Cảm nhận xem Shen Yun: Chữ ‘Nhẫn’ của Hàn Tín trong vở diễn “Hàn Tín”

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Nếu hỏi bất kỳ ai đó rằng: “Bạn có biết về danh tướng Hàn Tín không?”, thì câu trả lời có thể sẽ là: “Đó có phải người đeo gươm mà luồn trôn một tên bán thịt giữa chợ?”.

Dường như vào thời nay, sự nghiệp vĩ đại của Hàn Tín ít được nhớ đến hơn câu chuyện sinh động kia. Nhưng nếu Hàn Tín là một người vô danh tiểu tốt thì chuyện “Hàn Tín chịu nhục chui háng” cũng không trở thành điển cố lưu truyền thiên cổ. Vậy để hiểu thấu ý nghĩa của câu chuyện đầy sức hấp dẫn này, không thể không tìm hiểu về sự nghiệp của Hàn Tín.

Trong 5000 năm văn minh Trung Hoa, khó có thể đếm hết số lượng danh tướng và trận đánh. Nhưng con số danh tướng bách chiến bách thắng - đã đánh là thắng - lại chỉ đếm trên đầu ngón tay: cuối Xuân Thu có Tôn Tử; thời Chiến Quốc có Bạch Khởi, Ngô Khởi, Tư Mã Nhương Thư; thời Hán Sở tranh hùng có Hàn Tín; thời Tây Hán có Hoắc Khứ Bệnh; thời Nam Bắc triều có Trần Khánh Chi; thời Đường có Lý Thế Dân; thời Nam Tống có Nhạc Phi…

Thậm chí thừa tướng Thục Hán là Gia Cát Lượng còn chưa được xếp vào trong số ấy.

Nhưng Hàn Tín càng nổi bật hơn, vì đối thủ mà ông đánh bại, cũng là một danh tướng thiên cổ độc nhất vô nhị - Sở Bá Vương Hạng Vũ.

Hạng Vũ võ công trùm đời, khí lực cực kỳ mạnh mẽ, trên sa trường không có đối thủ, đã đánh là thắng… cho đến khi Hàn Tín ra tay. Lưu Bang có các văn thần mưu lược như Trương Lương, Tiêu Hà, Trần Bình, Lục Giả… và các mãnh tướng khác, nhưng nếu Hàn Tín không bỏ Sở theo Hán, thì Lưu Bang bất khả cạnh tranh với Hạng Vũ, sẽ không có nhà Hán, và dĩ nhiên lịch sử đã phải viết lại.

Tài điều binh khiển tướng của Hàn Tín đến nay vẫn gây nức lòng người, những trận đánh của ông đã trở thành những biểu tượng của nghệ thuật chiến trận: Từ “Hàn Tín điểm binh”; “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương”; trận “Bối Thủy” đại phá nước Triệu; tháo nước Tuy Thủy đoạt mạng Long Thư; thùng gỗ vượt sông chiếm nước Ngụy; núp chiến xa xạ tiễn quân Sở; ba tấc lưỡi dụ hàng nước Yên… cho đến “Thập diện mai phục” đả bại Hạng Vũ v.v.

Nghe tên tuổi của Hàn Tín, chẳng cứ binh tướng bên địch, đến vợ chồng Hoàng đế Hán Cao Tổ cũng không rét mà run. Cái danh “Binh Tiên” mà hậu thế xưng tụng về Hàn Tín, thật chẳng sai ngoa chút nào.

Nhưng đó là sau khi tài năng quân sự của ông đã được thực chứng.

Quay trở lại thời điểm Hàn Tín phải luồn trôn tên bán thịt ở giữa chợ, thì không mấy người biết ông là ai, người nhận diện được tài năng của ông lại càng hiếm hoi. Từ kẻ bình dân đến bậc vương hầu, có mấy ai đánh giá đúng về Hàn Tín?

Hàng xóm chê cười, phiếu mẫu bố thí, dân kẻ chợ nhạo báng… ai nấy đều coi Hàn Tín như kẻ lang thang vô tích sự, sau sự kiện chui háng, ông còn đeo thêm tiếng hèn hạ, tham sinh úy tử.

Thậm chí, cả hai chú cháu hào kiệt là Hạng Lương, Hạng Vũ cũng xem ông thấp kém nhục nhã, giao cho Hàn Tín nhiệm vụ vác kích đứng hầu (chấp kích lang).

Đến Lưu Bang cũng coi khinh nốt, chỉ giao ông một chức coi lương nhỏ mọn.

Còn chúng ta thì sao?

Giả như ngày nay, chúng ta bắt gặp một võ sinh cao lớn, hông đeo kiếm dài, bị một tên đồ tể hống hách chặn lại giữa chợ, bắt phải chui háng thì mới cho đi tiếp, mà anh ta cũng làm, trong tiếng cười rộ của thiên hạ… thì ta sẽ nhìn nhận ra sao?

Làm thế nào để phân biệt được một anh hùng lòng ôm chí lớn và một kẻ hèn hạ nhẫn nhục sống thừa, khi mà diện mạo, hành vi của họ có lúc nhìn thấy không khác gì nhau?

Nan đề ấy từng được danh thần Nguyễn Công Trứ đúc kết lại:

“Đã hẳn rằng ai nhục với ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?”

Nếu là một tên đồ tể hạ mình trước một tên đồ tể khác, thì có gì là lạ. Nhưng đây là Hàn Tín, rồng phượng trong cõi người, lại có lúc phải khuất nhục trước hạng giun dế.

