Chuyện về Phật Milarepa: Cứu độ người đã hạ độc Đức Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước khi niết bàn, người cuối cùng mà Phật Milarepa (Mật-lặc Nhật-ba) muốn cứu độ lại hạ độc sát hại Ngài. Người đó tuy là một học giả đọc rộng biết nhiều nhưng tâm địa độc ác. Cuối cùng Đức Phật đã độ hóa ông ta bằng cách nào?

Phật Milarepa (1052-1135) là tông sư đời thứ nhất của trường phái Kagyu thuộc Phật giáo Tạng truyền (Phật giáo Tây Tạng), cũng là thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật. Ngài được người Tây Tạng tôn xưng là “Tuyết Sơn Chi Quang”, tức ánh sáng của núi tuyết.

Trong những năm cuối đời, theo khẩn cầu của các đệ tử, Phật Milarepa đã giảng lại câu chuyện tu luyện gian khổ của bản thân. Dưới an bài của Thượng Sư, ngài Milarepa đã vượt qua trùng trùng khổ nạn, cuối cùng tiêu trừ hết tội nghiệt, đắc được Đại Pháp tu thân thành Phật. Ngài cũng tiết lộ quá trình khổ tu tinh tấn của mình, cuối cùng tu xuất được Thần thông như vạn thiên biến hóa, bay lên không trung, v.v. và bắt đầu độ nhân.

Milarepa, Pango Chorten, Gyantse.JPG
Tượng Phật Milarepa ở Gyantse, Tây Tạng. (John Hill / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Từ lời khẩu truyền của Tôn giả Milarepa về người cuối cùng Ngài muốn độ, các đệ tử đã chỉnh lý và ghi chép lại. Khi ấy Tôn giả đã ngoài 80, cũng là lúc Ngài sắp niết bàn. Người được độ là một học giả, mặc dù đọc rất nhiều sách, nhưng lòng đầy đố kỵ và căm hận Tôn giả. Đối với một người như vậy, liệu Tôn giả có thể hóa độ ông ta hay không?

Lòng đố kỵ của học giả

Tôn giả Milarepa đã độ hóa rất nhiều chúng sinh hữu duyên, lần lượt dẫn dắt họ bước lên con đường tu Phật. Người cuối cùng được Tôn giả cứu độ tên là Thao Phổ, người làng Đình Nhật, là người quý tiền của như sinh mệnh. Vì ông ta là học giả nên rất được người dân địa phương cung kính, mỗi lần có yến tiệc đều được ngồi ở vị trí hàng đầu.

Vào ngày đầu tiên của mùa thu năm Mộc Hổ (năm Giáp Dần 1134), dân làng mở yến hội và mời Tôn giả ngồi ở vị trí cao nhất, còn Thao Phổ chỉ được ngồi ở vị trí thứ hai. Thao Phổ ngoài mặt tỏ vẻ cung kính nhưng trong lòng vô cùng đố kỵ, liên tục ở trước mặt mọi người cố ý nêu ra những câu hỏi hóc búa để làm xấu mặt Tôn giả, nhưng ông ta cũng liên tục không đạt được ý đồ.

Trước mặt mọi người, Thao Phổ đảnh lễ với Tôn giả, trong tâm nghĩ rằng lát nữa Tôn giả cũng sẽ đáp lễ mình. Nhưng ngoài Thượng Sư của bản thân, Tôn giả chưa bao giờ đảnh lễ với bất kỳ ai khác. Không được đáp lễ, Thao Phổ tức giận bất bình, ông ta nghĩ:

“Ta là học giả bác học đa tài đến thế mà vẫn đảnh lễ với một người chẳng có chút học vấn như ông ta, thế mà ông ta không những không đáp lễ, còn ngồi đó bất động cao cao tại thượng. Lý nào lại như thế, không báo thù không được”.

Ngay sau đó, Thao Phổ cầm một cuốn luận điển nhân minh (một học thuyết về luận chứng và phản bác của Ấn Độ cổ đại) và đặt trước mặt Tôn giả. Ông ta nói: “Mời ông giảng giải từng chữ trong cuốn sách này và giải đáp nghi vấn, đồng thời nêu ý kiến và bình luận”.

