Câu chuyện thời nhà Thanh: Chàng thư sinh hóa hổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với một thiện niệm, một con hổ có thể được chuyển sinh làm người; hung bạo và kiêu căng, một con người cũng có thể biến thành một con hổ. Sự khác biệt giữa hiền nhân và phàm phu kiêu ngạo là rất nhỏ...

Theo “Dạ Đàm Tùy Lục” tập 4, chuyện rằng vào thời nhà Thanh, một gia đình giàu nọ có một cậu con trai từ bé tính vốn hung bạo và ngang ngược, một đạo sĩ biết được quá khứ và hiện tại của chàng thư sinh này nên xuất tâm từ bi, e rằng chàng ta có thể hóa thành dị loại nên đã ra tay giúp đỡ “bắt hổ”. Vì sao chàng trai hung hãn ấy cuối cùng đã hướng thiện và tránh được họa ác biến thành hổ?

Chàng thư sinh đó tên là Chu Diễm, tự Côn Ngọc, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở huyện Sầm Khê. Tuy nhiên, bản chất anh ta cực kỳ hung hăng, lại có sức khỏe hơn người, thường vì những điều nhỏ nhặt mà sinh tâm oán hận, dễ phát cáu và có khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm. Vì tính tình Chu Diễm thô lỗ và ồn ào nên không thể sống chung hòa thuận với người trong nhà, ngay cả hàng xóm láng giềng cũng né tránh, không ai dám mạo phạm anh ta.

Ở cùng làng, có một thư sinh họ Liệu, yêu mến tài năng của Chu Diễm, nhưng lại ghét tính cách hung bạo của anh ta, nên gọi anh ta là Chu Xứ.

Chu Xứ (năm 236 - năm 297), là một thừa tướng nổi tiếng thời nhà Tấn. Thời niên thiếu, vì Chu Xứ hay gây hại cho dân làng nên bị liệt vào hàng tam ác bên cạnh giao long và bạch hổ. Nhưng sau đó, Chu Xứ đã bỏ ác hành thiện, cuối cùng trở thành một trung thần cương trực công chính.

Chu Diễm nghe chuyện này thì phẫn nộ bất bình: “Sao huynh có thể châm biếm sau lưng bạn bè vậy chứ?”

Liệu thư sinh nói: “Thuở nhỏ của Chu Xứ rất giống Chu Diễm hiện nay, nhưng mà sau đó Chu Xứ có thể thay đổi thành người thiện lương, tương lai Chu Diễm nhất định sẽ giống như Chu Xứ.”

Chu Diễm nghe xong liền muốn ra tay đánh Liệu thư sinh nhưng anh ấy đã nhanh chân chạy mất. Chu Diễm hùng hổ đuổi theo, may mà có dân làng khuyên ngăn nên Chu Diễm mới dừng lại.

Một hôm, có một vị đạo sĩ đến trước cổng Chu gia, người nhà Chu gia bèn đem tiền và gạo ra cho, nhưng vị đạo sĩ từ chối không nhận gì cả. Thấy vậy, Chu Diễm bước ra cổng và hỏi: “Đạo sĩ này, ông muốn gì?”

Đạo sĩ nói: “Bần đạo có sở trường bắt hổ, muốn đem sức lực phục vụ ngài.”

Chu Diễm khịt mũi coi thường nói: “Nếu có hổ, tự ta có thể bắt được, cần gì đến ông? Chưa kể ở đây gần ngoại thành, đông người qua lại, làm sao có hổ được chứ?”

Đạo sĩ thản nhiên chỉ vào Chu Diễm và nói: “Ngài chính là hổ đấy!”

hướng thiện
Chu Diễm nghe vậy tức giận đùng đùng. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Chu Diễm nghe vậy tức giận đùng đùng nói: “Đạo sĩ, ông là ai kia chứ? Dám gọi người là hổ ư!” Nói rồi vung tay về phía trước đánh vào ngực đạo sĩ. Vị đạo sĩ phất tay áo một cái, Chu Diễm liền bị văng ra xa 10 bước chân, Chu Diễm nằm bò trên mặt đất chẳng thể động đậy. Ngay giây phút này anh ta mới cảm thấy hoảng sợ và không dám hống hách nữa.

Đạo sĩ mỉm cười nói: “Ngài yếu nhược như vậy mà vẫn muốn phân tranh với người khác ư? Bần đạo đến đây liệu có ác ý gì chứ? Vì bần đạo thấy ngài sắp biến thành dị loại nên mới ra tay giúp đỡ. Nếu ngài cứ bướng bỉnh không thay đổi thì hình dạng sẽ trông như thế này này!”

