Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (P-1): Nửa bộ Luận Ngữ trị thiên hạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáo dục ngày nay không dạy con người Đạo - nguyên lý tổng quát, mà chỉ dạy về các tri thức mang tính kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng, thủ thuật, thủ pháp... Thế nên con người ngày nay đừng nói học một biết hai, học một biết một cũng là khó khăn, phổ biến là học mười biết một.

Luận Ngữ mở đầu bằng câu: "Điều học được, mà lại có thể thường xuyên luyện tập, thực hành, chẳng phải vui lắm sao? Có bằng hữu chí đồng Đạo hợp từ xa đến thăm, chẳng phải vui lắm sao? Người khác không hiểu mình mà không oán hận, chẳng phải quân tử đó sao?"

Nguyên văn: "Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?”

"Học nhi thời tập chi" (học mà thường xuyên thực hành)

Ý nghĩa câu này chính là yêu cầu môn sinh không chỉ tinh thông tri thức trong thư tịch kinh điển mà còn phải tự mình thực hành, trải nghiệm, nếu không thì chỉ là những kẻ hữu danh vô thực, đánh trận trên giấy mà thôi. Câu nói đó cũng nói rõ phạm vi và mục tiêu của giáo dục: Học tập, đọc sách không phải là học thuộc, ghi nhớ thư tịch máy móc mà học tập là để áp dụng, vận dụng và thực hành trong thực tiễn cuộc sống, phải biết học một suy ra hai, học một biết mười.

Làm sao có thể học một biết hai, học một biết mười? Chỉ có thể là học Đạo - nguyên lý tổng quát, nguyên lý chung của xã hội con người, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, và mối quan hệ giữa người với người, để con người sống thuận theo Đạo, theo quy luật tự nhiên vũ trụ. Sách Trung Dung viết: "Hỷ nộ ai lạc chưa phát tác gọi là trung, phát ra mà đều có thể tiết chế dung hòa gọi là hòa. Trung là cội nguồn của thiên hạ, hòa là đạt Đạo của thiên hạ".

Luận Ngữ cũng là bộ sách về nguyên lý tổng quát đó, nên đủ sức cho người chuyên tâm học tập có thể học một biết mười.

Điển cố "Bán bộ Luận Ngữ trị thiên hạ" (Nửa bộ Luận Ngữ là đủ trị sửa quản lý thiên hạ thái bình thịnh trị) là minh chứng rõ nét trong lịch sử.

Triệu Phổ, ban đầu là quan cấp dưới của Triệu Khuông Dẫn. Năm 960, Triệu Khuông Dẫn đưa quân lên phía bắc, khi quân đến Trần Kiều, Triệu Phổ đã đưa ra kế sách giúp Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến ở Trần Kiều. Triệu Khuông Dẫn làm hoàng đế, kiến lập triều Tống, sử gọi là Tống Thái Tổ. Sau đó, Triệu Phổ lại phò tá Tống Thái Tổ thống nhất đất nước, và ông được phong làm Tể tướng. Sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn qua đời, em trai của ông là Triệu Khuông Nghĩa lên kế vị, sử gọi là Tống Thái Tông.

Dưới thời Tống Thái Tông, Triệu Phổ vẫn làm Tể tướng. Có người tâu với Tống Thái Tông rằng Triệu Phổ học thức nông cạn, sách mà ông ta đọc chỉ có một bộ Luận Ngữ của Nho gia, mà lại để ông ta làm Tể tướng là không thích hợp.

Có một lần, Tống Thái Tông hỏi Triệu Phổ: “Có người nói khanh chỉ đọc có một bộ Luận Ngữ, có đúng vậy không?

Nửa bộ Luận Ngữ của Khổng Tử đủ để trị vì thiên hạ
Điều học được, mà lại có thể thường xuyên luyện tập, thực hành, chẳng phải vui lắm sao? (Ảnh: Wikipedia).

