Câu chuyện văn hóa: Ba bi kịch lớn nhất của đời người, thiên tài Phùng Mộng Long một mình gánh hết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bi kịch lớn nhất đời người là gì? Một người khi gặp bi kịch lớn đã rất khó vượt qua, bị đánh gục, thậm chí quyên sinh. Nhưng một người tài hoa lòng ôm chí lớn lại chịu cả 3 bi kịch lớn nhất của đời người như Phùng Mộng Long thì có lẽ cũng là xưa nay hiếm.

Thiếu niên đắc chí, tài hoa tràn trề, lòng ôm chí lớn, nhưng lần nào thi cử cũng thất bại, muốn báo quốc mà không có nơi, ôm chí lớn mà không được thi triển, đó là bi thảm lớn nhất.

Thanh niên gặp tình yêu, gặp người trong mộng, tình đầu ý hợp, nhưng vì nguyên nhân các loại khiến hai người góc biển chân trời, ruột gan tan nát, ôm mối tình sầu, đó là bi thảm lớn thứ hai.

Đến tuổi lão niên, sự nghiệp đột nhiên đảo ngược, tuổi cao sức lực cạn, nước mất nhà tan, cuối cùng u uất mà chết, đó là bi thảm lớn thứ ba.

Nếu cả ba điều bất hạnh này cùng đổ lên đầu một người thì quả là cực kỳ bi thảm, một đời thê thảm chẳng dám quay đầu nhìn lại. Trong lịch sử thực sự có một người như vậy, đó chính là Phùng Mộng Long, tác giả của những bộ sách nổi tiếng như "Đông Chu liệt quốc", "Dụ thế minh ngôn", "Cảnh thế thông ngôn" và "Tỉnh thế hằng ngôn".

Phùng Mộng Long sinh năm 1574, tức năm Vạn Lịch thứ 2 đời Minh, ở huyện Ngô, Tô Châu. Đó là năm trị vì thứ 2 của Hoàng đế Minh Thần Tông Chu Dực Quân. Hoàng đế khi đó mới 11 tuổi không cai quản được việc gì, thế nên mẫu thân là Lý Thái Hậu nắm quyền, quan đứng đầu nội các là Trương Cư Chính chủ trì chính sự, đã khai sáng nên cục diện "Vạn Lịch trung hưng".

Phùng Mộng Long, tác giả của những bộ sách nổi tiếng như "Đông Chu liệt quốc", "Dụ thế minh ngôn", "Cảnh thế thông ngôn" và "Tỉnh thế hằng ngôn". (Baike.baidu.com)
Phùng Mộng Long, tác giả của những bộ sách nổi tiếng như "Đông Chu liệt quốc", "Dụ thế minh ngôn", "Cảnh thế thông ngôn" và "Tỉnh thế hằng ngôn". (Baike.baidu.com)

Bi kịch thứ nhất: Học tài thi phận

Tô Châu xưa nay vẫn là một vùng giàu có. Tương truyền cha của Phùng Mộng Long là một thương nhân buôn thóc gạo, điều kiện kinh tế cũng khá giả, nhưng ông cả đời sùng văn chuộng học, thế nên ông rất hy vọng con cái đỗ đạt làm quan, do đó đã đặt tên cho các con là Mộng Quế, Mộng Long và Mộng Hùng. Ông còn kết giao với bậc danh Nho Tô Châu đương thời là Vương Nhân Hiếu, đồng thời yêu cầu con cái nghiêm túc hành xử theo phép tắc Nho gia. Phùng Mộng Long cũng giống như các văn nhân thời đó, từ nhỏ đọc Tứ Thư Ngũ Kinh, ông còn tìm các loại tạp thư đọc, có trí nhớ tốt đối và thông thạo các thể loại Đồng dao, Tiểu thuyết, Hí khúc, Dân ca, Bài kinh, Tửu lệnh. Năm 26 tuổi, Phùng Mộng Long đã sáng tác rất nhiều thơ văn, tán khúc và hí kịch.

Tuổi trẻ tài hoa khiến mọi người kinh ngạc, danh tiếng vang xa, được các danh sỹ tôn làm minh chủ của Vận Xã.

