Chủ nghĩa ái kỷ: Đối diện kẻ thù lớn nhất của chính mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện của Narcissus và bức tranh của Caravaggio đã nhắc nhở tôi ý nghĩa thật sự của ham muốn? Liệu mong muốn có nhiều lượt “thích” là biểu hiện của sự ích kỷ? Tôi thường tự nhủ “Tôi chia sẻ những bức tranh của mình lên mạng xã hội chỉ để giới thiệu tác phẩm của mình, kinh doanh và chu cấp cho gia đình”. Điều này là sự thật, nhưng nó chỉ là một phần của sự thật. 

Ái kỷ là điều khiến tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi. Vì là một hoạ sĩ nên tôi luôn mong muốn công chúng sẽ đón nhận tác phẩm của mình. Có điều tôi không chỉ muốn được biết đến mà còn kỳ vọng tác phẩm của mình sẽ được yêu thích, ngưỡng mộ. Tôi thường đăng hình những bức hoạ của mình trên mạng xã hội với hy vọng sẽ có thật nhiều người “thích” nó. Kết quả là, tôi càng có nhiều lượt thích, bản thân tôi càng trở nên tự mãn. Tuy nhiên, những lượt thích và ham muốn được yêu thích có thật sự ý nghĩa đối với tôi?

Narcissus chỉ nhìn ngắm chính mình

Câu chuyện của chàng Narcissus (trong thần thoại Hy Lạp) đã giúp tôi nhận ra bản chất của khát vọng được ngưỡng mộ. Trong cuốn “Biến đổi” của tác giả Ovid, Narcissus là con trai của vị thần sông và nữ thần Hy Lạp. Vẻ đẹp của chàng khiến tất cả những ai nhìn thấy đều đem lòng yêu mến, nhưng số mệnh của Narcissus đã được định sẵn từ khi chào đời. Một vị tiên tri đã nói “Chỉ khi không nhìn ngắm chính mình”, chàng mới có thể có cuộc sống vĩnh hằng.

Dù luôn nhận được sự ngưỡng mộ và yêu thích nhưng Narcissus với tính cách ngạo mạn và kiêu kỳ, luôn tránh né và thậm chí tỏ ra khinh bỉ với hết thảy mọi người. Để răn dạy chàng Narcissus, một người quý mến chàng đã cầu nguyện với các vị thần “Hãy để chàng ta yêu bản thân, đến mức không thể kiểm soát được chính mình”. Lời cầu nguyện đã đến được thần Nemesis, vị thần của sự tưởng thưởng và trừng phạt.

Một ngày nọ, Narcissus đi qua một dòng suối nơi hẻo lánh và quyết định dừng chân nghỉ mệt. Mặt nước trong vắt và tĩnh lặng đến lạ. Chàng ngồi bên cạnh dòng nước rồi uống một ngụm để làm dịu cơn khát của mình. Và đó là lúc chàng bắt gặp hình ảnh phản chiếu của mình, để rồi đem lòng yêu mến chính mình.

Narcissus say mê bản thân đến độ quên ăn quên uống. Chàng chỉ muốn bắt lấy hình ảnh phản chiếu của mình nhưng đầy thất vọng vì không thể làm được gì. Chàng ta nhìn chằm chằm vào hình ảnh chính mình trên mặt nước cho đến khi mệt mỏi và thều thào: “Than ôi, tại sao, người ta yêu … Tạm biệt!", rồi ngất đi vì đói.

“Narcissus” 1598–1599, của Caravaggio. Phòng trưng bày nghệ thuật cổ đại quốc gia, Rome. (Phạm vi công cộng)
“Narcissus” 1598–1599, của Caravaggio. Phòng trưng bày nghệ thuật cổ đại quốc gia, Rome. (Phạm vi công cộng)

Bức hoạ “Narcissus” của Caravaggio

Theo Caravaggio.org, hoạ sĩ người Ý Caravaggio đã kể câu chuyện về chàng Narcissus của tác giả Ovid qua bức hoạ có tựa “Narcissus”. Vị hoạ sĩ dùng cách vẽ Baroque để mô phỏng một cách khéo léo hình ảnh thanh tú của chàng Narcissus với những khoảng màu sáng tối tương phản nhau. Giữa khoảng tối bao trùm bức tranh là những gam màu sáng tỏa ra từ chàng Narcissus.

Rìa của khối nước chia đôi bố cục bức tranh. Narcissus ngồi ở mép nước với ánh nhìn say đắm. Chàng ta đỡ trọng lượng của mình bằng cánh tay phải chạm trên mặt đất, và tay trái vươn xuống nước như thể đang cố gắng nắm lấy hình ảnh phản chiếu trên mặt nước. Bàn tay của Narcissus và bàn tay phản chiếu dưới nước gặp nhau và tạo ra một hình bầu dục.

Liệu bóng tối của bối cảnh có phải là thái độ của Narcissus đối với thế giới xung quanh không? Vọng tưởng của chàng Narcissus đã khiến chàng phớt lờ mọi người? Hay khung cảnh đen tối phía sau Narcissus là thể hiện tâm hồn đã chết bởi sự ích kỷ của chính chàng ta?