Tôn giả đáp: “Có lẽ ông có thể giảng giải hàm nghĩa bề mặt chữ trong luận điển, nhưng ý nghĩa thực sự thì phải là người khắc phục được dục vọng ‘tám pháp thế gian’ và hàng phục được chấp ngã mới có thể nhìn thấy. Ngoài đó ra, những học thức luận biện dạy người ta cách vấn đáp kia đều không có nghĩa lý gì. Cho nên, ta cũng chưa từng học qua, lại càng không hiểu, cho dù có từng học qua thì cũng sớm quên từ lâu”.

Thao Phổ nghe xong liền phản bác: “Những người chuyên môn tu hành như các ông, đương nhiên chỉ biết dùng những lý lẽ như vậy để đối đáp. Còn điều chúng tôi giảng là học lý, là căn cứ theo đạo lý logic mà suy ngẫm và phân biệt. Những lời ông nói hoàn toàn không phù hợp với đại nghĩa của Phật Pháp. Ta đây xem ông là người tài nên mới đảnh lễ…”.

Ông ta cứ thế nói mãi không ngừng.

Dân làng nghe vậy cũng rất không vừa lòng, họ nhất trí nói: “Học giả, bất kể ông biết được bao nhiêu giáo lý Phật Pháp, nhưng người [biết nhiều] như ông thì nơi đâu cũng có, lấp đầy cả thế giới, nhưng cũng không lấp đầy được một lỗ chân lông của Tôn giả. Tốt hơn hết ông đừng lên tiếng nữa, mời an phận ngồi xuống ghế chúng tôi đã sắp đặt, nghĩ cách làm sao gia tăng tài sản của mình là được rồi, đừng làm bản thân mất mặt nữa”.

Thao Phổ bị nói thế thì giận tím mặt, nhưng trước sự phẫn nộ của mọi người ông ta đành phải nuốt cục tức này xuống, ngoài miệng không nói gì nhưng trong tâm bừng bừng oán khí, thầm nghĩ:

“Hừ, cái tên Milarepa không có tri thức này, hành vi điên cuồng, nói chuyện hoang đường, dùng lời lẽ hư giả xằng bậy lừa gạt mọi người cúng dường, làm mất mặt Phật Pháp. Về phương diện Pháp, một người bác học, có học vấn, có danh vọng, có tài sản như ta, lại bị mọi người coi chẳng bằng một con chó. Lý nào lại như thế, phải nghĩ cách mới được”.

Bày mưu tính kế hạ độc Tôn giả

Thao Phổ có một tình nhân ở thôn Bố Lâm. Một hôm, ông ta kêu cô gái đó bỏ thuốc độc vào trong bát phô mai cúng dường Tôn giả để hạ độc hại chết Ngài. Sau khi hoàn thành sẽ tặng cô ta một viên bích ngọc lớn làm thù lao. Cô gái đáng thương ấy tưởng ông ta nói thật, liền bỏ thuốc độc vào bát sữa rồi đến Nhai Thành cúng dường Tôn giả.

Lúc này, Phật Milarepa đã sớm biết tất cả. Ngài quan sát nhân duyên, biết rằng những chúng sinh hữu duyên với mình đều đã độ hóa. Mặc dù thuốc độc không thể làm hại Tôn giả, nhưng cũng sắp đến ngày Ngài niết bàn.

Tôn giả chuẩn bị nhận bát sữa cúng dường, nhưng Ngài biết rằng Thao Phổ không phải là một người giữ chữ tín. Nếu bây giờ Ngài uống thì cô gái này sẽ không nhận được viên ngọc. Tôn giả nói với cô: “Bây giờ ta không uống, đợi sau này cô lại mang đến, có lẽ lúc đó ta sẽ uống”.

Cô gái nghe lời Tôn giả nói thì trong lòng vô cùng hoài nghi và lo sợ. Cô ta đoán có lẽ Tôn giả đã biết chuyện, thấp thỏm bất an trở về.

