có bằng vua Tần không?”

Đám tùy tùng đồng thanh trả lời: “Không bằng”.

Lạn Tương Như lại nói: “Oai như vua Tần mà Tương Như ta còn dám lớn tiếng giữa triều đình, làm nhục trước cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao? Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi”.

Những lời của Lạn Tương Như cuối cùng cũng đến tai Liêm Pha. Liêm Pha nhận ra lỗi lầm của mình, ân hận vô cùng, ông bèn cởi trần, đeo roi đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế! Quả thật đã đắc tội rồi”.

Ngay lúc ấy, Lạn Tương Như liền vui mừng mời Liêm Pha vào nhà. Từ đó trở đi, hai người vui vẻ làm bạn, sống chết có nhau. Nước Triệu có hai tướng văn võ phò trợ nên được vững mạnh, không bị Tần lấn chiếm.

báo hiếu cha mẹ
Cuối cùng, Liêm Pha đã mang roi đến xin nhận lỗi. (Ảnh: Epoch times)

Nhẫn nhục để thành tựu đại sự nghiệp

Binh Tiên Hàn Tín là công thần khai quốc thời Tây Hán, là một trong những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới, ông đã phò tá Lưu Bang lập dựng cơ nghiệp trên 400 năm của nhà Hán.

Hàn Tín thời niên thiếu gia cảnh bần hàn, nhưng ông thường mang bảo kiếm bên mình. Trong số những tên vô lại ở quận Hoài Âm có một gã thanh niên muốn sỉ nhục Hàn Tín, y nói: "Mặc dù dáng vóc nhà ngươi cao lớn, nhưng cũng chỉ là một kẻ hèn nhát. Nếu ngươi không sợ chết, thì hãy dùng thanh bảo kiếm kia đâm ta; Nếu ngươi không dám đâm, thì hãy chui qua háng ta".

Hàn Tín là con cháu vương tôn thời suy bại, nhưng từ nhỏ đã ham học binh pháp thao lược, luyện tập võ nghệ, lòng ôm chí lớn kiến công lập nghiệp, rạng rỡ tổ tiên. Thế nên, có thể nói, tên vô lại kia không phải là đối thủ của ông. Tuy nhiên Hàn Tín nhìn đối phương một lát, rồi từ từ khom lưng, chui qua háng y. Những người qua đường đều cười cợt, chế giễu Hàn Tín, cho rằng ông là một kẻ hèn nhát.

Thế nhưng chính vì có tâm đại nhẫn này mà Hàn Tín mới làm nên những việc phi thường. Ông được Lưu Bang - hoàng đế đầu tiên của nhà Hán vô cùng trọng dụng và phong cho chức đại tướng quân. Dân gian xưa nay có câu: “Giang sơn nhà Hán do một tay Hàn Tín thắng trận đoạt về” để miêu tả công lao vĩ đại của nhân vật lịch sử này.

Người luôn nghĩ đến người khác trước, xem ra có vẻ là ngu dốt, chịu thiệt thòi, nhưng lại là người đắc được những thứ tốt nhất. Ảnh: Thời trẻ Hàn Tín chịu nhục chui háng, cũng chính nhờ tâm đại nhẫn đã giúp ông làm nên đại nghiệp sau này.
Thời trẻ Hàn Tín chịu nhục chui háng, cũng chính nhờ tâm đại nhẫn đã giúp ông làm nên đại nghiệp sau này. (Ảnh: Miền công cộng)

Đại thi hào Tô Đông Pha viết rằng:

"Tự cổ, đã ai được gọi là hào kiệt thì tiết tháo ắt phải hơn người, nhẫn được điều người thường không thể nhẫn. Kẻ thất phu khi bị xúc phạm, liền rút kiếm tương đấu, như thế là không đủ dũng. Thiên hạ có những bậc đại dũng, cái chết trước mặt cũng chẳng hoảng sợ, bị đổ oan vô cớ mà không oán, hoài bão của họ lớn lắm, mà chí của họ cao xa lắm.”

Tâm đại nhẫn: hoàn toàn không để tâm, không tức giận

Thiền sư Hakuin là một thiền sư người Nhật, ông tu tập thiền định, đức cao trọng vọng, danh tiếng lẫy lừng, đệ tử của ông rất đông. Ông được mọi người kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện.

