Cao tăng kỳ lạ xuất gia không trốn đời, trợ giúp Minh Thành Tổ giành được thiên hạ - Kỳ 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Chu Nguyên Chương băng hà, hoàng thái tôn Chu Doãn Văn kế vị, xưng hiệu Huệ Đế. Huệ Đế sau khi lên ngôi liền bắt đầu thanh trừ chư vương. Trong chư vương thì Yên Vương có công lao cao nhất nên tự nhiên ở vào hoàn cảnh nguy hiểm...

Lúc này, Đạo Diễn ở bên Chu Đệ đã thực sự trở thành mưu sĩ và quân sư, trợ giúp Yên Vương trong cảnh hiểm nguy, đã nhiều lần hóa giải nguy nan thành bình an. Khi Minh Thái Tổ băng hà, Yên Vương muốn trở về kinh chịu tang, không ngờ Chu Doãn Văn ban lệnh cấm ông trở về đất phong. Chu Đệ đang đi trên đường rất tức giận, muốn vượt sông, được Đạo Diễn khuyên ngăn nên đã tránh được mối hung hiểm sau khi vào kinh.

Kỳ 1: Cao tăng kỳ lạ xuất gia không trốn đời, trợ giúp Minh Thành Tổ giành được thiên hạ - Kỳ 1

Chu Doãn Văn một lòng muốn trừ khử thúc thúc Chu Đệ. Đúng lúc khẩn cấp, Đạo Diễn mệnh các Đạo sĩ ở trong kinh thành hát một bài đồng dao: "Đừng đuổi yến, đuổi yến, yến bay cao, bay cao lên đế kỳ".

Đồng thời, Đạo Diễn còn cho chuẩn bị quân sự trong Yên phủ, binh tinh ngựa tốt. Để không tiết lộ thiên cơ sớm, Đạo Diễn sai người mua rất nhiều vịt, ngỗng, cả ngày thả đuổi kêu la để tránh tiếng thao luyện binh khí bị người ngoài nghe thấy.

Yên Vương khi đó không nắm chắc được lòng dân có theo mình hay không. Đạo Diễn lại nói chắc chắn rằng: "Thần biết Đạo Trời, việc chúng ta làm là thuận theo Đạo Trời, lòng dân tự nhiên sẽ thuận theo".

Chân Vũ trợ giúp Yên Vương

Về chiến dịch Tĩnh Nạn, trong Đạo giáo và các ghi chép của người Minh đều có lưu truyền điển cố: "Chân Vũ trợ giúp Yên Vương". Trong "Ngự chế Chân Vũ miếu bi" và "Dã ký" đều có ghi chép câu chuyện thần kỳ này:

Chu Đệ thường xuyên hỏi Đạo Diễn về thời cơ khởi binh đã chín muồi hay chưa, Đạo Diễn lần nào cũng nói là vẫn chưa đến thời cơ, đợi có Thiên binh đến trợ giúp thì mới được. Bỗng nhiên một hôm, Đạo Diễn bẩm báo: "Giờ Ngọ ngày mai, Thiên binh sẽ đến".

Giờ Ngọ ngày hôm sau, khi Chu Đệ khởi binh, ông ngẩng đầu nhìn thấy trên không trung đầy các Thiên binh Thiên tướng mặc giáp đội mũ, chủ soái chính là Huyền Đế Chân Vũ. Bỗng nhiên các tướng sĩ thấy Chu Đệ xõa tóc che mặt, hiện thị hình tướng của Huyền Đế. Thì ra là Đạo Diễn mời Chân Vũ giúp Yên Vương trợ chiến.

Giờ Ngọ ngày hôm sau, khi Chu Đệ khởi binh, ông ngẩng đầu nhìn thấy trên không trung đầy các Thiên binh Thiên tướng mặc giáp đội mũ, chủ soái chính là Huyền Đế Chân Vũ.
Giờ Ngọ ngày hôm sau, khi Chu Đệ khởi binh, ông ngẩng đầu nhìn thấy trên không trung đầy các Thiên binh Thiên tướng mặc giáp đội mũ, chủ soái chính là Huyền Đế Chân Vũ. (Ảnh: Shutterstock).

