Cao tăng dùng thần thông triển hiện cảnh tượng nơi địa ngục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thư tịch Phật giáo “Thần tăng truyện - Tập 4” có ghi lại rằng, tăng nhân xuất gia Thích Bảo Chí, một nhà tiên tri chuẩn xác, giỏi về triết lý nhân quả và thần thông, đã khiến Tề Vũ Đế, người vốn thi hành chính sách bạo ngược, thay đổi hướng thiện.

Nhà sư kỳ lạ

Thích Bảo Chí (418-514), có họ là Chu, là người Kinh Thành. Một ngày nọ, phu nhân Chu nghe thấy tiếng khóc của trẻ con trong tổ chim đại bàng, bà đã bắc thang lên cây để tìm, và nhận đứa bé làm con nuôi của mình. Khi đứa trẻ được bảy tuổi, nó theo tăng nhân ở núi Trung Sơn xuất gia tu tập học thiền, và thường đi lại giữa núi sông của tỉnh An Huy. Khuôn mặt của Bảo Chí chính trực và trong sáng như gương, nhưng tay chân lại giống như móng chim. Sau này ông dừng lại ở chùa Đạo Lâm, Giang Đông.

Vào những năm đầu của triều đại Nam Tống, hành vi của Bảo Chí đột nhiên trở nên kỳ lạ. Ông sinh hoạt không cố định, ăn uống không giờ giấc, tóc dài vài tấc cũng không cắt, và thường đi chân trần trên đường phố. Trên đầu cây gậy tích trượng mà ông cầm trong tay treo một cái kéo và một chiếc gương, đôi khi thì treo một hoặc hai mảnh lụa.

Thời kỳ Tề Kiến Nguyên, mọi người đã thấy được những sự tích kỳ lạ của Bảo Chí. Ông thường vài ngày không ăn mà cũng không đói, đôi khi ông làm thơ để tiên đoán sự việc. Ban đầu mọi người đều khó lý giải những lời tiên đoán này, nhưng sau đó tất cả đều trở thành hiện thực. Lúc bấy giờ, các học giả Giang Đông đều sùng bái ông. Nhưng Tề Vũ Đế cho rằng, ông là một kẻ bịa đặt gây mê hoặc dân chúng, vì vậy đã bắt ông và nhốt ông vào nhà tù Kiến Khang.

Ngày hôm sau, người ta lại thấy ông ở trên phố, và khi kiểm tra nhà tù, họ phát hiện người vẫn còn ở trong tù. Bảo Chí nói với viên quản ngục: “Bên ngoài cổng có hai hộp thức ăn, bên trong có cơm đựng trong bát bằng vàng. Anh có thể ra lấy nó vào”.

Một lúc sau, Thái tử Tề Văn Huệ, vương tử Cánh Lăng, phái người đưa tới hộp thức ăn. Nó quả đúng như Bảo Chí dự đoán.

Vào mùa đông, Bảo Chí thường để trần cánh tay. Một tăng nhân khác tên là Bảo Lượng muốn tặng cho ông một chiếc áo áo cà sa, Bảo Lượng còn chưa kịp nhờ người chuyển lời, Bảo Chí đã đột nhiên đến và lấy áo cà sa.

Sư Bảo Chí và Tề Vũ Đế

Sau này, Thích Bảo Chí thể hiện sức mạnh thần thông của mình trước mặt Tề Vũ Đế, cho Vũ Đế nhìn thấy cảnh tượng Tề Cao Đế ở trong địa ngục, phải chịu tra tấn cùng cực bằng đao, chùy. Tới lúc này Vũ Đế đã hiểu ra việc nhân quả luân hồi, và từ đó ông đã phế trừ hình phạt đao chùy.

Thích Bảo Chí thể hiện sức mạnh thần thông của mình trước mặt Tề Vũ Đế, cho Vũ Đế nhìn thấy cảnh tượng Tề Cao Đế ở trong địa ngục (Miền công cộng)

Vũ Đế thường triệu kiến Bảo Chí ở Hoa Lâm viên. Một ngày nọ, Bảo Chí đột nhiên đội một chiếc mũ ba lớp vải bố đến gặp Vũ Đế, không lâu sau Vũ Đế băng hà. Thái tử Văn Huệ và vương tử Dự Chương cũng lần lượt qua đời.

