Các giai thoại về danh nhân miền Nam thời mở cõi - (Phần 1 - Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với 9 đời Chúa 13 đời vua trải dài từ năm 1558 đến 1945, có thể coi Nhà Nguyễn là một triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này nổi tiếng nhất với công trạng mở rộng quốc gia và khai phá thành công miền Nam, cũng là triều đại sở hữu lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử. Có thể nói không ngoa, lịch sử miền Nam cũng chính là lịch sử nhà Nguyễn vậy. Trải qua gần 400 năm đầy biến động thăng trầm, dưới sự lãnh đạo của nhà Nguyễn, ngoài mảnh đất Nam Bộ trù phú này, các bậc tiền nhân đã để lại vô số những công tích lẫy lừng truyền lưu cho con cháu qua những giai thoại, sự nghiệp thể hiện tài năng và đạo đức sáng ngời của một thời mở cõi oai hùng, uy chấn lân bang.

Phần 1 - Kỳ 2: Vị quân vương sùng Phật và yêu vợ bậc nhất lịch sử Việt Nam

Nhân duyên tiền kiếp, Hộ Pháp Minh Vương

Không chỉ là một quân vương tài năng, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu còn nổi tiếng trong sử sách như một trong những Phật tử sùng đạo bậc nhất. Ông là người có công chấn hưng và phát triển cho Phật giáo miền Nam. Trên đời không có sự ngẫu nhiên, người đời gọi ông là chúa Minh Vương, phải chăng đời này của ông là một lần chuyển sinh của Hộ pháp Minh vương nhà Phật chăng?

Bản thân ông đã hỏi câu này khi gặp thiền sư Thạch Liêm (Thích Đại Sán) năm 1694.
“Ngồi nói chuyện đến quá ngọ, muốn ở lại xem truyền giới, quốc cữu giục hai ba lần, mới đứng dậy, dậy lại bảo rằng: “Đệ tử từ bé nghe hai chữ Phật pháp đã sinh lòng kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo lam, tức thì hoan hỷ. Chẳng biết kiếp trước là ai? Làm phúc nghiệp gì? Mà ngày nay sinh ra làm vua ở đây? Xin tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng”. Nói rồi từ giã ra về.” (trích “Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)

Thiền sư Thạch Liêm vốn là một cao tăng đắc Đạo, vì lòng thành của Vương đã chẳng nề hà gì tiết lộ chút thiên cơ, đồng thời còn nhận Ngài là đệ tử, ban cho Pháp danh là Hưng Long.



“Ôi! Ta nói thật với đây, xưa kia vốn cùng ta đồng đi, chẳng ngờ đó bước lầm đường, chạy qua ngả khác, bèn chuyển thân về làm quốc vương ở đây. Nay trở lại hỏi chẳng biết tu hành mấy kiếp, lên đến vì vua. Quên rằng, nếu chẳng tu hành một Phật, hai Phật, ba bốn năm Phật, làm sao trồng được gốc lành. Đến đây vui thì vui thật, chỉn e gió đời tám hướng, thổi vào trong muôn trượng bùn lầy, lỡ một sa chân, không sao vực được. Cũng may chưa té sâu vào trong hang thất tình ngũ dục, còn ghi nhớ bóng vang thời cũ, tưởng đến Quảng Đông tìm rước lão tăng, khác nào Đông Pha công: “Mường tượng còn nhớ Diệu Cao Đài” vậy. Ngày nay gặp nhau giáp mặt, còn nhìn đặng chăng? Nếu nhìn đặng tự khắc biết mặt mũi xưa kia của mình, chẳng đợi chỉ trăng mà tự sáng.

