Câu chuyện "Khi tượng sư tử đỏ mắt" gợi mở cho thời mạt thế hôm nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dân gian lưu truyền một câu chuyện cổ “Khi tượng sư tử đỏ mắt”. Đây là câu chuyện được lưu truyền từ xa xưa, nhưng ý nghĩa sâu xa đằng sau nó là lời thức tỉnh con người ngày nay.

Câu chuyện kể rằng:

Xưa kia, ở một ngôi làng nọ, đạo đức của người dân đã trở nên vô cùng xấu xa và bại hoại, không còn tin vào Thần Phật, nhân quả. Vì vậy Thượng Thiên muốn thiêu hủy ngôi làng này. Nhưng lúc ấy, Địa Tạng Bồ Tát (trong một số phiên bản là Bồ Tát Quán Thế Âm) vì vẫn muốn cứu vớt những người lương thiện còn sót lại ở ngôi làng đó, nên đã cho họ thêm một cơ hội.

Thế là vị Bồ Tát liền hạ phàm, đi vào ngôi làng này, hóa thân thành một ông lão ăn mày nghèo khổ, rách rưới. Ông lão đi đến từng nhà gõ cửa để xin ăn, mong tìm thấy những con người còn tấm lòng lương thiện. Nhưng mà hiềm nỗi, không có ai chịu cho ông lão thứ gì dù chỉ là một miếng cơm.

Khi ông lão ăn mày đi đến cuối làng thì nhìn thấy có một bà lão đang thắp hương cúng thờ Phật, bèn tiến đến trước cửa nhà để xin ăn. Thấy ông lão già nua tập tễnh đi không vững đến xin ăn, bà đắn đo một lúc rồi nói: “Tôi chỉ còn một bát cơm này thôi. Xin biếu cụ một nửa. Còn một nửa để cúng Phật”

Địa Tạng Bồ Tát nhận thấy người phụ nữ này tâm địa thiện lương, rất thành kính với Phật, vậy nên trước khi đi đã chỉ tay vào đôi tượng sư tử bằng đá đặt ở cổng làng và nói: “Nữ thí chủ quả là nhân đức. Hãy nhìn xem hai bức tượng sư tử đá to lớn ở đình làng kia. Lúc nào trông thấy mắt sư tử chuyển sang màu đỏ, thì chính là sắp có nạn lụt. Đến lúc đó hãy rời làng lên núi thì sẽ được bình an”.

Người phụ nữ nghe thấy vậy vô cùng sửng sốt, bà lập tức đem chuyện mà mình vừa nghe được nói cho tất cả mọi người trong thôn làng biết, gặp ai bà cũng nói. Nhưng kết quả là không một ai tin lời bà, thậm chí họ còn giễu cợt, châm chọc bà, nói rằng: “Nực cười! Làm gì có chuyện tượng sư tử đỏ mắt!”, "Đúng là người si nói mộng. Mê tín! Mê tín!". Cho dù người dân không tin lời bà, nhưng bà vẫn một mực tận tình khuyên bảo thuyết phục mọi người.

Bà nhớ kỹ lời dặn của ông lão ăn mày, mỗi ngày đều đi xem mắt của tượng sư tử đá. Trong thôn có đám thanh niên thường chơi bời lêu lổng, một ngày nọ bọn họ nghĩ ra một ý tưởng ngu ngốc, cố ý dùng sơn nhuộm đỏ rực mắt của con sư tử đá, muốn chế giễu bà lão, nhìn bà làm trò cười cho thiên hạ.

câu chuyện khi tượng sư tử đỏ mắt 4
Bà lão nhìn thấy mắt sư tử đá đã chuyển sang màu đỏ, bèn lo lắng đi khắp làng thúc giục. (Ảnh: Shutterstock)

Bà lão nhìn thấy mắt sư tử đá đã chuyển sang màu đỏ, bèn lo lắng đi khắp làng thúc giục: “Mọi người hãy chạy mau! Chạy mau! Sắp có nạn lụt”.

Mọi người trong thôn chứng kiến cảnh bà lão hớt hải như vậy, ai cũng ôm bụng cười sặc sụa, chê cười bà thật giỏi lừa gạt. Bà lão vẫn một mực không ngừng kêu to hơn, thế nhưng không có ai để ý tới bà, cũng không có ai nghĩ rằng sắp có nạn. Cuối cùng bà lão đành chạy một mình lên núi.