"Minh sử" có ghi chép, ngày 7 tháng 7 năm Kiến Văn thứ nhất (năm 1399), Yên Vương quyết định khởi binh. Đêm đó có gió lớn, ngói trong Yên phủ bị thổi bay xuống đất. Đạo Diễn lập tức nói với các binh sĩ rằng: "Đây là điềm đại cát tường, phi long trên trời hô mưa gọi gió. Ngói đen rơi xuống đất, sẽ đổi thành ngói vàng".

Chiến dịch Tĩnh Nạn kéo dài trong 3 năm, Đạo Diễn không đích thân đến chiến địa mà là nhận mệnh Chu Đệ trấn giữ Bắc Kinh, vỗ yên bách tính và binh sĩ. Nhưng mỗi lần chiến sự xảy ra tình huống không rõ, không thể nào quyết đoán được thì Chu Đệ đều hỏi kế sách Đạo Diễn. Sau khi hạ được Nam Kinh, Đạo Diễn được liệt là đệ nhất công lao.

Thân nhập thế mà tâm chẳng nhiễm bụi trần

Sau khi Chu Đệ lên ngôi, Đạo Diễn được trao chức Tăng lộc Tư tả Thiện thế, quan chính lục phẩm. Năm Vĩnh Lạc thứ 2, Đạo Diễn được phong làm Thái tử Thiếu sư, làm quan nhị phẩm, được vua ban danh Quảng Hiếu, khôi phục tục tính Diêu.

Minh Thành Tổ lệnh cho Diêu Quảng Hiếu để tóc cởi tăng bào hoàn tục, Diêu Quảng Hiếu không đồng ý. Để tuân theo lễ chế của triều đình và tôn trọng Chu Đệ, Diêu Quảng Hiếu thượng triều thì mặc quan phục, thoái triều thì mặc tăng phục, mọi người gọi ông là "Tể tướng áo đen" (Xưa tăng nhân mặc áo khoác đen).

Hoàng thượng lại ban thưởng cho ông 2 cung nữ như hoa như ngọc, Đạo Diễn trả lại. Chu Đệ càng kính phục ông hơn, để ông phụ tá hoàng tử kế vị là Chu Cao Sí. Thành tổ mấy lần chinh Bắc vào trú ở Bắc Kinh, Diêu Quảng Hiếu đều ở Nam Kinh phò tá thái tử trông coi việc nước. Năm Vĩnh Lạc thứ 5, Chu Đệ đem Hoàng trưởng tôn giao cho Diêu Quảng Hiếu, căn dặn rằng: "Tất cả hiếu đễ nhân nghĩa và giáo huấn đế vương mà kinh sử ghi chép, những điều kinh bang tế thế thì hàng ngày đều cần coi trọng dạy bảo".

Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 2, vùng Chiết Giang, Giang Nam xảy ra lũ lụt, dân chúng bị thiên tai, lương thực thiếu nguy cấp. Vĩnh Lạc Đại Đế phái Diêu Quảng Hiếu cứu trợ thiên tai: "Những gì chúng ta ăn, mặc đều là do bách tính sản xuất cung cấp. Nay bách tính thiếu quần áo, lương thực, không thể không thương xót. Chỉ có khanh có thể hiểu được lòng lo lắng của trẫm. Khanh đến nơi thiên tai, không cần suy nghĩ về tiền bạc quốc khố, cần nhân chính, cứ dốc sức trợ giúp bách tính".

Những gì chúng ta ăn, mặc đều là do bách tính sản xuất cung cấp. Nay bách tính thiếu quần áo, lương thực, không thể không thương xót.
Những gì chúng ta ăn, mặc đều là do bách tính sản xuất cung cấp. Nay bách tính thiếu quần áo, lương thực, không thể không thương xót. (Ảnh: Pexels).

Sau khi Diêu Quảng Hiếu lĩnh mệnh thiên tử, bất chấp tuổi tác cao ngoài 70, chịu nóng nực mùa hè, không từ gian khổ, đích thân đến các huyện, làng chẩn tế. Sử sách có ghi chép: "ông đốc thúc các châu, huyện khẩn cấp phát lương thực cứu tế, nghĩ đến cái đói của người như chính mình đói vậy, cứu tế nhân dân qua thiên tai". Vùng Giang Tô, Chiết Giang vốn là quê nhà của Diêu Quảng Hiếu, ông đem tiền bạc và vải vóc mà hoàng đế đã ban cho ông phân phát cho bà con xóm làng, dân chúng không ai không cảm niệm hoàng ân. Còn Đạo Diễn cả đời không tích gia sản, đạm bạc danh lợi đã trở thành giai thoại lưu truyền rộng rãi.

