Chu thất tam mẫu – Ba người mẹ của nhà Chu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa cho rằng khi mang thai, phụ nữ ngủ không được nằm nghiêng, ngồi phải ngay thẳng, đứng không chắn lối, không ăn món kỳ lạ, thức ăn không chính thống không ăn, ghế không ngay ngắn không ngồi, mắt không xem tà sắc, tai không nghe tiếng dâm loạn, đêm nghe người đọc sách Thánh hiền, nói điều đứng đắn.

Trong cuốn “Liệt nữ truyện – Chu thất tam mẫu” có miêu tả về Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự - ba thế hệ nàng dâu họ Cơ, là thê tử của ba vị tộc trưởng khai sáng triều đại nhà Chu – Cơ Thái Vương, Cơ Quý Lịch và Chu Văn Vương. Ba vị tộc trưởng khai quốc cai trị hiền đức, ba vị phu nhân của họ đều trang nghiêm, chân thành cung kính, xứng đáng là mẫu nghi thiên hạ. Ba vị phu nhân thi hành cảm hóa quốc gia, phò tá ba vị tộc trưởng kiến lập nên cơ nghiệp nhà Chu hưng thịnh vĩ đại, kéo dài tới 800 năm. Họ đều là tấm gương sáng hiền thê giúp chồng tề gia của Trung Quốc, được người đời sau ca tụng là "Chu thất tam mẫu".

Thái Khương là mẹ của Cơ Quý Lịch, là con gái bộ tộc Thái Thị. Chu Thái Vương lấy bà làm vợ, sinh được Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Bà là người trung trinh, thẳng thắn, dốc lòng dạy bảo con cái, không một chút sai sót. Khi Thái Vương tính đưa bộ tộc chuyển đi nơi khác, bà đều tích cực tham gia. Cho nên Bậc quân tử nhận định rằng bà là người có thể kiên trì lấy đức để giáo hóa và có thể phát huy truyền thống.

Thái Nhậm là mẹ của Chu Văn Vương, là con gái của bộ tộc Chí Nhậm. Cơ Quý Lịch lấy bà làm vợ. Tính tình Thái Nhậm đoan trang, chuyên nhất, thành thật, làm việc theo đạo lý, đức hạnh. Sau khi bà mang thai, mắt không xem việc ác, tai không nghe việc tà dâm, miệng không nói lời ngạo mạn để tiến hành thai giáo đối với đứa con trong bụng. Bởi giữ gìn như vậy cho nên con của bà, chính là Chu Văn Vương sau này, ngay khi còn nhỏ đã có tài năng phẩm hạnh hơn người, trí tuệ thông minh. Khi bà dạy bảo Văn Vương, Văn Vương học một biết mười, sau này lập nên Vương triều nhà Chu. Vì thế người đời sau cho rằng Chu Văn Vương được như vậy chính là nhờ vào công lao bà Thái Nhâm áp dụng “thai giáo” thành công.

Miền công cộng

Người xưa cho rằng khi mang thai, phụ nữ ngủ không được nằm nghiêng, ngồi phải ngay thẳng, đứng không chắn lối, không ăn món kỳ lạ, thức ăn không chính thống không ăn, ghế không ngay ngắn không ngồi, mắt không xem tà sắc, tai không nghe tiếng dâm loạn, đêm nghe người đọc sách Thánh hiền, nói điều đứng đắn. Như vậy mới sinh được con có mặt mũi đoan trang, tài đức hơn người. Cho nên khi mang thai cảm nhận sự vật phải nhất định cẩn thận, cảm nhận điều thiện thì đứa con sẽ lương thiện, cảm nhận điều ác thì đứa con sẽ hung ác. Hình tượng và âm thanh của con người và vạn vật có rất nhiều chỗ giống nhau, đại đa số đều là kết quả của người mẹ cảm nhận, cho nên hình dung và âm thanh của đứa con sẽ giống với vạn vật. Thái Nhậm, mẹ của Chu Văn Vương, có thể nói là hiểu được cái đạo lý lấy vạn vật để giáo hóa.

Thái Tự là mẹ của Chu Vũ Vương, là con gái của bộ tộc Hữu Sằn. Bà là người nhân hậu mà lại hiểu biết lý lẽ. Bà được Văn Vương khen ngợi, đích thân đến sông Vị Thủy nghênh đón, đóng thuyền làm cầu. Bà vô cùng ngưỡng mộ danh tiếng đạo đức của tổ mẫu Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhậm, lại kế thừa đức hạnh của họ. Bà cần kiệm chăm lo việc nhà, tương trợ chồng giáo dục con cái, toàn lực hiệp trợ Văn Vương, xử lý việc trong nội viện gọn gàng ngăn nắp, để cho Văn Vương có thể chuyên tâm trị vì quốc gia, thi hành chính sách có lợi cho dân, giáo hóa đại chúng. Thái Tự được tôn xưng là Văn Mẫu. được khen tụng là “Văn Vương quản lý bên ngoài còn Văn Mẫu quản lý bên trong”.

Thái Tự tổng cộng sinh được mười người con trai. Con trai trưởng là Bá Ấp Khảo. Chín người con còn lại là: Chu Vũ Vương Cơ Phát, Chu Công Đán, Quản Thúc Tiên, Sài Thúc Độ, Thúc Chấn Đạc, Thành Thúc Vũ, Hoắc Thúc Xử, Khang Thúc Phong, Đam Thúc Tái. Thái Tự dạy bảo mười người con trai từ bé tới lớn chưa từng có việc gian tà. Đến khi các con lớn, Văn Vương tiếp nhận việc giáo dục các con, sau này đã tác thành đức hạnh của Vũ Vương và Chu Công. Cho nên người có tri thức thời đó tự nhận xét rằng Thái Tự rất nhân nghĩa, thông minh có đức hạnh. Có thơ ca ngợi:

Chu thất tam mẫu,
Thái Khương Nhâm Tự.
Văn vũ chi hưng,
cái do tư khởi.
Thái Tự tối hiền,
hiệu viết Văn Mẫu.
Tam cô chi đức,
diệc thậm đại hĩ!

Tạm dịch:

Chu thất tam mẫu,
Thái Khương Nhậm Tự.
Văn Vũ hưng thịnh,
do họ mà ra.
Thái Tự hiền nhất,
hiệu là Văn Mẫu.
Đức của ba bà,
vô cùng to lớn.

Thái Khương, Thái Nhậm và Thái Tự được hợp xưng làm Tam Thái (三太), hậu thế về sau dùng cụm từ Thái thái (太太) để gọi những phụ nữ cao tuổi có đức hạnh.

Vân Hải

Tham khảo hoclamnguoi.edu và https://vi.wikipedia.org



BÀI CHỌN LỌC

Chu thất tam mẫu – Ba người mẹ của nhà Chu