Triệu Phổ thật thà trả lời: “Những gì thần biết, quả thật không vượt khỏi cuốn Luận Ngữ. Năm xưa thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ Thái tổ bình định thiên hạ, giờ đây thần dùng nửa bộ Luận Ngữ để phò trợ bệ hạ, giúp thiên hạ thái bình”.

Về sau Triệu Phổ qua đời vì bệnh, người nhà mở hòm sách của ông ra, bên trong quả thật chỉ có cuốn Luận Ngữ.

Nghĩ về giáo dục ngày nay, người giáo dục (thầy), hay người tiếp nhận giáo dục (học sinh) cho đến nhân sĩ các giới trong xã hội dường như đa số có tư duy giáo dục một chiều, đơn phương. Họ nghĩ rằng học tập vì chức vụ, vì điểm số, vì thi cử, vì để hơn người. Không hiểu việc ghi nhớ bài giảng, bài giải để thi được điểm cao thì "hơn người" cái gì đây? chẳng qua chỉ là khả năng ghi nhớ, và chăm chỉ hơn mà thôi. Nếu chỉ 'hơn người' như thế thì toàn nhân loại đã thua máy móc, máy tính từ lâu rồi. Phương thức và tư duy giáo dục này chỉ đào tạo ra những người thi cử điểm cao mà năng lực lại thấp.

Theo báo Giáo dục và Thời đại: "Năng lực cạnh tranh và năng suất lao động còn hạn chế. Năng suất lao động trung bình của Việt Nam chỉ bằng một nửa các nước ASEAN, thấp hơn Indonesia 10 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần, khiến chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế liên tục giảm trong những năm qua".

Giáo dục ngày nay không dạy con người Đạo - nguyên lý tổng quát, mà chỉ dạy về các tri thức mang tính kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng, thủ thuật, thủ pháp... Thế nên con người ngày nay đừng nói học một biết hai, học một biết một cũng là khó khăn, phổ biến là học mười biết một. Đơn giản là vì đầu óc con người không thể chứa quá nhiều tri thức đủ loại như vậy được, đó lại là thế mạnh của máy tính, thế nên giờ đây mới xuất hiện một loạt robot thông minh 'trí tuệ' hơn con người.

Khổng Tử dạy học trò rằng: "Quân tử bất khí", nghĩa là "người quân tử không phải là công cụ", chỉ biết các kỹ năng, kỹ thuật ở những phương diện nào đó, như một công cụ, máy móc. Giáo dục ngày nay hoàn toàn ngược lại, chuyên dạy các kỹ năng kỹ thuật, tri thức chuyên ngành nhỏ hẹp, đã thực sự đào tạo ra 'những món đồ'. Điều đó phần nào lý giải hiện tượng tỷ lệ lao động bằng cấp cao của Việt Nam khá lớn mà năng suất lao động lại đứng nhóm cuối, kém xa cả các nước ASEAN.

Năng suất lao động của Việt Nam so với các nước trong ASEAN
Giáo dục ngày nay hoàn toàn ngược lại, chuyên dạy các kỹ năng kỹ thuật, tri thức chuyên ngành nhỏ hẹp, đã thực sự đào tạo ra 'những món đồ'. (Ảnh: Viện Nghiên cứu NSLĐVN).

"... bất diệc duyệt hồ?" (...chẳng phải vui lắm sao?)

Ý nghĩa câu này chính là tìm được niềm vui, say mê trong học tập và thực hành những tri thức tổng quát, suy nghĩ áp dụng vào muôn vẻ đời sống thường ngày, thấy được kết quả của học tập, tri thức thực tiễn tăng dần từng ngày, và cảnh giới tư tưởng cũng vì thế mở rộng ra từng ngày.