Khi gặp Thao Phổ, cô gái liền kể lại sự việc rồi khẳng định rằng Tôn giả có Thần thông nên mới không chịu nhận bát sữa. Thao Phổ nói:

“Hừ, ông ta mà có Thần thông thì đã không bảo nàng hôm khác lại mang đến, mà sẽ kêu nàng uống cái bát đó. Nếu ông ta đã kêu nàng hôm sau lại mang đến, xem ra căn bản xưa nay ông ta không có Thần thông. Giờ nàng cầm viên ngọc này trước rồi mang bát phô mai này tới cho ông ta, chuyến này nhất định phải cho ông ta uống”.

Cô gái vội thoái thác: “Mọi người đều tin ông ấy có Thần thông. Vì có Thần thông nên hôm qua mới không uống bát phô mai đó. Hôm nay em lại mang đến, ông ấy nhất định sẽ không uống. Em sợ lắm, không dám đi. Em thà không nhận viên ngọc này, hãy tha cho em. Chuyện này em không làm được”.

“Thế gian này chỉ có phàm phu ngu ngốc mới tin ông ta có Thần thông, bởi vì bọn họ không xem kinh sách, không hiểu đạo lý, cho nên mới bị ông ta lừa gạt. Trong kinh sách mà ta đọc, dáng vẻ người có Thần thông không giống như ông ta. Ta bảo đảm ông ta không có Thần thông” - Thao Phổ nói chắc nịch.

Sau đó ông ta lại nịnh cô gái: “Nàng hãy mang phô mai cho ông ta, xong việc này ta nhất định không phụ lòng nàng. Chúng ta yêu nhau lâu như vậy, xong việc ta sẽ kết hôn với nàng. Tới lúc đó, ngoài viên ngọc này, hết thảy tài sản trong ngoài nhà ta đều giao cho nàng quản lý. Chúng ta họa phúc cùng hưởng, bạch đầu giai lão. Nàng xem có được không?”.

Cô gái tưởng người đàn ông này thật lòng nên lại mang bát phô mai có độc tới cúng dường Tôn giả Milarepa.

Đợi lấy được ngọc

Lần này, Tôn giả trông thấy cô gái lại mang bát sữa tới thì mỉm cười nhận lấy. Cô gái nghĩ thầm, xem ra học giả nói không sai, quả nhiên ông ấy không có Thần thông. Không ngờ Tôn giả lại mỉm cười nói: “Cái giá cô nhận được khi làm việc này, viên ngọc ấy, cô nhận được chưa?”.

450px-Milarepa statue.jpg
Tượng Phật Milarepa ở Nepal, có thuyết nói rằng Ngài đang lắng tai nghe âm thanh của chư Thiên và Pháp. (Sarah Lionheart / Wikimedia Commons / CC BY-SA 3.0)

Tôn giả vừa dứt lời thì cô gái sợ tới mặt biến sắc, há hốc miệng, không nói được câu nào, toàn thân run rẩy, vừa hổ thẹn vừa lo sợ, vừa dập đầu vừa khóc nói: “Tôn giả, con cầm được ngọc rồi. Nhưng xin Ngài đừng uống, hãy đưa lại cho con”.

“Cô muốn làm gì?” - Tôn giả hỏi.

“Xin ngài hãy để kẻ tội nghiệt này uống bát đó” - cô gái khóc lớn.

Tôn giả nói: “Thứ nhất, ta xem cô cũng thật đáng thương, không nhẫn tâm kêu cô uống nó. Thứ hai, nếu ta không nhận đồ cúng dường của cô, sẽ làm trái với giới luật Bồ Tát. Đặc biệt là cái thân đời này của ta, sự nghiệp độ chúng sinh cũng đã viên mãn, đã đến lúc phải đến thế giới khác.

Kỳ thực, đồ cúng dường của cô không thể làm tổn hại ta, uống hay không cũng không sao. Nếu lúc trước ta uống bát sữa kia, e là sau đó cô không thể nhận được viên ngọc, cho nên lúc đó ta không nhận. Hiện giờ cô đã lấy được ngọc, ta có thể yên tâm mà uống rồi, còn có thể hoàn thành nguyện vọng của ông ta.

