Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979: Nhìn từ người lính bên kia chiến tuyến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến, mục đích quân sự và chính trị đều không đạt được, nhưng mục tiêu cá nhân của ông ta là thâu tóm quyền lực, trở thành lãnh đạo tối cao thì đã đạt được. Chỉ vì quyền lực cá nhân mà hàng chục nghìn người tử vong, và hàng trăm nghìn người cả hai bên bị thương tật, tàn phế cả cuộc đời.

Trong cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979, nhiều binh lính Trung Quốc vô tội đã trở thành nạn nhân của ĐCSTQ.

Cuộc chiến biên giới Việt- Trung, ĐCSTQ tuyên truyền lừa dối người dân Trung Quốc là "Chiến tranh phản kích tự vệ". Đặng Tiểu Bình nói: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học". Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ nói: "Các lực lượng biên phòng Trung Quốc đã hành động khi tình hình trở nên không thể chấp nhận được, và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của Việt Nam. Cái chúng tôi muốn là một đường biên giới ổn định và hòa bình. Sau khi đánh trả các thế lực hiếu chiến đủ mức cần thiết, các lực lượng biên phòng của chúng ta sẽ quay lại bảo vệ chặt chẽ biên giới của tổ quốc".

Tuy nhiên, tính bất nghĩa, vô lý của cuộc chiến do ĐCSTQ đứng đầu là Đặng Tiểu Bình phát động, đã bị đông đảo người dân và các học giả thế giới lên án. Thậm chí một số cựu chiến binh Trung Quốc tham gia cuộc chiến năm đó, đã phơi bày 11 nội tình bị ĐCSTQ che đậy qua chính sự trải nghiệm của bản thân của họ. Một số lượng lớn binh lính Trung Quốc đã bị biến thành bia đỡ đạn trong cuộc chiến này.

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân đội ĐCSTQ bắt đầu mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. ĐCSTQ tuyên truyền trong nước là "phản kích tự vệ". Vào thời điểm đó, quân đội chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, lực lượng chống quân bành trướng Bắc Kinh chỉ là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Mục tiêu chính của cuộc tấn công của ĐCSTQ vào Việt Nam là để giải cứu "đàn em" - chế độ Khmer Đỏ, đồng thời “phô diễn cơ bắp” với các nước Đông Nam Á, thử phản ứng của Liên Xô và dư luận thế giới, và là bước chuẩn bị cho các cuộc phiêu lưu quân sự sau này của ĐCSTQ.

Một cư dân mạng Trung Quốc có nick là "Rùa cái" đã tiết lộ trên mạng rằng anh ta đã tham gia vào chiến tranh Trung-Việt, và vạch trần 11 nội tình mà ĐCSTQ cố tình che giấu thông qua trải nghiệm của chính bản thân anh ta như sau.

1. Nguyên nhân của chiến tranh vẫn là bí ẩn

Vẫn chưa có một lời giải thích công khai, có thẩm quyền và thuyết phục nào, và ngay cả cựu Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc Trương Thắng (con trai của Tướng Trương Ái Bình), cũng đã tiết lộ điều đó trong các cuốn sách "Bước ra từ chiến tranh" và "Đặc vụ cuối cùng ẩn mình ở Trung Quốc" rằng, nguyên nhân chiến tranh thì ngay cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hồi đó cũng không biết tại sao lại gây chiến.

2. Mục tiêu chiến lược cơ bản không đạt được

Trong cuộc chiến đó, quân đội ĐCSTQ có ưu thế tuyệt đối cả về binh lực và hỏa lực, nhưng mục tiêu chiến lược là tiêu diệt hai sư đoàn át chủ bài của Quân đội Việt Nam là Sư đoàn 316A và Sư đoàn 316B đã không đạt được.

3. Trang thiết bị tiên tiến trở thành vật trưng bày

Lúc đó quân đội Trung Quốc đã có những trang thiết bị hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa, nhưng do người chỉ huy chưa quen với các hoạt động phối hợp, nên những trang thiết bị tiên tiến hầu như chỉ là đồ trưng bày. Vấn đề phong tỏa vốn có thể được giải quyết bằng một chiếc máy bay duy nhất, nhưng lại sử dụng một trung đoàn bộ binh. Điều này đi ngược lại các quan điểm của chiến tranh hiện đại.

4. Hỗ trợ hậu cần cực kỳ tồi tệ

Tôi bị thương vào ngày 19 tháng 2 năm 1979, mãi cho đến ngày 27 tháng 2 mới được điều trị chính quy. Trong thời gian đó, tôi chỉ dùng một loại sulfonamide. Hậu quả là vết thương chảy mủ, ngón tay cái bên trái phải gấp rút cắt bỏ. Nhiều người bị thương vì chưa học cách cứu hộ chiến trường đơn giản, đã phải ra chiến trường, sau khi bị thương do mìn, lại không biết cầm máu, nên đã chết một cách vô ích. Có một thương binh trước khi qua đời, anh ta túm lấy tôi và nguyền rủa: "Nhân viên y tế chó má, hãy mau đến đây!"