"Học xuất sắc rồi thi làm quan", tư tưởng Nho gia này cũng là điều mà phụ thân của Phùng Mộng Long hy vọng vào con cái. Thi đỗ làm quan là chí hướng của Phùng Mộng Long. Năm 20 tuổi, ông tự tin phấn chấn dự thi, sau đó đỗ tú tài. Tất cả dường như đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

Thi đỗ làm quan là chí hướng của Phùng Mộng Long. Năm 20 tuổi, ông tự tin phấn chấn dự thi, sau đó đỗ tú tài. Tất cả dường như đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Thi đỗ làm quan là chí hướng của Phùng Mộng Long. Năm 20 tuổi, ông tự tin phấn chấn dự thi, sau đó đỗ tú tài. Tất cả dường như đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. (Shutterstock)

Chế độ khoa cử triều Minh chia làm 4 cấp, tức thi viện, thi hương, thi hội và thi điện. Trước khi thi viện có thi khảo sát nhỏ. Thí sinh tham gia thi huyện và thi phủ, người đỗ được gọi là "đồng sinh". Sau đó tham gia thi thư viện của tỉnh, phủ sở tại, người đỗ thi viện gọi là "sinh viên", tục gọi "tú tài" hay "tướng công". Tú tài có thể tham gia thi hương, kỳ thi hương cứ 3 năm tổ chức một lần, do hoàng đế chỉ định quan chủ khảo chủ trì. Người đỗ thi hương gọi là "cử nhân", người đỗ đầu gọi là "giải nguyên". Năm sau kỳ thi hương là thi hội tổ chức ở kinh thành, cử nhân mới đủ tư cách tham dự. Kỳ thi hội tổ chức vào mùa xuân, người thi đỗ gọi là "cống sinh", người đỗ đầu gọi là "hội nguyên". Cống sinh phải tham gia kỳ thi do đích thân hoàng đế chủ trì, kỳ thi này gọi là thi điện. Thi điện chia thành Tam giáp, người thi đỗ đều gọi là "tiến sĩ". Nhất giáp gồm 3 người, người đứng đầu gọi là "trạng nguyên", người thứ hai gọi là "bảng nhãn", người thứ ba gọi là "thám hoa". Nhị giáp lấy một số người, gọi là "tiến sĩ xuất thân". Tam giáp lấy một số người, gọi là "đồng tiến sĩ xuất thân".

Giấc mộng làm quan của Phùng Mộng Long bị cắt đứt trên con đường thi hương, ông nhiều lần tham gia thi hương mà đều thi trượt. Theo chế độ triều Minh thì tiến sĩ được trao quan chức, còn cử nhân thì có thể trao cũng có thể không, còn tú tài thì không trao quan chức. Thế nên đời nào cũng có những câu chuyện bi kịch như "Phạm Tiến đỗ cử nhân".

Phùng Mộng Long mãi không thi đỗ cử nhân mà các bạn của ông đều đã lần lượt vào triều làm quan cả rồi: Văn Chấn Mạnh làm chức quan to là Thị lang Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ; Ôn Thể Nhân làm quan Thủ phụ Nội các... Còn anh em Phùng Mộng Long được giới văn nhân ca ngợi là "thiên cổ phong lưu" lại phải lưu lạc giang hồ, mặc áo vải thô, khiến các bạn bè ông vô cùng nuối tiếc.

Anh em Phùng Mộng Long được giới văn nhân ca ngợi là "thiên cổ phong lưu" lại phải lưu lạc giang hồ, mặc áo vải thô, khiến các bạn bè ông vô cùng nuối tiếc. (Miền công cộng)
Anh em Phùng Mộng Long được giới văn nhân ca ngợi là "thiên cổ phong lưu" lại phải lưu lạc giang hồ, mặc áo vải thô, khiến các bạn bè ông vô cùng nuối tiếc. (Miền công cộng)

Khi thất thần lạc phách thì kẻ vô dụng nhất lại chính là thư sinh. Thư sinh thời xưa cho dù có muôn vạn tài hoa, nhưng nếu không thi đỗ có công danh thì cũng bất đắc chí khốn đốn cả một đời. Từ năm 20 tuổi đến 56 tuổi, Phùng Mộng Long luôn bôn ba các trường thi, tình trạng kinh tế bê bết thế nào thì ai cũng có thể tưởng tượng được. Ông rất thiếu thốn tiền bạc, thiếu tiền cũng đặt định những bi kịch tiếp theo của cuộc đời Phùng Mộng Long.

Bi kịch thứ hai: Có duyên không có phận

Triều Minh là một triều đại có cốt khí, mặc dù quốc gia nguy nạn trùng trùng, nước mất nhà tan, hoàng đế thà chết trên chiến trường hoặc tự treo mình lên cây hòe cổ thụ chứ nhất quyết không khuất phục cầu hòa. Triều Minh cũng là một thời đại có nhiều nhân tài kiệt xuất, thậm chí nhiều cô gái chốn thanh lâu cũng tài sắc vẹn toàn: "Thông minh vốn sẵn tính trời; Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm".