Ôi! Thần long sở dĩ làm thần long, vì có tài hay duỗi hay co, hay phi đằng biến hóa, chẳng khá lường được. Sau này nhà vua phi đằng biến hóa phản bản quy nguyên, há chịu nhượng thần long hay sao? Vì thế lão tăng đặc biệt tặng nhà vua pháp danh Hưng Long, biệt hiệu Thiên Túng đạo nhơn. Từ nay về sau, mong rằng trước chưa rõ thì sau sẽ rõ. Sau này đại chuyển pháp cơ, theo Phật Tổ về nơi hằng sáng.” (trích “Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)

Vì thế lão tăng đặc biệt tặng nhà vua pháp danh Hưng Long, biệt hiệu Thiên Túng đạo nhơn. Từ nay về sau, mong rằng trước chưa rõ thì sau sẽ rõ.
Chân dung Thiền sư Thạch Liêm. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 4.0)

Nho Phật nhất trí, cai trị theo Chính Pháp

1694, thiền sư Thạch Liêm nhận lời của Minh Vương đến Đàng Trong thuyết Pháp. 1695, sau khi đến nơi, Hòa thượng đã tổ chức giới đàn để truyền giới Bồ tát cho Chúa và quyến thuộc, quan lại và 1400 tăng ni ở Phú Xuân. Đồng thời cũng trao cho Chúa một bản điều trần về việc dùng Chính Pháp cai trị quốc gia.

“Ngày sau cáo từ lui về, Vương lại cầu khẩn. Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, nhân điều trần “Lập quốc chánh ước” 18 điều, đều là những việc thương lính, yêu dân, thông thương, lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xem rất mừng, bảo nội quan Chưởng sự rằng: “Nước ta pháp độ dân tình đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão hòa thượng đem lễ phép Trung Quốc chỉ dạy, liệt trần 18 điều; nên khắc bảng yết lên cửa phủ, hiểu dụ văn võ quan dân đều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại nêu rõ. Nếu ai trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại, cầm thẻ bài đến kêu. Vô luận văn võ quân dân vương thân quốc thích đều cứ pháp luật trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy”.” (trích “Hải ngoại kỷ sự”-Thích Đại Sán)
Đóng góp của thiền sư Thạch Liêm là vô cùng cần thiết trong quá trình phát triển đường lối trị quốc của chúa Nguyễn. Nên biết rằng Đàng Trong thời đó là nơi cư ngụ của rất nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, kết cấu xã hội phức tạp và không có nền tảng trị quốc lâu năm như Đàng Ngoài. Muốn quốc gia phát triển, ắt phải tìm ra một phương pháp trị quốc khả dĩ có thể quy kết lòng dân, giáo hóa văn minh và cai trị hiệu quả. Đạo Phật có ảnh hưởng lớn ở Đàng Trong, nhưng tầng lớp tăng chúng lại không đủ uyên thâm giáo lý Phật Pháp để có thể giúp vua trị quốc. Nho giáo thì dùng trị quốc rất tốt nhưng lại chỉ phù hợp quan lại và trí thức. Nho giáo không thể quy kết lòng dân cả xã hội như Phật giáo. Trong giáo lý phổ truyền của Nho và Phật lại có chỗ mâu thuẫn với nhau, nếu không phải bậc chân tu hiểu đạo ắt không dễ mà kết hợp để trị quốc được.

Vì thế khi thiền sư Thạch Liêm đến Phú Xuân, cảm tấm lòng thành và nhân duyên đời trước của Minh Vương, ông đã đem sở đắc cả đời của mình truyền cho chúa Nguyễn, vừa hay lại phù hợp với tình hình chính trị Đàng Trong thời đó. Sở đắc của thiền sư chính là Nho Phật nhất trí, sư đã dùng Phật pháp để lý giải và dung hợp những chỗ mâu thuẫn của Phật và Nho giáo, khả dĩ có thể dùng cả hai để cai trị thiên hạ theo Chính Pháp. Bởi vì thiền sư Thạch Liêm hiểu đến chỗ cốt tủy trị quốc nằm ở Đạo Đức của nhà vua và cả hai giáo lý đều nhắm vào việc tu thân dưỡng tính, thuận theo lòng Trời. Nay Minh Vương đã nhất tâm hướng Phật, thể hiện đạo đức cao vời thì việc dung hòa pháp độ Nho gia và Pháp lý nhà Phật sẽ vô cùng dễ dàng.

