Câu chuyện năm mới về “Tài” và Đức” của “Nam” và “Nữ”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liệu câu nói "Đàn ông có đức không có tài làm gì cũng khó" Hay là "Phụ nữ không có tài là có đức", có đúng không? Hãy theo dõi câu chuyện dưới đây

Vừa bước vào cổng xi măng long lở đầy rêu mốc của nhà anh Hiền, tôi suýt chút nữa đâm sầm vào một người chân bước rất vội, mặt mũi cau có, vừa đi từ trong nhà ra, miệng vừa lầm bầm:

- Cái hạng đàn ông có đức không có tài làm cái gì cũng khó. Không thể trông cậy được.

Té ra là chị Năng, vợ anh Hiền. Chợt nhìn thấy tôi chào, nét mặt chị dịu lại đôi chút:

- Chú đấy à, mời chú vào nhà chơi, tôi đi ra chợ một lát rồi về.

Tôi bước vào nhà, một người đàn ông dáng tầm thước, mập mạp, ăn vận xuềnh xoàng đang đi đi lại lại tỏ vẻ khá bực dọc. Thấy tôi, anh nói:

- Các cụ nói cấm có sai: “Đàn ông có đức mới là có tài, phụ nữ không tài mới là có đức”. Nó cậy tài khinh tôi quá chú ạ!

Hiền là anh họ tôi, người hiền lành, không ham chơi bời đàn đúm, không ưa “va chạm” cũng chẳng bon chen với đời. Thực ra anh là người thông minh nhưng phong thái chậm chạp, có chút cục tính, dường như không có nhiều nghị lực và hơi ỷ lại. Tuy vậy, anh không có ý làm hại ai bao giờ, nên người ta vẫn khen anh là người có đức.

Chị Năng vợ anh lại là người phụ nữ sắc sảo tháo vát hay lam hay làm. Chị thực sự là trụ cột trong gia đình, từ việc đối nội, đối ngoại, kiếm tiền… việc gì đến tay chị cũng xoay xở được. Anh Hiền vì chậm chạp ngại va chạm nên dần dần thành ỷ lại vào vợ và bị vợ coi thường. Hôm ấy 20 tháng Chạp, tôi đến chơi đúng lúc hai vợ chồng họ đang tranh cãi. Chị Năng thì muốn anh Hiền tranh thủ trước Tết đến nhà sếp biếu quà to để được chú ý cất nhắc, vì lâu rồi chẳng thấy thăng chức lên lương. Còn anh Hiền thì nghĩ rằng người đàng hoàng chẳng việc gì phải cầu cạnh thế.

Nhưng anh Hiền cũng không giận lâu, tôi lại kể mấy câu chuyện vui làm anh khuây khỏa. Dần dần, câu chuyện đi đến chỗ luận về văn hóa truyền thống, nói nôm na là lời của “các cụ”. Tôi mới nhân đó nói rằng:

- Anh ạ, theo em biết thì cái “Lễ” của các cụ được hiểu khác bây giờ. “Lễ” tức là sự quy ước về hành vi ứng xử đối đãi có trên có dưới, cốt để định ra tôn ti, trật tự thứ bậc trong gia đình và xã hội, để ai ai ở vị trí của mình cũng phải làm tròn bổn phận của mình. Có như vậy thì xã hội mới ổn định. Như đức Khổng Tử nói: “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Chữ “Lễ” không phải là công cụ để người trên bắt chẹt kẻ dưới mà quên đi bổn phận của mình, hay là để đối xử bất công thiên lệch. “Lễ” biến thành lễ lạt, hối lộ thì còn biến dị xa rời nguồn gốc hơn nữa, anh nhỉ?

Lễ là cái gốc căn bản trong đối nhân xử thế của một người
Lễ là cái gốc căn bản trong đối nhân xử thế của một người. (Ảnh: Epochtimes.com)

Anh Hiền cười khoái chí:

- Đấy, chú cũng đồng ý với tôi, đúng không? Tại sao mình phải đi “lễ lạt” lãnh đạo để mong “có đi có lại”, thế khác gì hối lộ?

- “Nhưng em hiểu khác về câu anh nói lúc nãy: ‘Đàn ông có đức mới là có tài, phụ nữ không tài mới là có đức’ ”. Tôi cười.

Anh Hiền tò mò:

- Chú hiểu thế nào? Nói anh nghe với.

- Đầu tiên em hiểu rằng chữ “đức” ngày nay không phải chữ “đức” thời xưa, cái thời sinh ra câu anh vừa nói…

Anh Hiền ngắt lời:

- Chú nói cụ thể hơn xem nào.

