Cảm ngộ Phong Thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Phong Thần Diễn Nghĩa” có nội hàm vô cùng uyên thâm. Bạn có thể chỉ coi là Thần thoại, nhưng câu chuyện trong đó lại là những gì đang phát sinh hiện nay. 

Chúng ta đang sống giữa thời đại “Phong Thần” trong sự giằng co giữa chính với tà, người và yêu quái, Thần và ma. Bài viết này sẽ bàn về một số nhân vật trong câu chuyện Phong Thần, qua đó gửi gắm thông điệp tới con người thế gian.

Nữ Oa

Nữ Oa là ai?

Hồi thứ nhất kể về Nữ Oa. Vậy Nữ Oa là ai?

Con người là anh linh vạn vật, có được thân người thật đáng quý biết bao! Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa” có ba nhân vật vô cùng đặc biệt, Nữ Oa là một trong số đó. Trên Nữ Oa là Lục Áp (Lục Yểm), dưới Nữ Oa là Khương Tử Nha.

Khương Tử Nha là đệ tử chưa tu thành của Nguyên Thủy Thiên Tôn, là sư thúc của Dương Tiễn Nhị Lang Thần, do đó vai vế của ông khá cao, ông được biết đến là đệ tử của “vị Thần tối cao của Đạo gia”. Tuy nhiên, ông lại chưa tu thành.

Sau khi Nguyên Thủy Thiên Tôn phá trận Vạn Tiên của Thông Thiên Giáo Chủ, sư phụ của hai vị giáo chủ này là Hồng Quân Lão Tổ bất ngờ xuất hiện. Hồng Quân Lão Tổ lên tiếng khiển trách ba đồ đệ của Ngài là Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ. Sau đó Hồng Quân Lão Tổ đưa cho mỗi đệ tử một viên hoàn đơn và nói: “Bất cứ ai trong các con cũng không được oán hận sư đệ của mình nữa, nếu vẫn ôm giữ tâm oán hận thì thân thể các con sẽ nổ tan tành”.

Lão Tử bèn nói với Nguyên Thủy Thiên Tôn: “Sư đệ à, không nên nấn ná chốn hồng trần, xong việc rồi thì đi thôi”. Hồng trần là nơi nhơ nhớp, hai vị giáo chủ bất đắc dĩ mới phải hạ xuống, hạ xuống hồng trần chỉ là để hoàn thành Thiên mệnh mà thôi.

Trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”, ý chỉ của Nguyên Thủy Thiên Tôn được gọi là “Pháp chỉ”, còn trong “Tây Du Ký”, ý chỉ của Phật Như Lai được gọi là “Phật chỉ”. Vì sao lại gọi là Pháp chỉ, vì sao gọi là Phật chỉ? Bởi vì ở đây có giới tuyến vô cùng minh xác giữa các sinh mệnh.

Nguyên Thủy Thiên Tôn. (Miền công cộng)

Nói về Lục Áp, có người cho rằng ông là du Thần tản Tiên. Ông nên là ở cùng tầng thứ với Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử, do đó ông có thể khuất phục được Triệu Công Minh - một vị Tiên gia đã đạt tới cảnh giới rất cao có thành tựu.

Khương Tử Nha là ở cảnh giới người tu luyện, còn Nữ Oa ở cùng tầng thứ với Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên. Cá nhân tôi cho rằng, họ là các vị Thần tối cao trong Tam giới. Họ không cùng nhóm sinh mệnh với Ngọc Hoàng Đại Đế, nhưng lại có quan hệ với nhau. Nếu như Phục Hy, Thần Nông, Hiên Viên thiên về Thần tính, thì Ngọc Hoàng Đại Đế lại thiên về Nhân tính, do đó Ngọc Đế mới trực tiếp cai quản nhân gian.

Xác thịt của con người và yêu ma là tương đồng, vì vậy cả người và yêu đều thể hiện ra các yếu tố sắc dục. Nhục thân của con người và yêu ma quy về một vị Thần cai quản, đó chính là Nữ Oa.

Sau khi thân người được tạo ra, ai sẽ đến chưởng quản cái thân thể này? Nữ Oa không thể quản vận mệnh con người, bà cũng không thể quyết định sự hưng suy của xã hội nhân loại. Đó là điều Nữ Oa không biết, cũng không nhìn rõ được.

