Chuyển sinh thành lừa để trả nợ? Câu chuyện luân hồi làm kinh động hoàng đế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hễ nhắc đến ‘nhi hoàng đế’ (vua con), rất nhiều người sẽ nghĩ đến Thạch Kính Đường thời Ngũ đại. Kỳ thực vẫn còn một ‘nhi hoàng đế’ khác, đó chính là Lưu Dự. Dưới thời Lưu Dự, trong dân gian có một sự kiện luân hồi "người chuyển sinh thành lừa" làm kinh động cả triều đình. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Thời Bắc Tống năm Tĩnh Khang thứ hai (năm 1127), quân Kim ồ ạt kéo xuống phía nam đánh chiếm đô thành Biện Lương, đặt dấu chấm hết cho triều đại Bắc Tống. Lúc này nhà Kim vẫn chưa có vị thế, vì muốn thống trị cả Trung Nguyên, triều đình nhà Kim đã tìm trong số các quan đại thần chịu đầu hàng của nhà Tống, lựa chọn ra một “vị vua hờ” kiến lập chính quyền bù nhìn làm vùng hòa hoãn xung đột. Nhân vật được chọn ấy tên là Lưu Dự.

Lưu Dự vốn là quan thái thú Tế Nam của nhà Tống. Sau khi quân Kim chiếm được Bắc Tống, Lưu Dự luôn a dua nịnh hót, nhất cử nhất động đều ngoan ngoãn nghe lời Kim triều, trở thành một con rối trong tay người Kim. Vào năm Kiến Viên thứ tư (năm 1130), Lưu Dự được triều Kim sắc phong làm hoàng đế, đóng đô ở phủ Đại Danh (nay là huyện Đại Danh, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc), đặt quốc hiệu là Đại Tề. Sử sách gọi đó là “Ngụy Tề”, còn Lưu Dự thì bị gọi là “ngụy đế”, hàm ý rằng đây chỉ là một vị vua giả, một vị vua bù nhìn của người Kim.

Nhưng câu chuyện hôm nay không phải là về Lưu Dự mà là kể về một sự kiện luân hồi vô cùng đặc biệt: Người chuyển sinh thành lừa - câu chuyện từng làm chấn động cả ngụy đế Lưu Dự.

Chuyện kể rằng, ở thủ đô Biện Lương (nay là Khai Phong, Hà Nam) của Bắc Tống có một người phụ nữ đã quá cố nhiều năm tên là Hạ Nhị Nương. Một ngày, con trai của Hạ Nhị Nương là Đỗ Sinh có một giấc mơ vô cùng rõ ràng chân thực, sau khi tỉnh dậy, từng lời nói và hình ảnh trong mộng vẫn còn hiển hiện sống động ngay trước mắt.

Trong mộng, Hạ Nhị Nương nói với Đỗ Sinh: “Con à, hồi còn sống mẹ từng nợ nhà họ Vương 12 quan tiền và nợ nhà họ Trần 34 quan tiền. Bởi vì mẹ luôn nợ tiền mà không chịu hoàn trả, nên sau khi chết đã bị âm gian xử phạt, phán rằng mẹ phải đầu thai vào nhà họ Vương làm con lừa để trả nợ. Sau này con lừa lớn lên, nhà họ Vương đem bán cho nhà họ Trần để kiếm tiền, số tiền ấy cũng vừa hay đã bù lại khoản tiền mẹ nợ năm xưa, do đó món nợ với nhà họ Vương cũng tính là trả xong”.

“Sau khi bị bán vào nhà họ Trần, con lừa này phải làm việc suốt cả ngày, ngày ngày đều thồ thóc thồ lúa, cực nhọc lắm con ạ. Vậy mà công sức khó nhọc vẫn không đủ để trả nợ, đến nay mẹ vẫn còn nợ họ 18 quan tiền, chí ít còn phải làm việc hai năm nữa mới có thể trả xong”.

“Con ơi, nếu con vẫn còn thương cái thân già này thì hãy cứu mẹ. Trước đây khi còn sống mẹ từng chôn hơn trăm lượng bạc làm của riêng, giấu ở dưới ngưỡng cửa phòng chính trong nhà ta. Con hãy đào số tiền ấy lên rồi chuộc mẹ về, âu cũng là một cách giúp mẹ trả dứt món nợ còn tồn đọng trên dương thế”.

Đỗ Sinh vội hỏi: “Mẹ à, mẹ đã chuyển sinh thành lừa rồi, vậy làm sao con mới nhận ra mẹ được?”.

Hạ Nhị Nương nói: “Sáng sớm ngày mai sẽ có đoàn la chở hàng đi từ cổng Nam Huân tiến vào trong thành. Dẫn đầu đoàn là một con la, sau đó là một con lừa, sau con lừa ấy lại có một con lừa nữa, đó chính là mẹ đã chuyển sinh thành. Con à, con nhớ nhé, con lừa đi ở vị trí thứ ba trong đoàn chính là mẹ đấy, khi con đến mẹ sẽ ngẩng cao đầu nhìn con, lúc ấy con sẽ nhận ra ngay”.

Đỗ Sinh giật mình tỉnh mộng, trong lòng mơ hồ cảm thấy giấc mộng này quả thực không bình thường. Vì để nghiệm chứng cậu liền đào sâu xuống dưới ngưỡng cửa nhà, quả thực đã phát hiện một bọc ngân lượng, số ngân lượng này có hơn trăm lượng, đúng như lời Hạ Nhị Nương đã thác mộng. Đỗ Sinh xúc động khóc òa lên khi nhận ra người mẹ đã qua đời nhiều năm nay lại báo mộng cầu cứu mình.