Lại nói, mặc dù ông ấy hứa hẹn với cô là sau khi xong việc thì cho cái này, cho cái kia, nhưng lời này không đáng tin. Những lời ông ấy nói về ta cũng không có câu nào là thật.

Hai người thường hay vứt bỏ niềm vui và hạnh phúc, tự tìm đau khổ. Nghiệp các người tạo lần này, ta đã phát nguyện thanh tịnh sám hối thay. Tuy mọi người sớm muộn gì cũng biết việc hai người làm, nhưng vì sự an toàn của các ngươi, khi ta chưa chết thì tuyệt đối đừng nói cho người khác biết.

Những lời ta nói trước kia rốt cuộc là thật hay giả, các ngươi chưa được tận mắt thấy thì không tin. Nhưng lần này cô đã tận mắt chứng kiến, cũng đã tin lời ta nói không phải là giả”.

Nói xong, Tôn giả liền uống hết bát sữa độc.

Tôn giả sắp niết bàn

Cô gái lau nước mắt, cáo biệt Tôn giả, rồi trở về kể lại toàn bộ câu chuyện cho vị học giả kia. Thao Phổ nói: “Món ăn trong nồi không nhất định là ngon, lời người ta nói không nhất định là thật. Chỉ cần ông ta uống sữa độc thì ta đạt được mục đích rồi. Nàng cứ im lặng đừng nói ra là được”.

Tôn giả truyền lời cho thôn Đình Nhật đến gặp mặt để giảng Pháp cho mọi người. Những người đến nghe, ngoài các thí chủ tín sĩ còn có những người ở các nơi khác chưa từng gặp Ngài. Giảng Pháp xong, Tôn giả nói:

“Ta tuổi đã già, thân đã yếu. Hôm nay chúng ta có thể gặp mặt lại, thực sự là khó nói chắc, nhưng Pháp mà ta giảng cho các vị đều là chân thực không hư giả. Hy vọng các vị tu trì như Pháp. Trong chùa Phật của ta, khi ta hiện thân thành Phật, các vị sẽ đều là đệ tử được nghe ta thuyết Pháp trong buổi hội đầu tiên, cho nên các vị nên vui mừng”.

Các đệ tử hỏi Tôn giả, có phải lời dặn dò này nghĩa là Ngài đã hoàn thành việc độ chúng sinh và sắp sửa niết bàn? Mọi người thỉnh cầu Tôn giả, nếu như Ngài thực sự phải niết bàn, bất luận thế nào cũng phải trở về niết bàn tại quê hương.

Giả vờ thăm bệnh

Không lâu sau, thân thể Tôn giả biểu hiện ra bệnh tật trầm trọng. Học giả Thao Phổ nghe tin liền mang rượu thịt mĩ vị, giả vờ tới cúng dường Tôn giả. Tới trước mặt Tôn giả, Thao Phổ cười nhạo nói:

“Chà, người đại thành cựu như Tôn giả đây, theo lý thì không nên có bệnh nặng thế này. Nếu như bệnh tật có thể chia sẻ cho người khác, chi bằng phân một chút cho các đại đệ tử của ngài. Nếu như bệnh tật có thể truyền cho người khác, xin hãy truyền cho ta. Ta thấy ngài bây giờ đúng là không còn đường nào khác, làm sao mới tốt đây”.

Tôn giả khoan thai cười nhẹ: “Lần này, ta vốn không cần phải sinh bệnh. Nguyên nhân bệnh thì ông là người biết rõ nhất. Việc người thường mắc bệnh và yoga hành giả mắc bệnh, tính chất không giống, nguyên do cũng không giống. Căn bệnh hiện nay của ta kỳ thực là biểu hiện trang nghiêm của Phật Pháp”.

