Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: Lịch sử không được phép lãng quên

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Chiến tranh biên giới Việt Trung đã trôi qua 45 năm, vết thương của bao gia đình vẫn chưa lành, trang sử bi thương của dân tộc là bài học cho hậu thế để biết chọn bạn mà chơi, chớ để lịch sử đau thương lặp lại. Cuộc chiến này, có người muốn lãng quên, nhưng người dân Việt, dân tộc Việt và lịch sử không thể nào quên. Khép lại quá khứ, chứ không được phép lãng quên lịch sử.

Chiến tranh biên giới Việt Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2, kết thúc vào ngày 16 tháng 3 năm 1979 được ĐCSTQ gọi là "Chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam", và ở Việt Nam gọi là "Chiến tranh chống chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh". Cuộc chiến ngắn ngủi trong vòng 1 tháng nhưng nó có cội nguồn sâu xa từ lâu, và để lại hậu quả lâu dài đối với người dân hai nước.

Bối cảnh và quá trình ĐCSTQ chuẩn bị cho cuộc chiến

Đầu tiên là bất đồng trong cuộc chiến "Chiến tranh Việt Nam", ĐCSTQ chỉ muốn Việt Nam tiến hành chiến tranh du kích có giới hạn, trường kỳ kháng chiến, còn phía Việt Nam lại muốn tiến hành chiến tranh quy mô lớn để "thống nhất đất nước", và cụ thể hóa bằng cuộc "Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Sau đó, phía Việt Nam trực tiếp đàm phán với Mỹ, còn Bắc Kinh thì phản đối, và đẩy mạnh các hoạt động chống phá Việt Nam. Năm 1973, Ban lãnh đạo ĐCSTQ đã có chỉ thị: "Bề ngoài ta đối xử tốt với họ (Việt Nam) như đối xử với đồng chí mình, nhưng trên tinh thần phải chuẩn bị họ sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta". Năm 1974, Bắc Kinh cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (khi đó đang được Việt Nam Cộng hòa quản lý).

Ngoài ra, ĐCSTQ còn ủng hộ Khmer đỏ làm bàn đạp chống phá tấn công Việt Nam từ phía Nam. Ngay sau giành được chính quyền năm 1975, Khmer Đỏ đã gây hấn với Việt Nam và Thái Lan, tuyên bố muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc đế quốc Khmer đã bị Thái Lan và Việt Nam chiếm từ thế kỷ 18 trở về trước. Tháng 5 năm 1975, Khmer Đỏ cho quân đánh chiếm các đảo Phú Quốc và Thổ Chu và bắt đi hàng trăm dân thường. Vào những năm 1977-1978, Khmer Đỏ nhiều lần đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tàn sát hàng chục nghìn dân thường. Trong suốt thời gian đó và cả về sau này, ĐCSTQ đã viện trợ rất nhiều vũ khí, khí tài cũng như cố vấn quân sự cho Khmer Đỏ: trang bị vũ khí khí tài cho đội quân 200.000 người và gửi 10.000 cố vấn quân sự. Cuối năm 1978, ở biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, chính quyền Khmer Đỏ dưới sự bảo trợ của ĐCSTQ bắt đầu leo thang hoạt động quân sự xâm lấn Việt Nam.

Còn ở biên giới Việt-Trung, ĐCSTQ cũng tiến hành leo thang các hoạt động khiêu khích, phá hoại. Số vụ xâm phạm vũ trang của quân đội ĐCSTQ vào lãnh thổ Việt Nam năm 1978 là 583 vụ. Chỉ riêng trong tháng 1 và những tuần lễ đầu tháng 2 năm 1979, số vụ xâm phạm vũ trang là 230 vụ. Ngoài ra Bắc Kinh còn cho trên 100 lượt máy bay xâm phạm không phận và 481 lượt tàu thuyền xâm phạm hải phận Việt Nam.

Ngày 8 tháng 12 năm 1978, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ ra chỉ thị cho các Quân khu Quảng Châu và Côn Minh chuẩn bị đầy đủ lực lượng trước ngày 10 tháng 1 năm 1979 để thực hiện chiến dịch tấn công Việt Nam. Tuyên bố chiến tranh của Bắc Kinh nói rằng đây là cuộc chiến "phản công" chống lại các khiêu khích của Việt Nam. Tân Hoa xã đưa tin: "Các lực lượng biên phòng Trung Quốc đã hành động khi tình hình trở nên không thể chấp nhận được và không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của Việt Nam. Cái chúng tôi muốn là một đường biên giới ổn định và hòa bình. Sau khi đánh trả các thế lực hiếu chiến đủ mức cần thiết, các lực lượng biên phòng của chúng tôi sẽ quay lại bảo vệ chặt chẽ biên giới của tổ quốc".

Để thực hiện cuộc tấn công Việt Nam, người đứng đầu ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã tiến hành một loạt chuyến viếng thăm ngoại giao tới các nước ASEAN, Mỹ và Nhật. Đặng Tiểu Bình kêu gọi các nước ASEAN thành lập Mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, bao gồm Trung Quốc, khối nước ASEAN. Sau đó, Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ rồi tới thăm Nhật.