Có một cô gái xinh đẹp, thuộc gia đình danh giá sống gần ngôi chùa của Hakuin. Cô chửa hoang mà không ai biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô tức giận lôi cô ra đánh đập tra khảo.

Trong lúc bế tắc, cô đã nói cha đứa bé chính là thiền sư Hakuin, bởi cô nghĩ, ông là người có danh tiếng, ai ai cũng nể phục, thì cô sẽ không có vấn đề gì.

Biết tin đó, bố mẹ cô vô cùng tức giận, bèn tới sỉ nhục và mắng nhiếc thiền sư. Ông ngồi đó tĩnh lặng thốt lên một câu: Thế à!

Ngày cô bé sinh con, họ mang đứa bé tới trả cho thiền sư. Ông đón nhận đứa trẻ khi mọi người xa lánh, chửi bới, đệ tử khinh mạt dời ra ông. Ông cũng nói câu: Thế à!.

Hakuin vẫn lẳng lặng bế đứa bé đi xin sữa trong khi ông bị mọi người rè bỉu, khinh khi. Ông vẫn một lòng chăm sóc đứa trẻ rất tốt. Thời gian thấm thoát trôi đi, cô gái thấy trong tâm mình bứt dứt bèn nói ra sự thật với bố mẹ mình.

Họ lật đật kéo tới chùa dập đầu tạ tội với thiền sư và xin được đón đứa bé về. Hakuin vẫn ngồi đó tĩnh lặng và nói câu: Thế à!

Sự thật cuối cùng cũng đươc truyền ra ngoài, ai ai cũng nể phục sự nhẫn nhịn của thiền sư. Và khi được mọi người tán dương, khen tụng, ông cũng lại thốt lên một câu: Thế à!

Nhẫn như thiền sư Hakuin, vạn sự giai không như thế này, thì quả là người thường không thể nào làm nổi. Tuy nhiên, nhẫn như Hàn Tín, như Lạn Tương Như, thì chúng ta đều có thể học được. Nếu muốn thành công, làm nên sự nghiệp lớn thì không thể không luyện một chữ Nhẫn. Sau đây là một trong những cách đơn giản để luyện Nhẫn.

Cách luyện chữ Nhẫn đơn giản

Thời Lincoln làm tổng thống, Bộ trưởng Lục quân phàn nàn rằng, ông đã bị một vị thiếu tướng sỉ nhục, hi vọng Tổng thống bày cách giúp ông hả giận.

Nhìn thấy vị bộ trưởng lục quân đang nổi nóng, Lincoln nói rằng: “Ông có thể viết một bức thư với những lời lẽ nguyền rủa khắc nghiệt nhất để trả đũa, nhưng trước khi gửi hãy đưa tôi xem qua”.

Bức thư đã được viết xong, vị Bộ trưởng hào hứng trao nó cho Lincoln, hy vọng sẽ sớm được gửi cho đối phương.

Lincoln cầm bức thư, nhưng đã bất ngờ tiện tay ném vào trong lò lửa.

Vị Bộ trưởng lục quân lấy làm khó hiểu, hỏi Lincoln vì sao lại như vậy?

Lincoln cười giải thích nói: “Tôi mỗi khi tức giận đều làm như vậy, đem điều muốn mắng chửi viết hết ra, sau đó thiêu hủy, nỗi bực bội cũng nhờ vậy mà tự nhiên tiêu tan”.

“Tôi viết thư mục đích là để cho mình hả giận, nếu như gửi cho đối phương, chẳng phải sẽ càng thêm tức giận sao? Nếu như ông còn khó chịu, vậy thì lại viết tiếp, viết đến khi nào thoải mái mới thôi!”.

Vị Bộ trưởng lúc này mới nhận ra, mỉm cười nói đúng là như vậy, bức thư này nếu gửi đi, đối phương lại mắng chửi trở lại, chẳng phải càng tức giận hay sao? Trong nội tâm phát sinh cảm xúc tiêu cực, cần phải được khai thông trút ra hết, và để làm được như vậy, Lincoln đã dùng đến phương pháp viết thư đơn giản này, và khá hữu hiệu.

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Cả giận mất khôn hại người hại mình - Biết nhẫn nhịn mới có được thành công