Hồi thứ nhất “Trụ Vương dâng hương đền Nữ Oa” kể rằng: Nữ Oa thấy bài thơ Trụ Vương đề trên tường, bà có cảm giác như đang bị trào phúng bỡn cợt. Dùng sắc tâm để đối đãi với Thần đã là bất kính, mà dùng ngôn ngữ của con người để khen ngợi vị Thần sáng tạo ra nhân loại thì lại càng vũ nhục đối với Thần, bởi vì ngôn ngữ của con người rất thấp kém!

Đạo gia giảng Vô, Phật gia giảng Không, không cần ngôn ngữ, chỉ cần ngộ tính. Khoa học thực chứng cần rất nhiều báo cáo, dẫn chứng và luận thuật, nhưng sinh mệnh thì không. Cảm ngộ của sinh mệnh không thể dùng ngôn ngữ mà nói rõ ra được. Pháp cũng vậy, Đạo cũng vậy, cảnh giới càng cao càng không dùng đến ngôn ngữ.

Trong “Thánh Kinh” phương Tây có câu chuyện về tháp Thông Thiên (tháp Babel). Con người trên mặt đất xây dựng tháp Thông Thiên với tham vọng sẽ chạm tới trời. Tháp Thông Thiên càng cao thì con người cũng càng mất đi lòng thành kính với Thần, họ bắt đầu ngạo nghễ, cho rằng bản thân chính là Thần. Vì họ kiêu ngạo, tâm tính bại hoại, nên mới bị Thượng Đế trừng phạt. Đức Jehovah đã xáo trộn ngôn ngữ của nhân loại, khiến họ không hiểu được lời đối phương nói. Họ không cách nào giao tiếp được với nhau, bèn phân tán khắp nơi, không còn xây dựng tháp Thông Thiên được nữa.

Bạn xem, ngôn ngữ hiện đại thật là nông cạn, nhưng trong các tác phẩm cổ văn thuở ban sơ, mỗi một chữ trong từng hoàn cảnh khác nhau lại đại biểu cho nhiều ý nghĩa khác nhau. Cùng một chữ có nhiều hàm nghĩa khác nhau, con người từ 2000 năm trước đều phân biệt được rõ, nhưng người ngày nay lại không nói ra được, càng không hiểu ý nghĩa là gì. Dùng thứ ngôn ngữ thấp kém ấy để ca ngợi Thần, chẳng phải chính là bất kính hay sao?

Tạo ra thân người nhưng không biết Thiên mệnh

Nữ Oa rất phẫn nộ bèn đi giáo huấn Trụ Vương. Nhưng khi bà vừa đến Triều Ca thì bất ngờ bị hào quang của Ân Giao và Ân Hồng cản lại. Hào quang của Ân Giao và Ân Hồng có thể cản đường Nữ Oa là bởi vì nguyên thần của họ đến từ tầng thứ rất cao. Đến lúc này Nữ Oa mới phát hiện: “Ồ, thì ra Trụ Vương còn 28 năm nữa mới tận số”.

Mãi đến khi gặp hào quang của Ân Giao và Ân Hồng thì Nữ Oa mới biết Trụ Vương còn dương số. Đây chính là tính cục hạn trong cảnh giới của bà, do đó hào quang của Ân Giao và Ân Hồng mới đủ sức cản đường. Nếu cảnh giới của họ không cao, tầng thứ thấp hơn thì đương nhiên không thể khởi tác dụng, không đủ khiến Nữ Oa phải dừng chân.

Việc thay triều đổi đại không quy về Nữ Oa quản, Nữ Oa chỉ quản việc tạo ra thân thể người, tạo ra tảng thịt này. Ham muốn xác thịt của con người và yêu quái là cùng một tầng thứ. Do đó, hồ ly tinh mới có thể chiếm cứ thân thể Đát Kỷ.

Nữ Oa chỉ quản việc tạo ra thân thể người. (Tranh Angie - Epoch Times)

Trở về, Nữ Oa đã dùng phướn chiếu yêu để triệu hồi các yêu ma trong thiên hạ. Yêu ma có kẻ có nhục thân, có kẻ chỉ là hồn phách, Nữ Oa có thể quản hồn phách của yêu tà.

