Chiến Thần Nhạc Phi trung hiếu vẹn toàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lửa khói cuộc chiến Tống Kim nguội lạnh từ lâu, bao ân oán thị phi thành bại đã vùi trong lịch sử, ngoảnh đầu chớp mắt thành dĩ vãng. Vị đại anh hùng Nhạc Phi thủa ấy, cũng ra đi hơn tám trăm năm. Nhưng tới tận bây giờ, tiếng gươm khua cùng vó ngựa dập dồn của những trận chiến kinh thiên động địa vẫn làm thế nhân tấm tắc, gương anh hùng trung nghĩa báo quốc vẫn được chúng nhân truyền tụng ngợi ca.

Nhạc Phi đã trở thành linh hồn của dân tộc Trung Hoa. Nói tới Nhạc Phi, có lẽ tích chuyện đầu tiên mà mọi người nhớ tới là ‘Nhạc mẫu thích tự’ (mẹ Nhạc Phi thích chữ). Mẹ ông dùng kim xăm lên lưng ông bốn chữ ‘Tinh trung báo quốc’, đây là lý tưởng mà ông mang theo suốt cuộc đời, cũng là lời răn dạy của cha mẹ được một người con tận hiếu khắc ghi. ‘Nhược nội bất khắc tận sự thân chi đạo, ngoại khải phục hữu ái chủ chi trung thần?’ (nếu trong nhà không làm tròn đạo hiếu, tận lực phụng dưỡng mẹ cha, thì bên ngoài sao có thể trở thành trung thần giúp vua được?). Thời cổ đại, trung hiếu là giá trị đạo đức được cổ nhân đặt lên hàng đầu. Nhạc Phi cũng hiểu rằng, ở nhà là người con hiếu thuận, thì ra ngoài mới có thể trở thành nghĩa sĩ trung quân báo quốc.

Khi trưởng thành, Nhạc Phi cả đời rong ruổi quân trường, phần lớn thời gian ông sống trong doanh trại hoặc trên chiến trường. Ông đồng thời hoàn thành hai việc lớn: tận trung báo quốc cùng chí hiếu song thân.

Nhạc mẫu thích tự (Ảnh Dữu Tử/ Epoch Times)

Tận hiếu mẹ cha, lòng chí hiếu chuyển thành trung nghĩa

Con cháu sau này hồi ức về ông, trước tiên kể về đạo hiếu của Nhạc Phi: ‘Tiên thần thiên tính chí hiếu.’ (Ngài có thiên tính chí hiếu), như thể đó là lòng hiếu thuận trời sinh vậy, tất cả được thể hiện rõ nét qua việc phụng dưỡng mẫu thân của ông. Khi Nhạc Phi lên đường tòng quân, mẹ ông khích lệ ông rời nhà xa quê cứu quốc. Do thôn quê cũng nằm trong chiến loạn, nên Nhạc Phi không yên lòng, đành để vợ con ở lại chăm sóc mẹ già rồi một mình lên đường.

Sau này Hà Bắc (khu vực hành chính phía bắc của nhà Tống) bị vây hãm, Nhạc Phi bị mất tin gia đình, nhiều năm tìm kiếm mà không biết mẹ già lưu lạc nơi đâu. Cho tới một ngày, mẹ ông nhờ người đưa tới cho ông một lá thư, trên đó viết: ‘Miễn sự thánh thiên tử, vô dĩ lão ảo vi niệm dã’ (gắng phụng sự thiên tử, đừng nhớ về mẹ già nữa), không có câu nào kể về tình hình của mẹ, một lòng khuyên con trai dốc sức giúp quốc gia. Nhưng Nhạc Phi vẫn liên tục cho người lặng lẽ vượt chiến khu về đón mẫu thân, tổng cộng 18 lần, cuối cùng bà mới chịu tới nơi đóng quân của Nhạc Phi ở Ngạc Châu.