Tôi nhìn anh cười cười, chưa vội trả lời ngay vì thoáng thấy bóng cao gầy thoăn thoắt của chị Năng lúc này đã đi chợ về.

- Này nhé, câu nói ấy nguyên là của học giả Trần Kế Nho đời Minh: “Nam tử hữu đức tiện thị tài, nữ tử vô tài tiện thị đức”, tạm dịch là: “đàn ông có đức mới là tài, phụ nữ không tài mới là đức”. Nhưng “đức” ấy nghĩa rộng lắm, không hẹp hòi như cách hiểu ngày nay. Bây giờ không làm hại đến ai, người ta cho là người có đức, nhưng nó còn cách rất xa chữ “đức” của người xưa.

Có tiếng chân người nhẹ bước ngoài sân, chị Năng đang làm cơm rất lặng lẽ cách chúng tôi một quãng, dường như cũng đang chú tâm vào câu chuyện. Anh Hiền vờ như không để ý, giục giã:

- Thế “đức” của người xưa như thế nào? Dào ôi, tôi thì cứ cho là không làm hại ai là có đức rồi. Giống như là khái niệm về khu “dân trí cao” ấy, không đánh mắng tranh chấp nhau là dân trí cao rồi.

Tôi mỉm cười:

- Nó thể hiện rõ ở từ “đức tính”, tức là tính tốt, phù hợp với đạo lý làm người. Ví dụ, đức tính chân thật; đức tính dũng cảm; đức tính kiên nhẫn, rộng lượng, bao dung; đức tính lương thiện; đức tính hiếu thảo v.v. còn nhiều lắm ạ.

- Ái chà, mấy ai mà có hết được những đức tính ấy hả chú?

- Vâng, anh nói đúng ạ. Không mấy ai sinh ra mà đã sẵn có hết thảy các đức tính tốt đẹp ấy. Đa phần là phải trải qua giáo dục và tu dưỡng. Và em thấy làm một người có “đức” theo tiêu chuẩn của người xưa là không hề đơn giản ạ.

Anh Hiền trầm ngâm một lúc, rồi đáp lời:

- Nói như chú, thì tôi còn thiếu nhiều đức lắm. Ví như đức tính dũng cảm dám chịu khó chịu khổ là tôi chưa có. Tính tôi vốn lười, không chịu vươn lên. Tôi cũng chưa đủ kiên nhẫn, rộng lượng với người khác. Tôi đã thử nhưng cảm thấy rất khó để tự vượt qua chính mình.

Im lặng. Có thể nghe thấy rõ tiếng đồng hồ tích tắc trong nhà và tiếng gà cục cục ngoài sân. Tôi thấy cần phải lên tiếng:

- Nhưng em thấy phục anh ở đức tính chân thật, dám thừa nhận thiếu sót của mình ạ. Em nghĩ để làm điều đó cũng cần có đức tính can đảm nữa. Em không chắc mình có thể làm được vậy.

Ông dành cả đời duy trì tinh hoa của Nho giáo và lấy việc lưu truyền đạo đức tốt đẹp cho hậu thế làm trách nhiệm của tự thân.
Bây giờ không làm hại đến ai, người ta cho là người có đức, nhưng nó còn cách rất xa chữ “đức” của người xưa. (Tranh: Tử Thanh)

Anh Hiền bật cười:

- Thế thì một người có thể vượt qua chính mình, khắc phục nhược điểm để rèn luyện ra những đức tính tốt chắc chắn là một người có bản lĩnh, một người tài năng rồi còn gì. “Đàn ông có đức là có tài”, các cụ nói cấm có sai nhỉ?

Tôi phụ họa:

- Vâng, người xưa dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đầu tiên là phải tu dưỡng đạo đức bản thân, xây dựng những phẩm chất và đức tính tốt như anh em mình vừa nói ấy. Tu thân tốt rồi mới có thể quản trị gia đình, rồi mở rộng tầm ảnh hưởng để làm những việc lớn hơn. Tu thân tốt chắc chắn cần phải có trí tuệ, nghị lực, rõ ràng đấy là tài năng rồi, phải không anh?

- “Thế còn ‘phụ nữ không tài là có đức’ thì sao?” Anh Hiền hỏi

Ông anh tôi giờ không dám chắc rằng mình đã hiểu đúng về câu nói này nữa.