Trong toàn bộ “Phong Thần Diễn Nghĩa”, hai lần Nữ Oa lộ diện sau này đều là để trừ yêu. Lần thứ nhất là giúp Nhị Lang Thần hàng phục con vượn tinh trong “Mai Sơn thất quái”, lần thứ hai là để bắt ba con yêu bên cạnh Trụ Vương. Lúc ấy Lôi Chấn Tử không sao hàng phục được Đát Kỷ, Nữ Oa liền xuất hiện cản đường ba con yêu.

Công lực của Đát Kỷ vô cùng cao, nhưng dù cao thế nào thì vẫn phải phục tùng Nữ Oa.

Bài học lớn nhất đối với chúng ta là: Cần nhận thức rõ vì sao thân người có thể bị tà linh chiếm hữu! Vì sao trong con người có những thứ loạn bát nháo như thế? Chính là vì thân thể của chúng ta là xác thịt.

Nữ Oa có vai trò ấy, nhưng bà cũng có thể đạt đến tầng thứ của Phục Hy và Thần Nông - vốn là các vị Thần tối cao trong Tam giới. Tuy nhiên, Nữ Oa lại quản thân người, quản yêu ma, trên dưới đều thông. Sứ mệnh của bà chính là thực hiện những điều đó.

Khương Tử Nha là “nửa người, nửa Tiên”, ông có thể trực tiếp diện kiến Nguyên Thủy Thiên Tôn, chính là liên hệ này. Lục Áp đạo nhân cũng vậy, ông khi thì ở đông Côn Luân, khi sang tây Côn Luân, ông không ở cùng chỗ với Nguyên Thủy Thiên Tôn nhưng thứ bậc lại là đồng đẳng. Ông có những thứ vô cùng đặc thù, thoắt ẩn thoắt hiện, đến vô tung, đi vô ảnh. Ông cũng giống như Nữ Oa rốt cuộc là quy về đâu? Khương Tử Nha quy về đâu? Nơi đâu cũng không quy về được!

Khi Khương Tử Nha giao chiến, ông vừa dẫn theo nhóm người Hoàng Phi Hổ lại vừa có thể chiến đấu cùng với các chư Thần. Điều này biểu hiện tính phức tạp của sinh mệnh, loại tính phức tạp này là quan hệ liên thông giữa trên và dưới, giữa trời và đất.

Trụ Vương

Trụ Vương chỉ đơn thuần là một quân vương, ở cùng tầng thứ với con người chúng ta. Tôi cho rằng ông là nhân vật ít quan trọng nhất. Điều ấy có ý nghĩa gì?

Trong tác phẩm, Trụ Vương chỉ làm nền cho các nhân vật khác. “Phong Thần Diễn Nghĩa” giảng về thiên tượng rộng lớn, trên có thể truy ngược về tầng thứ của các bậc Phật Đạo như Nguyên Thủy Thiên Tôn, Lão Tử, Thông Thiên Giáo Chủ, và Chuẩn Đề Đạo Nhân. Những nhân vật tham dự vào cuộc đọ sức chính tà còn có Quảng Thành Tử, Từ Hàng Đạo Nhân (Quan Âm Bồ Tát), Văn Thù Đạo Nhân (Văn Thù Bồ Tát). Đồng thời, chúng ta cũng thấy được quá trình tu luyện xuất thế của các nhân vật huyền thoại như Nhị Lang Thần và Na Tra. Kỳ thực chính là nói: Mỗi người tu hành đều là có lai lịch, có sứ mệnh.

Na Tra là người có sứ mệnh: Đến một chuyến làm quan tiên phong, trải qua quá trình thành tựu bản thân, kết quả cũng thực sự tu thành. Thời đầu tu luyện Na Tra luôn ở bên cạnh sư phụ, nhưng cậu vẫn cần phải tự lập bản thân, do đó mà xuống núi phò tá Khương Tử Nha. Tất cả những người tu luyện đến cuối cùng đều phải thực hiện sứ mệnh trong kiếp nạn hồng trần, chính là ý nghĩa này.

Tuy nhiên, Trụ Vương lại không có những yếu tố nói trên.

Trụ Vương chỉ là người

Trụ Vương chỉ là một cá nhân trong hoàn cảnh con người, ông cũng có nhục thân và vận mệnh như một người bình thường, giống như mỗi cá nhân chúng ta đều có “định số”. Trụ Vương không thể thoát khỏi kiếp Trời định, ông không thể khống chế được điều gì.

