Chân tướng sự kiện Tần Thủy Hoàng “chôn Nho” [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, đánh đuổi người Hung Nô ở phía bắc, xây dựng Vạn Lý Trường Thành thống nhất thiên hạ. Ông là một bậc hùng tài đại lược, xứng danh là “Thiên cổ nhất đế", công lao còn mãi ngàn thu. Tuy nhiên, trong suốt hơn 2000 năm qua ông lại bị hậu thế chụp lên cái mũ bạo chúa, mà nổi tiếng nhất là sự kiện gọi là “đốt sách chôn Nho”. Tuy nhiên, trong quá trình lật lại các tư liệu lịch sử, một số học giả đã bày tỏ những nghi vấn và luận điểm liên quan đến câu nói “đốt sách chôn Nho” này.

Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ là thiên mệnh

Vào thời Xuân Thu, Tần Văn Công mơ thấy hoàng long từ trên trời giáng xuống đất phong của Tần quốc. 400 năm sau, khi Tần Hiến Công đến yết kiến ​​vua Chu Liệt Vương, sử gia nhà Chu chuyên xem thiên tượng nói rằng Tần quốc và nhà Chu chia rẽ. "Nhà Chu và Tần quốc hợp mà phân, phân 500 năm lại hợp, hợp 17 năm Bá vương xuất hiện."

Kể từ đó, ý thức về sứ mệnh thống nhất thiên hạ đã ăn sâu vào tâm trí của người Tần. Dưới thời trị vì của vua Tần Chiêu Tường, ông đã áp dụng chiến lược “xa gần tấn công”, đó là tấn công hai nước láng giềng là nước Hàn và nước Ngụy, đồng thời giao hảo với nước Triệu ở xa. Để tỏ lòng thành, hai nước đổi con cháu của hoàng tộc cho nhau để làm tin.

Doanh Chính là con tin của nước Tần ở nước Triệu, từ nhỏ đã nếm trải hết thảy những gian khổ trên thế gian, nên hy vọng rằng sẽ không còn chiến tranh nữa. Khi trở lại nước Tần và trở thành Tần vương, ông biết rằng người nước Tần có thiên mệnh thống nhất thiên hạ, ông càng quyết tâm bình định lục quốc và chấm dứt phân tranh.

Người nước Tần có thiên mệnh thống nhất thiên hạ, ông càng quyết tâm bình định lục quốc và chấm dứt phân tranh. (Ảnh: Tổng hợp)

Và giống như các vị Tần vương tổ tiên trước đây, những chuyện thần kỳ nối tiếp nhau xuất hiện sau khi Doanh Chính đăng cơ.

Thần nhân cưỡi tàu hình xoắn ốc mà đến

Theo truyền thuyết, vào năm Thuỷ Hoàng đầu tiên (221 TCN), một "con ốc biển" cực to dừng lại bên bờ biển, rồi một lão nhân cao khoảng hai mét bước ra khỏi đó, mặc áo khoác lông thú, triều bái gặp Tần Thủy Hoàng.

Ông nói rằng ông đến từ Uyển Cừ, có một con tàu đi dưới biển, gọi là “Luân ba chu". Ông kể cho Tần Thủy Hoàng nghe rất nhiều chuyện cổ xưa, nói rằng ông có thể bay khi còn trẻ, bây giờ đã cao tuổi như vậy, hết thảy những việc trên trời dưới đất, không gì là ông không biết. Ông cũng nói thêm rằng quê hương của ông cách nơi mặt trời lặn 9 vạn dặm, một ngày ở đó là 10.000 năm ở nhân gian. Lúc rạng đông, các tầng mây tựa như màn sân khấu kéo ra, ban đêm có loại đá cháy để soi sáng. Hơn 2.000 năm trước, Viêm Đế đã dạy con người cách sử dụng lửa, chính là dùng loại đá này để tạo ra lửa.

Trước đây, người Uyển Cừ từng cảm thấy khí thế lửa vàng trong thiên hạ đại động, xem thì thấy chính là Hoàng Đế tại mỏ đồng ở Thủ Sơn đúc ba chiếc đỉnh lớn, rồi Hoàng Đế cưỡi rồng bay lên trời. Còn một lần khác, người Uyển Cừ nhìn thấy những đám mây tốt lành đột nhiên xuất hiện ở Ký Châu, đến đó xem thì chính là Thánh quân Đế Nghiêu được sinh ra. Không lâu sau khi những đám mây đỏ bay vào thành Phong Hạo, chính là điềm tốt báo nhà Tây Chu khai quốc.

Những lời lẽ thuyết phục này khiến Tần Thủy Hoàng bắt đầu nghĩ rằng thực sự tồn tại những vị Thần có trí tuệ cao hơn con người. Người Tần lại càng kiên định hơn với ý chí thống nhất thiên hạ. Đối với Tần Thuỷ Hoàng, ông lại càng tôn kính Thiên địa Thần linh.

