Chân dung Bồ Tát Duy Ma Cật dưới nét bút xuất quỷ nhập Thần của Cố Khải Chi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Duy Ma Cật trả lời rằng: "Bệnh này của ta đã rất lâu rồi, bệnh là có nguồn gốc từ Si, Ái, Chấp trước, ta thấy chúng sinh toàn là si ái chấp trước mà sinh ra khổ nạn. Khổ nạn của chúng sinh đã trở thành bệnh của ta, nếu một ngày chúng sinh giải thoát khổ nạn thì bệnh của ta mới có thể khỏi hoàn toàn".

'Chúng sinh bị bệnh thì ta bị bệnh'

Khoảng gần 3000 năm trước, trong thành Tỳ Xá Li (Vaiśālī) ở Ấn Độ có một bậc trưởng giả đức cao vọng trọng tên là Duy Ma Cật (Vimala-kīrti), ngài tuy không xuất gia nhưng lại tu hành tại gia. Các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni khi cùng ngài tham thiền ngộ Đạo thì mọi người thường nói ra những Phật lý mà mình chứng ngộ được, nhưng cuối cùng đều tâm phục đạo lý cao hơn do trưởng giả Duy Ma Cật giảng ra.

Trưởng giả Duy Ma Cật hiểu rõ những huyền diệu của Thần thông, Thiên nhãn, có thể nói rõ những yếu nghĩa của việc tọa thiền, giới luật, và cũng biết rõ ý nghĩa đích thực của "Không", hơn nữa còn dùng những ngôn ngữ thích hợp nhất để biểu đạt, khai thị cho các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni những chỗ mê còn chưa ngộ được trong tâm họ. Nhưng có một hôm, trưởng giả Duy Ma Cật bất ngờ bị bệnh. Phật Thích Ca Mâu Ni bảo Văn Thù Sư Lợi (Mañjuśrī) đến thăm. Văn Thù Sư Lợi đến nơi ở của Duy Ma Cật và hỏi: "Chẳng phải ngài tu hành rất tinh tấn đó sao? Người tu hành tinh tấn sao lại có bệnh được?"

Duy Ma Cật trả lời rằng: "Bệnh này của ta đã rất lâu rồi, bệnh là có nguồn gốc từ Si, Ái, Chấp trước, ta thấy chúng sinh toàn là si ái chấp trước mà sinh ra khổ nạn. Khổ nạn của chúng sinh đã trở thành bệnh của ta, nếu một ngày chúng sinh giải thoát khổ nạn thì bệnh của ta mới có thể khỏi hoàn toàn".

Văn Thù Sư Lợi nghe xong như có sở ngộ. Tiếp theo, Duy Ma Cật lại giảng cho Văn Thù về hàm nghĩa của "Không" và "Bất nhị Pháp môn", đàm đạo dần tiến vào cảnh giới cao xa, Văn Thù Sư Lợi nghe say mê, đang muốn tiếp tục truy tìm những đạo lý cao thâm hơn nữa thì Duy Ma Cật bỗng nhiên trầm ngâm không nói năng gì. Tại thời khắc tĩnh lặng đó, Văn Thù Sư Lợi bỗng ngộ được Phật lý, trong chớp mắt Trời giáng trận mưa hoa.

Bức tranh "Duy Ma Cật thuyết Pháp đồ" của Đường Dần đời Minh: Duy Ma Cật ngồi ngay ngắn trên tảng đá thuyết Pháp (Nguồn: Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc)
Bức tranh "Duy Ma Cật thuyết Pháp đồ" của Đường Dần đời Minh: Duy Ma Cật ngồi ngay ngắn trên tảng đá thuyết Pháp (Nguồn: Bảo Tàng Cố Cung Đài Bắc)

Câu chuyện này được ghi chép trong kinh "Duy Ma Cật". Đoạn đối thoại này rất xúc động lòng người, tâm đại từ bi "xả kỷ vị nhân" (bỏ mình vì người) này đã lan truyền trong những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Đại thừa. Rất nhiều người đã vẽ chân dung Duy Ma Cật, trong số đó có đại danh họa Cố Khải Chi - người sống vào thời Đông Tấn, Trung Quốc cổ đại.

Năm Hưng Ninh thứ 2 đời Đông Tấn, Cố Khải Chi trẻ tuổi vẫn chưa thành danh. Được biết thành Kim Lăng đang quyên góp tiền để xây dựng ngôi chùa Ngõa Quan, mà các đại quan của thành Kim Lăng lại không có vị nào nguyện ý quyên góp số tiền lớn hơn 10 vạn tiền, thế là Cố Khải Chi phát nguyện quyên tặng cho chùa Ngõa Quan 100 vạn tiền. Ông tìm đến hòa thượng trụ trì và nói: "Xin hòa thượng chuẩn bị giúp một bức tường để con vẽ tranh". Sau đó Cố Khải Chi đóng cửa một tháng không ra ngoài, chuyên tâm vẽ tranh.