Khi còn là hoàng tử, Trụ Vương có hai người anh trai tài đức, nhưng cuối cùng ông lại lên kế vị. Ông được chọn làm vua là bởi vì ông đã thể hiện bản lĩnh siêu thường. Lúc ấy khi đang cùng phụ vương ở ngự hoa viên, đột nhiên cây cột xà trong đại điện bị gãy, Trụ Vương (lúc ấy là hoàng tử Ân Thọ) liền nhanh tay đỡ cây xà, phụ vương thấy vậy liền phong cho ông làm Thái tử kế vị.

Chẳng phải cột xà gãy là điềm báo triều Thương sắp sụp đổ rồi sao? Trụ Vương một tay đỡ cột xà, người bình thường nhìn thấy thì cho ông là kẻ mạnh, nhưng kỳ thực chuyện cây xà đổ về phía Ân Thọ ám chỉ rằng tai họa lớn sắp giáng xuống đầu ông.

絵本三国妖婦伝 殷紂王.jpg
Trụn Vương. (Miền công cộng)

Bảy năm sau khi Trụ Vương lên ngôi, vào ngày 15 tháng 3 tức ngày vía bà Nữ Oa, Thừa tướng Thương Dung tâu: “Xin ngài hãy đi bái Nữ Oa”.

Ông hỏi lại: “Vì sao trẫm phải bái Nữ Oa?”.

Rất hiển nhiên, trước đây ông chưa từng dâng hương bái Nữ Oa, nếu không sao lại hỏi Thương Dung câu ấy? Sẽ không cần hỏi, phải vậy không?

Trụ Vương làm vua được 7 năm rồi mới đi bái Nữ Oa, sau đó lại tùy tiện buông lời cợt nhả với Thần. Nữ Oa muốn trừng phạt ông, nhưng xem xét lại thì thấy Trụ Vương còn 28 năm nữa. Con số “28” là bốn lần bảy. Ông mới qua được một lần bảy, cũng từ đây ông dần dần đi về hướng suy bại.

Ngũ Hành có Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, cộng thêm Nhật và Nguyệt thì chính là bảy. Một đời người bị chi phối bởi bảy yếu tố này, đó cũng là những yếu tố chi phối vạn sự vạn vật. Vạn vật trong tuế nguyệt xoay vần mà trở nên bại hoại, với con người thì là quá trình từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa đời. Triều đại cũng như vậy, rồi cũng đến lúc diệt vong. “Phong Thần Diễn Nghĩa” dùng phương thức này để ẩn dụ về quá trình bại hoại của vật chất.

Trụ Vương có phần cuồng vọng và kiêu ngạo, tâm cuồng vọng cùng với sắc tâm quá mạnh khiến ông bất kính với Thần. Do đó, từ một vị quân vương anh minh sáng suốt, sau bảy năm đầu trị vì ông bắt đầu suy bại, một mạch cho đến hết 28 năm (bốn lần bảy) thì toàn bộ sinh mệnh cũng kết thúc. Trong mắt tôi kỳ thực là có ẩn dụ: chính là định số.

Nhưng mặc dù vậy, Trụ Vương vẫn không biết bản thân đã sai. Ở trong cung 7 năm, ông tài giỏi như vậy, là quân chủ thống lĩnh các chư hầu, vậy mà lại không biết Nữ Oa là ai! Câu nói: “Vì sao ta phải đi bái kiến Nữ Oa?” cũng đồng thời phản ánh sự kiêu ngạo và vô tri của ông.

Nếu ông có tâm kính Thần thì đã không viết bài thơ ấy. Ông cho rằng mình là ở trên “vương” nên mới đi dâng hương bái Thần. Nhưng đến Thần miếu, ông lại dám đề bài thơ phản cảm này! Kỳ thực ông chỉ là dùng ngôn ngữ của con người để ca ngợi sắc đẹp của Nữ Oa – đó chính là khinh nhờn Thần.

Vậy tại sao ông lại viết bài thơ này?

Bất kính Thần Phật, gần gũi yêu tà

Sau khi dâng hương, ông dạo bước thưởng lãm trong miếu điện, bỗng một làn gió âm vén mở tấm màn trướng, ông tình cờ thấy Thần tượng của Nữ Oa. Bức tượng Nữ Oa với vẻ đẹp thanh cao thoát tục khiến ông trầm trồ kinh ngạc. Kỳ thực lúc ấy Nữ Oa không hề ngự trên tượng, bà đang ở trên cung Hỏa Vân chầu ba Thánh là Phục Hy, Thần Nông và Hiên Viên.

