Các giai thoại về danh nhân miền Nam thời mở cõi - (Phần 1 - Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với 9 đời Chúa 13 đời vua trải dài từ năm 1558 đến 1945, có thể coi Nhà Nguyễn là một triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này nổi tiếng nhất với công trạng mở rộng quốc gia và khai phá thành công miền Nam, cũng là triều đại sở hữu lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử. Có thể nói không ngoa, lịch sử miền Nam cũng chính là lịch sử nhà Nguyễn vậy. Trải qua gần 400 năm đầy biến động thăng trầm, dưới sự lãnh đạo của nhà Nguyễn, ngoài mảnh đất Nam Bộ trù phú này, các bậc tiền nhân đã để lại vô số những công tích lẫy lừng truyền lưu cho con cháu qua những giai thoại, sự nghiệp thể hiện tài năng và đạo đức sáng ngời của một thời mở cõi oai hùng, uy chấn lân bang.

Phần 1: Minh Vương Nguyễn Phúc Chu - vị chúa thánh minh có một không hai của nhà Nguyễn

Kỳ 1: Vị chúa trẻ tuổi tài giỏi

Minh Vương, vị Đạo Nhân bén duyên nhà Chúa

Nguyễn Phúc Chu (chữ Hán: 阮福淍, 11 tháng 6 năm 1675 – 1 tháng 6 năm 1725) hay Nguyễn Hiển Tông, là vị chúa Nguyễn thứ sáu của Đàng Trong, vùng đất phía Nam nước Đại Việt thời Lê trung hưng.

Nối ngôi Chúa từ năm 17 tuổi, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu không những là biểu tượng hoàn hảo cho thời đại cực thịnh của vương quốc Nam Hà mà còn để lại nhiều giai thoại thú vị xung quanh cuộc đời đầy nhân văn và vinh quang của mình.

Ông bước xuống trần gian này với một khởi đầu nhuốm màu huyền thoại:
Đại Nam Thực lục chép:
"Trước kia, năm Giáp dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời tỏa ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kỳ giáng sinh, mùi thơm nức nhà".

Minh Vương Nguyễn Phúc Chu
(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Năm 1691, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái qua đời. Nguyễn Phúc Chu nối ngôi lấy hiệu là Thiên túng đạo nhân. Nhà Chúa vốn trước đã có 1 vị mệnh danh Chúa Phật (Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên) vô cùng anh minh, nay lại có 1 vị “Đạo nhân” ngồi trên ngai vàng, hẳn là điềm báo một thời thịnh trị đã đến rồi chăng?. Có lẽ là như vậy thật, vì ngay năm đó Chúa Minh Vương cho giảm một nửa thuế ruộng toàn quốc. Cả nước đều vui mừng.

Chấn chỉnh nội trị, nước giàu quân mạnh

Dẫu chỉ mới 17 tuổi khi lên ngôi, nhưng Chúa Minh Vương đã chứng tỏ bản thân là một vị vua quyết đoán, giỏi trị quốc. Hàng loạt những quyết sách quan trọng được đưa ra để làm quốc gia giàu mạnh đã được thi hành mạnh mẽ dưới thời ông. Minh Vương quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má lao dịch, bớt hình ngục. Việc binh bị bố phòng khắp quốc gia càng được chăm lo cẩn thận hơn.

Năm 1701, Chúa sai Chưởng dinh Nguyễn Phúc Diệu, cùng Tống Phúc Tài, Nguyễn Khoa Chiêm sửa sang các chính lũy từ núi Đầu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ. Chúa sai vẽ bản đồ những nơi hiểm yếu và cho quân lính thao dượt thường xuyên.

Tuy nhiên thành quả lớn nhất phải nói đến là công lao đánh dẹp phản loạn, đánh bại các quốc gia lân bang, mở rộng lãnh thổ quốc gia về phía Nam. Thời đại của ông đánh dấu sự hoàn thành quá trình Nam tiến của dân tộc. Đúng như lời nhận xét của đình thần nhà Thanh khi chúa Minh Vương dâng thư xin sắc phong: “Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn.Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được”

Quy phục Chiêm Thành, mở phủ Bình Thuận

1692, vua Chiêm là Bà Tranh nổi dậy ở phủ Diên Ninh. Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp.