Cố Khải Chi luôn cho rằng, khi vẽ một nhân vật nào đó thì phải hiểu rõ về tư tưởng và tính cách của nhân vật ấy rồi mới có thể vẽ được thần thái, mà vẽ tranh thì quan trọng nhất là thần thái, vẽ ra được thần thái sống động chính là thủ pháp "vẽ rồng điểm mắt" - bước quan trọng nhất trong hội họa, mà điểm mắt thì không thể tùy tiện được, vì chỉ một nét vẽ cũng có thể quyết định bức chân dung liền có linh hồn hay không. Do đó khi ông vẽ tranh thì công đoạn điểm mắt luôn được vẽ cuối cùng, hoặc là cách thời gian khá lâu rồi mới vẽ, mỗi lần đều rất cẩn trọng, chỉ sợ vẽ mắt không tốt sẽ khiến cả bức chân dung có một linh hồn với cái tâm không ngay chính. Bức chân dung Duy Ma Cật lần này càng phải thận trọng hơn nữa.

Bởi Cố Khải Chi đã thuộc lòng đoạn đối thoại trong kinh Duy Ma Cật nói trên từ lâu rồi, nên đối với Phật lý mà trưởng giả Duy Ma Cật giảng thì Cố Khải Chi cũng có lĩnh hội riêng, do đó ông rất tin tưởng đối với việc "điểm mắt" cho bức tranh này. Sau khi hoàn thành, ông nói với hòa thượng trụ trì rằng: "Xin hòa thượng thông báo cho mọi người rằng, người muốn đến chiêm ngưỡng tượng Bồ Tát Duy Ma Cật thì ngày thứ nhất phải quyên 10 vạn tiền, ngày thứ 2 quyên 5 vạn tiền, ngày thứ 3 thì tự quyên vài đồng". Như thế, cứ người nọ truyền người kia, mọi người đua nhau đến chiêm ngưỡng, chùa Ngõa Quan đã rất nhanh chóng có được 100 vạn tiền. Từ đó, danh tiếng Cố Khải Chi càng được lan truyền rộng. Bức tranh Duy Ma Cật này quả thực là ngàn vàng khó đổi được, nhưng điều còn trân quý hơn chính là cái tâm hướng thiện lễ Phật của họa gia.

Mặc dù bức tranh đó ngày nay đã không còn được lưu lại nữa, nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được thần thái bức tranh qua nét bút của đại danh hào Đỗ Phủ đời Đường:

Khán họa tằng cơ khát
Truy tông hận miểu mang
Hổ đầu Kim Túc ảnh
Thần diệu độc nan vong

Tạm dịch:

Ngắm tranh lòng những khát khao
Ngày nay nhớ lại xiết bao bàng hoàng
Kim Túc Phật tướng nghiêm trang
Thần diệu rực rỡ ánh vàng khó quên

Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong lịch sử đều thể hiện trong các điện đường tín ngưỡng, ví như tượng điêu khắc trong đền thờ Thần Parthenon, tỷ lệ thân thể hoàn mỹ, các nếp y phục sống động như thật khiến người ta kinh ngạc mà tán thán. Hoặc như những bức tranh khảm vàng trong các giáo đường tại châu Âu, ánh sáng từ khe hở của các bức họa màu chiếu rọi, như Thánh quang phổ chiếu. Hay như bức tượng Phật hùng vĩ ở hang đá Đôn Hoàng, dung mạo trang nghiêm của Phật khiến mọi người khắp nơi đến tham bái, lòng thành kính của người thợ tạc tượng đã được khắc sâu trong tác phẩm, mặc cho bao tuế nguyệt đổi thay. Ở phương Đông và phương Tây thời cổ đại, mọi người cho rằng những người sinh ra đã có thiên phú, thiên tài nghệ thuật ấy là người được Thần ban phúc. Họ cũng sẽ dùng tài năng kiệt xuất của mình để hồi đáp Thần, ca tụng Thần, rất ít người dùng tài năng đó để mưu cầu cá nhân, lợi ích hoặc danh vọng. Với tấm lòng thành kính vô tư, họ đã sáng tạo ra những kiệt tác nghệ thuật bất hủ, trường tồn với thời gian mang giá trị nội hàm văn hóa đặc sắc không bao giờ mai một.

Hoàng Mai
Theo Secret China.



BÀI CHỌN LỌC

Chân dung Bồ Tát Duy Ma Cật dưới nét bút xuất quỷ nhập Thần của Cố Khải Chi