Phùng Mộng Long thi cử vô vọng, đau khổ, phiền muộn, chán ngán, cũng bắt đầu suốt ngày buông thả chốn thanh lâu. Trong đó có rất nhiều cô gái đủ cả tài sắc, lại thấu hiểu lòng người, khiến trái tim bị tổn thương của Phùng Mộng Long mới bình phục ít nhiều, mới cảm thấy chút tự do tự tại.

Chốn thanh lâu có rất nhiều cô gái đủ cả tài sắc, lại thấu hiểu lòng người, khiến trái tim bị tổn thương của Phùng Mộng Long mới bình phục ít nhiều, mới cảm thấy chút tự do tự tại.
Chốn thanh lâu có rất nhiều cô gái đủ cả tài sắc, lại thấu hiểu lòng người, khiến trái tim bị tổn thương của Phùng Mộng Long mới bình phục ít nhiều, mới cảm thấy chút tự do tự tại. (Miền công cộng)

Có cô gái tên là Phùng Ái Sinh thông minh lanh lợi. Cô gặp được Đinh Trọng, hai người tâm đầu ý hợp, tình ý nồng nàn. Nhưng Đinh Trọng mãi vẫn không gom đủ tiền chuộc Phùng Ái Sinh, cứ kéo dài mãi khiến Ái Sinh u uất thành bệnh. Tú bà chán ngán liền bán Ái Sinh cho công tử Nhung thành. Công tử nhà giàu chỉ mua vui, nào có tình cảm chân thành gì đâu. Phùng Ái Sinh bị tổn thương cả thân và tâm, khiến bệnh tình càng ngày càng trầm trọng. Công tử nhà giàu cũng chán, bèn trả cô lại cho tú bà. Một thời gian sau Ái Sinh chết.

Phùng Mộng Long vô cùng cảm thông với cảnh ngộ cô gái si tình này, nên đã dựa vào cuộc đời Ái Sinh viết nên "Ái Sinh truyện". Ái Sinh không có mộ, quan tài để ngoài cánh đồng cũng không được an táng. Phùng Mộng Long đôn đáo khắp nơi, liên hệ với những người bạn của cô gái để quyên tiền mua đất an táng cho cô, cuối cùng cũng lo liệu xong, để cô an nghỉ dưới lòng đất.

Có thể thấy Phùng Mộng Long là người trọng tình cảm, nếu gặp được người con gái chân thành thì ắt sẽ yêu thương trong sáng và nồng nàn. Cuối cùng Phùng Mộng Long cũng gặp được một cô gái bị bán vào thanh lâu là Hầu Huệ Khanh, tuy không sắc nét như Bát Diễm Tần Hoài (8 ca kỹ đẹp nhất Nam Kinh), nhưng về tình cảm, yêu thương thì không hề thua kém. Hai người tâm đầu ý hợp, đều mong mỏi một cuộc sống gia đình như bao cặp vợ chồng bình thường khác, vợ chăm nom gia đình, giúp chồng dạy dỗ con cái, chồng lo toan kiếm sống nuôi gia đình. Nhưng một thư sinh không công danh sự nghiệp như Phùng Mộng Long sao có thể lo đủ tiền chuộc đây, ngoài con tim chân thành và tài hoa ra thì anh hoàn toàn không có chút năng lực kinh tế nào.

Phùng Mộng Long gặp được một cô gái bị bán vào thanh lâu là Hầu Huệ Khanh, tuy không sắc nét như Bát Diễm Tần Hoài, nhưng về tình cảm, yêu thương thì không hề thua kém.
Phùng Mộng Long gặp được một cô gái bị bán vào thanh lâu là Hầu Huệ Khanh, tuy không sắc nét như Bát Diễm Tần Hoài, nhưng về tình cảm, yêu thương thì không hề thua kém. (Shutterstock)

Phùng Mộng Long chỉ biết ngày ngày dốc bầu tâm sự, bày tỏ ruột gan và tình yêu chân thành với cô gái, bảo cô hãy chờ đợi. Đời người thê lương nhất là hận biệt ly. Ngày nối ngày qua đi, Hầu Huệ Khanh đợi chờ trong vô vọng, cô biết anh chỉ là một thư sinh nghèo, không thể kiếm đủ tiền chuộc, mà cô cũng không muốn cuối cùng kết thúc cuộc đời trong u uất như Phùng Ái Sinh, thế nên cô đồng ý để một thương gia giàu có chuộc cô rồi đi xa cùng với ông ta.