1693 Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh, Kế Bà Tử (em trai Bà Tranh) đem về giam ở Phú Xuân. Chúa ra lệnh đổi đất Chiêm Thành thành trấn Thuận Thành (đất Panduranga) và lập ra phủ Bình Thuận.

1693 Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh, Kế Bà Tử (em trai Bà Tranh) đem về giam ở Phú Xuân.
1693 Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh, Kế Bà Tử (em trai Bà Tranh) đem về giam ở Phú Xuân. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Sau chiến công này, chúa Nguyễn lần đầu tiên xưng Quốc chúa, từ thời điểm đó chính thức coi mình là quốc vương một vương quốc độc lập là Đàng Trong:

“Ngày Ất Mão, chúa coi việc chầu (việc quốc hiếu đã xong rồi làm lễ mừng), bầy tôi đến mừng, tấn tôn chúa làm Thái phó quốc công, lại dâng tôn hiệu là quốc chúa. Từ đấy sắc lệnh đều xưng là quốc chúa.
Tháng 8, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận, lấy Tả trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân làm Đề đốc, Đề lãnh và Cai phủ, bắt mặc quần áo theo lối người Kinh và sai về để vỗ yên lòng dân”. (Đại Nam Thực lục - Tiền biên - quyển VII).

Bình định Chân Lạp, khai sinh miền Nam

Chúa Phúc Chu còn mở rộng bờ cõi đất đai xuống phía Nam. Năm 1698 sai Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân kinh lý đất Thủy Chân Lạp, khai sinh ra miền Nam kể từ đó.
“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.

(Đại Nam Liệt Truyện - Nguyễn Hữu Cảnh)
1699, sau khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam và mở phủ Gia Định thì người Chân Lạp rốt cục cũng đã khai chiến:
“Kỷ Mão, năm thứ 8 (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Trần Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (nay thuộc Vĩnh Long) đem việc báo lên. Mùa đông, tháng 10, lại sai Nguyễn Hữu Kính làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cảm Long làm Tham mưu, Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong, lãnh quân hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, và thuộc binh 7 thuyền dinh Quảng Nam, cùng với tướng sĩ Long Môn đi đánh.

Kỷ Mão, năm thứ 8 (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn.
Kỷ Mão, năm thứ 8 (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. (Ảnh: Shutterstock)

(Đại Nam Thực Lục tiền biên - quyển VII).
Và cũng lại là Nguyễn Hữu Cảnh đã đánh bại quân Chân Lạp, bình định lãnh thổ vừa khai phá sau một cuộc chiến chớp nhoáng:
“Tháng 2, Nguyễn Hữu Kính đem quân các đạo tiến vào nước Chân Lạp, đóng ở Ngư Khê (Ngư Khê: Rạch Cá), sai người dò xét thực hư, chia đường tiến quân.
Tháng 3, Thống binh Trần Thượng Xuyên cùng quân giặc đánh liên tiếp nhiều trận đều được. Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón đánh. Nguyễn Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ, đốc các quân đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ, bỏ thành chạy. Nặc Yêm (con vua thứ hai Nặc Nộn) ra hàng, Hữu Kính vào thành, vỗ yên dân chúng. Mùa hè, tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu Kính báo tin thắng trận rồi lùi quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới”. (Đại Nam Thực Lục tiền biên- quyển VII).
Tháng 8 năm 1708, Mạc Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trước đó đến khai thác vùng đất Hà Tiên, dâng thư lên triều đình xin đem đất Hà Tiên quy thuộc miền Nam. Chúa nhận lời và phong cho Mạc Cửu làm làm Thống binh trấn giữ đất Hà Tiên.

(Còn tiếp...)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Các giai thoại về danh nhân miền Nam thời mở cõi - (Phần 1 - Kỳ 1)