Cha mẹ cần làm gì khi trẻ hay đòi hỏi mua đồ chơi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các bậc phụ huynh có thể đã rơi vào tình huống con mình đòi bằng được thứ đồ ưa thích. Nhỏ thì mè nheo đòi cha mẹ mua đồ chơi này, vật dụng kia, lớn thì đòi điện thoại, vật dụng đắt tiền.

Trên mạng xã hội gần đây lan truyền 1 clip ngắn về việc một ông bố vội dùng tay che mắt cô con gái khi đi ngang qua khu đồ chơi. Hình ảnh trên clip vừa thú vị vừa làm chúng ta lại lần nữa dấy lên một câu hỏi cần xử lý như thế nào khi con trẻ đòi mua đồ chơi.

Càng lớn, đòi hỏi càng nhiều hơn, thỏa mãn nhu cầu này, nhu cầu khác tiếp tục xuất hiện trong khi khả năng kinh tế của cha mẹ có giới hạn. Một khi thứ mình cần đạt được quá dễ dàng, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ, không biết trân trọng những gì đang có, dẫn đến thái độ vô tâm, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân.

Chưa kể, nguy hại hơn là với một số trẻ, để có tiền chi tiêu, trẻ có thể nói dối, thậm chí phạm pháp, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Vì sao trẻ thường hay đòi hỏi?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thường đòi hỏi, đầu tiên phải kể đến chính là việc bố mẹ chiều chuộng con quá mức. Việc đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu của trẻ, về lâu dần vô tình khiến trẻ hình thành tính cách đòi hỏi, và phải có bằng được thứ mình muốn.

Thêm vào đó, cuộc sống bận rộn ngày nay khiến nhiều bố mẹ hầu như không để ý đến việc trò chuyện cùng con mỗi ngày, và thay vào đó bằng việc mua nhiều đồ chơi để con tự chơi, điều này làm tăng khoảng cách các mối quan hệ trong gia đình, và cũng làm giảm đi giá trị đích thực của đồ chơi.

Ngoài ra, việc người lớn đua nhau thể hiện sự sành điệu của mình, cách người lớn đánh giá nhau qua vật chất, cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cách sống của con trẻ. Chưa kể ở một số gia đình, con cái còn trở thành “phương tiện” để cha mẹ khoe của.

Cách xử trí khi trẻ ăn vạ đòi mua đồ chơi

Khi trẻ được nuông chiều, việc đòi mua đồ chơi sẽ rất dễ xảy ra. Các bậc cha mẹ cảm thấy đau đầu, vì không biết làm cách nào để con bớt quấy khóc nhưng vẫn ngoan ngoãn. Nhiều bậc cha mẹ thấy con mình khóc như vậy ở nơi công cộng, phản ứng đầu tiên của họ là cảm thấy thật đáng xấu hổ. Có rất nhiều bậc cha mẹ dùng cách đánh lạc hướng. Việc la mắng hoặc dùng đòn roi thì chỉ có hiệu quả tức thời và tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra.

Bản chất của mọi đứa trẻ là thích chơi, vì vậy khi nhìn thấy đồ chơi yêu thích của mình, chúng không thể cầm lòng được cũng là điều dễ hiểu. Đứng trước yêu cầu mua đồ chơi của bé, bố mẹ sẽ đắn đo, lưỡng lự khi đưa ra quyết định đồng ý hay không. Phải làm sao để không phải cáu gắt, la mắng trẻ, hoặc chiều theo ý trẻ mà không làm hư trẻ. Sự can thiệp cần khéo léo, tế nhị, tránh làm trẻ bị tổn thương, nếu không có thể trẻ sẽ trở nên bướng bỉnh và bất lịch sự hơn ở chỗ đông người. Sau đây là một số gợi ý cách xử trí để cha mẹ tham khảo.

Cha mẹ nên từ chối khéo léo yêu cầu của con

Đôi khi trẻ đòi hỏi ngoài tầm kiểm soát, cha mẹ nên từ chối. Cha mẹ nên kiên quyết từ chối ngay cả khi trẻ quấy khóc hoặc ăn vạ trong thời gian dài. Ngoài ra, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu lý do tại sao cha mẹ lại từ chối yêu cầu của trẻ để trẻ không bực bội. Trẻ sẽ hiểu rằng sẽ không thể có tất cả những gì mình muốn, bởi lẽ nguồn tài chính gia đình là có hạn.