Vì Thần nữ đã rời đi nên đó chỉ là một bức tượng, tại nhân gian bức tượng ấy mang vẻ đẹp tuyệt mỹ không gì diễn tả được. Vẻ mỹ mạo ấy vô tình dẫn khởi sắc niệm của Trụ Vương. Nếu Trụ Vương không có tà niệm thì sẽ không có cơn gió âm đó, mà cơn gió âm này đến từ tầng thứ cao hơn ông, từ đó diễn dịch cho nhân gian truyền thuyết Phong Thần.

Sau 7 năm Trụ Vương trị vì nhà Thương, sinh mệnh của ông dần dần đi về hướng suy bại, mà làn gió âm kia rất có khả năng có quan hệ với cây cột xà bị gãy lúc ban đầu. Trước và sau đối ứng, đều dẫn ra vấn đề này. Do vậy, con mắt ông nhìn thấy tượng nữ Thần, từ đó viết bài thơ ca ngợi nhan sắc, kết quả là Nữ Oa tặng cho ông ba con yêu tinh.

Cả ba con yêu đều là nữ, chẳng phải vậy sao? Trụ Vương mơ về Thần Tiên, nhưng lại ăn nằm với yêu tinh. Sau đó ông lại vì yêu tinh mà giết hại ba người vợ hiền đức của mình – Chính cung Khương hoàng hậu, Đông cung Dương quý phi, Tây cung Hoàng quý phi. Kỳ thực ở đây chính là giảng Thiên, Địa, Nhân, chính là điều mà chúng ta thường gọi là “Tam tài”. Vạn vật đều là ba.

Sắc tâm của Trụ Vương đã chiêu mời ba con yêu, điều ấy có thể lý giải là: Trụ Vương đang làm hao mòn thời gian trong sinh mệnh thuộc Thiên, sinh mệnh thuộc Địa, sinh mệnh thuộc Nhân của mình. Quá trình bớt thời gian ấy chẳng phải chính là quá trình suy bại của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ đó sao? Mà bản thân việc bớt thời giờ cũng cần phải có thời gian, với ông là 28 năm, cũng chính quá trình diệt vong. Tôi cho rằng câu chuyện ẩn dụ trong đó có rất nhiều điều thú vị!

Cùng với thói hoang dâm vô đạo, đắm chìm trong nữ sắc là quá trình bị yêu tinh mê hoặc, cũng chính là đã đánh mất “bản lai sinh mệnh” của mình. Trụ Vương lúc ban đầu còn có lý trí, cũng từng lắng nghe lời khuyên của Thừa tướng Thương Dung. Nhưng dần dần theo thời gian, càng ở lâu với yêu tinh thì các nhân tố suy bại của ông càng lớn, mãi cho đến cuối cùng là triệt để kết thúc.

Trong cuộc sống hiện thực, khi con người có tà niệm, rời xa Thần, thì cũng là đang đi về hướng suy bại. Trụ Vương là diễn dịch câu chuyện này.

Trụ Vương có thể lắng nghe lời Đạo nhân khuyên nhủ, nhưng ông lại không chịu được khi bị cám dỗ. Vân Trung Tử đến khuyên ông, giảng ra những lời đạo lý, ông lắng nghe chăm chú và thuận lòng treo cây kiếm lên trừ tà. Nhưng rồi ông quay mặt nhìn Đát Kỷ, thế là xong!

色關最難過!甚麼人能抵禦妲己的誘惑?
Đát Kỷ. (Miền công cộng)

Ba con yêu tinh mê hoặc Trụ Vương là cảnh báo cho con người hiện đại: Một khi tin theo tà ma thì nhân loại sẽ kết thúc. Làm người thì nên tránh xa những thứ tà ma quỷ mị như cáo, chồn, quỷ, rắn. Sinh mệnh rời xa Thần thì cũng đồng dạng với yêu, tinh, quỷ, quái, thú…

Do đó ở góc độ của Trụ Vương, cá nhân tôi cảm thấy rất giản đơn: Rời xa Thần, sắc dục quấn thân, tâm niệm nhiễm tà, từ đó càng lún càng sâu, khiến cho bản thân kiệt quệ, cuối cùng kết thúc.

Ân Giao, Ân Hồng

Ân Giao và Ân Hồng không phải nhân vật chính, nhưng lại phản ánh những tinh túy phía sau một sinh mệnh.