Câu này quả là hay bị hiểu nhầm, nên tôi giải thích thật chậm rãi:

- “Nữ tử vô tài tiện thị đức”, chữ “vô” ở đây em hiểu rằng: có mà làm như không có. Giống như đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ dạy phép tu dưỡng: “Tử tuyệt tứ, vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”. “Vô ý” tức là người ta vốn vẫn có định kiến hay suy diễn cá nhân, nhưng xét việc muốn sáng suốt thì phải bỏ cái định kiến đó đi mới nhìn ra lẽ phải. Tương tự, “vô tất” tức không quả đoán rằng điều đó tất đúng, tất làm được; “vô cố”, tức không cố chấp; “vô ngã”, tức là không để cái vị tư ích kỷ xen vào… chữ “vô” ở đây được hiểu như vậy.

Cho nên “Nữ tử vô tài tiện thị đức” được ông Trần Kế Nho xét trên góc độ văn chương, một người phụ nữ không nên lạm dụng tài năng văn chương mà mình có để làm những việc tổn hại đến đức hạnh, nếu làm vậy thà không có tài còn hơn. Nhưng hiểu rộng hơn thì “người phụ nữ dù có tài cũng không nên ỷ vào tài năng thì mới là có đức”.

- “Tức là có tài mà không cậy tài để lấn lướt khinh dễ người khác, phải không?” Anh cười to, mắt không nhìn tôi lại nhìn ra sân.

Tôi gật đầu, hơi hạ giọng:

- Vâng, ý tứ là vậy, vì như vậy là phẩm giá cũng đã sa sút, hại đến đức hạnh rồi. Vả lại người xưa có nói, phụ nữ thuộc âm, giống như quẻ Thuần Khôn của Kinh Dịch, lấy Đất làm tượng trưng. Người ta hay nói từ “âm nhu”, quẻ Thuần Khôn lại có đặc tính “Thuận”, và Đất có “đức dày để tải vật”, tức là có tính bao dung; như vậy bản tính trời sinh của phụ nữ phải là nhu thuận, bao dung. Xưa nay phàm phụ nữ có tài mà giữ được “Đức” là bởi vì có tính khiêm nhường, không kiêu căng, ngạo mạn, cậy tài. Như Ban Chiêu, Sái Diễm đời Hán, Lý Thanh Chiếu đời Tống. Ngược lại phụ nữ cậy tài lộng hành thường gây nên tai họa, như Lã Hậu, Võ Tắc Thiên, Từ Hi, Dương Ngọc Hoàn v.v. nhiều gấp bội phụ nữ tài đức vẹn toàn. Anh cũng biết cụ Nguyễn Du đã từng viết: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” mà.

Ban Chiêu là một phụ nữ cổ đại bác học đa tài, phẩm đức cao đẹp, cô là nhà sử học, cũng là nhà văn, còn là nhà chính trị tài hoa.
Ban Chiêu là một phụ nữ cổ đại bác học đa tài, phẩm đức cao đẹp, bà là nhà sử học, cũng là nhà văn, còn là nhà chính trị tài hoa. (Ảnh: Wikipedia)

Những phụ nữ cậy tài gây họa đó, phần vì bản tính hiếu thắng, tham quyền háo danh, nhưng cũng có người mang nỗi khổ tâm riêng, nhiều khi liên quan đến đức ông chồng của họ, hoặc vì hoàn cảnh đưa đẩy xoay vần khiến họ phải ra tay chèo chống. Cũng rất đáng thương.

Anh Hiền thở dài, nín lặng hồi lâu.

Thấy anh chìm vào mạch suy tư, tôi xin phép ra về. Ra đến ngoài sân, tôi thấy chị Năng đang rang hạt bí. Thấy tôi, chị có phần lúng túng và giữ tôi ở lại dùng cơm. Nhưng tôi nghĩ lúc này, họ đang cần một khoảng lặng, nên xin phép để dịp khác.

Hơn mười ngày sau, sáng mùng 3 Tết, anh Hiền chị Năng mời tôi sang nhà chơi. Vừa bước đến cổng, đã thấy anh đứng đó chờ tôi. Chiếc cổng xi măng hôm nay được sửa lại chắc chắn, đẹp đẽ, sơn màu vàng tươi như màu nắng sớm. Anh Hiền đứng đợi tôi dưới cổng, mặc một bộ vest sáng màu cắt rất khéo, trông hoạt bát khác hẳn thường ngày. Vào đến nhà, chị Năng đứng ở cửa chào tôi, chị đã bày sẵn mâm cỗ Tết cổ truyền thơm nức. Nom chị như trẻ ra vài tuổi.