khi thiền sư Thạch Liêm đến Phú Xuân, cảm tấm lòng thành và nhân duyên đời trước của Minh Vương, ông đã đem sở đắc cả đời của mình truyền cho chúa Nguyễn
khi thiền sư Thạch Liêm đến Phú Xuân, cảm tấm lòng thành và nhân duyên đời trước của Minh Vương, ông đã đem sở đắc cả đời của mình truyền cho chúa Nguyễn (Ảnh minh hoạ)

Điều này thể hiện rõ trong hai câu đối treo tại giới đàn ở Phú Xuân năm 1695:

“Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại.

Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tính minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn.”

Tạm dịch nghĩa :

Cửa Phật giới luật, nhà nho trung dung, chỉ cốt thành ý chính tâm, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có kính trực,
Quân tử cơ vi, thầy chùa nhập định, đều để minh tâm kiến tính, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe.

Tình yêu sâu đậm bậc nhất cổ kim

Là một vị minh quân hàng đầu trong lịch sử, nổi tiếng về tài thao lược và lòng nhân từ. Nhưng chúa Minh Vương lại là một hình mẫu có một không hai về tình yêu chân thành đối với vợ. Thân là một vị vua với nhiều thê thiếp, nhưng tình cảm của Ngài dành cho vợ có lẽ sẽ khiến cho hậu nhân tâm phục khẩu phục. Người phụ nữ may mắn hiếm có này gọi là Nguyễn Kính Phi.

Đại Nam liệt truyện chép về bà như sau: “Bà là con gái quan Tham chính Nguyễn Hữu Hiệp. Năm Hiển Tông mới làm chúa, bà vào hầu ở nội đình, được cất nhắc làm Hữu Cung tần thứ 3, rồi thăng Chánh Nội phủ. Năm Giáp Ngọ (1714, Lê Vĩnh Thịnh thứ 10) mùa thu, bà mất, được tặng là Kính Phi, tôn bằng hàng phu nhân, thụy là Từ Đức, táng ở xã Trúc Lâm, lập đền thờ ở Hà Khê.

Bà là con nhà dòng vào hầu chúa được yêu chiều (tương truyền: bà sinh 11 con, nay
còn một ngành, ngoài ra không rõ)."

Những bài thơ của Ngài dành tặng người vợ quá cố còn lưu lại trong lịch sử vô cùng chân thành với tứ thơ rất đẹp.

“Bà mất được một năm, chúa thương không thôi, làm đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, chúa (Hiển Tông Nguyễn Phước Chu) làm 4 bài thơ; thương nhớ viết vào tường chùa.

“Bà mất được một năm, chúa thương không thôi, làm đàn chay trọng thể ở chùa Thiên Mụ, chúa (Hiển Tông Nguyễn Phước Chu) làm 4 bài thơ; thương nhớ viết vào tường chùa.
Chù Thiên Mụ ở Huế. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 3.0)

Bài 1
Vấn thiên hà sự thiết ngô phi !
Hoa tạ, tam cung nguyệt yếm huy !
Bất đạc nữ trung vong khổn phạm !
Hoàn tri kỳ nội thất dung nghi.
Thời đương thất tịch Ngân hà ám
Sầu ký thiên niên giới lộ hi !
Mạn đạo tiếu nhân nhi phụ thái.
Cổ kim thùy cánh thử tình vi.

Dịch nghĩa:

Cớ chi trời lại cướp phi ta !
Hoa rụng, ba cung bóng nguyệt tà.
Chẳng những gương treo trong bạn gái,
Lại đầy năm chẵn vắng người hoa !
Đêm vừa mồng bảy sông Ngân tối !
Sầu để ngàn năm móc hẹ pha !
Đừng có cười trò nhi nữ nhé !
Tình nay ai để tránh từ xưa

Bài 2
Khứ niên Chức nữ nhập song minh.
Khước bị trùng vân tựu địa sinh.
Chế cẩm vị hoàn, ty tại trục !
Xuyên châm tài bãi, tuyên phiêu doanh !
Không hoài ngũ dạ Quỳnh lâu địch,
Khởi vọng song xuy ngọc điện sinh.
Nhất phiến mê ly nghi thử tế.
Uyên ương tú chẩm mộng nan thành.