Trong những trường hợp có thể đáp ứng được yêu cầu của trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện những điều cha mẹ muốn trẻ làm. Ví dụ: Con phải ăn no để mua một con búp bê mới… hoặc con đã có rất nhiều đồ chơi; hoặc con không khóc nữa, cha mẹ sẽ xem xét lại điều này…

Với cách từ chối khéo léo, trẻ sẽ ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của cha mẹ. Bởi vì trẻ hiểu rằng, cha mẹ đã bảo chúng phải làm việc chăm chỉ, thì vẫn có cơ hội được cha mẹ mua cho đồ chơi mới. Trẻ sẽ tự giác ngừng những cơn giận dữ của mình.

Đối với các trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho con lập danh mục món hàng cần mua sắm, đồng thời dạy cho trẻ khái niệm “muốn” và “cần”. “Muốn” là thứ mình ao ước được có nhưng nếu không có cũng không sao, hoặc không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. “Cần” là thứ mình không thể thiếu cho cuộc sống, có thể dùng một cách hợp lý.

Và khi trẻ đòi hỏi thứ gì, nên hỏi rõ trẻ: đây là thứ con muốn hay con cần. Cha mẹ cần nêu gương tốt, và giải thích cho trẻ hiểu giá trị đích thực của mỗi người không phải ở những hình ảnh hào nhoáng bề ngoài.

Và khi trẻ đòi hỏi thứ gì, nên hỏi rõ trẻ: đây là thứ con muốn hay con cần. (Ảnh: pexels)

Những điều cha mẹ cần tránh khi trẻ ăn vạ đòi mua đồ chơi

1. Cha mẹ mua luôn đồ chơi để làm dịu cơn nóng của trẻ

Khi thấy con quấy khóc, nhiều phụ huynh đã phản ứng và mua đồ chơi cho con. Cách làm này sẽ thấm nhuần trong đầu đứa trẻ rằng, bất cứ khi nào chúng nổi cơn tam bành thì cha mẹ sẽ đáp ứng những yêu cầu mà chúng muốn.

Vì vậy, cha mẹ không nên vì muốn con hết mè nheo, nóng nảy nhất thời mà nhanh chóng đáp lại con một cách vô điều kiện như trên. Trẻ sẽ dễ có những hành vi và suy nghĩ tiêu cực, và tình trạng ‘bắt nạt’ sẽ tiếp tục xảy ra.

2. Cố gắng giải thích lý do

Cha mẹ không nên cố gắng dạy hoặc giải thích khi trẻ đang khóc. Điều đó khiến đứa bé càng khóc to hơn. Vì lúc này bé chỉ biết khóc mà không còn để ý đến việc gì khác, và không còn bình tĩnh nghe lời bạn nữa.

Vì vậy, cha mẹ nên đợi trẻ bớt khóc rồi mới bắt đầu giải thích lý do cho trẻ. Bạn nên cố gắng giải thích lý do tại sao bạn không thể mua đồ chơi cho con ngay lập tức, hoặc cho bé biết bạn cảm thấy khó chịu và không muốn mua quà khi con rằng, cứ mè nheo. Hãy để con bạn hiểu rằng hành động của nó là không khôn ngoan và bạn không hài lòng về điều đó.

3. Lờ đi nhưng vẫn kiểm soát cơn cáu giận, ăn vạ của trẻ

Làm ngơ khi trẻ nổi cơn thịnh nộ là biện pháp hữu hiệu được nhiều bậc cha mẹ áp dụng. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên quan tâm, giám sát hành động của trẻ để tránh làm tổn thương mình, làm vỡ đồ đạc… Cha mẹ chỉ trách phạt con khi con bớt mè nheo, quấy khóc.

Giáo dục con cái là một hành trình gian nan của các bậc cha mẹ. Hi vọng những gợi ý trên mang lại hiệu quả cho các bậc cha mẹ khi kiểm soát những màn ăn vạ của con mình.

Liên Hoa
(T/h)

 

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ hay đòi hỏi mua đồ chơi?