Cảm nhận khi xem vở diễn Shen Yun “Buộc phải lên Lương Sơn”

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - “Bức thượng Lương Sơn”, nghĩa là "Buộc phải lên Lương Sơn". Lương Sơn là nơi các anh hùng lạc thảo, dưới con mắt của triều đình tức là làm giặc cỏ. Lâm Xung bị áp bức không còn đường sống bình thường, phải bước sang phía đối nghịch với triều đình, lên Lương Sơn tụ nghĩa, diệt trừ gian ác, thay Trời hành Đạo.

Hiện thực tàn nhẫn

Thi hào Nguyễn Du từng viết: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu; Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quả thực là, “tâm vui thấy cảnh tưng bừng, lòng buồn cảnh cũng ít mừng nhiều lo”, đó là một thực tế hiển nhiên, đạo lý ấy cũng là đồng dạng trong văn nghệ. Khung cảnh xung quanh đã trở thành một đạo cụ điện ảnh hay thủ pháp văn chương để hỗ trợ miêu tả tâm lý nhân vật.

Mỹ nhân gặp cảnh ngộ thì như Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nhìn đâu cũng thấy nỗi buồn, từ cánh buồm đơn côi ngoài cửa bể chiều hôm, đến hoa trôi man mác theo con nước lênh đênh, đến nội cỏ rầu rầu nơi đất trời hoang vắng…

Còn anh hùng sa cơ thì thường phải đầm mình trong gió tuyết lạnh lẽo, như Tiêu Phong trong “Thiên Long Bát Bộ”, Ngô Lục Kỳ trong “Đại Lực Tướng Quân”, và đặc biệt là Lâm Xung trong “Thủy Hử”. Rồi người anh hùng Lâm Xung ấy đã từ tiểu thuyết bước ra sân khấu Shen Yun trong vở diễn “Ép buộc lên Lương Sơn” (Bức thượng Lương Sơn).

Vở diễn bắt đầu với cảnh một hảo hán tướng mạo đường đường tay vác thương dài, chân ngập tuyết lạnh, khó nhọc tiến bước ngược chiều làn gió bấc đang thổi ù ù, dưới muôn trùng tuyết đổ trắng xóa. Anh tạm đặt cây thương xuống, thực hiện vài động tác cho nóng người, tình cờ lại chạm vào chiếc khăn tay được cất sau lần áo ngực. Anh lấy chiếc khăn ra ngắm, và kỷ niệm cũ lại ùa về…

Quá khứ êm đềm

Thuở ấy, hảo hán kia còn là Giáo đầu tại Đông Kinh. Chức giáo đầu này có nghĩa là thầy huấn luyện võ nghệ cho quân đội nhà Tống. Không chỉ có một giáo đầu, nhưng làm đến giáo đầu của lực lượng tinh nhuệ bao gồm 80 vạn cấm quân bảo vệ kinh thành, thì ngoài Lâm Xung, biệt hiệu Báo Tử Đầu ra, còn có ai xứng đáng hơn nữa?

Lâm Xung mình cao 8 thước, đầu báo, mặt tròn, râu hùm hàm én, có thuật đánh trượng bát xà mâu điêu luyện không kém Trương Phi, còn thương pháp cũng xuất quỷ nhập thần như Triệu Vân tái thế; Trương, Triệu là những nhân vật hổ tướng nức tiếng thời Tam Quốc. Ở trong nhà, anh là người con có hiếu, người chồng mẫu mực; trong bộ máy nhà nước, anh là viên chức giỏi giang, trung thành, mẫn cán; đối với huynh đệ hải hồ, anh là hảo bằng hữu trọng nhân nghĩa, nặng tình cảm.

Trong sách Trung Dung có viết: “Quân thần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn đệ dã, bằng hữu chi giao dã; ngũ dã thiên hạ chi đạt đạo dã”, tạm hiểu là: “Đạo vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè giao thiệp; 5 điều đó là đạo lý trong thiên hạ”. Xét theo nghĩa ấy, thì Lâm Xung quả là con người thấu hiểu đạo lý trong thiên hạ.

Song, cuộc đời này nào ai nói trước được gì.

Tai bay vạ gió

Hôm ấy, sau buổi thao luyện, như thường lệ, người vợ yêu tiến ra thao trường tiếp nước, săn sóc anh. Hai vợ chồng trò chuyện cực kỳ tương đắc. Lâm Xung lấy ra chiếc khăn tay đưa cho người “nâng khăn sửa túi”, chiếc khăn hẳn đã tốn không ít thời giờ thêu thùa của nàng để anh dùng lau mồ hôi sau khi thao luyện. Câu chuyện đang dở dang, thì Lâm Xung được gọi đi vì công vụ.