Sáng sớm hôm sau Đỗ Sinh đến cổng Nam Huân đứng chờ từ tờ mờ sáng, quả nhiên thấy một đoàn la chở lúa mì đi vào trong thành. Dẫn đầu đoàn là một con la, sau đó là hai con lừa, con lừa đi ở vị trí thứ ba kia ngẩng đầu nhìn Đỗ Sinh chăm chú, mọi chuyện diễn ra giống hệt như những lời căn dặn trong mộng. Đỗ Sinh không nén nổi nỗi thương tâm, òa lên khóc như mưa: “Mẹ của ta thực sự đã chuyển sinh thành lừa, nay phải nai lưng ra làm việc để trả nợ cho người ta, chao ôi là đau xót!”

Đỗ Sinh chạy tới muốn dắt con lừa ra khỏi đoàn, gia nhân nhà họ Trần vội ngăn lại: “Đây là con lừa của lão gia nhà tôi, sao cậu lại vô cớ dắt đi?”.

Đỗ Sinh nói: “Con lừa này là mẹ tôi chuyển sinh, tôi cần phải đưa nó về nhà”.

Hai bên lời qua tiếng lại, không ai chịu nhường ai. Cuộc tranh cãi hàng giờ vẫn không ngã ngũ, cả hai liền kéo nhau đến Sương quan (một chức quan cấp cơ sở) để báo án. Sương quan cho rằng câu chuyện chuyển sinh này rất tân kỳ mới lạ, ông liền báo cáo lên phủ Khai Phong. Phủ doãn phủ Khai Phong liền cho gọi những người liên quan cùng với con lừa lên công đường, đích thân ông thẩm lý vụ kỳ án có một không hai này.

Con lừa
Phủ doãn phủ Khai Phong liền cho gọi những người liên quan cùng với con lừa lên công đường. (Ảnh pexels)

Phủ doãn ra lệnh kéo con lừa đến trước mặt rồi hỏi: “Nếu nhà ngươi nhận ra con trai mình, vậy thì hãy ngậm lấy vạt áo của cậu ta cho bản quan xem”.

Lời vừa nói xong, con lừa liền đi đến, vươn đầu ra rồi ngậm chặt vạt áo của Đỗ Sinh. Phủ doãn kinh ngạc, liền cấp báo vụ án xưa nay chưa từng có này lên Lưu Dự. Bởi vì lúc ấy Bắc Tống đã diệt vong, phủ Khai Phong quy về quyền quản lý của vương triều Ngụy Tề của Lưu Dự.

Ngụy Tề hoàng đế Lưu Dự vô cùng hiếu kỳ, liền cho gọi cả hai bên và con lừa đến. Lưu Dự ngồi trên đại điện nói với con lừa: “Nếu ngươi có thể đặt hai chân trước lên vai con trai ngươi, thì ta mới tin ngươi là chuyển thế của mẹ cậu ta”.

Quả nhiên, con lừa đã đặt hai chân trước lên vai Đỗ Sinh. Lưu Dự kinh ngạc không thốt nên lời, trầm ngâm hồi lâu cảm thán mãi, sau đó ông nói với Đỗ Sinh: “Ta sẽ để quan phủ xuất tiền và chuộc lại con lừa này cho ngươi, nhà ngươi thấy thế nào?”.

Đỗ Sinh quỳ xuống cảm tạ rồi thưa: “Nếu quan phủ xuất tiền, tiểu dân e rằng món nợ của mẫu thân vẫn chưa hoàn trả được, nói không chừng đến kiếp sau vẫn phải hoàn trả. Vậy tiểu dân mong bệ hạ phê chuẩn để tiểu dân dùng tiền của bản thân chuộc lại con lừa này”.

Ngụy Tề hoàng đế Lưu Dự rất hài lòng, liền đích thân phán quyết: “Trẫm cho phép Đỗ Sinh trả tiền cho nhà họ Trần để chuộc lại con lừa, kết thúc món nợ truyền đời này”.

Sau đó, Đỗ Sinh về nhà quét dọn một gian phòng sạch sẽ cho con lừa, con lừa sống ở đó thêm hai năm rồi mới chết. Đỗ Sinh đem xác lừa đi an táng chu đáo, sau đó lại thắp hương khấn vái mẫu thân Hạ Nhị Nương. Sau này, một vị tướng lĩnh lừng danh của nhà Nam Tống là Nhạc Phi dẫn quân bắc phạt, nắm quyền kiểm soát các địa khu Lạc Dương và Hà Nam, Đỗ Sinh bèn nhân cơ hội đó đưa gia quyến di cư đến Cám Châu, Giang Tây, chính thức trở về nhà Nam Tống. Câu chuyện tái sinh ly kỳ nói trên đã được chính Đỗ Sinh kể lại khi đang ở Cám Châu.

Trong câu chuyện trên, Hạ Nhị Nương vì thiếu nợ mà phải chuyển sinh thành lừa, tiếp tục làm việc không nghỉ cho đến khi hoàn trả sạch mới thôi. Thiếu nợ thì phải hoàn trả, thiện ác hữu báo, luật nhân quả chân thực không chừa một ai.

(Tài liệu: “Di Kiên Chí”)

Theo Đức Huệ - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyển sinh thành lừa để trả nợ? Câu chuyện luân hồi làm kinh động hoàng đế