Chồng chưa cưới đột nhiên phát điên, phận nữ nhi bạn sẽ làm gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân luôn coi trọng chữ Tín, họ cho rằng một lời đã hứa đáng giá ngàn vàng. Nhưng sẽ ra sao nếu hôn ước đã định mà chàng trai lại vô cớ phát điên? Đối mặt với biến cố bất ngờ ấy, liệu nhà gái có quyết định thoái hôn, tìm một nơi môn đăng hộ đối để cải giá hay không?

Vào thời nhà Thanh, ở vùng Mân Trung (nay là dải Phúc Kiến) có một công tử xuất thân từ gia đình trâm anh thế phiệt tên là Hoàng Sinh. Hoàng Sinh chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi nhưng đã có dáng vẻ nho nhã, phong tư tài mạo, nghi dung tuấn tú, tướng hình mỹ mạo như một khối ngọc đẹp.

Gia cảnh bề thế là thế, vẻ ngoài cao sang là thế, ấy vậy nhưng Hoàng Sinh lại đột nhiên mắc bệnh tâm thần. Suốt ngày anh hát những lời vô nghĩa, lúc cười lúc khóc, có khi đêm hôm trở dậy tự phóng hỏa đốt nhà… Gia đình thấy anh làm những điều điên điên rồ rồ mà không cách nào ngăn lại được. Đến khi bất lực, người nhà đành dựng cho anh vài gian nhà tranh trên núi, đồng thời phái đám người hầu khỏe mạnh đến trông nom anh. Ngày qua tháng lại, thời gian cứ thấm thoắt trôi đi, Hoàng Sinh từ một công tử trắng trẻo nay chỉ còn là cành củi khô, không còn ra hình người nữa.

Trước đây, nhà họ Hoàng từng có đính ước với nhà họ Lâm, nay thấy Hoàng Sinh phát điên, nhà họ Lâm liền có ý muốn hủy bỏ hôn sự. Lâm tiểu thư hay tin liền nói: “Con đã đính hôn với chàng, dây tơ hồng đã buộc, duyên phận đã định sẽ làm vợ của chàng. Nay chàng mắc bệnh hiểm nghèo, âu cũng là vận mệnh của con vậy. Nếu nhà ta hủy bỏ hôn sự này, chẳng phải cũng bằng như vi phạm ý Trời hay sao? Con thiết nghĩ làm người thì cần nhất thủy nhất chung, một dạ không hai lòng, không thể vì chàng mắc bệnh mà biến bản thân thành kẻ bội ước. Con nghĩ, thay vì cứ ở vậy đến già khiến cha mẹ phải phiền lòng, chẳng thà con nên lên núi chăm sóc cho chàng, cùng chàng vượt qua tháng ngày khó khăn trước mắt”.

Ban đầu, cha mẹ cô gái tỏ ý phản đối, nhưng thấy con gái vẫn một mực kiên định, họ đành gạt nước mắt để cô thực hiện tâm nguyện của mình.

Lâm tiểu thư một mình lên núi, dẫu phải chịu đói chịu rét cô vẫn ân cần chăm lo cho Hoàng Sinh. Một ngày, khi cả hai đang ngồi nghỉ trên tảng đá thì bỗng thấy một con cá nhảy ra từ khe suối. Con cá này rất đặc biệt, thân hình cá nhưng đầu lại giống như đầu chó. Hoàng Sinh vừa nhìn thấy liền chộp lấy con cá. Lâm tiểu thư hết lời khuyên ngăn nhưng chàng ta không nghe, vẫn một mình ăn hết con cá ấy.

Qua một đêm Hoàng Sinh đột nhiên khỏi bệnh, trở lại bình thường như hoàn toàn chưa có chuyện gì xảy ra. Lâm tiểu thư sung sướng liền cùng chàng xuống núi trở về nhà. Nhạc phụ, nhạc mẫu hai bên nghe tin thì vô cùng hạnh phúc, cả gia đình cùng nâng ly chúc mừng và tổ chức hôn lễ cho hai con.

Cuốn sách cổ “Sơn Hải Kinh” có đoạn: “Nước Chư Hoài có nhiều cá Nghê, ăn vào khỏi bệnh dại”. Trong dòng Chư Hoài có loài cá Nghê, thân cá thì dài mà đầu hình đầu chó, miệng phát ra âm thanh giống như tiếng trẻ khóc, nếu ăn được cá này sẽ khỏi được bệnh điên dại. Phải chăng con cá Hoàng Sinh ăn hôm ấy chính là cá Nghê? Hay là vì tấm lòng trung trinh son sắt của Lâm tiểu thư đã làm cảm động trời xanh, nên mới được Thần ban phước lành như vậy?

Chàng ta vừa nói xong thì Phó tiểu thư cũng liền đến nơi. (Miền công cộng)

Thời nhà Thanh cũng xảy ra một câu chuyện tương tự. Hồi ấy, hai gia đình họ Đô và họ Phó sớm đã có ước hẹn với nhau. Nhà họ Đô người chồng đã qua đời, trong nhà chỉ còn hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, còn nhà họ Phó cũng đồng cảnh mẹ góa con côi hệt như vậy.

Chẳng may cậu con trai nhà họ Đô đột nhiên mắc bệnh điên dại ngay trước lễ cưới, bà mẹ họ Đô không dám tin rằng con trai mình sẽ có ngày hồi phục. Vì không muốn gây khó dễ cho thông gia, bà liền đến gặp người mẹ nhà họ Phó và nói: “Chị à, nhà tôi bất hạnh quá, con trai tôi mắc bệnh như thế như thế, tôi thật lòng không muốn trở thành gánh nặng cho hai mẹ con chị. Tôi thiết nghĩ, cứ dây dưa mãi thế này cũng không có gì tốt, chẳng thà để con gái chị được gả vào nơi xứng đáng hơn. Nếu được như vậy, hai mẹ con tôi sẵn sàng gửi lại một nửa của hồi môn”.