Ân Giao và Ân Hồng chỉ thoáng lộ diện trong hồi thứ nhất. Khi Nữ Oa sắp trừng phạt Trụ Vương thì chính lúc ấy, Ân Giao và Ân Hồng lên điện khấu đầu trước phụ vương.

Nữ Oa cưỡi mây lành đến Triều Ca, kết quả bị hai đạo hào quang xông lên cản đường. Bà định thần lại xem xét thì thấy Trụ Vương vẫn còn 28 năm dương thọ! Nữ Oa dù rất căm phẫn nhưng vẫn không thể hủy mất 28 năm Thương triều trong một sớm một chiều. Bởi vì Nữ Oa mặc dù là vị Thần “tạo ra con người”, nhưng không thể quản được số mệnh con người, cũng không quản được chuyện thịnh suy chốn nhân gian.

Vậy Ân Giao và Ân Hồng là ai? Sinh mệnh như thế nào có thể cản được đường của Nữ Oa?

Cảnh giới cao vô cùng, vì tình mà chịu nạn

Có thể nói, Nữ Oa là Thần trong Tam giới, chịu sự kiểm soát của Tam giới. Còn Ân Giao và Ân Hồng lại đến từ tầng thứ rất cao mà Nữ Oa không thể biết, bà chỉ thấy rằng hào quang của họ đủ để cản đường mây của bà. Điều này nói rõ Ân Giao và Ân Hồng đến từ tầng thứ cao hơn Nữ Oa.

Mặc dù sinh mệnh nguyên lai của Ân Giao và Ân Hồng vượt qua cảnh giới Nữ Oa, nhưng tại nơi nhân thế họ lại thác sinh làm con trai của Trụ Vương. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nữ Oa không thể vội vàng khinh suất.

Ân Giao và Ân Hồng đã từng trải qua rất nhiều khổ nạn: Mẫu thân bị hãm hại vô cùng thảm khốc, họ vì thương xót mẹ mà cũng gặp nạn, phải nếm trải biết bao đau thương mất mát.

Câu chuyện ấy nói rõ điều gì? Là nói rằng trong cảnh giới của mình, Ân Giao và Ân Hồng đã phạm sai lầm lớn: Họ đã sinh ra những xúc cảm không thuần tịnh. Bởi vì hết thảy mọi thống khổ đến với họ đều là vì lụy vào tình mẫu tử, không cam lòng khi “mẫu thân bị hãm hại”.

Tạo nghiệp gì thì phải hoàn trả nghiệp ấy, đạo lý tương sinh tương khắc là như vậy. Do đó nguyên nhân khiến Ân Giao và Ân Hồng gặp rắc rối cũng là vì lụy tình với mẫu thân.

Sau khi thấy mẹ chết oan uổng, hai anh em cầm kiếm muốn băm vằm Đát Kỷ. Phụ thân liền ra lệnh giết họ, cả hai anh em phải bỏ chạy rồi lại bị bắt về xử trảm. Hết thảy mọi tình tiết đều xoay quanh tình cảm của Ân Giao và Ân Hồng.

 封神演義中的殷郊 殷洪 (圖片來源 網絡)
Ân Giao, Ân Hồng. (Nguồn qua SOH)

Toàn bộ chương hồi là tình thân quyến, hai anh em đều vì tình cảm mà bị giáng hạ xuống. Đến mức sau này khi Ân Giao và Ân Hồng xuống núi, cả hai đều vì tình thân mà mắc lừa Thân Công Báo.

Vì không thể thoát khỏi tình thân mà Ân Hồng đã bội ước, Ân Giao cũng mắc phải sai lầm hệt như vậy. Thần Công Báo nói với Ân Giao rằng: “Em trai của ngươi đã bị Khương Tử Nha giết”.

Ân Giao nói: “Tôi sẽ đi thảo phạt Trụ Vương, nhưng trước tiên tôi phải giết Khương Tử Nha đã”.

Từ đầu chí cuối hai anh em đều vì tình cảm mà lỡ bước sai đường.

Đây cũng là nguyên do khiến họ rớt xuống – tình cảm với mẫu thân, tình cảm với phụ thân, tình cảm giữa huynh đệ. Vì lụy tình mà xuất hiện những sự việc như vậy.