Chủ trì biên soạn sách "Vĩnh Lạc đại điển" và "Minh Thái Tổ thực lục"

Tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ nhất, Minh Thành Tổ mệnh cho Hàn lâm Thị độc học sĩ Giải Tấn biên soạn một bộ sách lớn chứa đựng tất cả. Giải Tấn tổ chức 150 người, dùng 1 năm rưỡi biên soạn sách "Văn hiến đại thành". Minh Thành Tổ phát hiện ra nội dung không đầy đủ, ông lệnh cho Diêu Quảng Hiếu và Hình bộ Thị lang Lưu Quý Trì, Giải Tân phụ trách trùng tu.

Diêu Quảng Hiếu dẫn đầu, huy động hơn 2000 tăng nhân, Đạo sĩ, phương sĩ, dùng thời gian 4 năm biên soạn sách "Vĩnh Lạc đại điển". "Vĩnh Lạc đại điển" đã thu thập viện dẫn sách, tranh lên đến bảy, tám nghìn loại, trở thành trước tác văn hóa khổng lồ lớn nhất và quan trọng nhất thời cổ đại Trung Quốc, cũng là tác phẩm đỉnh cao của văn minh phồn thịnh triều Minh.

Sách "Minh Thái Tổ thực lục" bắt đầu được biên soạn vào tháng Giêng năm Kiến Văn thứ nhất. Yên Vương Chu Đệ sau khi đăng cơ đã 3 lần hạ lệnh trùng tu. Tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 9, Diêu Quảng Hàn và Thượng thư Bộ hộ Hạ Nguyên Cát làm "Giám tu quan", đã tiến hành trùng tu lần thứ 3, đến tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 16 hoàn thành. Sách "Thái Tổ thực lục" sau khi trùng tu khiến Minh Thành Tổ vô cùng hài lòng, ông đã 4 lần ban thưởng cho những người chỉnh sửa sách.

Hiểu rộng Tam giáo

Diêu Quảng Hiếu tinh thông học vấn của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, ông tham gia biên soạn "Vĩnh Lạc đại điển" và "Minh Thái Tổ thực lục" đã đủ thấy nền tảng Nho học thâm hậu của ông.

Cội nguồn Đạo gia của Diêu Quảng Hiếu, trừ truyền thuyết "Chân Vũ trợ giúp Yên Vương" ra còn có mối duyên bền chặt với Bạch Vân Quán của Đạo gia. Diêu Quảng Hiếu ở kinh thành mấy chục năm, ông đã nhiều lần du lãm Bạch Vân Quán, đồng thời để lại hàng trăm bài thơ vịnh ca ngợi Bạch Vân Quán. Ông cũng thường thưởng trà luận Đạo cùng các Đạo nhân ở đó, mà nói theo cách của ông là: "Thuở trẻ thích kỳ lạ, luôn mộ chuyện Thần Tiên".

Diêu Quảng Hiếu tinh thông học vấn của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, ông tham gia biên soạn "Vĩnh Lạc đại điển" và "Minh Thái Tổ thực lục" đã đủ thấy nền tảng Nho học thâm hậu của ông.
Diêu Quảng Hiếu tinh thông học vấn của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, ông tham gia biên soạn "Vĩnh Lạc đại điển" và "Minh Thái Tổ thực lục" đã đủ thấy nền tảng Nho học thâm hậu. (Ảnh: Shutterstock).

Diêu Quảng Hiếu đọc kinh rất cần cù nỗ lực, làm quan đến nhị phẩm vẫn trì giới nghiêm minh, nội tâm thanh tĩnh, bảo trì sự cần cù và cố gắng mà người xuất gia cần phải có. Hàng ngày lúc gà gáy, ông liền dậy tụng kinh. Có lúc ngày lo liệu vạn chuyện quốc sự, vẫn không gián đoạn.