Liền ngay sau lúc đó, lũ bất ngờ từ đâu tràn đến. Bà vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại chỉ thấy nước lớn dâng lên thật nhanh, trong chốc lát đã nhấn chìm toàn bộ ngôi làng trong biển nước.

Thần chỉ cứu giúp người lương thiện

Câu chuyện cổ này có rất nhiều hàm ý sâu xa. Trong câu chuyện, Bồ Tát hạ phàm nhân gian, đã hóa thân thành ông lão ăn mày tìm kiếm người lương thiện. Bồ Tát muốn cứu người, nhưng cũng không trổ hết tài năng, không trực tiếp đưa bà lão đi để cứu bà, mà là căn dặn bà rằng, khi tượng sư tử đỏ mắt ắt sẽ có nạn lụt, nhớ kỹ phải chạy nhanh lên núi. Hơn nữa cũng không nói cho bà biết cụ thể vì sao mắt sư tử đá lại chuyển sang màu đỏ.

Bà lão không nhìn thấy chân thân của Bồ Tát, chỉ nhìn thấy một ông lão ăn mày rách rưới, bước đi tập tễnh mà thôi. Là có xảy ra nạn lụt hay không, đối với bà vẫn là một điều bí ẩn.

Thần vốn từ bi, trước khi sắp phát sinh đại nạn, sẽ sớm cảnh báo, nói cho con người chân tướng, đồng thời cũng lưu lại cho con người một chỗ mê, chính là để con người phải tự mình phán đoán và chọn lựa. Mặc dù như thế, bà lão đối với lời nói của người ăn mày rách rưới, vẫn có thể tin tưởng không chút nghi ngờ. Bởi vì việc này, có quan hệ đến an nguy của tính mạng con người. Cũng bởi vì bà có tâm địa thiện lương, thuần lương chất phác, có thể tin tưởng người khác mà không chút nghi ngờ.

câu chuyện khi tượng sư tử đỏ mắt 5
Bà lão đối với lời nói của người ăn mày rách rưới, vẫn có thể tin tưởng không chút nghi ngờ.

Đám lưu manh trong thôn cố ý nhuộm đỏ mắt sư tử đá, đây không phải do ma lực siêu nhiên khiến mắt sư tử đá chuyển sang màu đỏ, mà là do nhân tố con người gây ra. Mặc dù vậy, trước bối cảnh đó, bà lão vẫn lo lắng hô hoán mọi người chạy nhanh lên núi. Giờ này khắc này, đối với những người trêu đùa bà, thấy được ngôn hành cử chỉ của bà, có lẽ cho rằng quả thực quá nực cười, quá ngu muội, hoặc là cho rằng bà lão hồ đồ rồi, làm sao dễ dàng bị lừa như vậy?

Nhưng những gì Bồ Tát nói đã trở thành hiện thực tại ngôi làng này, và trận lụt thực sự đã đến.

Bồ Tát hóa thân thành người ăn mày, chính là lưu lại cho thế nhân những lời tiên tri, nói cho họ biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng mà một người có thể được cứu hay không, còn phải phụ thuộc vào bản thân người ấy, xem người ấy tin hay không tin. Đối với những chuyện tâm linh thần bí, người xưa có câu rằng "thà tin là có chứ đừng tin là không". Từ câu chuyện có thể thấy rằng, chính nhờ vào sự tín Thần và thiện tâm của bà lão, tại thời khắc mấu chốt đã cứu được mạng của bà.

Thế giới hiện nay tai họa liên miên không ngừng giáng xuống. Thiên tai nhân họa, dịch bệnh, lũ lụt... khiến con người chao đảo. Nhìn lại câu chuyện cổ "Khi tượng sư tử đỏ mắt" kia chúng ta sẽ thấy có nét gì đó tương đồng. Hy vọng rằng, khi có ai đó nói với bạn về phương cách nào đó để vượt qua kiếp nạn, bạn sẽ không vội vàng lắc đầu bỏ đi!


An Nhiên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện "Khi tượng sư tử đỏ mắt" gợi mở cho thời mạt thế hôm nay