5. Tấn công không có bài bản

Ngay khi cuộc chiến bắt đầu, quân đội Trung Quốc tràn vào. Tôi nhớ mình đang ở trên cao điểm "796", nhìn xa xăm, khắp vùng núi bạt ngàn đều là quân ta (tức quân đội Trung Quốc). Lúc đó tôi giận dữ nói với Tham mưu trưởng: "Nếu vào làng tìm một đứa trẻ con để nó làm Trung đoàn trường thì nó cũng không chỉ huy tệ như thế này". Một viên đạn pháo, một loạt đạn của kẻ thù là có thể quét chúng ta gục xuống.

6. Các khẩu pháo nhỏ sắp đặt bừa bãi, và số lượng pháo lớn có hạn

Pháo đi kèm là không giới hạn, các loại pháo hạng nặng như 152 và 130 đều có số lượng hạn chế, một số loại phải được sự đồng ý của Tổng tham mưu, nhưng riêng binh lính thì không giới hạn.

7. Tự bắn mình bị thương trên chiến trường liên tiếp không ngừng

Để thoát khỏi chiến tranh, một số người lính đã tự bắn gãy chân mình.

8. Chi phí thương tật vẫn là tiêu chuẩn cho Chiến tranh Giải phóng

Việc xây dựng chính sách của chúng ta (Trung Quốc) thực sự quá lạc hậu. Sau khi tôi bị thương, tôi đã được trả 15 nhân dân tệ phí thương tật. Đây là tiêu chuẩn của Chiến dịch Hoài Hải, bằng một phần trăm nghìn tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cùng thời điểm, nhưng GDP lúc đó không chênh lệch lớn như vậy.

9. Tiền tử tuất của người lính tương đương với một con lợn.

Một liệt sĩ khi đó chỉ có tiền tuất là 300 tệ, bằng số tiền mua một con lợn.

10. Đời thương binh xuất ngũ rất bi thảm

Sau khi tôi bị thương và xuất ngũ, trong 10 năm đầu, tiền trợ cấp hàng năm là 30 nhân dân tệ. Năm 2010, 31 năm sau khi bị thương, tôi mới nhận được quà hỏi thăm an ủi của chính phủ. Đêm đó, tôi đã giữ quà hỏi thăm an ủi này (trị giá hơn 300 nhân dân tệ), uống một mình, uống rồi lại uống, nước mắt nóng hổi tuôn rơi. Nhiều năm trôi qua rồi! Nhiều cựu chiến binh chúng tôi vẫn không có nhà, không có vợ.

11. Bị cấm xuất bản, cấm gọi tên cuộc chiến

Năm 2010, dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi đã viết hai cuốn sách "Ghi chép của một người lính bị thương trong chiến tranh Việt Nam", và "Màu thực phẩm", được đưa lên mạng Internet và trở nên phổ biến khắp cả nước. Nhưng cuốn sách đầu tiên được thông báo rằng nó không thể xuất bản. Sách Chiến tranh Việt Nam không được quá sôi động, chỉ có thể gọi là “cuộc xung đột vũ trang cục bộ ở miền Nam”.

Một cuộc chiến đổ xương máu hàng trăm ngàn người như thế này mà không được phép nói đến, vậy trong tương lai ai sẽ chiến đấu cho các anh (ĐCSTQ)?

Một bài báo khác lan truyền trên Internet tiết lộ rằng chiến tranh Trung-Việt là "cuộc chiến tồi tệ nhất và không có trình độ nhất" kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập. Sự tàn khốc của chiến tranh thật kinh hoàng. Cuộc chiến đã diễn ra vô cùng bi thảm, dùng máu chảy thành sông để miêu tả cũng không phải là nói quá. Cuộc kháng chiến ngoan cường của quân đội Việt Nam vượt ngoài dự tính.

Điều đáng phẫn nộ hơn nữa là, hàng chục nghìn binh lính Trung Quốc đã chết trong cuộc chiến bi thảm do Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng này.

Bài báo nói rằng, cuộc chiến này do ĐCSTQ phát động chống lại Việt Nam, là cuộc chiến mà Đặng Tiểu Bình chủ trương, và buộc nhà lãnh đạo Hoa Quốc Phong lúc bấy giờ phải đồng ý.

Mục đích quân sự của chiến tranh là để hỗ trợ chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, để buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Mục đích chính trị của cuộc chiến là để dạy chính phủ Việt Nam ngả về phía Liên Xô. Còn Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó Chủ tịch Quân ủy, cũng có mục đích riêng, đó là kiểm tra xem liệu ông ta có thể chỉ huy quân đội không, vì ông ta đã quyết định sẽ thay Hoa Quốc Phong làm lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến, mục đích quân sự và chính trị đều không đạt được, nhưng mục tiêu cá nhân của ông ta là thâu tóm quyền lực, trở thành lãnh đạo tối cao thì đã đạt được. Chỉ vì quyền lực cá nhân mà hàng chục nghìn người tử vong, và hàng trăm nghìn người cả hai bên bị thương tật, tàn phế cả cuộc đời.

Đại Minh
Theo ntdtv.com



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979: Nhìn từ người lính bên kia chiến tuyến