Câu chuyện Khổng Tử - Khổng Tử xử án

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử sinh năm 551 TCN tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc. Ông là một người chân thật, tên tuổi ông đã đồng hành cùng với một nửa lịch sử văn minh Trung Hoa. Tư tưởng Nho gia do ông sáng lập đã đồng hành cùng các thế hệ người Hoa Hạ và các nước Á Đông vượt qua những năm tháng thương tang và huy hoàng.

Khổng Tử 3 tuổi thì cha qua đời. Từ nhỏ Khổng Tử đã cực kỳ thông minh hiếu học. Khi còn trẻ, ông đã từng làm chức quan quản lý kho lương và trông coi dê bò. Năm 20 tuổi, học thức của ông đã vô cùng uyên bác, được người đương thời ca ngợi là “Bác học hiếu lễ”.

Đồng thời, Khổng Tử cũng kế thừa sự anh tuấn vũ dũng của phụ thân Thúc Lương Hột. Ông cao 9 thước, cánh tay có sức mạnh hơn người. Tương truyền, tửu lượng của ông siêu phàm, chưa bao giờ uống say. Tuy nhiên, ông không bao giờ tự hào về sự vũ dụng và tửu lượng của mình.

Người làng thấy dung mạo của Khổng Tử cung kính, ôn hòa, nhân hậu, bình thường không hay nói chuyện, nhưng khi đàm luận về những việc trị quốc, thì ngôn từ của ông rõ ràng rành mạch, thông đạt, thái độ của ông lại cẩn thận. Mỗi lần ra vào cổng cung điện, ông luôn cúi đầu, khom lưng, và bước nhanh về phía trước, đoan trang lễ phép, biểu thị tôn trọng quốc quân.

Khi phụng mệnh đón tiếp tân khách, ông luôn tiến thoái có tiết chế. Khi Khổng Tử ra ngoài cổng lên xe, ông luôn đứng ngay thẳng, tay cầm dây cương. Ở trong xe, ông không bao giờ nhìn ngang nhìn dọc. Ông cũng không bao giờ nói lớn giọng, khi nói cũng không dùng tay chỉ trỏ.

Một lần Khổng Tử bị hết lương thực ở nước Trần, các đệ tử đi theo đều mắc bệnh. Tử Lộ oán trách, nói rằng: “Người quân tử cũng có lúc khốn cùng sao?”

Khổng Tử nói: “Người quân tử vào lúc khốn cùng vẫn yên vui giữ vững tiết tháo, kẻ tiểu nhân khi khốn cùng thì sẽ làm bừa”.

Khổng Tử nói với các đệ tử rằng, tiêu chuẩn đạo đức làm người không bởi trong thuận cảnh hay nghịch cảnh mà có chỗ khác nhau, trong các tình huống khác nhau, đều kiên trì giữ vững, không dao động. Đó chính là sự kiểm nghiệm đối với phẩm chất đạo đức của bản thân.

Năm Khổng Tử 53 tuổi, ông làm Đại tư khấu của nước Lỗ. Chức quan Đại tư khấu, trên thực tế chính là chức quan duy trì trật tự trị an xã hội của quốc gia.

Một buổi sáng, Khổng Tử đi xe đến công đường. Vừa mới ngồi yên chỗ thì nghe thấy bên ngoài cổng có tiếng cãi nhau ầm ỹ. Khổng Tử bảo đệ tử Nhan Hồi ra xem xét.

Một lát sau, Nhan Hồi trở lại báo cáo rằng: “Bên ngoài có 2 cha con kiện tụng tố cáo lẫn nhau, cha kiện con, con kiện cha”.

Khổng Tử nghe xong cảm thấy kỳ lạ, liền truyền đưa hai cha con họ vào. Một người già, một người trẻ, quần áo rách rưới, mặt mũi cáu bẩn, bước đến trước công đường dập đầu bái lạy. Sau đó họ tranh nhau nói ầm ĩ cả lên.

Khổng Tử nghiêm mặt, cầm miếng gỗ kinh đường mộc đập một cái và nói: “Cha không ra cha, con không ra còn, thì ra thể thống gì nữa”.

Thế là người già nói trước, người trẻ vội ngậm miệng, cúi đầu nghe người già nói.

Thì ra hai cha con nhà này sống cùng nhau, người cha ham ăn nhậu, người con lười biếng, nhà nghèo rớt mồng tơi. Hai cha con thường xuyên tranh cãi nhau về chuyện ăn uống.

Sáng hôm nay, lại cãi nhau về chuyện ăn cơm. Người cha tức giận động thủ đánh con trai, người con trai tức giận ném vỡ chiếc bát cơm duy nhất của gia đình. Thế là hai cha con cãi nhau, kéo nhau lên công đường.

Khổng Tử nghe xong thì bực tức khôn nguôi, nhưng phán xử thế nào thì nhất thời ông vẫn chưa nghĩ ra. Khổng Tử quay sang nhìn Nhan Hồi, mặt Nhan Hồi cũng ngây ra chẳng biết nên làm thế nào. Quả đúng là quan thanh liêm cũng khó phán xử chuyện gia đình.

Khổng Tử bước xuống công đường, đến bên cửa sổ, trầm ngâm một lúc, nói với những nha dịch rằng: “Hãy giam hai người vào đại lao cho ta”.