Chúng tôi ngồi vào mâm cơm. Anh Hiền rót sâm-banh rồi mở lời:

- Tết năm nay tôi nhiều việc hơn, nên giờ anh em mình mới có dịp tái ngộ. Tôi chuẩn bị cho các cụ hai bên ăn Tết đầy đủ, rồi giúp nhà tôi trang hoàng nhà cửa. Lễ lạt các quan thì tôi không có đi, nhưng cũng tranh thủ đi thăm hỏi, cảm ơn những người đã từng giúp đỡ gia đình mình. Ra Tết, tôi sẽ mở một cửa hàng bán thuốc Bắc, cái này là nghề nhà các cụ truyền lại cho từ lâu nhưng tôi ngại việc nên chưa làm. Giờ tôi làm vừa là để báo hiếu, vừa là san sẻ gánh nặng kinh tế với nhà tôi, cũng để giáo dục các cháu truyền thống gia đình.

Tôi ngạc nhiên nhìn anh. Ông anh tôi đã thay đổi từ lúc nào vậy?

- “Tôi và nhà tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện của chú. Thực ra, ngẫm lại tôi thấy phần tu dưỡng của mình còn kém, còn ỷ lại vào vợ, khiến vợ tôi vất vả, lại còn mang tiếng, nhiều khi vất vả mệt mỏi quá thành ra nghĩ quẩn nói quanh. Tôi đã hứa với nhà tôi là sẽ cố gắng thay đổi. Hôm nay có cả chú và nhà tôi ở đây, tôi lại xin hứa với nhà tôi lần nữa: tôi sẽ cố gắng để thành người có đức hơn, đức thật sự chứ không phải cái đức mà vợ chồng tôi hiểu sai, cũng tức là có tài hơn đấy”. Anh Hiền cười ha hả.

Chị Năng ngồi cạnh anh Hiền, chị nhìn anh bằng ánh mắt sáng ấm áp và đầy hy vọng. Rồi chị nhìn tôi và lần đầu tiên tôi được nghe chị cất lời từ tốn đến vậy:

- Tôi có trộm nghe câu chuyện của hai anh em chú. Nghe chú kể chuyện về Ban Chiêu, tôi có tìm đọc sách “Nữ Giới” của bà. Trong đó có một câu mà tôi rất tâm đắc: “Phu bất hiền, tắc vô dĩ ngữ phụ; phụ bất hiền, tắc vô dĩ sự phu". Tôi hiểu là nếu như người chồng không đủ hiền đức thì không thể lịch sự lễ tiết đối đãi với vợ, không cách nào khiến người vợ biết tôn trọng thương yêu, còn nếu người vợ không đủ hiền đức thì sẽ không thể chăm sóc tốt được cho người chồng. Nhờ có câu chuyện của chú, tôi cũng nhớ lại hồi trước khi về làm dâu nhà này, mẹ tôi cũng dặn đi dặn lại tôi rằng phải biết giữ thể diện cho chồng, vì các cụ xưa vẫn nói: “xấu chàng hổ ai”, tôi cứ hay quên mất điều ấy.

Em đã từng nghĩ nhan sắc là tất cả; và cả thế gian sẽ quỳ sụp trước sắc đẹp của em. Nhưng tiếc thay, nhan sắc vốn là điều vô thường nhất.
những khuôn mặt hồng lên như điệp màu với chậu hoa đào Tết rực rỡ ở gần đó. Xuân đã về thật rồi. (Ảnh: Pexels)

Anh Hiền nhìn vợ âu yếm, mỉm cười độ lượng. Tôi cũng vui lây với hạnh phúc của hai vợ chồng họ. Trong căn nhà ấm cúng, hương trầm bay thơm nức, canh ngọt chan cơm dẻo, chủ nhà khoản đãi khách, vợ chồng gắp cho nhau… những khuôn mặt hồng lên như điệp màu với chậu hoa đào Tết rực rỡ ở gần đó. Xuân đã về thật rồi. Chợt một ý nghĩ tinh nghịch lóe trong đầu tôi:

- Hôm nọ em thấy chị rang hạt bí, lát nữa cơm nước xong chị cho em xin vài hạt để cắn được không?

- “Hạt bí rang hôm chú đến, hai vợ chồng tôi đã giải quyết xong từ trước Tết rồi.” Cả hai vợ chồng họ đều phá lên cười vui vẻ.

Nguyên Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện năm mới về “Tài” và Đức” của “Nam” và “Nữ”