Trong chuyến thăm Washington từ 28 đến 30 tháng 1 năm 1979, Đặng Tiểu Bình nhận được sự ủng hộ cần thiết của đồng minh mới Hoa Kỳ trong kế hoạch tấn công Việt Nam. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người của Đảng Dân chủ cũng bật đèn xanh cho Đặng rằng, nếu xảy ra việc Trung Quốc tấn công Việt Nam thì Bắc Kinh sẽ nhận được sự ủng hộ về mặt ngoại giao hoặc quân sự của quốc tế.

Ngoài ra, ngay trước khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, Đại sứ Mỹ Malcolm kín đáo khuyến cáo Ngoại trưởng Liên Xô A. Gromyko rằng, Liên Xô nên tự kiềm chế trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam, để khỏi ảnh hưởng đến việc Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Hiệp ước SALT mà Liên Xô rất mong muốn.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt về quân sự, chính trị và ngoại giao, nhất là được Tổng thống Mỹ Carter đứng ra đảm bảo sự ủng hộ ngoại giao, và có thể cả quân sự của quốc tế, ĐCSTQ đã châm lửa khởi đầu cuộc chiến xâm phạm biên giới Việt Nam từ ngày 17 tháng 2 năm 1979. Trong khi quân đội chủ lực của Việt Nam vẫn tập trung ở biên giới Tây Nam, lực lượng của Việt Nam chống lại 9 quân đoàn quân chủ lực quân đội ĐCSTQ (mỗi quân đoàn có khoảng 20.000 - 45.000 quân) chủ yếu là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Quân đội Trung Quốc sau gần một tháng tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam, đã chiếm được trên 20 thành phố, thị xã, và chiếm được các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn...

Đến ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc, thì trưa cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân, chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Người dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết hại, như vụ thảm sát ngày 9 tháng 3 tại thôn Đổng Chúc, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, quân đội ĐCSTQ đã dùng búa và dao giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai, rồi ném xác xuống giếng hoặc chặt ra nhiều khúc rồi vứt hai bên bờ suối.

Đến ngày 16 tháng 3 năm 1979, quân đội ĐCSTQ đã rút hết ra khỏi biên giới Việt Nam, và tuyên bố "Chiến thắng".

Hậu quả cuộc chiến đối với hai bên

Đối với cuộc chiến này, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa chính thức công bố thương vong. Sau đó, “Tổng kết các hoạt động tự vệ và phản công chống lại Việt Nam” do Cục Hậu cần Quân khu Côn Minh biên soạn cho biết từ ngày 17 tháng 2 đến ngày 16 tháng 3 năm 1979, 6.954 binh sĩ từ Quảng Tây và Vân Nam đã thiệt mạng và hơn 14.800 người bị thương; Quân đội Việt Nam khoảng 37.000 người chết và hơn 100.000 người bị thương.

Tướng Ngũ Tu Quyền, Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Trung Quốc, tuyên bố rằng số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000

Hoàn Cầu Thời báo bản điện tử ngày 2/3/2015 dẫn nguồn Trung Quốc viết rằng: “Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2.173 lính đầu hàng;

Con số ước lượng của Việt Nam về tổng thiệt hại và thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người trên tổng số 600.000 quân tham chiến

Gần đây, phía Trung Quốc đưa ra số liệu khác, giảm tổn thất, cho rằng chỉ có 6.900 lính chết và 15.000 bị thương, tổng số thương vong là 21.000 trong tổng số lực lượng tham gia chiến hơn 300.000

Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000

Tháng 4 năm 1979, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương.

Tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng, và trên 20.000 lính Trung Quốc tử vong.

Tại hội nghị quân chính nội bộ ngày 16-4-1979, Đặng Tiểu Bình chỉ trích các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội: "Đánh lần này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, 6 đánh 1. Chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1…" nhưng "…thương vong của chúng ta gấp 4 lần so với Việt Nam".

Cuộc chiến bị lãng quên?

Phía Trung Quốc, nhờ hệ thống tuyên truyền khổng lồ và giám sát, tường lửa chặn Internet nên ĐCSTQ đã khiến đại đa số người dân Trung Quốc cho rằng: Việt Nam xâm lược Trung Quốc, theo Liên Xô phản bội Trung Quốc, Trung Quốc chỉ 'phản công tự vệ'.

Sau khi chiến tranh Trung-Việt kết thúc, ĐCSTQ không có cuộc thảo luận công khai nào về cuộc chiến. Cuộc chiến này ở Trung Quốc dường như đã trở thành một "cuộc chiến bị lãng quên." Ở một mức độ nào đó, nó thậm chí đã trở thành một vùng cấm nghiên cứu. Điều này cũng dễ hiểu, vì ĐCSTQ dối Trời lừa dân, bóp méo lịch sử, phát động cuộc chiến phi nghĩa, hao tổn sinh mệnh và của cả người dân, nên rất sợ chân tướng hiển lộ.