Thao Phổ thầm nghĩ: “Tôn giả hình như đang nghi ngờ ta, nhưng cũng không dám xác định”. Mặc dù Tôn giả nói, bệnh tật có thể chuyển dịch, nhưng Thao Phổ lại nhận định rằng đó là điều không thể, cho rằng thiên hạ này làm gì có ai có thể chuyển bệnh cho người khác. Ông ta liền đáp:

“Nguyên nhân Tôn giả mắc bệnh, ta thực sự không rõ. Nếu bệnh là do ma quỷ gắn lên thân mà ra, vậy thì nên làm phép đuổi chúng. Nếu bệnh là do tứ đại không điều hòa mà ra, vậy nên uống thuốc dưỡng thân. Nếu bệnh thật sự có thể chuyển cho người khác, vậy xin Tôn giả chuyển bệnh đó lên thân ta là được”.

Tôn giả bèn nói: “Có một kẻ đại tội, ma quỷ trong tâm hắn chạy ra làm tổn hại ta, khiến ta tứ đại không điều hòa mà sinh bệnh. Bệnh này, ông không có năng lực trừ bỏ nó đâu. Mặc dù có thể truyền cho ông, nhưng chỉ e một khắc ông cũng không thể chịu được, nên thôi bỏ đi”.

Trong tâm Thao Phổ càng chắc nịch rằng lão già này không hề có năng lực chuyển bệnh sang thân người khác. Ông ta càng ngang ngạnh, không làm Tôn giả xấu mặt không được, kiên trì cầu xin Tôn giả nhất định phải chuyển bệnh sang cơ thể mình.

“Được, nếu ông đã kiên trì thỉnh cầu, vậy trước tiên ta sẽ chuyển bệnh lên cánh cửa kia. Nếu truyền sang ông, ông sẽ không chịu nổi. Nhìn cho kỹ”, nói xong Tôn giả dùng Thần lực chuyển thống khổ lên cánh cửa đối diện. Cánh cửa ngay lập tức phát ra âm thanh kẽo kẹt, dường như muốn nứt ra. Một lúc sau, quả nhiên cánh cửa đột nhiên nổ tung thành vô số mảnh.

Lúc này, Tôn giả hiện ra dáng vẻ vô bệnh khỏe mạnh. Chứng kiến một màn kia, không ngờ Thao Phổ vẫn nhất quyết không tin, lại trộm nghĩ: “Hừ, đây chẳng qua chỉ là chút ma thuật che mắt mà thôi, không lừa được ta đâu”. Ông ta giả vờ nói: “Ái chà, đúng là hiếm thấy”.

Thao Phổ vẫn nài xin Tôn giả chuyển bệnh lên thân mình. Tôn giả gật đầu nói: “Được, nếu ông đã cầu xin tới vậy, ta sẽ đem một nửa cơn đau do bệnh gây ra truyền cho ông”. Vừa dứt lời, Tôn giả liền chuyển thống khổ cho Thao Phổ. Trong nháy mắt, cơn đau làm ông ta ngã lăn ra, suýt hôn mê bất tỉnh. Thân thể không thể cử động, hô hấp vô cùng khó khăn, cảm thấy bản thân như sắp tắt thở.

Khi này, Tôn giả nhanh chóng thu hồi lại phần lớn nghiệp bệnh đã truyền cho Thao Phổ. Ngài hỏi: “Thế nào, ta mới cho ông một chút bệnh, có chịu nổi không?”.

Sau khi đích thân trải nghiệm, Thao Phổ vô cùng ăn năn với những gì bản thân làm trước kia. Ông ta phủ phục dưới chân Tôn giả, nước mắt đầm đìa nói:

“Tôn giả hỡi Tôn giả, Thánh nhân hỡi Thánh nhân, con thành tâm sám hối, xin Ngài tha thứ cho. Con nguyện cúng dường tất cả gia sản cho Ngài, xin Tôn giả nghĩ cách xóa trừ tội nghiệt và quả báo cho con”.