Chu Diễm vẫn không hiểu ý. Đạo sĩ từ tốn giải thích: “Vốn dĩ kiếp trước của ngài là một con hổ, kiếp này may mắn được chuyển sinh thành người, vì ngài từng xuất một thiện niệm mà được phúc báo này. Nhưng hiện nay ngôn hành của ngài đều bất thiện, hết sức hung hăng bắt nạt người khác chẳng chút kiêng dè, đã mê muội quá sâu ở chốn hồng trần này. Đến mùa thu năm nay thì ngài sẽ biến trở lại thành hổ.”

Chu Diễm nghe xong thất kinh hồn vía, bèn hỏi: “Vậy phải làm sao?”

Đạo sĩ nói: “Không có cách nào khác, chỉ cần ngài tâm bình khí hòa, đốc thúc bản thân làm nhiều việc tốt, may ra có thể vãn hồi. Ta tặng ngài một loại thuốc quý, uống vào nhất định sẽ có công dụng, đừng coi thường dược phương này nhé.” Đạo sĩ để lại lọ thuốc rồi rời đi. Kể từ đó Chu Diễm không dám đi đâu cả, chỉ đóng cửa ở trong nhà đếm từng ngày một.

Bạn bè trong hội nghe được chuyện này thì lần lượt đến chúc mừng Chu Diễm, nhưng anh ta lại nói: “Các huynh bị lão đạo sĩ đó mê hoặc mất rồi ư? Ta nghĩ ‘Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo’ (Thứ mà Trời ban cho là bản tính, hành xử theo bản tính gọi là Đạo). Ta bẩm sinh thiên tính mạnh bạo, nên hiển nhiên hành động cũng mạnh bạo, thử hỏi tự dưng có thể đổi tính tức thời tu đạo được không? Ông trời ban cho ta bổn tính như vậy rồi, làm sao có thể thay đổi được chứ!” Và thế là Chu Diễm lại bạo ngược như cũ, không muốn hối cải.

Bỗng một ngày, cơn gió Tây thổi đến, cuốn những chiếc lá vàng tung bay, thấm thoắt đã đến mùa thu. Chu Diễm vẫn không quan tâm, ở trong nhà mặc sức uống rượu, uống đến say bí tỉ và lăn ra ngủ trên ghế.

Trong giấc mộng, Chu Diễm phát hiện toàn thân mình co quắp lại, giữa các đốt xương phát ra âm thanh răng rắc. Hãi hùng, Chu Diễm lập tức tỉnh mộng, nhìn thấy hai mu bàn tay xuất hiện những họa tiết da hổ mờ mờ, anh ta kinh ngạc hoảng sợ, vội vàng cởi quần áo ra xem thử, mới thấy rằng toàn thân cũng đều như thế. Chu Diễm chấn động và hô hoán gọi người nhà, mọi người vây xung quanh anh ta, ai nấy đều giật mình hoảng hốt.

Chu Diễm chợt nhớ đến lọ thuốc của vị đạo sĩ, bèn vội vàng cầm lấy và uống. Quả là tiên dược, vừa uống vào thì da dẻ tức khắc phục hồi trở lại bình thường. Lúc này Chu Diễm mới hiểu rằng vị đạo sĩ ấy là một kỳ nhân.

Kể từ đó Chu Diễm quyết tâm thay đổi bản thân, như thoát thai hoán cốt thành một con người mới vậy, tâm tính ôn hòa và bình tĩnh, ước thúc từng lời nói và hành vi của bản thân, tự khích lệ bản thân làm nhiều việc thiện hơn nữa. Chu Diễm đã khắc 8 chữ vào bên phải của chỗ ngồi: “Phóng tình thi tửu, tuyệt tưởng công danh” (Thả tình trong thơ rượu, chẳng nghĩ đến công danh). Vì vậy Chu Diễm lấy hiệu là Hổ Biến cư sĩ.

Cung Thái (Phú Sát thị, hiệu Lan Nham) đã bình luận về câu chuyện này: “Với một thiện niệm, một con hổ có thể được chuyển sinh làm người; hung bạo và kiêu căng, một con người cũng có thể biến thành một con hổ. Sự khác biệt giữa hiền nhân và phàm phu kiêu ngạo là rất nhỏ. Hổ không phải là loài dã thú tầm thường, Chu Diễm khảng khái và hào phóng thì có thể hóa thành hổ, trên thế gian này có biết bao nhiêu người nham hiểm độc ác một đời, có lẽ còn không thể trở thành loài chó giữ nhà. Thử hỏi, một con thú gác cổng ban đêm có dám vọng tưởng hóa hổ hay không?”

Trích “Dạ Đàm Tùy Lục” tập 4.

Cao Nguyên

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện thời nhà Thanh: Chàng thư sinh hóa hổ