Khổ nạn gặp phải chính là để hoàn trả nghiệp chướng. Mẫu thân chết thảm, họ lại bị phụ thân coi như kẻ thù, kỳ thực đó là đang tiêu trừ nghiệp lực. Đợi đến lúc hoàn trả xong nợ nghiệp thì Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử sẽ xuất hiện, cứu nguy cho họ trong gang tấc.

Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử không biết Ân Giao và Ân Hồng đến từ đâu, chỉ biết rằng Ân Giao và Ân Hồng phải hoàn trả nghiệp chướng, sau đó được thu làm đồ đệ, tương lai sẽ đông chinh thảo phạt Trụ Vương, trở thành những đại tướng dũng mãnh, cuối cùng được an bài lại con đường mới. Quảng Thành Tử nói: “Hai ta mỗi người cứu một đồ đệ” rồi hóa ra cơn gió đưa hai anh em lên núi. Ân Giao được Quảng Thành Tử thu làm đồ đệ, Ân Hồng được Xích Tinh Tử thu làm đệ tử.

Con người làm điều gì thì phải hoàn trả điều ấy. Người thường chịu khổ chính là trả nghiệp, chúng ta nên trân trọng cơ hội trả nghiệp này, không nên tái phạm sai lầm nữa. Rất nhiều người cho rằng bản thân là có lai lịch… Lai lịch gì đây? Mỗi cá nhân chúng ta đều có lai lịch rất thâm sâu nhưng không nhất định phải biết. Ân Giao và Ân Hồng cũng như vậy, sau khi chịu đựng khổ nạn thì vận mệnh cũng được cải biến.

Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử thấy tương lai của đệ tử sẽ được an bài lại mới. Ai đang an bài cho họ? Vì họ đến từ tầng thứ cao, hiển nhiên sẽ có ấn ký của những sinh mệnh cao tầng mà chúng ta không thể biết.

Vào cửa tu Đạo, vẫn khó thoát kiếp nạn

Mặc dù chúng ta không thấy quan hệ qua lại giữa Ân Giao, Ân Hồng và Nguyên Thủy Thiên Tôn, nhưng đến cuối cùng khi Ân Giao và Ân Hồng bị diệt trừ thì toàn bộ đều ra mặt – Nguyên Thủy Thiên Tôn, Lão Tử, Dao Trì Thánh Mẫu, Chuẩn Đề Đạo Nhân. “Tứ phương cờ lệnh” của các vị Thần Tiên (gồm có cờ Ly Ðại Diệm Quang ở phía nam, cờ Thanh Liên Bửu Sắc ở phía đông, cờ Tô Sắc Vân Giới ở phía tây, cờ Hạnh Huỳnh Kỳ ở chính giữa) đại biểu cho Pháp lực của chư Phật, Đạo, Thần, như thế mới có thể hàng phục Ân Giao. Ấy là vì Ân Giao đến từ tầng thứ rất cao.

Quảng Thành Tử. (Wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Điều đặc biệt là hai anh em đi hai ngả đường riêng biệt nhưng lại xảy ra cơ sự giống hệt như nhau: Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử đều trao tất cả bảo bối mình có cho đồ đệ, sau lại cảnh báo rằng: “Con cần phải phát thệ không thay lòng đổi dạ”. Kỳ thực, ngay từ đầu khi gặp Ân Giao và Ân Hồng thì hai vị sư phụ đã lo sợ rằng học trò sẽ dao động, không kiên định đến cùng.

Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử không rõ quỷ sai Thần khiến thế nào lại trao tất cả bảo bối cho đệ tử, mà những bảo bối này đều là của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Ân Giao và Ân Hồng có thể làm chủ bảo bối của sư phụ, kỳ thực chính là vì cảnh giới của họ rất cao.

“Pháp khí” đại biểu cho “cảnh giới”, cảnh giới đạt đến tầng thứ nào thì sẽ có được năng lực ấy. Thể hiện của năng lực này chính là Pháp khí, trong cảnh giới của mình họ có thể lấy ra bất cứ vật gì để biến thành Pháp khí.

Ví dụ, nếu Quan Âm Bồ Tát cầm một cành dương liễu, thì cành dương liễu ấy chính là Pháp khí của Bồ Tát. Nếu La Hán cầm tràng hạt, thì tràng hạt ấy sẽ biến thành Pháp khí của La Hán. Tuy nhiên, vì La Hán ở tầng thứ thấp hơn Bồ Tát, cho nên La Hán chưa chắc đã nhận thức được Pháp khí của Quan Âm Bồ Tát.