Trông thấy mẫu thân mà ông ngày đêm mong nhớ, Nhạc Phi vừa vui mừng lại vừa thấy có lỗi, ông cung kính khóc lạy mẹ, biểu đạt thiếu sót đã không ở bên mẹ mà tận hiếu chăm lo. Do nhiều năm lo lắng nên bà bệnh tật đầy thân, việc ăn uống đi lại đều cần người chăm sóc, Nhạc Phi mặc dù việc quân bận rộn, nhưng chiều nào cũng về chỗ mẹ, ân cần nếm thuốc, đưa cơm.

Ngoài ra, Nhạc Phi chăm sóc mẫu thân hết mực chu toàn, bất kể việc lớn hay nhỏ. Ông căn cứ thời tiết bốn mùa khô ướt, nóng lạnh mà kịp thời thay đổi vật dụng sinh hoạt cho phù hợp; trong phòng ngủ của bà, ông không dám nói một câu, chân không dám bước thêm một bước, chỉ sợ phát ra âm thanh ảnh hưởng đến mẫu thân tĩnh dưỡng; khi chinh chiến nơi xa, đều nghiêm cách yêu cầu gia nhân dụng tâm phụng dưỡng, nếu phát hiện thấy chưa chăm sóc chu toàn, thì từ vợ con trở xuống đều bị ông nghiêm khắc trách phạt.

Chân dung Nhạc Ngạc Vương, tranh “Nam Lăng vô song phổ” của Kim Sử (Cổ Lương) đời Thanh. (Miền công cộng)

Cổ nhân xem việc hiếu thuận là cái gốc làm người, là cũng nói ‘Bách thiện hiếu vi tiên’ (trăm việc thiện Hiếu đứng đầu), gắng hết sức mình để làm tròn chữ hiếu, có rất nhiều câu chuyện về đạo hiếu. Trong lòng Nhạc Phi, mẹ ông không chỉ là người nuôi dưỡng, mà còn là thầy dẫn dắt dạy bảo cho ông về đại nghĩa quốc gia, do vậy mà Nhạc Phi dù ở nơi đâu đều không quên tận hiếu với mẹ, để báo đáp ân tình lớn như trời biển của bà.

Khoảng hai năm sau khi Nhạc Phi bình định phản loạn Dương Yêu, vị mẫu thân hiền minh của ông bị bệnh qua đời. Lúc ấy, bệnh mắt của Nhạc Phi lại phát tác, đau đớn vô cùng, nhưng khi nghe tin mẹ mất, ông không để ý gì đến bệnh tình của mình cứ khóc lóc thảm thiết, liền ba ngày nước mắt cạn khô, biểu đạt lòng tiếc thương đớn đau vô hạn. Thế cho nên thân thể hao mòn dung nhan tiều tụy, bệnh tình thêm trầm trọng, phải nằm trong phòng tối dưỡng bệnh trướng phủ rèm che.

Nhạc Phi còn dâng tấu cầu xin từ quan ba năm về quê thủ hiếu. Khi thấy sức khỏe tốt lên, chưa đợi Tống Cao Tông phê chuẩn liền cùng trưởng nam Nhạc Vân đưa linh cữu về quê an táng. Từ Ngạc Châu tới Lư Sơn Giang Châu đường xa ngàn dặm, hai cha con Nhạc Phi chân trần từng bước, chẳng quản gập ghềnh lầy lội hay nắng chiếu rát thân, cứ thế mà đi. Tướng sĩ xót xa muốn thay cha con ông gánh vác, nhưng Nhạc Phi - người con chí hiếu, có thể đồng ý sao? Dọc đường, thấy hai cha con ông lao khổ, ai ai cũng cảm động.

An táng mẫu thân xong, Nhạc Phi cho dựng lều bên mộ ẩn cư, tiếp tục thủ hiếu. Sau đó, do chiến sự khẩn cấp, Tống Cao Tông liên tục hạ chiếu, cho người tới mời ông xuất sơn. Nhạc Phi nhớ lại lời dạy của cha mẹ khi xưa, cuối cùng quyết định quay lại quân doanh ở Ngạc Châu, tiếp tục chủ trì sự nghiệp Bắc phạt. Với tấm lòng chí hiếu ấy, ông tự tay khắc một bức tượng mẹ bằng gỗ, sớm hôm thờ phụng chăm sóc như khi mẹ còn sống, để làm tròn đạo hiếu cuối cùng của phận làm con.

