Càn Long thua cờ toan xử trảm, Lưu Dung nói một câu lại được ban thưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Làm bạn với vua như làm bạn với hổ”, nhưng đối diện với cơn thịnh nộ của Càn Long, Lưu Dung chỉ nói đôi lời đã khiến hoàng đế đổi giận thành vui, không những thế còn ban thưởng hậu hĩnh cho ái khanh.

Trong xã hội hoàng quyền thời cổ đại, muốn trở thành bậc đại thần được triều đình trọng dụng thì không chỉ cần có trí tuệ, tài năng, văn thao, võ lược… mà còn phải đáp ứng rất nhiều phương diện khác. Người xưa có câu: “Bạn quân như bạn hổ” (làm bạn với vua như làm bạn với hổ). Hoàng đế là vương chủ của sơn hà, nắm trong tay quyền lực toàn thiên hạ, cho dù là bạo chúa hay minh quân thì cá tính của họ cũng khác biệt so với người bình thường. Thần tử nói lỡ một lời, làm sai một việc đều có thể gặp đại họa tày trời. Trong lịch sử, rất nhiều người chỉ vì động đến cơn thịnh nộ của hoàng đế mà bị trừng phạt nghiêm khắc, ngay cả hoàng tử hay thái tử cũng không có quyền miễn trừ, vẫn phải chịu xét xử như quần thần.

清朝官员上早朝Quan viên lên chầu triều từ sáng sớm thời nhà Thanh (Ảnh: qua SOH)

Vào thời Càn Long, có một vị đại thần danh tiếng được dân chúng yêu mến gọi là “tể tướng Lưu gù”. Biết Lưu Dung giỏi chơi cờ, Hoàng đế Càn Long thường cho mời Lưu Dung đến giao lưu cùng mình.

Vì sao Càn Long lại yêu thích chơi cờ cùng Lưu Dung đến thế? Bởi vì đối phương là Thiên tử nên Lưu Dung thường hữu ý chừa lại sơ hở, để Hoàng đế đánh bại mình. Những lần như vậy Càn Long đều rất vui vẻ, cao hứng thăng hoa, vậy nên lần tới lại mời Lưu Dung đến hầu cờ. Nhưng không phải lần nào nhà vua cũng phát hiện thấy kẽ hở mà Lưu Dung mở ra cho mình, bản thân Lưu Dung cũng có lúc liệu sự sai đường. Lần chơi cờ này, Càn Long lại không tinh ý nhận ra sơ hở, khiến Lưu Dung dù đã cẩn trọng hết mức thì cuối cùng vẫn lỡ tay đánh thắng ván cờ.

Có thể bạn cho rằng chơi cờ chỉ là thú vui tiêu khiển, là chuyện nhỏ không đáng bận tâm. Nhưng nếu như hoàn toàn nhập tâm vào bàn cờ, bạn sẽ coi mỗi một quân cờ như thể da thịt của chính mình. Những lúc như thế, chuyện thắng hay thua lại trở thành điều vô cùng trọng yếu, không còn là “nhấp tách trà, cười thoảng gió mây” nữa rồi. Người thắng đương nhiên sẽ vui mừng khôn xiết, chơi mãi không chán, còn người thua thì thất vọng, chán nản, buồn bực trong tâm. Và lần này, Lưu Dung chiến thắng khiến Càn Long tức giận đến mức không kìm nén được, liền đập mạnh tay xuống bàn và đe dọa: “Thế này chẳng phải là làm trẫm mất mặt hay sao? Khanh không sợ phạm tội khi quân, không sợ trẫm lôi ra xử trảm sao?”.

Tình cảnh thật éo le, cơn thịnh nộ của hoàng đế có thể khiến quần thần không rét mà run. Nhưng Lưu Dung lại bình thản như mặt hồ phẳng lặng, ông vẫn điềm tĩnh đối đáp. Kết quả, hoàng đế không những không xử trảm mà còn bật cười thích thú và ban thưởng hậu hĩnh cho ông.

刘墉Tể tướng Lưu Dung (Ảnh: Internet)

Theo ghi chép trong “Thanh sử cảo”, Lưu Dung đã đối đáp rằng: “Kỳ nghệ (kỹ năng chơi cờ) của thần và tài năng chơi cờ của Hoàng thượng thực là khác nhau một trời một vực, thần may mắn lắm mới thắng được một ván cờ này. Tầm nhìn của thần đơn giản thiển cận, trong mắt chỉ có bàn cờ, không giống như hoàng thượng nhìn xa trông rộng, mắt dõi trông khắp vạn dặm sơn hà. Do đó, bàn cờ hôm nay chỉ là việc nhỏ, chắc hẳn ngài sẽ không tính toán chuyện thắng hay thua lần này”.