Tại sao học tập lại vui? Từ việc học Đạo - nguyên lý tổng quát, người ta áp dụng vào việc tu thân, từ đó sửa mình, quy chính bản thân. Khi bản thân đã có đạo đức và trí tuệ, mới có thể tề gia - sắp xếp quản lý sự việc của gia tộc. Người có khả năng lãnh đạo cả gia tộc, mới có sự chuẩn bị cần thiết làm bước đệm để vươn tới trị quốc - làm quan quản lý quốc gia, chăm nom dân chúng. Cuối cùng là bình thiên hạ - dùng nhân đức cảm hóa, giáo hóa muôn phương, khiến dân chúng khắp bốn cõi ngưỡng vọng quy theo, quy chính nhân tâm, khiến thiên hạ thái bình, thịnh trị. Một người đi học mà lại tùy nghi sử dụng những kiến thức được như ý mình thì quả là hạnh phúc, ngày ngày hạnh phúc, cả đời hạnh phúc.

Thế nên Khổng Tử có nói: "Đối với việc học, người biết học tập như thế nào không bằng người yêu thích học tập, người yêu thích học tập không bằng người coi việc học tập là niềm vui"

(Nguyên văn: "Tri chi giả bất như hiếu chi giả, hiếu chi giả bất như lạc chi giả").

Đây là 3 cảnh giới học tập. Cảnh giới thứ nhất là biết được tầm quan trọng của học tập, học để hiểu biết, tăng tri thức cho công việc và cuộc sống. Cảnh giới thứ 2 là thích học tập, tìm được những điều lý thú trong học tập, thấy được kết quả của việc học, thấy được kết quả áp dụng những điều học được trong cuộc sống. Cảnh giới thứ 3 là coi việc học tập là niềm vui. Đây là cảnh giới cao nhất, người cảnh giới này sẽ không còn hứng thú với những thú vui tiêu khiển thế tục, tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi vào học tập, tìm thấy niềm vui bất tận trong học tập. Người cảnh giới này đạt được học một biết hai, thậm chí biết mười, và luôn sống trong trạng thái vui vẻ hạnh phúc. Bất kể hoàn cảnh sống ra sao, gặp phải cảnh ngộ thế nào thì họ vẫn tìm thấy niềm vui trong học tập. Người tiêu biểu cho cảnh giới này chính là Nhan Uyên (còn gọi Nhan Hồi) - một học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử.

Nhan Hồi cần mẫn học tập, giỏi suy nghĩ, học để áp dụng thực tế. Mặc dù điều kiện học hành rất gian khổ nhưng ông thức khuya dậy sớm học tập nghiên cứu kinh Thi, kinh Lễ... đối với những gì Khổng Tử đã truyền thụ, ông đều ôn luyện lại rất nhiều lần, làm được đến mức “nghe một biết mười”.

Khổng Tử đã rất nhiều lần khen ngợi Nhan Hồi hiếu học, khen ông là người chỉ cần nghe thầy dạy liền lập tức thực hiện: “nghe lời dạy của ta mà không trễ nải lười nhác, liền thực hiện ngay, thì chỉ có Nhan Hồi”.

học như thế nào để có kết quả tốt nhất
"Đối với việc học, người biết học tập như thế nào không bằng người yêu thích học tập, người yêu thích học tập không bằng người coi việc học tập là niềm vui". (Ảnh: Pexels).

Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi có phẩm đức khiêm tốn, ca ngợi ông biết lựa chọn điều thiện để theo: “Học được một điều thiện thì ghi nhớ kỹ trong lòng, vĩnh viễn không để mất đi”.

Khổng Tử nói: “Người hiền năng thực sự nhân đức đó là Nhan Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, sống trong ngõ nhỏ xấu xí. Người ta không chịu nổi nghèo khổ mà lo nghĩ, nhưng Nhan Hồi lại không thay đổi, vẫn vui vẻ tự có niềm vui riêng”.

Đây chính là cảnh giới tâm hồn mà Khổng Tử đã nói: “Ăn cơm thô với rau, uống nước trắng, gối lên cánh tay ngủ, niềm vui hạnh phúc cũng tự đã có ở trong đó rồi”.