Chiến tướng trung thành, một lòng báo quốc

Tranh chân dung Nhạc Vũ Mục, lấy từ “Cổ thánh hiền tượng truyện lược” trong Cố Nguyên tập, bản khắc năm Đạo Quang thứ 10 đời Thanh. (Miền công cộng)

Hiếu tới khi sức kiệt, trung tới lúc hơi tàn, hiếu tử Nhạc Phi dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ ngôn truyền thân giáo, đã lập thành chí hướng chung thân báo quốc. Trước cảnh nước nhà tan nát, quân Kim ngang ngược hoành hành, hành động báo quốc trực tiếp của ông lúc đó chính là: Tiến lên phía bắc diệt quân Kim, thu phục lại đất đai bị mất, đón hai vua bị cầm tù về, rửa nỗi nhục Tĩnh Khang (Hai vua Tống bị bắt, phải chịu nhục như nô lệ rồi chết trong cảnh giam cầm. Hoàng hậu của Khâm Tông là bậc mẫu nghi thiên hạ thì phải tự vẫn để bảo toàn khí tiết, thái tử và nhiều hoàng tử bị giết, nhiều công chúa bị dâm ô cưỡng hiếp, bị bắt làm thê thiếp, nô tỳ. Hàng chục triệu người dân chịu cảnh nước mất nhà tan, gần một nửa giang sơn Đại Tống rơi vào tay giặc. Sự biến Tĩnh Khang là mối quốc hận to lớn chưa từng thấy đối triều đình và thần dân nhà Tống, và cũng là nỗi nhục hiếm thấy đối với một triều đại lớn trong lịch sử Trung Quốc-Wikipidia).

Vì chí hướng này mà ông đã cả đời gian khổ, tắm máu chiến trường rồi cuối cùng xả tận sinh mệnh vì xã tắc.

Có người sẽ đặt câu hỏi, Nhạc Phi lòng mang nhiệt thành tinh trung báo quốc như vậy, tại sao dưới sự hối thúc của 12 đạo kim bài của Tống Cao Tông, lại dẫn quân hồi triều, khiến công lao thành quả bắc phạt một đời bị đổ trôi ra biển? Bởi vì Nhạc Phi là người chí hiếu chí trung, trung với nước cũng trung với vua, lựa chọn của ông không chỉ đơn giản là trung với hoàng tộc mà còn phát xuất từ đại cục quốc gia, nên bất đắc dĩ phải đưa ra lựa chọn. Cũng do vậy mà lòng trung nghĩa của ông mới được thế nhân ngàn đời cảm phục.

Khi mới nhận lệnh quay về, Nhạc Phi lập tức dâng tấu phản đối, nhận định thắng lợi Bắc phạt đã trong tầm tay, nhất định không nên bỏ qua cơ hội cực tốt như thế này. Sau đó Nhạc Phi thừa thắng truy kích, tiến thẳng lấy được trấn Tiên Chu. Nhưng triều đình lại muốn Nhạc Phi quay về, nên xúc tiến giảng hòa, lệnh cho các lộ quân hoặc rút về hoặc đóng quân bất động tại chỗ, đồng thời ban xuống 12 đạo kim bài, đây chính là chiêu ‘Rút củi đáy nồi’ mà triều đình đang áp dụng.

Nhạc Phi biết rõ nếu Nhạc gia quân có thể thẳng đường thắng trận, nhưng không có quân viện trợ, thì sẽ không thể duy trì chiến quả, mà còn bị vây khốn trong hiểm cảnh. Phía trước là quân Kim rình rập, đằng sau có gian thần ngăn trở, công cuộc Bắc phạt sẽ thất bại. Quả là ý trời khó tránh. Nhạc Phi thấy rõ hậu quả đáng sợ của việc trái lệnh tiến quân, đành nén lòng đau buông bỏ tâm nguyện Bắc phạt cứu quốc.

Trên đường rút quân, Nhạc Phi suy xét đến sự an nguy của bách tính, nên cố ý lưu lại 5 ngày, yểm hộ cho bách tính di dời về phía Nam tránh nạn.