Tôn giả nhìn thấy Thao Phổ thành tâm sám hối thì vô cùng vui mừng. Ngài liền thu hồi tất cả bệnh nghiệp còn lại trên thân Thao Phổ và nói:

“Cả đời ta sống trước nay đều không cần nhà cửa, vườn tược, gia sản. Hiện giờ cũng sắp chết rồi, càng không cần những thứ đó. Ông cứ giữ lại. Sau này cho dù hết mệnh cũng không được làm điều ác nữa. Quả báo do ông tạo nghiệp lần này, ta đồng ý thay ông tiêu trừ”.

Sau đó, học giả Thao Phổ từ bỏ tham luyến một đời, trở thành người tu hành.

Bhutanese painted thanka of Milarepa (1052-1135), Late 19th-early 20th Century, Dhodeydrag Gonpa, Thimphu, Bhutan.jpg
Tranh thanka vẽ Đức Phật Milarepa treo ở thủ đô Thimphu của Bhutan. (Public Domain)

Tôn giả hoàn thành sứ mệnh

Tôn giả Milarepa nói với các đệ tử: “Sở dĩ ta muốn ở đây, là vì phải khiến kẻ mắc đại tội thành tâm sám hối, được giải thoát từ trong tội khổ. Giờ đây, việc này đã thành, ta sắp phải đi. Việc các bậc đại tu hành viên tịch ở thành trấn cũng giống như hoàng đế băng hà ở nhà thường dân. Cho nên ta phải đi Khúc Ba để tìm nơi qua đời”.

Đệ tử Sắc-vấn Nhạ-ba liền thưa: “Thưa Thượng Sư, Ngài đã già lại mắc trọng bệnh, nếu như đi bộ thì thực sự quá vất vả. Xin để con sắp xếp kiệu rước Ngài đi”.

“Ta không nhất định là đang mắc bệnh, ta chết cũng không phải là thật sự chết, chỉ là biểu hiện bệnh tướng, tử tướng mà thôi” - Tôn giả giảng giải - “Ta không cần kiệu gì hết. Các đệ tử trẻ tuổi hãy đến Khúc Ba trước đi”.

Nhưng đợi đến khi các đệ tử trẻ tuổi đến được Khúc Ba, phát hiện Tôn giả đã ở đó đợi họ từ lâu. Rất nhiều đệ tử lớn tuổi hơn nói, chúng ta đã đi cùng Tôn giả tới đây. Một người khác lại nói, Tôn giả ở trên đỉnh hang Độc Long nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Cũng có nhiều người khác cho biết, mỗi người chúng tôi ở nhà của mình, đều thấy có một Tôn giả đến nhận cúng dường. Mọi người mỗi người một ý, tranh luận với nhau.

Tôn giả cười nói: “Các con đều đúng. Ta làm như vậy chẳng qua là muốn trêu đùa một chút”.

Phật Milarepa hưởng thọ 84 tuổi, viên tịch vào mùa đông năm Mộc Thử (năm 1135). Hôm ấy là rạng sáng ngày 14 tháng 12, khi tinh quang vừa tắt, mặt trời vừa lên. Lúc này, trên không trung xuất hiện một dải cầu vồng to lớn dị thường, vô cùng rõ ràng, như thể đưa tay ra là có thể chạm vào.

Mây tía rợp trời, mưa hoa rợp đất, hương thơm kỳ lạ ngập tràn. Con người trần tục đều có thể nhìn thấy hình dáng Thần Tiên, Thiên nhân đứng khắp bầu trời, có những Thiên Thần còn nói chuyện, chào gọi con người. Ai ai cũng được chứng kiến kỳ tích hiếm có này.

Trong rất nhiều năm sau đó, cứ đến ngày kỷ niệm Tôn giả, trên trời lại xuất hiện cầu vồng rải cơn mưa hoa, vang khúc nhạc trời, tỏa hương thơm lạ. Ngoài ra, trên mặt đất cũng nở rất nhiều loại hoa lạ, mùa màng bội thu, con người không có tai ương, bệnh tật, chiến tranh, họa loạn. Kỳ tích lưu lại kể khôn xiết.

Nam Phương
Theo Vườn Văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện về Phật Milarepa: Cứu độ người đã hạ độc Đức Phật