Chọn vợ như Gia Cát Lượng: Lấy vợ xấu xí hơn lấy một bình hoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chẳng ai như Khổng Minh chọn vợ, lấy phải cô nàng xấu xí! Thế nhưng người đời đều kính phục nhãn quang độc đáo của ông: Không nhìn dung mạo chỉ nhìn tài đức, cưới được bậc kỳ nữ chốn nhân gian.

Gia Cát Lượng không chỉ là bậc quân sư đa mưu túc trí, tài năng trác việt mà còn có vẻ ngoài cao lớn kỳ vĩ, dáng vẻ đường đường, dung mạo khôi ngô tuấn tú. Sử gia Trần Thọ viết: "Lượng thiếu hữu dật quần chi tài, anh bá chi khí, thân trưởng bát thước, dung mạo thậm vĩ, thời nhân dị yên". Nghĩa là: Từ khi còn trẻ Gia Cát Lượng đã tài năng hơn người, khí phách anh hào, thân cao tám thước, vẻ ngoài anh tuấn, người bấy giờ gặp ông đều phải ngạc nhiên tán thán.

Vậy, bậc trang nam tử kỳ tài xuất chúng ấy sẽ chọn ai làm hiền thê lý tưởng của mình?

Kết hôn với xú nữ, hàng xóm cười chê

Ngày nọ, có một nhân sĩ đến thăm Gia Cát Lượng và nói với ông rằng: “Nghe nói Gia Cát Quân ngài đây muốn tìm người hôn phối. Tôi có đứa con gái xấu xí, tóc vàng xơ xác, làn da đen đúa, thế nhưng luận về tài năng và đức hạnh thì lại có thể cùng ngài xứng đôi”.

Vị khách ấy chính là Hoàng Thừa Ngạn, một danh sĩ ở Miện Nam (dải Tương Dương), đến cầu hôn cho khuê nữ của ông là Hoàng Thạc, còn gọi là Hoàng Nguyệt Anh.

Gia Cát Lượng nghe nói vậy thì rất đẹp lòng, bèn sắp xếp đến thăm Hoàng phủ và chuẩn bị hôn sự. Hàng xóm láng giềng đều đàm tiếu về cuộc hôn nhân của Gia Cát Lượng với cô gái xấu xí qua câu ngạn ngữ: "Mạc tác Khổng Minh trạch phụ, chính đắc a thừa xú nữ", nghĩa là: Chẳng ai như Khổng Minh chọn vợ, lấy phải cô nàng xấu xí. Trước những lời chê cười ấy, tấm lòng Gia Cát Lượng đúng như tên gọi của ông, vẫn rất vô tư trong sáng.

Bản lĩnh vị hôn thê

Hôm ấy Gia Cát Lượng đến dinh phủ họ Hoàng, vừa bước vào cổng vườn thì có hai con chó dữ xông tới. Nha hoàn từ phía sau bước đến vỗ vào đầu hai con thú ấy, lập tức chúng dừng lại bất động. Gia Cát Lượng định thần nhìn kỹ, thì ra đó là hai con chó bằng gỗ được lắp đặt tại đó.

Lúc này, Hoàng Thừa Ngạn bước ra nghênh tiếp khách quý, Gia Cát Lượng hết lời khen ngợi cách thiết kế hai con chó gỗ tinh xảo và khéo léo của nhạc phụ tương lai. Nhưng Hoàng lão gia chỉ cười đáp rằng: “Có gì đáng nói đâu, đó là món đồ chơi mà tiểu nữ nhà tôi thử chế tác mà thôi”.

(Ảnh: Epoch Times)

Bước vào phòng khách, Gia Cát Lượng chăm chú nhìn lên tường, ánh mắt không thể rời khỏi bức tranh “Tào đại gia cung uyển thụ độc đồ” treo tại đó, miệng không ngớt lời tán thưởng: “Thực là một bức họa sinh động và tinh tế!”.

Hoàng Thừa Ngạn xua tay nói: “À, chỉ là tiểu nữ nhà tôi tiện tay bôi vẽ ấy mà!”.

Đến lúc này, Gia Cát Lượng càng thêm tin tưởng rằng ông đã chọn được một hiền thê đa tài đa nghệ, có nội tâm phong phú sâu sắc chứ không phải chỉ là một bình hoa hữu sắc vô hương.

Hoàng Thạc là kỳ nữ thế nào?

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” miêu tả rằng, tiểu thư Hoàng Thạc mặc dù dung mạo xấu xí nhưng lại có tài năng đặc biệt, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, phàm là binh thư, thao lược, độn giáp… nàng không chỗ nào là không hiểu rõ. Hồi 117 viết:

“...con gái Hoàng Thừa Ngạn, mặt mũi xấu xa mà lắm tài lạ; thông hiểu cả thiên văn địa lý; phàm các sách thao lược, độn giáp, đều thuộc làu làu. Khi Võ Hầu ở Nam Dương, nghe tiếng là người tài, mới xin cưới làm vợ. Võ Hầu học giỏi, cũng nhiều điều nhờ có phu nhân giúp đỡ. Sau khi Võ Hầu mất, phu nhân không bao lâu cũng từ trần. Khi hấp hối, trối trăn lại, chỉ lấy sự trung hiếu khuyên con.” (“Tam Quốc Diễn Nghĩa”, hồi 117, bản dịch Phan Kế Bính)

Có thể thấy, Hoàng Thạc không phải là một nữ nhân bình thường mà có tài năng và sở trường xuất chúng, nàng và Gia Cát Lượng môn đăng hộ đối, xứng đáng là một cặp trời sinh. Bản thân Gia Cát Lượng cũng không phải là kẻ phàm phu tục tử, đến nhân gian sống tạm vài ngày, tận hưởng thứ hạnh phúc nhỏ nhoi. Do đó, ông lựa chọn thê tử cũng là dùng cặp mắt huệ nhãn của mình mà quyết định.