Phó tiểu thư ở trong khuê phòng nghe thấy, liền bước ra cúi người chào lạy và thưa rằng: “Con nghe nói chàng đã mắc bệnh, vậy mẹ phải trông cậy vào đâu để sống đây?”.

Bà mẹ họ Đô nói: “Con à, gia đình ta chỉ có vài mẫu ruộng cằn, hơn nữa nhiều năm qua mùa màng thất bát, thóc gạo chỉ đủ ăn được nửa năm, đến khi lương thực cạn kiệt thì không biết sẽ ra sao”. Dứt lời, người mẹ nhà họ Đô lại lặp lại những lời trên, hy vọng cô gái hiểu ra tình cảnh éo le của mình và chấp nhận cải giá.

Cô gái dõng dạc nói: “Mẹ à, con nghe người ta nói: Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Con đã được cha mẹ hứa hôn từ nhỏ, nay lại đột ngột từ bỏ hôn ước, người ngoài không rõ nội tình bên trong sẽ lời ra tiếng vào thế nào đây? Lúc ấy con sống cũng chẳng bằng chết. Nay con nguyện ý theo mẹ về nhà, cùng mẹ và chàng vượt qua tháng ngày khốn khó. Thời nhỏ con từng học thêu thùa may vá, con có thể thêu thùa vào buổi tối, như thế ba người chúng ta sẽ có hy vọng sống qua ngày. Mẹ à, xin mẹ hãy chấp nhận con, con nguyện ý theo mẹ về nhà, ý con đã quyết rồi, nếu mẹ vẫn khước từ thì mẹ và chàng sẽ chỉ có thể đi tìm con trên đường Hoàng Tuyền mà thôi”.

Hai bà mẹ nghe những lời ấy thì đều cảm động tự đáy lòng, rồi họ ôm nhau khóc nức nở. Bà mẹ họ Đô trong lòng vui phơi phới vì có được nàng dâu ngoan hiền hiếu thảo. Sau khi trở về nhà bà lại nhờ người đưa xe đến đón cô gái. Phó tiểu thư bước lên xe, nàng mặc chiếc áo xanh và váy trắng giản dị nhưng vẫn trông vô cùng xinh đẹp, một vẻ đẹp thánh khiết làm rung động lòng người.

Xe vẫn chưa đến nhà nhưng cậu con trai nhà họ Đô đã ăn vận đẹp đẽ bước ra nói với mẹ: “Mẹ ơi, tân nương sắp đến, tân nương sắp đến rồi, mẹ mau mau ra nghênh đón nàng đi!”.

Bà mẹ kinh ngạc hỏi: “Con trai, làm sao con biết tân nương sắp đến mà ra nghênh tiếp? Con lại nói những lời ngớ ngẩn nữa sao?”.

Chàng ta nói: “Không phải đâu mẹ à! Con vừa trải qua những chuyện vô cùng kỳ lạ, có nói ra chắc mẹ cũng chẳng tin. Khi con vừa mới nằm xuống, con nhìn thấy phía sau giường có bốn con quỷ mặt xanh nanh vàng, đầu bù tóc rối trông vô cùng đáng sợ. Chúng nói với con: ‘Giữa chúng ta và ngươi không có oán thù gì, chỉ là vì năm xưa chúng ta bị người cha đã khuất của ngươi khiến cho phải chịu oan uổng, chúng ta bị bắt vào ngục, sau đó lại bị tra tấn đến chết. Chúng ta oán hận đầy mình không biết trút vào đâu nên mới báo thù lên thân ngươi. Hôm nay thấy Phó tiểu thư tiết tháo đoan chính như thế, chúng ta vừa kính vừa sợ nàng nên không dám lại gây họa nữa’. Sau đó cả bốn con quỷ liền biến mất, còn con thì giống như tỉnh dậy sau cơn say rượu vậy, giờ con đã hoàn toàn khỏi bệnh rồi”.

Chàng ta vừa nói xong thì Phó tiểu thư cũng liền đến nơi. Bà mẹ họ Đô liền kể lại câu chuyện kỳ lạ vừa rồi, ai nấy nghe xong đều vô cùng kinh ngạc. Bà mẹ họ Phó nghe tin cũng rất cao hứng, bèn chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ thành hôn cho hai con.

Cô gái nhà họ Phó kể trên là cháu ngoại của ngài Trương Nghiễm Công, còn phụ thân của cậu con trai nhà họ Đô thì từng làm Chủ bộ trong huyện. Tác giả của “Sơn Trai Khách Đàm” là Cảnh Tinh Tiêu cũng hết lời cảm thán trước câu chuyện hiếm thấy này. Ông nói:

“Bà mẹ nhà họ Đô muốn thiện đãi cô con gái nhà người khác, cuối cùng lại có được một nàng dâu quý. Cô con gái nhà họ Phó nguyện ý làm một góa phụ không kết hôn, cuối cùng lại có được một đấng trượng phu xứng đáng. Một chút lương tâm mà đắc được hồi báo, nhân sinh thật là vô cùng phong hậu! Thiên lý hiển nhiên đã báo ứng, mọi chuyện xảy ra chỉ trong tích tắc, ai có thể nói là không có quỷ Thần đây?”.

Nguồn tư liệu:

“Hữu Thai Tiên Quán Bút Ký”
“Sơn Trai Khách Đàm”

Theo Thái Nguyên - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chồng chưa cưới đột nhiên phát điên, phận nữ nhi bạn sẽ làm gì?