Dịch nghĩa:
Sao nữ năm qua soi cửa sổ
Làn mây lớp lớp đến che rồi !
Gấm dệt chưa xong tơ lỡ dở !
Kim xâu vừa được, chỉ tơi bời !
Sáo Quỳnh lâu, canh khuya luống nhớ !
Sênh ngọc điện, nay dễ thổi đôi
Mơ hồ tấc dạ ngờ đâu đó,
Giấc mộng uyên ương uổng kiếm hoài !

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Bài 3
Nội trợ tằng kinh ức ỷ ni,
Duy dư đồng nhữ lưỡng nan kỳ,
Phi nhân mộ sắc tiềm huy lệ,
Chỉ vị tôn hiền tụng phú thi.
Việt hải tuy khoan, nan tải hận,
Tẩm lăng nghi cận, dị quan bi.
Trường đê thả mạc tài dương liễu
Hảo đãi Thanh minh túng mục thì.

Dịch nghĩa:
Dịu dàng nội trợ nghĩ thương âu…
Chỉ chúng ta sao khó hẹn nhau.
Há vì sắc đẹp rơi hàng lệ,
Chỉ vị người hiền vịnh mấy câu.
Biển Việt dầu to khôn chở hận,
Bia lăng gần đọc để khuây sầu.
Đê dài đừng có trồng dương liễu.
Đợi tiết Thanh minh mắt nhắm lâu

Bài 4
Nhữ thọ tuy vi, Phước tự trường
Nhân truyền Phước trạch Nguyễn cung hương.
Phao tư kim ngọc doanh song níp
Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường.
Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ
Lân tài nhất thế động trung trường.
Kim bằng diệu pháp không vương lực.
Tiến bạt u hồn đạt thượng phương.

Dịch nghĩa:
Tuổi thọ ngắn thôi Phước lại dài.
Phước lưu cung Nguyễn ngát hương trời
Quăng đi vàng ngọc đầy hai tráp,
Để lại cháu con nối vạn đời;
Đối cảnh đòi phen cầm giọt lệ,
Thương tài một kiếp động lòng ai.
Nhờ phép Như Lai mầu nhiệm ấy
U hồn siêu độ thoát luân hồi.

Bấy giờ, trong các cung tần từ trần, không ai được ân sủng lạ lùng như thế. Người đời cho là việc long trọng vậy”

Lời kết:

Thời chúa Minh Vương là giai đoạn cực thịnh của vương quốc Đàng Trong với hàng loạt thành tựu to lớn từ văn hóa cho đến mở rộng lãnh thổ. Nước giàu quân mạnh, lân bang đều phục. Những thành tựu này có được đều nhờ vào vị Chúa tài ba, nhân từ, sùng Đạo và sống rất tình nghĩa này tạo ra. Nhìn lại trong lịch sử Việt Nam, ta có thể thấy các triều đại trước đó như Lý và Trần cũng có nhiều quân vương có tính cách tương đồng như chúa Minh Vương. Sự cai trị của họ là thành quả và sự kết hợp tuyệt vời giữa một người lãnh đạo minh triết Nho giáo với nền đạo đức cao thượng từ Phật pháp. Những thời đại ấy có sự đề cao lễ nghĩa và lối sống coi trọng việc tu thân tích đức từ vua đến dân. Thế mới nói nền đạo đức và tôn giáo truyền thống quả thực là một giải pháp tuyệt vời đem đến sự thịnh vượng bền vững cho tất cả các triều đại vậy. Còn như những nơi bất kính Thần phật, tôn sùng vật chất, cổ xúy thuyết vô Thần thì dẫu có thịnh vượng thời gian ngắn nhưng rồi cũng sẽ nhanh chóng suy vong mà thôi.

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Các giai thoại về danh nhân miền Nam thời mở cõi - (Phần 1 - Kỳ 2)