Minh Đế kế vị, thường sống ở hậu đường Đông cung. Một ngày nọ, Minh Đế xuất hành, bỗng nhiên nói: “Ta nhìn thấy trên cửa có vết máu”.

Khi đến rừng rậm, Minh Đế bị giết hại, máu trên cổ chảy trên ngưỡng cửa.

Vệ uý Hồ Hài của nước Tề đột nhiên bị ốm và triệu tập Bảo Chí đến. Bảo Chí kể lại oan khuất của Tề Minh Đế và đã không đi đến chỗ Hồ Hài. Ngày hôm sau, Hồ Hài chết.

Hiệu úy Đồn kỵ nước Tề là Tang Yển muốn mưu phản, và đến gặp Bảo Chí. Bảo Chí thấy anh ta từ xa đến, liền lớn tiếng nói: “Vây thành, muốn phản nghịch, chặt đầu mổ bụng”.

Sau này sự việc xảy ra, Tang Yển phản loạn, bị bắt, quả nhiên đã bị chặt đầu mổ bụng. Lời tiên tri của Bảo Chí đã trở thành sự thật.

Lương Vũ Đế và sư Bảo Chí

Bảo Chí thường đến hai ngôi chùa Hưng Hoàng và Tịnh Danh. Lương diệt Tề, Vũ Đế lên ngôi và ban hành một sắc lệnh, cho phép Bảo Chí ra vào cung cấm tùy ý. Kể từ đó, Bảo Chí ra vào nhiều hơn. Mùa đông năm Thiên Giám thứ 5 (năm 506) bị hạn hán, không mưa một lần nào. Bảo Chí nói: “Cần giảng ‘Thắng Man Kinh’ ở cung điện Hoa Quang để cầu mưa”.

Lương Vũ Đề bèn lệnh cho tăng nhân Pháp Vân tới giảng cuốn sách kinh điển Phật giáo ‘Thắng Man Kinh’. Đêm đó trời mưa rất to. Bảo Chí cũng nói: “Nên đặt một chậu nước, và sau đó đặt con dao lên”.

Một lúc sau, cơn mưa to hơn nữa từ trên trời trút xuống. Tình cảnh hạn hán trên khắp đất nước đã được hoá giải.

Phong cảnh của núi Tiềm Sơn ở Thư Châu đẹp tuyệt vời, đặc biệt là phong cảnh ở vùng chân núi đẹp không tả xiết. Cả Bảo Chí và Bạch Hạc đạo nhân đều muốn sống ở đó. Năm Thiên Giám thứ sáu (năm 507), hai người nói với Vũ Đế. Vũ đế cho rằng cả hai đều linh thông, nên đề xuất mỗi người dùng vật để nhận biết đất của mình, ai thắng thì sẽ ở đó.

Đạo sĩ nói: “Tôi dùng nơi tiên hạc dừng lại để đánh dấu”.

Bảo Chí nói: “Tôi lấy chỗ thiết trượng đứng sừng sững để đánh dấu”.

Chẳng bao lâu, tiên hạc bay trước, khi tới chân núi dừng lại, chợt nghe thấy tiếng cây thiết trượng bay trong không trung. Cây thiết trượng của Bảo Chí liền dựng ở dưới chân núi, và tiên hạc bay đi nơi khác vì quá kinh sợ hãi. Đạo nhân đành phải giữ lời. Hai người sau đó xây phòng trên núi theo các vị trí đánh dấu của mình.

Có một người đàn ông tên là Trần Chinh Lỗ. Cả gia đình ông đều vô cùng chân thành cung phụng Bảo Chí. Bảo Chí đã từng tiết lộ hình dạng thật của mình cho họ, ánh sáng rực rỡ giống như một hình ảnh Bồ Tát. Bảo Chí nổi tiếng, hiển lộ những điều thần kỳ trong hơn 40 năm, và có vô số thiện nam tín nữ theo học, cúng dường.