Gặp được Tiên nhân An Kỳ Sinh

Từ cuộc tấn công nước Triệu năm 236 TCN đến khi hoàn thành việc diệt nước Tề năm 221 TCN, tổng cộng 15 năm, Tần Thủy Hoàng Doanh Chính đã chấm dứt 500 năm phân tranh loạn thế bắt đầu từ thời Xuân Thu, thống nhất thiên hạ.

Lãnh thổ của nhà Tần. (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi thống nhất lục quốc, Tần Thủy Hoàng đã lên núi Thái Sơn tế tự thiên địa, phỏng theo các bậc Thánh vương Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn cử hành phong thiện đại điển. Biểu thị cho thế nhân thấy mình là Thiên tử do trời chọn. Đồng thời, có lẽ Tần Thủy Hoàng muốn thông qua đó để bày tỏ với trời rằng ông cũng có lý tưởng được cưỡi rồng thăng thiên giống Hoàng Đế.

Khi đi ngang qua địa giới Lang Gia, ông gặp được đạo sĩ An Kỳ Sinh. An Kỳ Sinh nói rằng ông đang dạo chơi thế gian, ông đã được 1000 năm tuổi. Theo sử sách ghi chép, Tần Thủy Hoàng và An Kỳ Sinh đã nói chuyện với nhau trong ba ngày ba đêm. Khi chia tay, Tần Thủy Hoàng đã tặng An Kỳ Sinh kim bích vô giá. Có thể thấy, sau ba ngày ba đêm đàm đạo, địa vị của An Kỳ Sinh trong lòng Tần Thủy Hoàng quả là không tầm thường.

Khi An Kỳ Sinh rời đi, ông để lại tất cả tài vật, ông còn để lại một đôi giày màu đỏ ngọc và một phong thư ngắn viết rằng: “Vài năm nữa, hãy đến núi Bồng Lai tìm ta!"

An lão tiên sinh lời nói bất phàm lại không ham tiền tài, chẳng lẽ Tần Thuỷ Hoàng thật sự gặp được thần tiên tại thế sao? Lần này tình cờ gặp gỡ khiến cho Tần Thủy Hoàng suốt nửa đời sau ngày đêm không nguôi mộng Thần Tiên.

Phương sĩ Từ Phúc ra biển tìm núi Bồng Lai

Rốt cuộc núi Bồng Lai ở chỗ nào? Phương sĩ tu Đạo Từ Phúc đã tâu lên Tần Thuỷ Hoàng rằng, ở xa tít ngoài biển có ba ngọn núi tiên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Núi Bồng Lai mà An Kỳ Sinh nói đến có lẽ là một trong 3 ngọn núi này.

Tần Thuỷ Hoàng nghe được Từ Phúc nói thì hết sức vui mừng. Nhưng phái ai đi đây? Từ Phúc nghe thấy cơ hội đến đây rồi, tự tiến cử chính mình lên Tần Thuỷ Hoàng, xin được ra biển tìm núi Bồng Lai.

Theo “Sử ký –Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của Tư Mã Thiên có ghi rằng: “Vào năm thứ 28 thời Tần Thủy Hoàng (năm 219 TCN), Từ Phúc người nước Tề dâng thư lên hoàng đế, tấu rằng ngoài biển có ba ngọn núi có Thần Tiên cư ngụ, tên Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, và xin được cùng với các ‘đồng nam đồng nữ’ (trẻ nam nữ nhỏ tuổi) đi tới đó. Thế là hoàng đế đã ban cho Từ Phúc hàng ngàn đồng nam đồng nữ đi cùng với ông ra biển tìm kiếm Thần tiên”. Nhưng có vẻ Từ Phúc chưa có tiên duyên nên chưa thể tìm thấy được.

Năm thứ 37 thời Tần Thủy Hoàng (năm 210 TCN), Từ Phúc lại một lần nữa thỉnh cầu Tần Thủy Hoàng, nói rằng: “Trên Bồng Lai có thể tìm được thuốc Tiên, nhưng vì ngoài biển có cá mập lớn, cho nên không có cách nào để lấy được. Mong hoàng đế có thể ban cho người giỏi bắn cung đi theo ông tìm thuốc, hễ nhìn thấy cá mập là bắn nó liên tục”.

Bức vẽ minh họa thuyền của Từ Phúc ra khơi năm 219 TCN để tìm kiếm thuốc trường sinh. (Ảnh: Miền công cộng)

Tần Thủy Hoàng đã đồng ý, và thế là Từ Phúc mang theo 3000 đồng nam đồng nữ, hàng trăm nô tài, cùng những người giỏi bắn cung và ngũ cốc ra biển. Kết quả là lần đi này Từ Phúc đã một đi không bao giờ trở lại.

Chân tướng sự kiện Tần Thủy Hoàng “chôn Nho”

Bốn năm sau, Tần Thủy Hoàng đến núi Kiệt Thạch ở Xương Lê Hà Bắc, lại để cho những người nước Yên như Lư Sinh, Hàn Chúng, Hầu Công đi tìm Thần tiên.