Đầu thời Minh, lý học của Trình Chu là triết học triều đình, mà những người như Chu Hy, Giải Tấn, Phương Hiếu Nhụ đa phần đều bài xích Phật giáo. Vì thế Diêu Quảng Hiếu viết bài văn dài "Đạo dư luận", đã dẫn dụng các kinh điển Nho giáo và Phật giáo để phê bình và phản bác quan điểm bài xích Phật giáo. Diêu Quảng Hiếu còn viết "Phật Pháp bất khả diệt luận", viện dẫn kinh điển để khuyên răn thế nhân rằng "Phật Pháp bất khả diệt", diệt Phật, bài xích Phật chỉ tốn công vô ích.

Diêu Quảng Hiếu là một người tu Đạo du ngoạn giữa xuất thế và nhập thế, tâm cảnh bi mẫn thương xót người của ông luôn luôn siêu thoát khỏi đấu tranh thế tục. Ông đã từng khuyên răn Chu Đệ trước rằng: "Phương Hiếu Nhụ sẽ không đầu hàng, nhưng không thể giết ông ta. Nếu giết ông ta thì những hạt giống đọc sách trong thiên hạ sẽ bị tuyệt diệt".

Ngự bút viết văn bia Thần Đạo

Ngày 28 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 16, tại chùa Khánh Thọ, Diêu Quảng Hiếu cho vời các đệ tử đến, nói với họ thời gian ông rời thế gian, sau đó ngồi ngay ngắn ra đi. Trước khi lâm chung, Thành Tổ đến thăm và hỏi hậu sự, Diêu Quảng Hiếu trả lời rằng: "Người xuất gia thì trong lòng có gì lưu luyến đâu". Thành Tổ lại hỏi có việc hậu sự nào phó thác không, Diêu Quảng Hiếu nói: "chết không lời".

Sau khi Diêu Quảng Hiếu qua đời, Chu Đệ vô cùng buồn, 3 ngày không thượng triều. Ông xuống chiếu truy phong Đạo Diễn là Vinh Quốc Công, thụy hiệu Cung Tĩnh và an táng ở Tây Sơn. Tang lễ Diêu Quảng Hiếu được triều đình tổ chức vô cùng long trọng, quan quân bách tính nghe tin đến chiêm bái kính lễ chật kín. Tang lễ kéo dài 7 ngày, dung mạo Diêu Quảng Hiếu vẫn như lúc sống, mùi thơm lạ lan tỏa mãi không tan, khi hỏa táng thu được xá lợi đều là ngũ sắc.

Chu Đệ ngự bút văn bia Thần Đạo. Những năm Vĩnh Lạc, Diêu Quảng Hiếu là người duy nhất được hoàng đế đích thân ngự bút văn bia. Chu Đệ đánh giá: "Quảng Hiếu khí độ to lớn, lòng thanh đạm". Văn bia cuối cùng viết rằng: "Thương người đã mất, nhớ thương tha thiết, nên biểu dương công đức không thể xóa nhòa của ông. Khắc đồng khắc đá để dạy bảo đời sau".

Cao tăng thời cận đại là Hư Vân lão hòa thượng nói: Diêu Quảng Hiếu là Độc Am Đạo Diễn thiền sư, và có thơ ca ngợi rằng:

"Nhân sĩ lưu dấu tích
Giáo hóa nào một môn
Ba hai năm ứng mệnh
Thuận và ngược Quán Âm
Đại sư là như thế
Mạo muội ngắm tôn nhan
Tổn mình lợi cho đời
Người và Thần ca ngợi"

Xem lại: Cao tăng kỳ lạ xuất gia không trốn đời, trợ giúp Minh Thành Tổ giành được thiên hạ - Kỳ 1

Tường Hòa
Theo Tông Gia Tú - Epochtimes.com.

Tài liệu tham khảo:
- "Minh sử - Diêu Quảng Hiếu truyện" của Trương Đình Ngọc
- "Dã ký" của Chúc Doãn Minh
- "Minh Thái Tông thực lục"
- "Tục tàng thư - Vinh Quốc Diêu Cung Tĩnh Công" của Lý Chuế
- "Minh Thành Tổ ngự chế Diêu Thiếu Sư thiền đạo bi"
-"Chấn trạch kỷ văn" của Vương Ngao
- "Minh thư" của Phó Duy Lân.



BÀI CHỌN LỌC

Cao tăng kỳ lạ xuất gia không trốn đời, trợ giúp Minh Thành Tổ giành được thiên hạ - Kỳ 2