Ngẫm xem người học ngày nay, người đạt cảnh giới thứ nhất cũng đã không có mấy, còn đạt cảnh giới thứ hai - thích học - cũng là khá hiếm rồi. Phần đông người học hiện nay là vì cha mẹ, vì thầy cô, vì công việc tốt, vì thăng quan tiến chức, vì danh tiếng, vì học vị... mà học. Những người này còn chưa đạt được cảnh giới thứ nhất - học để biết, để nâng cao tri thức bản thân, để biết đối nhân xử thế. Thế nên, người ngày nay không học vì mình, mà vì người khác.

Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? (Có bằng hữu đến thăm, chẳng phải vui lắm sao?)

Tại sao lại có bằng hữu từ xa đến lại vui đến như vậy? Người dốc tâm vào học tập, không ngừng nâng cao cảnh giới, đến cảnh giới thứ 3 - coi việc học tập là niềm vui. Họ không truy cầu thú vui thế tục, không cần tụ tập bạn bè đi du lịch đây đó, đi ăn uống, giải trí, coi phim, ca nhạc, bóng đá, thể thao... mà họ dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của mình cho niềm vui học tập.

Vậy sao có bằng hữu đến họ lại vui mừng như thế? Bởi vì bằng hữu của họ cũng là người giống như họ, cũng dành tâm sức cho học tập. Tuy mỗi người một phương nhưng "anh hùng sở kiến lược đồng" (kiến giải, cách nhìn nhận của những bậc anh hùng là khá tương đồng). Khi họ học tập đến một tầng cao nhất định, thấy không thể tiến nữa, tìm thầy học bạn xung quanh cũng đã tìm hết rồi, lúc đó họ sẽ nghe danh tiếng những người trí tuệ, có thành tựu trong học vấn, trong học Đạo mà tìm đến, để đàm Đạo, bàn luận sở đắc, để tham khảo học hỏi lẫn nhau. Vì vậy, họ không quản từ ngàn dặm xa xôi, đến tìm thầy tìm bạn - người có đức cao, có trí tuệ lớn, danh tiếng lớn để học hỏi.

Bản thân Khổng Tử chính là minh chứng sống động cho câu nói này. Khổng Tử nghe danh ở kinh đô nước Chu có Lão Tử là người có trí tuệ nổi tiếng, bác cổ thông kim, nên tìm cách đến thăm. Ông nói với đệ tử là Nam Cung Kính Thúc rằng: “Lão Đam, người giữ chức Tàng thất sử của nhà Chu, bác cổ thông kim, biết cội nguồn của lễ nhạc, hiểu rõ mấu chốt của đạo đức. Nay ta muốn đến Chu xin thỉnh giáo, trò có muốn đi cùng không?

Nam Cung Kính Thúc vui mừng đồng ý, lập tức tâu lên vua nước Lỗ. Vua Lỗ đồng ý cho ông đi, đồng thời cấp cho ông một cỗ xe song mã, một đứa nhỏ hầu, một người đánh xe, và cử Nam Cung Kính Thúc hộ tống Khổng Tử lên đường. Lão Tử thấy Khổng Tử xa xôi ngàn dặm đến, vô cùng vui mừng. Mấy ngày đàm đạo cùng Lão Tử đã khiến thế giới quan và học vấn của Khổng Tử mở rộng, cảnh giới tư tưởng thăng tiến, thu được rất nhiều lợi ích, rất nhiều điều mới lạ, cao xa, thâm sâu huyền ảo đã gợi mở tư tưởng Khổng Tử, khiến ông sau khi thăm Lão Tử trở về nhà 3 ngày không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm sao. Khổng Tử lúc này mới đáp:

Nếu ta gặp người có suy nghĩ thoáng đạt như chim bay, ta có thể dùng luận điểm chính xác sắc bén như cung tên của ta bắn hạ chế phục họ. Nếu tư tưởng của người ta vun vút không trói buộc như hươu nai chạy, ta có thể dùng chó săn đuổi theo, nhất định khiến họ bị luận điểm của ta chế phục.