Giả như tuốt gươm lấy mạng tên bán thịt thì quá dễ dàng. Song, giết người phải đền mạng, luật pháp nhà Tần nổi tiếng nghiêm khắc, đâu có thể đùa được.

Khổng Tử từng dạy: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, ý là: “Việc nhỏ không nhịn được ắt sẽ hỏng việc lớn”. Như Hàn Tín đây hùng tài đại lược, nếu chỉ vì sự việc cỏn con này, mà sa vào cuộc tranh chấp vô vị với kẻ tiểu nhân, thì có thể đã tự đẩy mình vào rắc rối. Giả như sa vòng lao lý, hay thậm chí bị xử tử rồi, thì làm sao mà thành tựu được đại nghiệp, sao còn cơ hội dâng hiến bầu nhiệt huyết này cho đại cuộc?

Việt Vương Câu Tiễn xưa còn dám nếm phân của vua Ngô Phù Sai, trải nhiều năm nếm mật nằm gai, cuối cùng đánh bại Phù Sai, gây nên bá nghiệp… ứng xử của Hàn Tín so với Câu Tiễn, chỉ hơn không kém.

Người Trung Hoa xưa có câu: “Thất phu bị nhục, tuốt kiếm tương đấu”, vì bị nhục mà phản ứng trả đũa một cách bản năng và khinh suất, thì chỉ là kẻ thất phu, không phải quân tử hay đại trượng phu.

Điều này có chút lạ lẫm trong một số nền văn hóa, hoặc trong quan niệm của người hiện đại. Ví như người phương Tây quen biểu lộ trực diện thì xưa nay không nói về chữ Nhẫn. Những quý tộc Châu Âu thời Trung cổ để bảo vệ danh dự có thể tuốt gươm, rút súng ngay tức thì. Cuộc đấu súng đẫm máu dẫn đến cái chết của thi hào Nga Puskin có thể coi là một ví dụ điển hình. Đó là văn hóa khác biệt tạo nên sự khác biệt trong tư tưởng và hành vi, và tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó.

Cái “nhẫn” sâu nhất mà người phương Tây biết đến là cái “nhẫn” của một số sắc dân ở Nam Âu như đảo Corse hoặc Sicily - nhẫn nhằm mục đích một ngày có thể rửa hờn, như trong trích đoạn sau của tiểu thuyết Bố Già:

“Nhưng ông Trùm thì không bực. Từ lâu ông đã hiểu rằng ngoài đời một bước đi là một chuyện ngang tai trái mắt, nhưng vẫn cứ phải nhịn, phải tự an ủi rằng nếu biết ẩn nhẫn chờ thời thì thế nào cũng có ngày một kẻ hèn yếu vẫn trả thù được những đứa có quyền thế. Cái chân lý giản đơn ấy đã giúp ông tránh được cái thói cương cường mà biết khôn ngoan nín nhịn khiến những người gần ông đều phục sát đất”.

Nhưng Hàn Tín nhẫn không phải để trả thù. Sau này khi đã công thành danh toại, ông trở về quê hương, lấy ơn trả ơn, lại lấy ơn trả oán.

Thuở hàn vi, ông từng nói với bà thợ giặt (phiếu mẫu): "Sau này Tín tôi làm nên, nhất định báo ơn ngàn vàng".

Bà này đáp: "Cậu là con trai, còn không lấy nổi miếng ăn, lão thấy tội nên mới giúp. Không cần báo đáp làm chi".

Sách Tư Trị Thông Giám viết rằng:

“Hàn Tín đến đất Sở, triệu người đàn bà đập vải cho mình ăn lúc trước, ban cho nghìn vàng. Lại triệu gã trai trẻ từng bắt mình luồn qua háng, dùng hắn làm Trung úy. Rồi bảo với chư tướng rằng:

- Người này là tráng sĩ vậy. Đang lúc hắn làm nhục ta, ta há không giết được hắn sao? Nhưng giết hắn thì không có danh nghĩa gì, cho nên ta nhẫn nhịn, nhờ đó mới có lúc này.”

Tên bán thịt dẫu sao chỉ là hành động xốc nổi tức thời, không phải kẻ đại gian đại ác, ân oán cá nhân kia có thể xí xóa. Còn như nhẫn chỉ để một ngày có thể rửa hờn, điều đó cho thấy lòng dạ chưa đủ lớn, tâm cảnh chưa thoáng đãng cao xa, chưa vượt lên được ân oán của kiếp người, sao có thể trở thành một đại trượng phu? Điều này dĩ nhiên nói dễ hơn làm, hẳn là cần phải dày công tu dưỡng lắm, có thể phải vấp váp nhiều lần mới luyện thành tâm Đại Nhẫn.

Giống như hình ảnh nhẹ nhàng đứng dậy phủi bụi áo quần với gương mặt bình thản của Hàn Tín sau khi luồn trôn gã bán thịt trong vở diễn Shen Yun mang tên “Hàn Tín”.

Vì giới hạn dung lượng, bài viết hôm nay xin nhường phần bàn luận về nghệ thuật trình diễn trong vở “Hàn Tín” cho quý độc giả.

(Bài viết được sự đồng ý của tác giả gốc, có chỉnh sửa)

Tùng Vân



BÀI CHỌN LỌC

Cảm nhận xem Shen Yun: Chữ ‘Nhẫn’ của Hàn Tín trong vở diễn “Hàn Tín”