Còn lại người vợ cùng tỳ nữ, và tấn bi kịch sắp xảy ra…

Ở thành Đông Kinh này, ai là kẻ quyền uy thần thế chỉ dưới một người, đứng trên muôn vạn người? Là Thái úy Cao Cầu, vốn là kẻ lưu manh, nhờ tài đá cầu và một vài tài lẻ nhị sáo đàn ca mà lọt vào mắt xanh của đương kim thánh thượng Tống Huy Tông, rồi cứ thế mà quan lộ thăng lên vù vù như diều gặp gió, làm đến thái úy đương triều. Giờ đây hắn quyền nghiêng thiên hạ, gọi gió được gió, hô mưa được mưa. Thái úy Cao Cầu này có một gã con nuôi là Cao Nha Nội, nức tiếng kinh thành về thói lưu manh háo sắc.

Và giờ gã đang đứng kia cùng bọn lâu la, trước mặt nương tử kiều diễm của Lâm Xung.

Cao Nha Nội dĩ nhiên quen thói trăng hoa bèn giở trò trêu cợt, quấy rối người vợ Lâm Xung. Nàng kiên quyết cự tuyệt, chống cự quyết liệt, nhưng không còn đường thoát giữa vòng vây của nhóm sai nha như lang sói. Còn Lâm Xung sao mãi chưa về? Cuối cùng, nàng tuyệt vọng đành trẫm mình xuống nước để bảo toàn tiết hạnh.

Người tỳ nữ sợ hãi nhặt chiếc khăn rơi đi tìm Lâm Xung, tuy thế, lúc anh quay lại thì đã quá muộn. Lâm Xung hốt hoảng chạy ra bờ nước. Không còn gì cả. Anh đau đớn gầm lên, xông vào đánh tan lũ ưng khuyển. Nhưng khi đã tóm được thủ phạm chính là Cao Nha Nội, thì Cao thái úy xuất hiện. Một màn đổi đen thay trắng, đổi trắng thay đen đã diễn ra.

Lâm giáo đầu đang từ kẻ anh hùng nức tiếng ở Đông Kinh, trở thành tội nhân bị thích chữ lên mặt, bị đi đày, trở thành khổ sai tù phạm; từ “gia cảnh vạn người mơ” theo lối nói hiện hành bỗng đâu nhà tan cửa nát, không gia đình, không nghề nghiệp, tương lai vô vọng, không chốn nương thân… “Thật là họa phúc khôn lường, cuộc đời nhân thế vô thường làm sao!”

Thủ bút đoạn tuyệt

Lâm Xung bị đày ra giữ kho chứa cỏ ở nơi heo hút xa tít có tên Thảo Trường, nhưng lũ ác nhân vẫn không buông tha anh. Một đêm, Cao Nha Nội dẫn theo lũ ưng khuyển đến nơi, sai bảo chúng đốt kho chứa cỏ để Lâm Xung chết cháy bên trong. Nhưng lần này thì lũ ác nhân không được toại nguyện, Lâm Xung đã bắt chúng phải đền tội.

Sau khi hạ thủ xong xuôi, anh lấy ra chiếc khăn tay vẫn giữ trong ngực áo, lau vết máu của Cao Nha Nội đang còn nóng hổi trên mũi thương và viết lên tấm bia đá bên ngoài Thảo Trường bốn chữ:

“Bức thượng Lương Sơn”, nghĩa là "Buộc phải lên Lương Sơn". Lương Sơn là nơi các anh hùng lạc thảo, dưới con mắt của triều đình tức là làm giặc cỏ. Lâm Xung bị áp bức không còn đường sống bình thường, phải bước sang phía đối nghịch với triều đình, lên Lương Sơn tụ nghĩa, diệt trừ gian ác, thay Trời hành Đạo.

Bên cạnh Thảo Đường, lửa bốc cao ngất soi tỏ khuôn mặt hào hùng của tay hảo hán, và khiến bốn chữ “Bức thượng Lương Sơn” càng long lanh sáng rực. Hay đó là ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng Lâm Xung đã trỗi dậy?

Hồi ức vụt tan, còn lại Lâm Xung dưới cơn gió tuyết lạnh lẽo. Lâm Xung cất chiếc khăn tay vào ngực áo, xếp lại kỷ niệm, rũ bỏ bi thương, nhặt lên ngọn thương dài múa một bài thương tuyệt kỹ, gợi nhớ đến hình ảnh Triệu Vân năm nào: “Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả”. (Tam Quốc Diễn Nghĩa)

Lương Sơn đã không còn xa.