Cây thiết trượng của Bảo Chí liền dựng ở dưới chân núi, và tiên hạc bay đi nơi khác vì quá kinh sợ hãi. Đạo nhân đành phải giữ lời. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Nhà sư chùa Lâm Hải đi đuổi yêu ma

Chùa Lâm Hải ở Cối Kê có một tăng nhân đại đức, nghe nói có một nhà sư tên là Bảo Chí ở kinh đô Dương Châu có hành vi phóng túng, vị tăng nhân nói rằng: “Đây chắc chắn là yêu ma, ta muốn đến kinh đô tìm chó săn để xua đuổi nó”.

Vậy là ông lên thuyền ra biển, tới cửa sông muốn đi ngược lên phía Tây, bỗng nhiên gặp cơn gió to, con thuyền hướng về phía đông nam trôi đi 6-7 ngày. Sau đó, ông tới một hòn đảo, nhìn thấy ngôi tháp Phật vàng kim xuất ra muôn ngàn mây rực rỡ. Tăng nhân đi dọc theo đường và tới một chùa. Chùa rất đẹp, cỏ cây ngát hương. Trong chùa có khoảng 5-6 vị tăng nhân khoảng 30 tuổi, sắc mặt khôi ngô, khoác áo cà sa đỏ.

Tăng nhân hỏi: “Tôi muốn đi kinh đô, không ngờ bị gió thổi tới nơi này, Không biết đây là ở châu quốc nào? Hiện tôi nhìn thấy khắp nơi đều là biển, tôi e là không biết có quay trở về nhà được không”.

Tăng nhân trong chùa trả lời: “Đi Dương Châu thì tới ngay thôi. Đây là một bức thư, xin gửi giúp tới tay Hoàng Đầu, phòng thứ hai ở phía nam dãy nhà phía tây trong chùa Chung Sơn”.

Sau đó, nhà sư trong chùa bảo ông nhắm mắt chờ tiếng gió ngừng rồi mới mở mắt.

Vị tăng nhân ngồi trên thuyền nhắm mắt, đợi đến sau khi gió dừng mở mắt, thì đã đến bờ tây rồi.

Sau khi nhà sư lên bờ, ông đã đi hàng chục dặm và đến kinh đô. Ông đi thẳng đến chùa Chung Sơn, nhưng mọi người nói rằng không có ai tên là Hoàng Đầu. Tăng nhân nói chi tiết thêm rằng đó là người ở căn nhà số hai đầu phía nam của dãy nhà phía tây. Có người nói rằng, đó là một nhà sư điên, thường ở kinh thành tụ lạc vui chơi, không thường xuyên về, trong nhà không có người.

Vừa nói xong, thì Bảo Chí đã trở về dáng vẻ say rượu, và hỏi đồ ăn trong nhà bếp của ngôi chùa. Nhà sư chùa Lâm Hải bảo một sa di (hòa thượng mới xuất gia) đi đến bếp và gọi nhỏ Hoàng Đầu. Bảo Chí đột nhiên nói: “Ai đang gọi ta vậy?”

Thế là Bảo Chí theo sa di đến chỗ tăng nhân chùa Lâm Hải, và nói với vị tăng nhân: “Chẳng phải ông đang tìm kiếm chó săn để bắt ta ư? Tại sao lại đến tay không?”

Tăng nhân biết Bảo Chí không phải là người phàm, nên cúi đầu ăn năn và đưa cho ông lá thư. Sau khi đọc bức thư, Bảo Chí nói: “Phương trượng gọi ta, và ta cũng sẽ sớm tự quay về”.

Ông bấm ngón tay tính, ngày nào tháng nào sẽ đi. Ông nói với mọi người khác trong chùa: “Hãy nhớ ngày này tháng này”.

Vào mùa đông năm Thiên Giám thứ mười ba, Bảo Chí nói với những người ở hậu đường: “Bồ tát sẽ đi”.

Sau vài ngày, ông qua đời mà không bệnh tật gì, thi hài thơm mềm, diện mạo vui tươi.

Minh An
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Cao tăng dùng thần thông triển hiện cảnh tượng nơi địa ngục