Nếu tư tưởng của họ như con cá bơi trong vực sâu của lý luận, ta có thể dùng lưỡi câu để bắt lên.

Nhưng nếu tư tưởng họ như con rồng, cưỡi mây đạp gió, ngao du nơi cảnh huyền ảo thái hư (vũ trụ mênh mông huyền bí), không ảnh không hình, không nắm bắt được, thì ta chẳng có cách nào đuổi theo bắt được họ cả.

Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa. Lão Đam, thực sự là Thầy của ta!”.

Đừng tự mãn với những gì đã biết
Kiến thức học được dù lớn đến đâu cũng chỉ là một hạt nước bé nhỏ trong đại dương mênh mông. Vậy nên, người học cần phải giữ thái độ khiêm nhường, luôn cung kính và sẵn sàng học hỏi. (Ảnh: Pexels).

Đây cũng là niềm vui, hạnh phúc của những người đạt cảnh giới cao trong học Đạo tu Đức, giống như Khổng Tử nói "Đức bất cô, tắc hữu lân", nghĩa là người có đức thì không cô độc, tất sẽ có bằng hữu, người chí đồng Đạo hợp tìm đến.

"Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?” (Người khác không hiểu mình mà không oán hận, chẳng phải quân tử đó sao?)

Cuộc đời của Khổng Tử, và hành trình gian nan truyền bá đạo đức nhân nghĩa, khôi phục lễ nhạc của thầy trò Khổng Từ là hình tượng sống cho phẩm chất người quân tử, là minh chứng cho câu nói này.

Khổng Tử làm quan Đại tư khấu 3 tháng, nước Lỗ đã trở nên thái bình, "ngoài đường không có người nhặt của rơi, đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường nam nữ đi hai bên khác nhau, thương nhân ở xa đến cũng không cần tìm quan lại".

Nhưng vua Lỗ mê hưởng lạc, không theo lễ nghi. Khổng Tử bèn từ quan chu du liệt quốc, phong trần dầu dãi, ngược xuôi tứ xứ để truyền bá chủ trương nền chính trị nhân đức. Khổng Tử đến các nước Chu, Tề, Vệ, Tào, Trần, Thái, Tống, Diệp, Sở để du thuyết suốt 14 năm, nhưng đều không có người hiểu học thuyết của ông. Không thỏa nguyện ở Lỗ, bị đuổi ở Tề, không được dùng ở Vệ, bị vây khốn ở đất Trần, Thái, không còn lương thực, mấy thầy trò bị bỏ đói, chỉ có thể húp nước cháo cầm hơi. Thế nhưng Khổng Tử vẫn điềm nhiên ngồi trước nhà gảy đàn ca hát.

Các học trò không hiểu tại sao Khổng Tử vẫn có thể điềm nhiên vui vẻ chơi nhạc, trong lòng không hề oán hận những người không hiểu ông, gây bao khó khăn, nguy hiểm cho ông, thậm chí đặt ông vào ranh giới của sự sống và cái chết mà vẫn không oán hận. Vừa đúng lúc này gió nhè nhẹ đưa đến hương thơm thoang thoảng, Khổng Tử theo hướng hương thơm truyền lại mà đi, tới một thung lũng nhỏ nơi thâm sâu tịch cốc phát hiện một nhành lan rừng đang nở, hương thơm dịu mát, lặng lẽ lan tỏa khắp nơi. Khổng Tử nói với các học trò của mình: “Hoa lan trong tịch cốc, không phải vì không có người mà nó không đơm hoa toả hương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi bản chất của mình. Giống như người quân tử thanh tao, chính trực, kiên cường, họ là quân tử chân chính!”.

(Còn tiếp)

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (P-1): Nửa bộ Luận Ngữ trị thiên hạ