Nhưng những kẻ thuật sĩ vốn không phải là bậc đắc Đạo, họ chỉ là những kẻ cơ hội mong muốn nhân danh luyện đan mà vơ vét tiền tài, thì làm sao có thể tìm được Thần tiên hay luyện được tiên đan? Vậy nên họ bèn nghĩ ra một cách: Đánh lừa Tần Thủy Hoàng.

Người nước Yên tên là Lư Sinh kia quay về đầu tiên, viết cho Tần Thủy Hoàng một phong thư nói rằng:

Tâu Hoàng thượng, mấy người chúng tôi đã tìm được Thần Tiên và thuốc trường sinh bất lão rồi, nhưng mà có ‘ác quỷ’ ở đó, cho nên chúng tôi không cách nào lấy được, phải trở về tay không. Tâu hoàng thượng, ‘ác quỷ’ này có chút lợi hại, e rằng có thể làm hại đến ngài. Từ hôm nay trở đi, ngài phải kín đáo hành tung một chút, đừng để cho ác quỷ tìm được ngài, không có ác quỷ làm loạn, như vậy tương lai những thần tiên kia sẽ tìm đến ngài.

Kể từ đó, hành tung của Tần Thủy Hoàng được bảo mật nghiêm cẩn, thường không để lộ cho người ngoài. Sử sách chép rằng, thừa tướng Lý Tư xuất hành, huy động nhiều người, khiến Tần Thủy Hoàng nhìn thấy không vừa ý. Sau này có người nói với Lý Tư, khiến ông ta giảm thiểu quân ngũ và quy mô xuất hành. Tần Thủy Hoàng thấy sự thay đổi của Lý Tư, đoán ra có người mật báo với ông ta. Không chấp nhận bên mình có người của kẻ khác, Tần Thủy Hoàng bèn đem những tùy tùng biết chuyện giết hết.

Sự việc này khiến đám Hầu Sinh, Lư Sinh rất bất an, vì chiểu theo luật pháp nhà Tần, phương sĩ mà dâng phương thuật, nếu hai lần không linh nghiệm sẽ bị chặt đầu. Khi cảm thấy thuật lừa đảo sắp bại lộ, họ còn bôi nhọ và dựng chuyện về Tần Thủy Hoàng trước khi chạy trốn. Trong “Sử ký” có ghi chép rằng: Hầu Sinh, Lư Sinh phi nghĩa với Thủy Hoàng, đồn đại rằng “Tần Thủy Hoàng vốn là người chỉ chăm dùng hình ngục, quan coi ngục luôn được tin dùng. Dẫu có bảy mươi quan viên cấp bậc Tiến sĩ mà chỉ để đấy không dùng”.

Lư Sinh chạy trốn rồi, Tần Thủy Hoàng nổi giận đùng đùng, hạ lệnh truy nã Lư Sinh. Về sau không tìm được Lư Sinh, lại nhận ra mình đã bị đám phương sĩ lừa gạt, Tần Thủy Hoàng liền bắt đầu xử lý mạnh tay đám thuật sĩ. Trong “Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép rằng:

Tần Thủy Hoàng biết chuyện đại nộ: “Ta tôn quý ban tặng bọn Lư Sinh rất nhiều, nay lại chê bai ta để làm lỗi ta thêm nặng. Những kẻ học đạo ở thành Hàm Dương kia, ta đã sai người đến xét hỏi, có kẻ nói lời dối trá để lừa gạt dân đen”. Do đó sai quan Ngự sử xét hỏi hết các kẻ sĩ học đạo, các kẻ sĩ học đạo lại tố cáo lẫn nhau, bèn tự bắt hơn bốn trăm kẻ phạm cấm rồi chôn ở thành Hàm Dương, cho thiên hạ biết việc ấy để răn người đời sau.

Những kẻ thuật sĩ lừa gạt bị chôn, vào thời kỳ Tiên Tần được gọi là “Tư” (胥), chữ “Tư” và chữ “Nho” (儒) lúc bấy giờ là đồng âm (ngày nay không đồng âm nữa), hai từ này lại thường bị dùng lẫn lộn, cho nên những thuật sĩ bị chôn sống này lại được hiểu nhầm là “Nho sinh”. Việc Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho” bắt nguồn là như vậy.

Thời đó thật sự có một số Nho sinh phản đối chính sách của Tần Thủy Hoàng, nhưng ông chỉ cấm họ ngôn luận trong triều, chứ không dùng đến hành động. Nói về người vào triều thời đó, Thừa tướng Lý Tư có bàn về họ là: “Nhập tắc tâm phi, xuất tắc hạng nghị”, vào chầu thì trong lòng cho là sai, ra ngoài thì bàn luận. Dù vậy, trừ những kẻ sau này bị quan Ngự sử phát hiện là phạm tội lừa gạt dân đen, hòng đòi hỏi quyền lực hay khôi phục các nước cũ, thì số còn lại không hề nằm trong những kẻ bị chôn sống.

Lam Sơn
(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Chân tướng sự kiện Tần Thủy Hoàng “chôn Nho” [Radio]