Ân Giao và Ân Hồng hoàn toàn có thể nắm giữ được Pháp khí của Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử, ngược lại còn dùng Pháp khí ấy để đánh bại sư phụ. Chính vì tầng thứ của họ rất cao, họ có năng lực nắm bắt những thứ này, trong khi Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử lại không thể đoạt lại Pháp khí của chính mình.

Vậy họ đã đạt đến tầng thứ nào? Muốn hàng phục Ân Giao, “Tứ phương cờ lệnh” cần phải có Pháp khí của cả Phật, Đạo, và các vị Thần tối cao trong Tam giới. Điều ấy nói rõ hai anh em Ân Giao và Ân Hồng đến từ tầng thứ rất cao.

Xã hội nhân loại xuất hiện việc thay triều đổi đại là bởi vì tại cảnh giới cao đã không còn thuần tịnh. Ân Giao và Ân Hồng từ tầng thứ ấy rơi rớt xuống trở thành con trai của Trụ Vương. Họ có cơ hội tu luyện trở về, trở thành đồ đệ của Quảng Thành Tử và Xích Tinh Tử. Bạn nói đó là duyên phận cũng được, gọi là gì cũng được, nhưng chính là vì bản nguyên và cảnh giới của sinh mệnh đã xuất hiện suy bại.

Tại đây có thể thấy lý tương sinh tương khắc: Sau khi Nữ Oa gặp Ân Giao và Ân Hồng, bà quay về tìm ai? Tìm yêu tinh. Bà gặp những vị Thần là những sinh mệnh ở cảnh giới cực cao rơi rớt xuống và cản đường bà, quay về bà liền tìm yêu tinh. Trên - dưới đối ứng… Giữa tầng thứ nguyên lai của Ân Giao, Ân Hồng và tầng thứ của yêu tinh có biết bao sai biệt?

Trong xã hội nhân loại chúng ta hiện nay, có một số người chính là Ân Giao, Ân Hồng, rất có thể họ đến từ cảnh giới chí tôn, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà rơi rớt xuống nhân thế, họ sẽ trải qua những ma nạn mà chúng ta thấy hiện nay để tu luyện trở về.

Do đó khi Ân Giao và Ân Hồng bị diệt trừ, hai vị sư phụ đều không nỡ lòng. Sư phụ đều muốn cứu đệ tử trở về, nhưng đành lực bất tòng tâm.

Hai anh em họ đã phạm sai lầm gì? Khi sư diệt tổ! Họ bội ước với sư phụ, vi phạm lời thề, sau đó lại dùng Pháp khí của sư phụ để đánh trả sư phụ. Đây là phạm vào tội đại nghịch bất đạo. Vì sao họ lại dám làm những chuyện khi sư diệt tổ như thế? Cũng là vì lai lịch cao. Nếu lai lịch không cao đến thế, họ sẽ không dám hạ thủ đối với sư phụ mình.

Chính là vì sinh mệnh có căn cơ rất cao, họ mới dám làm những điều kinh thiên động địa. Tại tầng thứ này nơi con người quan hệ giữa hai bên là sư đồ, nhưng tại tầng thứ khác rất có thể cảnh giới của họ còn cao hơn Quảng Thành Tử. Tuy nhiên, họ là những sinh mệnh đã suy bại.

Đây cũng là điều tôi muốn nói: Rất nhiều bằng hữu không ý thức được sự trân quý của bản thân mình! “Phong Thần Diễn Nghĩa” đặt tại đó, hơn 500 năm trước, tác giả cuốn sách này đã đem những khái niệm thiện lương như thế để kể câu chuyện giữa Thiên, Địa, Nhân.

Tôi muốn chia sẻ rằng: Bạn cần nhận ra sự trân quý của chính mình. Tôi có thể cảm nhận được sinh mệnh của bạn, tôi, và tất cả những người hữu duyên là vô cùng trân quý.

Khi bạn hiểu rằng sinh mệnh rất trân quý, có lai lịch chí tôn, bạn sẽ cảm thấy “thật đáng quý tiếc”. Bạn sẽ trân trọng mỗi giờ khắc mà bạn có hôm nay, sẽ nhận ra rằng tìm về nguyên lai của sinh mệnh mới là hạnh phúc vĩnh hằng.

Tác giả: Thạch Đào - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảm ngộ Phong Thần