Cảnh tượng kỳ lạ khi Tưởng Giới Thạch qua đời, vì sao ông lại mặc 7 chiếc quần lúc nhập liệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào nửa đêm ngày 5 tháng 4 năm 1975, vĩ nhân của một thời đại - Tưởng Giới Thạch vĩnh biệt cõi đời. Khi ấy bầu trời vốn đang trong xanh, đột nhiên mây đen kéo đến dày đặc, tiếp đó là ầm ầm sấm vang, một trận mưa tầm tã như dời non lật bể trút xuống.

Ông Nguyên (Weng Yuan), phụ tá của Tưởng Giới Thạch nhớ lại thời khắc đó, kể rằng trong lúc hấp hối, Tưởng Giới Thạch vẫn cố nói hai câu: “Quang phục Đại lục, cứu vớt Trung Quốc, Phản công Đại lục, giải cứu đồng bào”.

Bầu trời xuất dị tượng

Một người lính trong lực lượng hiến binh Bắc Đầu (Đài Bắc, Đài Loan) nhớ lại thời điểm đó: "Đêm hôm đó vừa lúc mất điện tối đen, và phía sau khách sạn Bắc Đầu xuất hiện một vùng ánh sáng màu cam, lớn đến nỗi nó bao trùm toàn bộ khách sạn Bắc Đầu. Tôi cũng nghĩ có phải là ở phía xa kia có vụ nổ xăng nào không? Nhưng đằng sau ánh sáng đỏ này chính là dinh thự Sĩ Lâm (nơi Tưởng Giới Thạch sống những năm cuối đời)".

"Lúc này (vùng sáng màu cam) đã có hơn ba phút, sau đó ánh sáng bắt đầu thu nhỏ lại về hình bán nguyệt, trong một phút mới biến mất. Trong lúc mất điện tối đen và ngoài trời mưa to như thế, vậy mà vùng ánh sáng này lại cực kỳ sáng tỏ. Chỗ tôi đứng, mưa gió xối xả trút xuống người. Đây là điều kỳ diệu mà tôi tận mắt chứng kiến trong cuộc đời mình. Sau khi thức dậy vào sáng sớm hôm sau, mới biết rằng khoảnh khắc tôi nhìn thấy cảnh tượng này đêm qua, chính là lúc vị tổng thống thăng hà, khiến cho tôi chấn động nổi cả da gà".

dinh thự của tưởng giới thạch lúc cuối đời
Dinh thự Sĩ Lâm (Ảnh: Kuailong / Wiki, CC BY-SA 3.0)

Khi đó, Phó Tổng thống Nghiêm Gia Cam đã đến để nhìn mặt cố tổng thống lần cuối, chuẩn bị tiễn đưa linh cữu của Tưởng Giới Thạch. Bên ngoài trời vẫn mưa to như trút không ngừng, nhưng việc dời linh cữu không thể chậm trễ, vì vậy đoàn xe đành phải từ từ tiến lên giữ cơn mưa to. Tuy nhiên, ngay khi vừa đến đường Bắc Trung Sơn, thì mưa đột nhiên tạnh một cách kỳ diệu, vị quan viên đi cùng đoàn nói: "Đây là lão tiên sinh về trời!"

Tưởng Giới Thạch mặc bảy chiếc quần

Năm 1948, nhận thấy không có khả năng thắng lợi trong cuộc nội chiến, Tưởng Giới Thạch bắt đầu lên kế hoạch rút quân về cố thủ ở Đài Loan, chờ đợi thời cơ sau này sẽ phản công đại lục. Từ khi lui về Đài Loan, Tưởng Giới Thạch vẫn luôn nhớ quê hương, nhưng cuối cùng ông đã không thể trở về.

Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, nghi thức tang lễ rất long trọng, trong đó tang lễ kiểu Trung Quốc và tang lễ kiểu phương Tây được cử hành riêng biệt. Điều đặc biệt nhất là lúc nhập liệm ông đã mặc tới bảy chiếc quần. Phải đến sau khi Tống Mỹ Linh nói ra nguyên nhân vì sao ông đã làm như vậy, mọi người mới hiểu được nỗi khổ tâm của Tưởng Giới Thạch.

Thời khắc hấp hối, Tưởng Giới Thạch lúc này đặc biệt hy vọng có thể lá rụng về cội, có thể được chôn cất tại cố hương, nhưng mà điều này là không thể làm được vào thời điểm đó. Sau khi kết thúc tang lễ, Tống Mỹ Linh nói cho mọi người biết rằng mặc bảy chiếc quần nhập liệm là ý nguyện của Tưởng Giới Thạch trước lúc qua đời. Bởi vì tại quê hương của ông, đây là một phong tục vô cùng quan trọng, cho dù không cách nào trở về, nhưng ông vẫn hy vọng bằng phương thức này để có thể lá rụng về cội. Tưởng Giới Thạch tại mỗi giờ mỗi khắc đều không thôi nhớ quê nhà và người thân, điều này khiến tất cả mọi người có mặt đều chua xót rơi lệ.

Sau khi lui về cố thủ đảo Đài Loan, "Phản công Đại Lục, phục hưng Trung Hoa" đã trở thành giấc mộng lớn nhất trong suốt cuộc đời Tưởng Giới Thạch và nhiều nhân sĩ, người dân Đài Loan. Tuy nhiên tâm nguyện của Tưởng Giới Thạch cho đến tận giây phút cuối đời vẫn chưa được thực hiện. Đây có thể nói là nỗi khổ tâm day dứt lớn nhất của ông khi từ giã cõi đời.

Quỳnh Chi
Theo SOH

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Cảnh tượng kỳ lạ khi Tưởng Giới Thạch qua đời, vì sao ông lại mặc 7 chiếc quần lúc nhập liệm?