Ngày 17 tháng 2 năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày bùng nổ chiến tranh biên giới Trung-Việt, Đảng Cộng sản Trung Quốc không có hoạt động kỷ niệm chính thức nào. Các cựu chiến binh của quân đội ĐCSTQ tham gia cuộc chiến vào thời điểm đó đã trở thành mục tiêu duy trì sự ổn định của ĐCSTQ vì họ chiến đấu vì quyền lợi.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền và Dân chủ Trung Quốc dẫn thông tin cho biết các cựu chiến binh này ban đầu dự kiến ​​tập trung ở Quảng Tây, Hồ Nam, Quảng Đông và những nơi khác để kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới Trung-Việt, nhưng mọi hoạt động đều bị an ninh công cộng phong tỏa. Từ ngày 15 đến 17 tháng Hai, ít nhất 200 cựu chiến binh trên khắp đất nước đã bị công an giam giữ vì bảo vệ quyền lợi của họ.

Từ Khánh Toàn, cựu tổng biên tập của tạp chí tự do Trung Quốc "Viêm Hoàng xuân thu", tiết lộ rằng ngay từ đầu, các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ đã chia rẽ về việc có nên tham chiến hay không. Đặng Tiểu Bình là người đứng đầu thúc đẩy phát động cuộc chiến chống Việt Nam. Một số học giả phân tích rằng cuộc chiến này là để kiểm tra sức mạnh quân sự của Đặng Tiểu Bình sau Cách mạng Văn hóa, đồng thời thể hiện quyền chỉ huy quân đội của ông ta.

Về phía Việt Nam, năm 2019, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung, rất nhiều tờ báo mạng lớn ở Việt Nam như Vietnamnet, VNexpress, Tuoitre... đều có loạt bài về cuộc chiến và những hy sinh, mất mát, cũng như những hành động anh hùng dũng cảm của người dân và binh sĩ trong cuộc chiến. Tuy nhiên, năm 2017, một nhóm vài chục nhân sĩ đến viếng các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới ở tượng đài vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội thì lực lượng an ninh dùng loa yêu cầu đám đông giải tán, một số người bị câu lưu.

Chiến tranh biên giới Việt - Trung, phía Việt Nam là "chống xâm lược", thuộc về chính nghĩa, được người dân và các giới trong và ngoài nước ủng hộ, nên việc kỷ niệm cuộc chiến là việc cần và nên làm, để thế hệ sau nhớ đến bài học lịch sử khi quan hệ với "người anh" ĐCSTQ, và để tưởng nhớ đến những người con đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ sau.

Bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà nghiên cứu Trung Quốc từng làm việc trong ngành địch vận, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, con gái của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nói với BBC rằng: "Theo tôi là nếu bây giờ Trung Quốc và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, thì Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm về việc đấy và bình đẳng với nhau ra, thì Trung Quốc phải xin lỗi nhân dân Việt Nam"; "Bởi vì tự nhiên đánh, không có cớ gì, tự nhiên đánh, một lúc huy động mấy chục vạn quân sang gây bao nhiêu thứ tội ác, thế rồi lại vu cáo cho Việt Nam là đi xâm lược Trung Quốc, gọi tên cuộc chiến tranh ấy là phản kích tự vệ. Những chuyện ấy, nếu sòng phẳng ra, thì Trung Quốc phải cải chính những cái đó".

Có lẽ đây cũng là ý nguyện của đa số người dân Việt Nam, cần phải thành thực với lịch sử, vì chỉ có sự thực mới giúp chúng ta nhìn nhận chính xác ai mới thực sự là bạn, ai mới thực sự là thù, tránh bị những lời hoa mỹ "16 chữ vàng" và "4 tốt" lừa dối. Một chính quyền chuyên dối Trời lừa dân, lừa thầy phản bạn, đàn áp và tàn sát chính người dân của nó trong suốt trên 70 năm cầm quyền, và là tội đồ của nhân loại khi để dịch bệnh Vũ Hán lan tràn ra khắp thế giới thì không có lý do gì tồn tại, càng không đáng để "kết bạn". Nếu người nào vì lợi ích cá nhân, vì quyền lợi gia tộc, vì lợi ích nhóm mà "kết bạn" với giặc thì đó chính là hành động "rước voi giày mả tổ", sẽ bị người dân phỉ nhổ, Trời không dung, Đất không tha.

Chiến tranh biên giới Việt Trung đã trôi qua 42 năm, vết thương của bao gia đình vẫn chưa lành, trang sử bi thương của dân tộc là bài học cho hậu thế để biết chọn bạn mà chơi, chớ để lịch sử đau thương lặp lại. Cuộc chiến này, có người muốn lãng quên, nhưng người dân Việt, dân tộc Việt và lịch sử không thể nào quên. Khép lại quá khứ, chứ không được phép lãng quên lịch sử.

Đại Minh

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979: Lịch sử không được phép lãng quên