Càn Long thấy Lưu Dung ca ngợi mình như vậy, lập tức cơn thịnh nộ tiêu tan, sắc mặt vui vẻ trở lại. Vì bàn cờ chỉ là “chuyện nhỏ”, ông không truy cứu mà còn ban thưởng cho Lưu khanh. Từ đó, đoạn đối đáp trên đã trở thành kinh điển, được hậu thế truyền tụng mãi cho đến ngày hôm nay.

Vì sao lời đối đáp này lại xuất sắc đến thế? Đương nhiên, nó cũng có quan hệ với trải nghiệm và tài hoa của Lưu Dung.

Quê nhà của Lưu Dung ở Sơn Đông, vùng đất thường xảy ra thiên tai họa hoạn. người Sơn Đông muốn thoát khỏi khốn cảnh này thì chỉ có thể lựa chọn con đường làm quan để cải biến vận mệnh.

Ông nội và cha Lưu Dung từng là đại học sĩ, ông sinh ra đã là dòng dõi thi hương, từ nhỏ được sống trong môi trường gia đình hòa thuận. Lưu Dung là niềm kỳ vọng của cha mẹ, tuổi nhỏ siêng năng đèn sách, thông thuộc các kinh điển thánh hiền. Bản thân ông cũng có tài năng thiên phú, giỏi về thơ từ, câu đối, hễ mở miệng là xuất khẩu thành chương. Sau này ông đến tuổi lập thân, công danh hoạn lộ cũng vô cùng ung dung thoải mái.

Những năm đầu tiên khi Lưu Dung mới vào triều làm quan, con đường thuận buồm xuôi gió, chức vị cũng từng bước thăng tiến. Về sau, vì phụ thân không làm hết chức trách khiến gia quyến bị liên lụy, Lưu Dung cũng theo đó bị giáng chức. “Thanh sử thông tục diễn nghĩa” ghi chép rằng, Lưu Dung tuy bị giáng chức nhưng vẫn cung kính tận tụy, hết lòng phục vụ, lấy thân làm gương, yêu dân như con, mang lại rất nhiều lợi ích cho bách tính, được dân chúng kính yêu như phụ mẫu. Ông là một vị quan thanh liêm chính trực nên được hoàng đế yêu mến, trở thành cánh tay đắc lực trợ giúp hoàng đế việc triều đình.

刘墉的书法
Thư pháp của Lưu Dung (Ảnh: qua SOH)

Nhưng khác với hình tượng trên phim ảnh, Lưu Dung trong lịch sử không phải sinh ra đã mang tấm lưng gù. Ông có tài năng văn chương tuyệt đỉnh, bác học quảng văn, tinh thông thư pháp, nét chữ độc đáo được nhiều người khen ngợi. Ông từng học hỏi thư pháp của Triệu Mạnh Phủ, Chung Diêu, Nhan Chân Khanh, Tô Thức cùng nhiều tự thiếp danh tiếng qua các triều đại, nhưng bản thân ông cũng có sáng tạo riêng, không bị câu nệ cổ pháp. Nét bút của ông có thể khái quát trong ba chữ: “Tịnh, đạm, thanh”. Thư pháp của Lưu Dung nội cương ngoại nhu, trong cứng ngoài mềm, thoạt trông đầy đặn nhu nhuận, nhưng kỳ thực cốt khí mạnh mẽ, bút lực thâm hậu.

Con đường làm quan của Lưu Dung tuy có lúc xuôi gió thuận buồm, có lúc nhấp nhô thăng trầm, nhưng mỗi bước đi đều là từ bản lĩnh mà bước ra. Ông hiểu rõ bản thân phải có thực lực, nhân tâm phải thuần chính thì mới có thể làm quan, do đó trải qua hai đời đế vương là Càn Long và Gia Khánh, ông đều được trọng dụng. Tuy thành tích chính trị những năm cuối đời không sánh được với những năm đầu, nhưng có thể nói: Lưu Dung thời đầu như đại bàng sải cánh, tài năng hiển lộ, còn Lưu Dung cuối đời lại như vàng trong đá, ngọc trong cây, không phô trương mà lặng lẽ ẩn tàng.

Minh Hạnh
Theo Quách Hiểu - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Càn Long thua cờ toan xử trảm, Lưu Dung nói một câu lại được ban thưởng