Có lẽ Phùng Mộng Long cũng sớm dự liệu được kết cuộc này, nhưng anh vẫn không thể nào chấp nhận được sự thực này, lặng lẽ ngồi đó như người mất hồn, không nói không rằng. Anh luôn mơ tưởng cùng cô tay trong tay đến bạc đầu, chưa bao giờ muốn có ngày đường tình đôi ngả. Huệ Khanh luôn nói, đàn ông dễ phụ bạc, khiến Phùng Mộng Long phải thề trước Thần, lời thề vẫn văng vẳng bên tai, vậy mà cô lại đến với vòng tay người đàn ông khác.

Còn anh, chỉ vì nghèo đành trân trân nhìn nàng rời xa. Phùng Mộng Long thất thần như người mất hồn, khóc rống lên, cầm bút viết: "Tình sâu phận mỏng, chẳng níu được mỹ lệ yêu kiều". Anh hận mình vô dụng, chẳng thể chuộc được người mình yêu dấu, cũng hận cô bạc tình. Anh cẩn thận từng ly từng tí yêu thương cô, dốc toàn tâm toàn sức bảo vệ, chưa một lời đắc tội. Tại sao nàng lại ruồng bỏ ta? Trong tâm anh biết rõ, nhưng khi tình yêu gặp phải thực tế phũ phàng thì biết làm thế nào đây?

Anh hận mình vô dụng, chẳng thể chuộc được người mình yêu dấu, cũng hận cô bạc tình. (Miền công cộng)
Anh hận mình vô dụng, chẳng thể chuộc được người mình yêu dấu, cũng hận cô bạc tình. (Miền công cộng)

Thế rồi sau đó Phùng Mộng Long bị bệnh nặng không dậy nổi. Trong thời gian rất dài, bệnh mới khỏi, từ đó anh không bước chân đến chốn thanh lâu nữa. Lòng đầy thống khổ ai oán, Phùng Mộng Long trút tâm sự vào giấy bút, đã viết rất nhiều tản khúc ái tình. Kỷ niệm tròn một năm ngày Hầu Huệ Khanh rời đi, anh sáng tác "Đoan Nhị ức biệt", trong đó có câu: "Ôi, năm nào cũng có Đoan Nhị mà không còn Huệ Khanh, đâu cần người nói nỗi sầu, ta biết sầu ra sao."

Đến tận năm Thuận Trị thứ 3 triều nhà Thanh, cuối cùng vở kịch ái tình xuyên triều đại này cũng kết thúc. Phùng Mộng Long 73 tuổi nằm trên giường hoàn toàn hết sinh lực, ngoài cửa sổ gió mát lành trong ánh nắng vàng tươi, người đó, nàng vẫn khỏe chứ? Niềm tương tư còn chưa dứt, sao kết nỗi u uất quá nửa đời. Xin nhắn gửi tình này tới người hiền ấy, từ sau khi ly biệt nàng có gầy đi chút nào không? Nở một nụ cười, Phùng Mộng Long khẽ khàng nhắm đôi mắt lại.

Năm Sùng Trinh thứ 3 triều Minh (năm 1630), Phùng Mộng Long 57 tuổi đón bước ngoặt cuộc đời, ông được bổ sung làm cống sinh, được bổ nhiệm làm Đan đồ Huấn đạo, năm Sùng Trinh thứ 7, ông được thăng làm Tri huyện Thọ Ninh, Phúc Kiến.

Huấn đạo là chức quan nhỏ bát phẩm, nhưng Phùng Mộng Long không có sự lựa chọn nào khác, trái lại đó lại là chức quan khiến ông hài lòng, sau đó không lâu lại được đề bạt lên tri huyện. Thọ Ninh là một huyện nhỏ miền núi vừa hẻo lánh lại vừa nghèo khổ của tỉnh Phúc Kiến, cách xa thành Tô Châu phồn hoa. Phùng Mộng Long vượt núi băng rừng mấy tháng ròng mới đến tòa thành nhỏ hẻo lánh đó nhậm chức.

Huấn đạo là chức quan nhỏ bát phẩm, nhưng Phùng Mộng Long không có sự lựa chọn nào khác, trái lại đó lại là chức quan khiến ông hài lòng
Huấn đạo là chức quan nhỏ bát phẩm, nhưng Phùng Mộng Long không có sự lựa chọn nào khác, trái lại đó lại là chức quan khiến ông hài lòng. (Miền công cộng)