Hai cha con khiếu kiện là muốn để Khổng Tử giúp họ đưa ra phán quyết công bằng hợp lý, không ngờ Khổng Tử không xem xét xanh đỏ đen trắng ra sao, liền tống giam vào đại lao. Hai cha con liên tiếp kêu lớn: “Oan uổng quá, oan uổng quá”.

Khổng Tử nổi giận nói: “Là con dân của triều nhà Chu, mà lại không hiểu đạo đức luân lý, quả là không khác gì cầm thú, mà còn dám kêu oan ư”.

Khổng Tử nói với các nha dịch rằng: “Đem ông lão đó giam trong nhà lao mới, đem người thanh niên đó giam vào nhà giam cũ, để hai người đói 3 ngày cho ta, xem ai còn dám nói oan uổng”.

Ông lão bị giam trong nhà lao mới, cứ luôn than thở mãi. Bỗng nhiên trên xà nhà lao có những tiếng kêu chíp chíp. Ông lão mệt mỏi ngẩng đầu lên xem, thì ra là một tổ chim yến. Chim yến già ngậm con sâu nhỏ, bay qua song cửa nhà lao vào cho chim yến con ăn. Chim yến già từ sáng đến tối bay ra bay vào, không lúc nào ngơi. Ông lão dựa lưng vào tường say sưa nhìn.

Còn người thanh niên thì bị giam vào nhà lao cũ, bên trong vừa tối tăm vừa ẩm thấp. Người thanh niên ôm cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Trong sân vắng ngắt chẳng có gì, chỉ có một cây hòe lớn. Trên cây hòe có một tổ quạ. Anh ta trông thấy một con quạ con đang cho con quạ già ăn. Thì ra con quạ già sau khi sinh ra con quạ con vài tháng thì nó bị mù, không thể đi kiếm thức ăn được, những ngày sau đó hoàn toàn phải dựa vào con quạ con nuôi dưỡng. Cứ như thế, anh ta đứng nhìn liền 3 ngày, tiếng kêu của con quạ già cuối cùng cũng đã đánh thức lương tâm của người thanh niên.

Ngày thứ 4, Khổng Tử thăng đường. (Hình minh họa - Chụp video)

Ngày thứ 4, Khổng Tử thăng đường, ông lão và người thanh niên được dẫn ra khỏi nhà lao. Lúc này, hai cha con nhìn thấy nhau trên công đường, liền ôm đầu khóc lớn, khóc rất thương tâm.

Những nha dịch nhìn mà không hiểu tại sao, chỉ có Khổng Tử là trong tâm rõ ràng nhất, gương mặt Khổng Tử bất giác nở một nụ cười. Khổng Tử nói: “Các ngươi đã biết tội chưa?”

Người thanh niên lau nước mắt nói: “Thảo dân đã biết tội rồi”.

Khổng Tử lại hỏi: “Tội ở đâu?”

Người thanh niên nói: “Tội vong ân phụ nghĩa, không biết báo đáp ân dưỡng dục của mẹ cha”.

Khổng Tử hỏi tiếp: “Sau này làm thế nào?”

Người thanh niên nói: “Thảo dân xin sửa chữa lỗi lầm trước đây, trở thành một người mới”.

Khổng Tử gật đầu rồi hỏi ông lão: “Ông biết tội chưa?”

Ông lão nói: “Tiểu nhân biết tội rồi”.

Khổng Tử lại hỏi: “Tội ở đâu?”

Ông lão nói: “Tội không biết cách dạy con”.

Khổng Tử nói: “Được rồi. Nuôi không dạy, lỗi người cha. Hai người phải trừ bỏ hoàn toàn thói quen thích ăn nhậu, lười biếng, cần phải chăm chỉ cày cấy để sinh sống nhé”.

Sau khi bãi đường, Nhan Hồi theo Khổng Tử đi tản bộ ở sân sau. Nhan Hồi nhìn thấy tổ quạ trên cành cây, và nhìn thấy con chim yến bay thấp, Nhan Hồi từ đáy lòng khâm phục thầy: “Thầy phán xử án này thật đặc biệt, thật cao minh”.

Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại” (giáo dục không phân biệt con người ở tầng lớp nào, chủng tộc nào), khiến những đứa trẻ xuất thân từ tầng lớp rất thấp, và nhà nghèo, có cơ hội học tập.

Khổng Tử có trên 3000 học trò, trong đó, những nhân tài xuất sắc tinh thông Lục Nghệ: Lễ, Nhạc, Xạ, Cưỡi ngựa, Thư pháp, Toán pháp là 72 người.

Về phương diện trị quốc, Khổng Tử lấy Lễ và Nhân làm trung tâm, ông cho rằng, dùng đạo đức và lễ giáo để trị sửa quốc gia, thì mới là đạo trị quốc cao thượng nhất.

Vào những năm cuối đời, đệ tử đắc ý nhất của Khổng Tử là Nhan Hồi không may chết sớm. Một môn sinh đắc ý của Khổng Tử là Tử Lộ, chết trong nội loạn ở nước Vệ. Con trai Khổng Tử là Khổng Lý cũng chết sớm.

Đạo của Không Tử không được quốc gia nào áp dụng thi hành, và liên tiếp những bất hạnh giáng xuống, thân và tâm của Khổng Tử bị tổn hại cực lớn. Năm 479 TCN, Khổng Tử qua đời, hưởng dương 72 tuổi.

Theo Chinise Traditional Story

Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện Khổng Tử - Khổng Tử xử án