Khi nghe thấy tin quân Kim lại kéo tới, chém giết khắp Trung Nguyên, Nhạc Phi đã thốt lên một câu bi thống nhất trong lịch sử: “Sở đắc chư quận, nhất đán đô hưu! Xã tắc sơn hà, nan dĩ trung hưng! Càn khôn thế giới, vô do tái phục!” (tạm dịch: các quận vừa lấy được, đã mất trong một ngày! Ôi sơn hà xã tắc, khó có ngày phục hưng! Ôi Trời cao Đất dày, không thể phục dựng lại nữa rồi!)

Tuy vậy, Nhạc Phi vẫn nghiêm khắc tuân thủ đạo quân thần, một lòng hướng về triều đình hoàng đế. Nhiều lần ông thấy Cao Tông bị gian thần che mắt, hoặc ra những quyết sách sai lầm, ông đều vứt bỏ nhục vinh được mất cá nhân mà thẳng thắn can gián. Dựa vào trí tuệ cùng dũng khí vô song mà Nhạc Phi đã chân chính hoàn thành sứ mệnh của một vị hiền thần tận trung báo quốc.

Mười hai đạo kim bài hối thúc lui quân, làm chiến quả bắc phạt đổ xuống sông xuống biển. (Hạ Quỳnh Phần/tranh Epoch Times)

Ví dụ, khi Cao Tông mới lên ngôi, cùng quần thần thương nghị việc dời đô, Nhạc Phi với thân phận chỉ là một viên quan thất phẩm nhỏ bé, đã trực tiếp dâng biểu phản đối việc dời đô về nam, cũng do việc này mà mất chức quan, không chốn dung thân. Đối với việc nghị hòa Tống, Kim, Nhạc Phi trước sau như một cực lực phản đối, còn nói thẳng lòng mình với Hoàng đế: ‘Kim nhân bất khả tín, hòa hảo bất khả thị’ (người Kim không đáng tin, không thể dựa vào hòa hảo!), đồng thời trách cứ nặng nề gian thần Tần Cối, làm Cao Tông không thốt nổi lời. Sau khi nghị hòa thành công, Cao Tông trầm mê trong hòa bình giả tạo do các gian thần phái thủ hòa vẽ ra, ban thưởng khắp quần thần. Nhưng Nhạc Phi lại khổ tâm dâng sớ khuyên can: “Thiết duy niệm nhật chi sự, khả nguy nhi bất khả an, khả ưu nhi bất khả hạ” (mọi việc hôm nay, thấy nguy chứ không thấy an, thấy lo chứ không thấy mừng).

Cho tới khi trước lần Bắc phạt thứ tư, Cao Tông thấy chiến cục giằng co, mật lệnh Nhạc Phi rút quân. Nhưng Nhạc Phi không muốn nhà Tống bỏ lỡ thời cơ quý giá đánh bại quân Kim, nên kiên nghị ‘Vi chiếu’ (vi phạm lệnh vua) xuất quân đánh lên phía bắc, làm lên thắng lợi vang dội Yển Thành, Dĩnh Xương, giấc mộng tiến thẳng phủ Hoàng Long của quân Kim đã ngay trước mắt.

Theo sử sách ghi lại, Nhạc Phi từ nhỏ đã mang khí phách chính trực sáng trong, ngôn hành cử chỉ không màng họa phúc. Ông đối với việc quân quốc đại sự, đều suy sét đến toàn cục cơ nghiệp Đại Tống, đến an nguy của nghìn vạn chúng dân. Cuộc đời Ông, không chỉ trung quân báo quốc, mà còn từ góc độ an nước lợi dân mà tận lực khuyên can hoàng đế. Lòng trung sáng tỏ, chính nghĩa mãi vang, có Thiên Địa Thần Minh chứng giám, các đế vương cùng chúng dân mãi mãi về sau đều nhắc đến ông với lòng kính phục tiếc thương sâu sắc!

Theo Liễu Địch - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Chiến Thần Nhạc Phi trung hiếu vẹn toàn