Trong thời gian tại nhiệm làm tri huyện, Phùng Mộng Long nỗ lực thi hành những lý tưởng nhân sinh của mình, làm một viên quan hiền minh, tạo phúc cho bách tính: Xây tường thành, thiết lập "tư canh" (đi tuần và báo canh đêm), dẫn đầu hiến tặng lương bổng huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính cương (cương lĩnh chính trị) mà ông ban bố là: Khuyến khích bách tính canh nông, khuyên răn họ không nên khinh suất kiện cáo, không được dìm chết trẻ sơ sinh nữ (do tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh con trai). Ông đã làm trọn trách nhiệm của viên quan phụ mẫu địa phương. Sử sách "Phúc Ninh phủ chí" và "Thọ Ninh huyện chí" đều ghi chép về ông, ca ngợi ông là: "Chính sự đơn giản, hình pháp trong sạch, coi trọng văn học hàng đầu, gặp dân là thi ân, dùng lễ đối đãi với kẻ sĩ". Nhưng sau khi nhiệm kỳ 4 năm kết thúc, ông không được phân bổ nữa, từ đó thất nghiệp.

Bi kịch thứ ba: Thù trả chưa xong đầu đã bạc

Rồi lại mấy năm nữa trôi qua, biến cố to lớn lại xảy ra: hoàng đế của triều Đại Minh của ông là Sùng Trinh tự tử vào tháng 3 năm 1644 ở Bắc Kinh. Tháng 4 năm đó, Ngô Tam Quế dẫn quân thiết kỵ nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên, Minh Phúc Vương Chu Do Tung chạy trốn đến Nam Kinh rồi kế vị, gọi là Hoằng Quang Đế.

Đây cũng lại là bi kịch lớn nhất cuộc đời Phùng Mộng Long. Cuối cùng cũng bước được vào hàng ngũ quan tước mà ông đã cả đời theo đuổi, nhưng đã qua tuổi Hoa giáp (60 tuổi), thành tích chính sự nổi bật mà lại không có đất dụng võ, nghỉ hưu về quê thì quốc phá chúa vong, cuộc đời không còn nơi nương tựa nào nữa.

Phùng Mộng Long cuối cùng cũng bước được vào hàng ngũ quan tước mà ông đã cả đời theo đuổi, nhưng đã qua tuổi 60, thành tích chính sự nổi bật mà lại không có đất dụng võ...
Phùng Mộng Long cuối cùng cũng bước được vào hàng ngũ quan tước mà ông đã cả đời theo đuổi, nhưng đã qua tuổi 60, thành tích chính sự nổi bật mà lại không có đất dụng võ... (Miền công cộng)

Biến loạn "trời long đất lở, bi phẫn khôn xiết" này đã khiến cuộc đời yên tĩnh những năm cuối đời của Phùng Mộng Long hoàn toàn đảo lộn. Tuổi tác cao đã 70, ông bôn ba "phản Thanh", sáng tác "Giáp Thân kỷ sự" và "Trung hưng vĩ lược", nói lên quan điểm của ông đối với chính sự, thời cuộc. Ngoài ra, ông còn dâng thư lên Hoằng Quang Đế, đề xuất đúc tiền theo chế độ xưa, phát triển việc lợi ích và dẹp trừ tệ nạn.

Năm Hoằng Quang thứ nhất (năm 1645, cũng chính là năm Thuận Trị thứ 2), Phùng Mộng Long đã đi viễn du lần cuối cùng, qua Ngô Giang, đến Hàng Châu, Thiệu Hưng, Đài Châu, ông bôn ba kêu gọi phản Thanh phục Minh, nhưng đáng tiếc là "Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì". Năm sau, Phùng Mộng Long trở về quê nhà Tô Châu, khi nhắm mắt xuôi tay còn đem theo bi phẫn ngập lòng rời xa nhân thế.

Thế mới biết, con người dù tài cao chí cả nhưng không phải lúc nào cũng có thể thành công đắc chí. Người xưa thường nói: "Có đức mặc sức mà hưởng", ý rằng những thành công hiện tại không phải tự nhiên mà có, hay chỉ do tài năng của bản thân mang lại, mà nhờ vào phúc đức tích lũy được từ nhiều đời nhiều kiếp. Vậy nên đối với cuộc đời một con người mà nói: chữ "Đức" chính là gốc, tích Đức là tích tài sản lớn nhất. Tài năng của Phùng Mộng Long chẳng mấy người bì kịp, nhưng họa phúc của ông cũng không nằm ngoài sự an bài của số mệnh. Người ta thường nói: "học tài thi phận" là thế. Xưa nay, hẳn chẳng phải riêng Phùng Mộng Long là thiên tài bạc mệnh, đến như thi hào Nguyễn Du trông cảnh đời éo le có lúc cũng ngao ngán cất tiếng thở dài: "Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau..."

Trung Hòa
Theo KKnews



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện văn hóa: Ba bi kịch lớn nhất của đời người, thiên tài Phùng Mộng Long một mình gánh hết