Vài lời bàn luận

Với thời lượng không dài, chỉ gần 7 phút, kịch bản sân khấu không phải khi nào cũng y hệt trong tiểu thuyết văn học, nhưng không vì thế mà mất đi những ý nghĩa xã hội.

Hầu như triều đại nào cũng có hôn quân xuất hiện lúc thoái trào, như tuân theo lẽ thành - trụ - hoại - diệt của vũ trụ. Khi ấy, luật pháp nằm trong tay những kẻ gian thần, lộng thần như Cao Cầu, và Lâm Xung từ nạn nhân biến thành thủ phạm, bị chính quân đội dưới quyền mình bắt giữ theo lệnh của Cao thái úy.

Xưa, vào thời Chiến Quốc, đã có lần Lỗ Ai Công hỏi đức Khổng tử: “Làm thế nào thì dân phục tùng?” Khổng tử đáp: “Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng người cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tùng.”

Bài học xưa vẫn còn nguyên giá trị trong thời nay.

Về nghệ thuật, hay giải trí, vở diễn cũng mang lại nhiều giá trị thưởng thức.

Những màn biểu diễn lộn nhào đều tăm tắp với những động tác cực khó của dàn diễn viên phụ, diễn cảnh cấm quân thao luyện khiến khán giả tán thưởng vang dội. Còn động tác của vai nam chính lại cuốn hút theo cách khác, phản ánh chân thực nội tâm vai diễn của anh ta với biểu cảm phong phú.

Từ một Lâm Xung oằn mình dưới cơn bão tuyết, ấy là khi tâm trạng đang đau buồn nhớ về quá khứ; đến một Lâm Xung oai vệ hiên ngang, hào sảng dứt khoát ở chốn kinh kỳ, ấy là thuở còn gia cảnh viên mãn, nhẹ bước thang mây, hạnh phúc phơi phới; đến một Lâm Xung bừng bừng nhiệt huyết khi viết bốn chữ “Bức thượng Lương Sơn” bên ngoài Thảo Trường, ấy là lúc đoạn tuyệt với triều đình vô đạo; đến một Lâm Xung múa ngọn thương oai hùng, từng động tác dứt khoát, mạnh mẽ, ấy là lúc đã rũ bỏ bi thương, quyết chí vượt qua trở ngại để thẳng tiến Lương Sơn, anh hùng tụ nghĩa, thay Trời hành Đạo… có phải là hết sức đa dạng và tinh tế hay không?

Mỗi tâm trạng lại có một nhạc điệu phù hợp.

Để diễn tả nỗi bi thương của Lâm Xung, không gì bằng đàn nhị hồ, dùng violin cũng được, nhưng đây là một tâm trạng Á Đông, bi kịch điển hình Á Đông, nên là nhị hồ mới phù hợp; cảnh thao luyện hừng hực ắt phải có dàn nhạc đồng diễn, lại thêm tiếng trống trận hào hùng, tiếng sona lanh lảnh mới đủ hào khí chiến binh; cảnh giết ác nhân, đốt Thảo Trường, viết thư đoạn tuyệt, âm nhạc càng thêm dồn dập, ngoài bộ dây còn có bộ hơi, bộ đồng mạnh mẽ; những khoảnh khắc hồi tưởng, luyến tiếc quá khứ, tiếng violin càng thêm da diết, bâng khuâng; đến tiếng gió tuyết ù ù cũng được thể hiện hết sức diễn cảm và chân thực…

Còn phương diện gì khác khi thưởng thức vở diễn này? Chắc chắn là còn chứ, chẳng hạn như các chi tiết khác của diễn xuất, âm nhạc hay là tạo hình ra sao, màu sắc, phông nền, hình ảnh 3D, trang phục thế nào v.v. vẫn đang đợi ta khám phá. Cũng giống như mọi vở diễn khác của Shen Yun, chúng ta phải xem đi xem lại nhiều lần vở diễn này, dần dần mới cảm nhận được vẻ đẹp nhiều lớp, và độ tinh tế của nó. Xin mời bạn đọc hãy tự mình thưởng thức đi thôi. Người viết cũng chỉ từ cảm nhận và hiểu biết thô tháo của bản thân mà chia sẻ, mong phần nào lan tỏa được những giá trị chân chính.

(Bài viết được sự đồng ý của tác giả gốc, có chỉnh sửa)

Tùng Vân



BÀI CHỌN LỌC

Cảm nhận khi xem vở diễn Shen Yun “Buộc phải lên Lương Sơn”