Câu “Nữ vô tài chính là đức” bị hiểu sai như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu “Nữ vô tài chính là đức” hiện nay được khá nhiều người hiểu là quan niệm trọng nam khinh nữ thời xưa, kỳ thị phụ nữ, khiến phụ nữ ngu muội vô tri, dễ bề cai trị. Đặc biệt là một số người cực đoan, tuyên truyền cho rằng, xã hội xưa là xã hội phong kiến “tối tăm, hủ bại, lạc hậu”. Vậy câu nói này có hàm nghĩa gì?

Vấn đề là người hiện đại do không tìm hiểu kỹ nguồn gốc, ý nghĩa câu nói trên, nên đã dễ dàng tin theo những lý giải bóp méo của những người được coi là các bậc “thầy”, “trí thức” lớn, tiếp thu cái sai, sau đó lái vô tình truyền bá cái sai cho nhiều người và cho các thế hệ sau.

Nguồn gốc xuất xứ

Trước tiên, cần nói về nguồn gốc của câu nói này. Nó có nguồn gốc từ bộ cách ngôn ngữ lục “An đắc trưởng giả ngôn” (Làm sao có thể có được lời dạy của bậc trưởng giả) của văn hào cuối thời nhà Minh Trần Kế Nho. Nguyên văn câu đó như sau: “Nam tử hữu đức tiện thị tài, nữ tử vô tài tiện thị đức”, nghĩa là “Nam có đức chính là tài, nữ vô tài chính là đức”.

Từ góc độ văn từ, văn chương, Trần Kế Nho chú giải rằng: “Nữ biết chữ, thông hiểu văn chương, và hiểu rõ đại nghĩa, thì cố nhiên đó là người nữ hiền đức, nhưng không có nhiều, còn những người khác thì thích xem kịch, tiểu thuyết, khêu dậy tà tâm, thậm chí sử dụng văn chương chữ nghĩa làm những việc xấu. Người như thế thì chẳng thà không biết chữ còn hơn, giữ gìn sự chất phác, an phận thì tốt hơn. Nữ vô tài chính là đức, là nói như vậy”.

Trong “Công tế Kỳ phu nhân văn” của Trương Đại đời Thanh có viết: “Trượng phu hữu đức tiện thị tài, nữ tử vô tài tiện thị đức”, câu này cũng tương tự câu của Trần Kế Nho.

Bộ sách lịch sử “Tùy Đường diễn nghĩa” viết vào thời nhà Thanh, ở Hồi thứ 3 có câu viết rằng: “Người ta nói: ‘nam có đức chính là tài, nữ vô tài chính là đức đức’... Tại sao tài lụy phiền phụ nữ, cậy tài làm loạn, khiến người ta than thở là có tài mà vô đức, thật đáng tiếc thay. Cố nhiên có những người nữ tài hoa, mà không tự khoe tài, thì đó chính là đức”.

Bối cảnh xã hội và ý nghĩa câu nói "nữ vô tài chính là đức"

Quan niệm của văn hóa truyền thống Á Đông

Hãy đặt câu nói này vào bối cảnh xã hội xưa, văn hóa truyền thống kính Trời Đất, Thần Phật, coi trọng “Thiên - Nhân hợp nhất”. Cốt lõi của văn hóa truyền thống dựa trên 3 nền tảng là tín ngưỡng Nho gia (Khổng Tử), Phật gia (Đức Phật), và Đạo gia (Lão Tử). Thế nên, yêu cầu đối với bậc đế vương là dùng đức trị vì thiên hạ, dùng đức giáo hóa thiên hạ. Yêu cầu đối với quan lại và bách tính là phải tu tâm dưỡng tính, tu thân dưỡng đức, sống theo các chuẩn mực quy tắc đạo đức nhất định. Thế nên, không chỉ có người nam yêu cầu phải có đức, phải có phong độ của bậc quân tử, mà người nữ cũng phải tuân theo Tứ Đức, tức: Phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công.

Người nữ cũng phải tuân theo Tứ Đức, tức: Phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. (Ảnh: Pixabay)

Cũng có nghĩa là, yêu cầu quan trọng nhất đối với người nữ là phải có phẩm đức, đó mới là cái gốc lập thân. Sau đó là phải có dung mạo dáng vẻ đoan trang, chắc chắn, trầm tĩnh, giữ lễ, không bộp chộp tùy tiện. Yêu cầu thứ 3 là phải có ngôn từ chừng mực, thích hợp, có lễ tiết. Và yêu cầu cuối cùng là phải am hiểu đạo trị gia, tức phương pháp quản lý gia đình, bao gồm các việc như giúp chồng dạy con, kính già yêu trẻ, cần kiệm, lại còn biết các việc thủ công khác như thêu thùa, dệt vải.

Nói tóm lại, người xưa coi trọng nhất là đức hạnh, sau đó mới là kỹ thuật, tức là trọng đức hơn tài, bất kể là người nam hay nữ đều yêu cầu như thế.

Làm thế nào để người ta có được đức hạnh? Đó là con đường giáo hóa. Người nữ và nam là khác biệt, người nam bất kể ở giai tầng nào đều phải học tập Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, học tập tu thân thế nào. Mà con đường học tập thì hoặc thông qua sự dạy bảo của thầy ở trường học, học Tứ thư Ngũ kinh, hoặc thông qua phụ hung dùng lời nói dạy bảo, và bằng hành động chính bản thân mình để giáo hóa.