Bậc tài nữ trợ giúp Gia Cát Lượng

Từ khi kết hôn với tiểu thư Hoàng Thạc, Gia Cát Lượng đã có được một người vợ chu toàn biết giúp chồng dạy con. Có hiền thê tài năng trợ giúp, Gia Cát Lượng như hổ thêm cánh, như rồng thêm vây, giải quyết được rất nhiều khó khăn trong việc nhà và việc quân.

Khi hai vợ chồng cư trú ở Long Trung phía tây thành Tương Dương (nay là huyện Đặng, Nam Dương), một lần có nhóm bạn đến chơi nhà. Gia Cát Lượng phó thác cho thê tử chuẩn bị bữa cơm đãi khách, chẳng bao lâu sau những bát mì bốc hơi nghi ngút được bưng lên bàn. Tốc độ mau lẹ như thế này gần như đã vượt khỏi sức tưởng tượng của tất cả mọi người. “Quế Hải Ngu Hành Chí” của Phạm Thành Đại ghi chép về chuyện này như sau:

“Người Nhữ Nam tương truyền rằng, khi Gia Cát Lượng sống ở Long Trung, bạn bè đều đến tụ họp đủ cả. Có vị thích ăn cơm, có vị thích ăn mì. Một loáng, cơm, mì đều sẵn sàng. Khách lấy làm lạ vì tốc độ nhanh như vậy, âm thầm xuống nhà bếp nhìn lén, thấy vài người gỗ đang giã gạo, một con lừa gỗ đang quay cối xay chạy như bay. Khổng Minh bèn bái vợ mình xin truyền lại thuật này, sau này ông ứng biến chế ra Mộc ngưu Lưu mã”.

Có thể thấy, phu nhân Hoàng Thạc xứng là bậc thầy sáng tạo, một trí tuệ thiên tài, nàng có thể chế tác ra các loại máy móc và thiết bị bằng gỗ từ 2000 năm trước, làm được những điều mà những người nội trợ hiện đại chúng ta không thể làm được.

Bên cạnh đó, trí tuệ và sự sáng tạo của Hoàng Thạc còn giúp Gia Cát Lượng giải quyết rất nhiều khó khăn trong sự nghiệp cầm quân. Nhờ có nàng, Gia Cát Khổng Minh mới có thể phát minh ra trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển ngũ cốc cho hàng trăm nghìn quân nơi sa trường. Ông cũng phát minh ra Liên nỗ (nỏ liên hoàn) làm vũ khí đẩy lui vạn quân địch. Sau này, Hoàng Thạc còn chế ra bột “Gia Cát hành quân” và viên thuốc “Ngọa Long đan” để giúp chồng phòng thân những khi đau ốm, trái gió trở trời.

Sau khi Hoàng Thạc kết hôn với Gia Cát Lượng, mọi việc lớn nhỏ như giáo dục con cái, quán xuyến việc nhà, cấy cày trồng trọt, trồng dâu nuôi tằm… đều một tay nàng thu xếp ổn thỏa, nhờ đó Gia Cát Lượng có thể toàn tâm toàn ý vào việc nước, việc quân. Hoàng Thừa giáo dục con trai bằng hai chữ “Trung, Hiếu”. Con trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Chiêm từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ, sau này được kế thừa tước vị của cha, Gia Cát Chiêm tuân theo gia huấn, cũng xả thân vì nước, chiến tử trên sa trường.

Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, không lâu sau khi ông qua đời thì phu nhân cũng tạ thế. Cuộc hôn nhân của họ phải chăng là Trời xanh an bài, là phụng theo Thiên mệnh để in dấu vào lịch sử những kỳ tích phi thường, lưu lại cho nhân gian một câu chuyện truyền kỳ.

Một lần nữa, tài năng và trí tuệ của phu nhân Hoàng Thạc nói với chúng ta rằng: đẹp xấu trong ý niệm thế nhân chỉ là phép che mắt để khảo nghiệm thế nào là trí huệ chân chính, thế nào là vẻ đẹp đích thực mà thôi.

Theo Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  • “Tam Quốc Chí - Thục thư ngũ - Gia Cát Lượng truyện”
  • “Gia Cát Lượng Trung Vũ hầu truyện”
  • “Tương Dương ký”
  • “Tam quốc diễn nghĩa đại từ điển”
  • “Gia Cát Lượng Trung Vũ hầu toàn thư”, quyển 16 ngoại kỷ
  • “Gia Cát Trung Vũ thư”, quyển 9 di sự



BÀI CHỌN LỌC

Chọn vợ như Gia Cát Lượng: Lấy vợ xấu xí hơn lấy một bình hoa