Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (P-3): 'Kiến hiền tư tề' và 'Tam nhân đồng hành'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước Lỗ có người gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Hắn vi phạm pháp luật nên bị xử tội chặt một chân. Thấy Khổng Tử, hắn cà nhắc chống nạng theo sau, mong muốn được gặp Khổng Tử và xin bái ông làm thầy. Cuối cùng Khổng Tử đồng ý tiếp kiến hắn...

Khổng Tử nói: "Nhìn thấy người hiền năng thì nên suy nghĩ học tập họ, để có thể trở nên hiền năng như họ. Nhìn thấy người không hiền năng thì nên tự xem xét lại bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi, trừ bỏ".

(Nguyên văn: "Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh").

"Kiến hiền tư tề" là một phương pháp tu dưỡng đạo đức nhân cách. Người có tâm hướng thiện, truy cầu đạo đức cao thượng thì luôn biết cách hoàn thiện bản thân, khiêm tốn học hỏi người khác. Nhìn thấy người khác hiền năng - có đạo đức và tài năng hơn mình thì vui mừng thỉnh giáo, gần gũi và học hỏi họ, tự mình hoàn thiện, để bản thân cũng trở thành người có đức hạnh và tài năng như họ. Đây là một phương thức đối nhân xử thế đầy trí tuệ của người xưa, giúp con người luôn biết trau dồi phẩm hạnh.

Thật đáng buồn là ngày nay, không nhiều người hiểu được đạo lý này, ngược lại có khá nhiều người nếu thấy người khác tốt hơn mình, tài năng hơn mình, được mọi người kính trọng thì trái lại, họ sinh tâm ghen ghét đố kỵ, thậm chí nói xấu, phỉ báng xúc phạm người kia. Ngày nay có khá nhiều người không coi trọng tu dưỡng đạo đức, mà thường thích hư danh, thích được người khác ca ngợi, thích được hơn người. Thế nên xã hội chạy theo đồng tiền để thể hiện giàu có hơn người, chạy theo bằng cấp để thể hiện học vấn hơn người, chạy theo địa vị để thể hiện cao sang hơn người. Cũng bởi thế, các thủ đoạn lừa lọc, giả dối, tranh đoạt, mua quan bán chức, mua bằng, mua điểm lan tràn khắp nơi...

"Kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh" cũng là thể hiện trí tuệ người xưa. Người thông minh biết lấy thiếu sót, sai lầm của người khác làm tấm gương soi mình, răn dạy mình để từ đó trừ bỏ thiếu sót lỗi lầm, không ngừng hoàn thiện bản thân, khiến phẩm hạnh không ngừng thăng hoa.

Tâm lý xài đồ hiệu, thích thể hiện
Có khá nhiều người không coi trọng tu dưỡng đạo đức, mà thích hư danh, thích được hơn người, chạy theo đồng tiền để thể hiện giàu có hơn người, chạy theo địa vị để thể hiện cao sang hơn người. (Ảnh: Wikipedia).

Bản thân Khổng Tử cũng là tấm gương thực hiện câu nói này, hay nói cách khác, câu nói của ông được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế ông đã trải qua để vươn tới trở thành người có đạo đức hoàn thiện, trí tuệ khai mở, tri thức rộng lớn uyên thâm. Khổng Tử răn dạy học trò rằng: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”, nghĩa là: "Ba người đồng hành, ắt sẽ có thầy của ta".

Tam nhân đồng hành (Ba người cùng đi)

Khi Khổng Tử chu du liệt quốc, rất nhiều người tìm đến, mong được bái ông làm thầy. Nước Lỗ có người gọi là Thúc Sơn Vô Chỉ. Hắn vi phạm pháp luật nên bị xử tội chặt một chân. Thấy Khổng Tử, hắn cà nhắc chống nạng theo sau, mong muốn được gặp Khổng Tử và xin bái ông làm thầy. Cuối cùng Khổng Tử đồng ý tiếp kiến hắn.

Khổng Tử nói: “Anh hành xử không cẩn thận, nên đã phạm tội bị chặt một chân. Mặc dù nay anh cũng đã tìm được đến ta, nhưng không thể bù lại được, thế thì có tác dụng gì?”.

Thúc Sơn Vô Chỉ trả lời: “Vãn bối chỉ vì không hiểu rõ đạo lý nên mới mắc sai lầm để bị tội, bị chặt mất một chân. Hôm nay vãn bối tìm đến Ngài là vì vẫn còn có thứ cao quý hơn chân, vãn bối muốn bảo toàn nó. Trời không nơi nào không che phủ, vạn vật đều được Đất nâng đỡ. Vãn bối vốn coi Ngài như là Trời Đất, nhưng nào ngờ Ngài lại có thái độ như thế này”.

Khổng Tử nghe xong, vô cùng xấu hổ, nói với Thúc Sơn Vô Chỉ rằng: “Khổng Khâu ta thực sự nông cạn, tiên sinh sao chẳng ngồi xuống, xin tiên sinh hãy nói những đạo lý mà tiên sinh biết, tôi vô cùng cung kính lắng nghe và xin được học tập tiên sinh”.

Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ chẳng để ý gì đến Khổng Tử nữa mà đã bỏ đi.