Giáo dục nữ ở các thời đại xưa

Người nữ thì chủ yếu thông qua các hình thức như giáo dục cung đình, giáo dục gia đình, và giáo dục trường học, biết chữ, đọc sách, hiểu rõ đạo lý.

Từ xa xưa đã có giáo dục phụ nữ, ban đầu, trước thời nhà Tần đã có truyền thống giáo dục cung đình đối với các cô gái tông thất, nội dung giáo dục gồm đức hạnh và lễ nghi. Đến thời nhà Hán, người nữ giới thượng tầng ngoài được giáo dục đức hạnh ra, còn phải học âm nhạc và vũ đạo, tu thân dưỡng tính. Trong các trước tác thời đó như Liệt Nữ Truyện của Lưu Hướng, Nữ Giới của Ban Chiêu, đã quy phạm những nội dung giáo dục nữ đức, và có ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế.

Giáo dục nữ ở cung đình thời nhà Đường càng mở rộng. Hoàng hậu Trưởng Tôn Vô Kỵ của Đường Thái Tông “từ nhỏ thích đọc sách, mọi việc đều tuân theo phép tắc lễ nghi”. Bà đã tổng kết kinh nghiệm xử thế cai quản nội cung của mình là “soạn những việc thiện của các phụ nữ xưa, làm thành 10 quyển, tên là Nữ Tắc, và tự viết lời tựa”. Bộ sách này sau khi lưu hành đã có tác dụng nhất định đối với việc giáo dục nữ đương thời.

Giáo dục nữ ở cung đình thời nhà Tống cũng được ra sức đề xướng, trong cung có cơ quan giáo dục chuyên trách.

Ngoài việc người nữ ở tầng lớp cao được giáo dục đức hạnh ra, con gái của các quý tộc và sĩ đại phu bình thường cũng được phụ huynh giáo dục ở nhà, hoặc có thầy giáo gia đình dạy bảo, đề cao tu dưỡng bản thân. Thời nhà Minh, các gia đình trâm anh, các gia đình nhà Nho, con gái đọc sách đã trở thành phong thái chung của xã hội. Cuối thời nhà Minh, xuất hiện các trường tư thục cho nữ sinh. Trong hôn nhân, những cô gái có tài hoa cũng có thể có được mối nhân duyên tốt.

Trong hôn nhân, những cô gái có tài hoa cũng có thể có được mối nhân duyên tốt. (Ảnh: Pixabay)

Hàm nghĩa câu "nữ vô tài chính là đức"

Rõ ràng mấy nghìn năm nay, việc giáo dục đức hạnh cho cả nam và nữ đã phổ biến khắp xã hội, đây cũng là nguyên nhân giữ cho xã hội xưa ở mức tiêu chuẩn đạo đức khá cao. Do đó, xem hàm nghĩa câu nói “nam có đức chính là tài, nữ vô tài chính là đức” xuất hiện thời cuối nhà Minh, nửa đầu câu nói nam cần lấy đức hạnh là chính, lấy tài là phụ, chứ không phải là không coi trọng tài năng. Còn nửa sau của câu là nói, nữ cũng cần lấy đức hạnh là chính, chớ vì có tài hoa mà bỏ qua đức hạnh, coi nhẹ phụ đức.

Cũng có một số học giả giải nghĩa câu “nữ vô tài chính là đức” rằng, chữ “Vô” ở đây nghĩa là vốn có mà coi như không, tức là “người nữ vốn có tài, mà trong tâm tự coi như không có, thì đó chính là đức”. Cách giải nghĩa này cũng có lý.

Người nào có tài hoa mà chẳng muốn thể hiện ra. Tài hoa được mọi người ngưỡng mộ, ca ngợi, cảm thấy vinh hạnh, vẻ vang, có danh tiếng, được mọi người coi trọng. Tuy nhiên, người có tu dưỡng tốt, đức hạnh tốt là người biết xem nhẹ hư vinh, coi nhẹ danh tiếng, có tài mà không hiển lộ nếu không phải thực sự cần thiết. Người như vậy rõ ràng là có đức hạnh lớn.

Một vấn đề xã hội cần chú ý, đó là cuối đời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, xuất hiện khá nhiều những tài nữ giỏi thơ ca ở các lầu xanh, được các văn nhân theo đuổi. Thế thì rất có thể câu nói này là Trần Kế Nho chỉ những tài nữ này, những cô gái xinh đẹp lại giỏi thơ từ ca phú này. Nếu các cô gái mà không coi trọng đức hạnh, thích khoe tài hoa, văn thơ chuyện gió trăng, thì đó là trái với phụ đức. Nếu như thế thì họ sẽ bị sa đọa vào chốn nhơ nhớp, phẩm hạnh còn không bằng những cô gái bình thường, không có tài văn chương.

Thế nên, câu nói “nữ vô tài chính là đức” này có cùng ý nghĩa với câu trong Tùy Đường Diễn Nghĩa: “nữ cậy tài làm loạn, khiến người ta than thở, là có tài mà vô đức, thật đáng tiếc thay. Cố nhiên có những người nữ tài hoa, mà không tự khoe tài, thì đó chính là đức”.

Rõ ràng câu “nữ vô tài chính là đức” hoàn toàn không phải nói là phụ nữ thì không nên có tài hoa, mà là nhấn mạnh, cần phải đặt tâm tu dưỡng đức hạnh, vì đức hạnh vẫn là quan trọng nhất.

Trung Hòa
Theo Chu Hiểu Quân - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Câu “Nữ vô tài chính là đức” bị hiểu sai như thế nào