Chữ “Nhẫn” là cánh cửa mở ra muôn điều kỳ diệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời nhà Tống, đại thần Phú Bật dạy các con rằng: “Chữ ‘Nhẫn’ là cánh cửa mở ra muôn điều kỳ diệu. Nếu đã có thanh liêm, tiết kiệm, chất phác, lại thêm đức ‘Nhẫn’ nữa, thì có việc gì mà không thành?”

Câu chuyện thứ nhất: Nhường người mấy thước đâu hại chi

Ở Tương Dương có phong tục tập quán: Giữa hai nhà kề nhau, nhất định phải trồng cây dâu, để làm ranh giới.

Hàn Hệ Bá thấy cây dâu nhà mình cao lớn, che bóng ảnh hưởng đến nhà bên, nên lùi cây về phía nhà mình vài thước, nhà hàng xóm thấy thế liền lấn theo.

Hàn Hệ Bá liền trồng lùi về lần nữa. Hàng xóm thấy ông hai lần nhường đất, cảm thấy tự xấu hổ, nên lập tức trả lại phần đất đã lấn.

Câu chuyện thứ hai: Nếu biết người cả đời khó quên, thà không biết

Thời Bắc Tống, Lã Mông Chính (tức Văn Mục) vừa nhậm chức Tham tri Chính sự, khi vào triều, có một đại thần đứng sau rèm cửa chỉ vào Lã Mông Chính nói: ‘Cái gã này mà cũng tới tham dự triều chính!’

Lã Mông Chính vờ như không nghe thấy, cứ đi vào. Các đồng sự yêu cầu hỏi rõ danh tính vị quan kia, Lã Mông Chính ngăn lại: ‘Nếu biết người đó rồi, tôi cả đời khó quên, cho nên không biết là hơn.’

Câu chuyện thứ ba: Đừng vì lỗi rượu say mà để mất một vị chí sĩ

Bính Cát thời Tây Hán, khi đang làm thừa tướng, có một quan lại rất thích uống rượu. Vị quan này có lần cùng Bính Cát ra ngoài uống rượu, uống say nôn ra xe thừa tướng, quan Tây Tào muốn cách chức ông ta. Bính Cát nói: ‘Chỉ vì ghét rượu say mà bỏ đi một vị chí sĩ, làm như vậy thì chúng ta có thể bao dung được ai đây? Hay là cứ nhẫn một chút, ông ấy chẳng qua là chỉ làm bẩn đệm xe mà thôi.’

Về sau,biên cương có chiến loạn, vị quan ấy đã anh dũng lâm trận, lập được đại công.

Câu chuyện thứ tư: Thay người trả nợ, không muốn người biết

Trần Trọng người Nghi Xuân (nay là thành phố Nghi Xuân Giang Tây) thời Đông Hán, tự Cảnh Công. Được đề cử Hiếu liêm, làm quan tới chức Thị ngự sử.

Khi đó, Trần Trọng làm quan lang ở vùng ấy, có một vị quan phụ trách nhà cửa thiếu nợ người ta mấy chục vạn tiền, chủ nợ đòi tiền rất gấp. Trần Trọng tự lấy tiền của mình trả thay cho vị kia.

Vị quan kia biết chuyện, muốn cảm tạ Trần Trọng. Trần Trọng nói: ‘Không phải tôi làm, có lẽ người nào đó trùng tên tôi làm việc thiện đó’.

Câu chuyện thứ năm: Hàn Kỳ tâm khí luôn bình hòa

Đối với một người bình thường, chỉ cần gặp lời không hợp lý, đối đãi không công bằng thì lập tức giận đầy lồng ngực, tuôn lời cay nghiệt.

Nhưng với Hàn Kỳ thời nhà Tống thì lại khác. Khi nói tới những kẻ tiểu nhân đạo đức thấp kém, vong ân phụ nghĩa, thậm chí cực lực công kích bản thân, Hàn Kỳ vẫn luôn tâm bình khí hòa, giống như là đang nói một câu chuyện hết sức bình thường vậy.

Câu chuyện thứ sáu: Ông chủ cõng người hầu về nhà

Dương Thành tự Cang Tông, là người Định Châu Bắc Bình (nay là huyện Hoàn, Hà Bắc). Di cư đến Thiểm Châu Hạ huyện (nay thuộc Sơn Tây), làm quan tới chức Gián nghị Đại phu.

Vào một ngày đông lạnh giá, trong nhà cạn lương thực, Dương Thành liền sai người hầu đi mua. Người hầu mang lương thực về được nửa đường thì toàn thân phát lạnh, run lên cầm cập, bèn tạt vào quán rượu lấy gạo đổi rượu uống, no say xong lên đường, rồi nằm luôn bên vệ cỏ ngủ một giấc dài.

Ở nhà Dương Thành thấy lạ, sao gia bộc vẫn chưa về? Nên cùng người em đi ra đón. Thấy người hầu vẫn đang ngủ say sưa, Dương Thành liền cõng luôn về nhà. Người hầu tỉnh giấc rất hoảng sợ, xin nhận tội.

Dương Thành bảo: ‘Trời lạnh mà, uống chút rượu cho ấm, tội tình gì chứ?’

Câu chuyện thứ bảy: Chữ ‘Nhẫn’ là cánh cửa mở ra muôn điều kỳ diệu

Thời nhà Tống, đại thần Phú Bật dạy các con rằng: “Chữ ‘Nhẫn’ là cánh cửa mở ra muôn điều kỳ diệu. Nếu đã có thanh liêm, tiết kiệm, chất phác, lại thêm đức ‘Nhẫn’ nữa, thì có việc gì mà không thành?”

Phú Bật thời trẻ độ lượng khoan hòa, có người mắng ông, ông coi như không nghe thấy. Bạn hữu nhắc ông: ‘Người kia đang mắng ông đó!’

Phú Bật nói: ‘Hình như là họ đang mắng người khác thì phải?’

Bạn ông lại nói: ‘Họ lôi cả họ tên của ông ra, sao có thể là mắng người khác được?’

Phú Bật nói: ‘Người bị mắng kia có thể là trùng tên trùng họ thôi, để mặc họ mắng đi.’

Người kia nghe xong thấy xấu hổ vô cùng, từ đó trở đi không dám mắng chửi gì nữa.

Câu chuyện thứ tám: Nhị Trình và kỹ nữ

Thời Bắc Tống, Trình Hạo và Trình Di là hai anh em, cùng vào yến tiệc. Trong tiệc có một kỹ nữ chuốc rượu, Trình Di liền đứng dậy bỏ về, Trình Hạo vẫn cứ như trước, vui vẻ đến tàn cuộc mới về.

Trình Hạo vẫn cứ như trước, vui vẻ đến tàn cuộc mới về. (Tranh SOH tổng hợp)

Hôm sau, Trình Di vẫn vì chuyện hôm qua mà bực bội, Trình Hạo nói: ‘Cuộc rượu tối qua, có kỹ nữ ở đó, nhưng tâm huynh vẫn luôn thản đãng, không có kỹ nữ trong lòng. Hôm nay tại thư phòng này không có cô ta, nhưng rõ ràng đệ vẫn đang mang kỹ nữ ở trong tâm’

Trình Di sực tỉnh, tự nhủ mình còn kém anh xa.

(Theo “Tạc phi am nhật toản” của Trịnh Tuyên - chuyển tải từ mạng Chánh Kiến)

Hoa Hàn - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chữ “Nhẫn” là cánh cửa mở ra muôn điều kỳ diệu