Khổng Tử nói với các đệ tử: “Hôm nay ta đã phạm phải một sai lầm lớn. Tại sao ta lại có thể căn cứ vào cái thiện ác trước kia của người ta để phán đoán người ta là người thế nào cơ chứ? Người như Thúc Sơn Vô Chỉ thế này, bị mắc tội mà bị chặt mất một chân, vậy mà vẫn nỗ lực học tập để tu sửa lỗi lầm xưa, tự trau dồi bản thân. Thế thì người không có lỗi lầm thì còn thế nào. Các trò nhất định phải ghi nhớ, cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới không ngừng tiến bộ”.

Bài học từ câu chuyện "Tam nhân đồng hành" của Khổng Tử
cho dù chỉ có 3 người trên đường, trong đó nhất định sẽ có người là thầy chúng ta, phải học ưu điểm của người ta, và lấy khuyết điểm của họ để soi vào bản thân mình, từ đó mà sửa mình. (Ảnh: Epoch Times).

Khổng Tử tri lễ (Khổng Tử hiểu biết lễ nghi, lễ nghĩa)

Nho gia cho rằng vị thế con người cao hay thấp không phải do tài sản mà do trình độ đạo đức và học vấn của họ quyết định. Muốn nâng cao đạo đức và học vấn thì phải không ngừng học tập. Khổng Tử "15 tuổi lập chí học tập", nên ông ngay từ trẻ đã có kiến thức sâu rộng và đã nổi tiếng là người hiểu lễ nghi, thấu lễ nghĩa. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Khổng Tử vẫn luôn khiêm tốn học hỏi mọi người.

Khi Khổng Tử vào tông miếu nước Lỗ, hễ cái gì không hiểu ông liền hỏi, bởi vì đã “tri lễ” rồi vẫn phải học tập. Vì thế có người cho rằng Khổng Tử chưa hiểu biết về lễ, chê cười rằng: “Ai nói người trẻ tuổi đến từ Châu Ấp kia hiểu lễ? Anh ta đến tông miếu, cái gì cũng hỏi”.

Khổng Tử sau khi nghe được nói rằng: “Hỏi rõ tất cả chi tiết của lễ, đó chính là lễ đó”.

Những điển chương, chế độ ghi chép trong Chu lễ là cực kỳ tinh vi, thậm chí rất phức tạp. Trọng tâm của nó là mọi người ai nấy giữ cái tâm mình, ai nấy yên với chức phận của mình, để đạt đến người khắp thiên hạ cùng thuận theo Trời và kính trọng đạo đức.

Từ hai câu chuyện trên của Khổng Tử, chúng ta thấy để đạt được đạo đức và học vấn cao thì cần khiêm tốn, không ngừng học hỏi tất cả mọi người. Với bất cứ người nào, dù chúng ta nhìn thấy điểm tốt điểm xấu của họ thì đó cũng là cơ hội để chúng ta tự xem xét lại mình và hoàn thiện bản thân. Khi Khổng Tử được mọi người ca ngợi là người hiểu biết về lễ nghi, ông vẫn không kiêu ngạo, không sợ mất thể diện, mất danh tiếng mà vẫn khiêm hạ học hỏi mọi người. Khi Khổng Tử đã nổi danh khắp các nước chư hầu, các quân chủ, sĩ đại phu, học trò khắp nơi coi ông là thầy, ông vẫn mắc sai lầm khi nhìn nhận đánh giá con người qua lỗi lầm quá khứ của họ. Ông liền nhận ra sai lầm của mình, thừa nhận và thành tâm sửa chữa. Đó chính là nhân tố khiến ông có thể hoàn thiện nhân cách, tăng trưởng tri thức, để trở thành bậc Thánh nhân, được người đời tôn xưng là "Vạn thế sư biểu".

Tuy nhiên với người hiện đại, để mà đạt được cảnh giới "Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh" thì vô cùng khó khăn. Ngày nay đạo đức xã hội đã suy thoái, con người càng ngày càng phóng túng, buông thả dục vọng, chỉ ham thích hưởng lạc, thỏa mãn những ham dục vô đáy của mình. Người người tranh giành đấu đá với nhau, thế nên thấy người khác có gì hơn mình thì ghen ghét khó chịu, thấy người khác bị tai họa thì vui mừng, bàn tán thích thú.

Nên chăng bước đầu tiên, cũng là bước đệm để học theo được câu nói trên của Khổng Tử, thì hãy thử làm theo câu cách ngôn trong Chu Tử Trị Gia trước:

Người có chuyện vui, chớ sinh lòng đố kỵ.
Người gặp hoạn nạn, đừng có ý mừng vui.

Cảnh giới tư tưởng và phẩm chất đạo đức cũng như học vấn chân chính nó không phải là lý thuyết suông. Không phải đọc vài bộ sách, nói theo sách, theo kinh điển thì có nghĩa là tư tưởng, đạo đức và học vấn đã được nâng cao, mà là quá trì kiên trì thực hành, trải nghiệm và cảm nhận nội hàm từ kinh điển đó, khiến ý thức và hành vi đều đồng hóa với tư tưởng đó, thì mới đạt đến cảnh giới và trí tuệ tương xứng. Đó cũng chính là ý nghĩa của "tri hành hợp nhất", chính là con đường của các bậc Thánh hiền đã đích thân đi qua và lưu lại cho hậu thế.

(Còn tiếp)...

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Cảm ngộ trí tuệ Luận Ngữ (P-3): 'Kiến hiền tư tề' và 'Tam nhân đồng hành'