Với tôi, khoảng tối trong tranh đại diện cho cả hai điều trên. Narcissus lãng quên thế giới xung quanh vì ham muốn ích kỷ của chính mình. Chàng đã quên đi những người yêu thương chàng, gia đình và cả những chim muông, cây cối ngay bên cạnh chàng. Ham muốn của Narcissus khiến chàng quên mất ý nghĩa của sinh mệnh, rằng nên mở rộng tấm lòng và trân quý những sinh mệnh khác. Tâm hồn chàng đã bị lấp đầy bởi ham muốn và không có chỗ sự bao dung.

Những lời than trách của Narcissus cho thấy rằng mong muốn của chàng là vô vọng và không thể thành hiện thực. Càng khao khát càng không thể thỏa mãn, bởi vì khát vọng có được “cái bóng” hay hình ảnh phản chiếu trên mặt nước chính là biểu hiện của sự phù phiếm.

Tại sao hoạ sĩ Caravaggio lại tạo khối bầu dục trong bức tranh? Khi cánh tay của Narcissus chạm vào cánh tay do hình ảnh phản chiếu tạo ra hình bầu dục về thị giác.

Theo tôi, hình bầu dục biểu tượng cho sự trừng phạt của thần Nemesis vì cách mà Narcissus đối xử với tất cả những sinh mệnh khác. Chàng được ngưỡng mộ và yêu thương bởi mọi người nhưng trái với những gì nhận được, chàng chỉ đáp lại bằng thái độ lạnh lùng, xa cách và khinh bỉ. Sự trừng phạt của thần dành cho Narcissus khiến chàng phải chịu đựng sự ngưỡng mộ khôn nguôi với cái bóng của mình mà không được đáp lại. Thiện ác hữu báo là quy luật của vũ trụ.

Kẻ thù lớn nhất của tôi

Câu chuyện của Narcissus và bức tranh của Caravaggio đã nhắc nhở tôi ý nghĩa thật sự của ham muốn? Liệu mong muốn có nhiều lượt “thích” là biểu hiện của sự ích kỷ? Tôi thường tự nhủ “Tôi chia sẻ những bức tranh của mình lên mạng xã hội chỉ để giới thiệu tác phẩm của mình, kinh doanh và chu cấp cho gia đình”. Điều này là sự thật, nhưng nó chỉ là một phần của sự thật.

Đối với người hoạ sĩ chân chính, tác phẩm nghệ thuật là chiếc gương phản chiếu giá trị nhân sinh và thế giới nội tâm của họ. Những điều họ tâm huyết và trân quý, thậm chí cả những trăn trở, băn khoăn và ham muốn của chính họ đều được bộc lộ thông qua đường nét và màu sắc trong tranh. Người hoạ sĩ có cơ hội chạm tới những góc tối trong tâm hồn chính họ thông qua quá trình sáng tạo nghệ thuật. Khi công chúng bắt đầu đón nhận một tác phẩm nghệ thuật có nghĩa là họ trân trọng những giá trị nhân văn mà người nghệ sĩ gửi gắm.

Với vai trò là một hoạ sĩ, tôi luôn phải đối diện với tính tự mãn và sự tôn sùng cá nhân. Người hoạ sĩ đích thực liệu sẽ chia sẻ những tác phẩm của họ chỉ để được công chúng yêu thích và ngưỡng mộ? Những người xem tranh liệu có cảm nhận được đây là một hành động thiếu tôn trọng không? Đây có được xem là một hành động ích kỷ để thỏa mãn cá nhân hay không? Và hậu quả cho hành vi này là gì?

Người hoạ sĩ đa phần sáng tác nghệ thuật là để được ngưỡng mộ hoặc là dùng nghệ thuật để đánh thức những giá trị nhân văn trong nội tâm người xem. Tác phẩm của Caravaggio khiến đã tôi suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh cũng như vai trò của một người hoạ sĩ. Vậy nên “Tôi chia sẻ tác phẩm của mình là vì bản thân hay vì người khác?”

Sự thật là nghệ thuật có một khả năng kỳ diệu dẫn chúng ta chạm đến nội tâm mình, khiến chúng ta băn khoăn: “Ý nghĩa của bức tranh này là gì đối với tất cả những ai đã nhìn thấy nó và với chính bản thân tôi?”, hay là: “Trong quá khứ và cả tương lai thì bức tranh đã và đang có ảnh hưởng như thế nào tới xã hội?” và: “ Bức tranh đã khơi gợi điều gì trong nội tâm mỗi người xem?”. Đây là một vài câu hỏi chúng tôi tìm thấy trong tuyển tập Chạm vào nội tâm: Điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho tâm hồn

Cẩm Thơ
Theo tác giả: Eric Bess
Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện. Ông hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ của khoa Nghệ thuật Thị giác.

 



BÀI CHỌN LỌC

Chủ nghĩa ái kỷ: Đối diện kẻ thù lớn nhất của chính mình