Chuyện Vương Chiêu Quân: Một nấm mồ xanh dưới hoàng hôn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xứ Hồ bạt ngàn cỏ trắng, duy chỉ một gò đất ngan ngát màu xanh. Mỗi khi mùa thu tới, cỏ cây xung quanh đều héo khô tàn tạ nhưng chỉ riêng nơi đây là bừng bừng sức sống. Tương truyền, gò đất ấy là ngôi mộ của vị mỹ nhân lừng danh trong lịch sử – Vương Chiêu Quân.

Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, tự Chiêu Quân, là người Tỷ Quy, Nam Quận (nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Nàng xuất thân trong gia đình thư hương, từ nhỏ đã thông minh dĩnh ngộ, đầy bụng thi thư, am hiểu về âm luật. Không chỉ vậy, nàng còn nổi bật với nhan sắc đoan trang diễm lệ, nước da như ngọc, đôi mắt sáng trong, cặp lông mày thanh tú, phong thái rất duyên dáng, toàn thân nàng toát lên một khí chất thoát tục siêu phàm.

Năm ấy, Hán Nguyên Đế vì muốn mở rộng hậu cung nên đã cho tuyển mỹ nữ khắp thiên hạ. Vương Tường vốn là một trang tuyệt sắc nên cũng buộc phải rời xa gia đình để vào chốn thâm cung.

Kỳ nữ chốn thâm cung

Phía Bắc nhà Hán là những bộ tộc du mục hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn, nhưng vì nội bộ phân liệt nên người Hung Nô liên tiếp chinh chiến mãi không ngừng. Trong cuộc nội chiến lần thứ nhất, Chất Chi tranh chấp với em trai là Hô Hàn Tà, kết quả Chất Chi thống lĩnh phía bắc và phía tây, còn Hô Hàn Tà làm thiền vu nắm giữ phía nam Hung Nô.

Khi Nguyên Đế mới lên ngôi, Thiền vu Hô Hàn Tà đã gửi thư cầu viện nhà Hán. Hán Nguyên Đế lệnh cho quận Ngũ Nguyên và Vân Trung vận chuyển hai vạn hộc thóc gạo đi cứu trợ. Không ngờ việc nhà Hán ủng hộ Hô Hàn Tà đã khiến Chất Chi sinh lòng oán hận, trong cơn nóng giận ông ta đã giết chết sứ thần. Thiền vu Chất Chi biết rằng bản thân mắc tội với Hán triều, ông ta bèn dẫn quân về phía tây Khang Cư, nhưng cuối cùng vẫn bị quân Hán tiêu diệt.

Sau sự việc này, Thiền vu Hô Hàn Tà gửi thư cảm tạ ân đức và bày tỏ niềm ngưỡng mộ trước lễ nghĩa thiên triều. Ông cũng đích thân tới Trường An và tỏ rõ nguyện vọng được kết hôn với công chúa, thực hiện tâm nguyện giữ bang giao hòa hảo với nhà Hán.

Mặc dù Hô Hàn Tà có thành ý quy thuận, nhưng dẫu sao Hung Nô vẫn là một thế lực cường đại, xưa nay luôn là mối hiểm họa uy hiếp phương nam. Hán Nguyên Đế lấy việc giữ biên cảnh thanh bình làm trọng, thấy ý nguyện của thiền vu vừa hay lại phù hợp với chính sách “hòa thân” của nhà Hán, vừa có thể giúp an định biên cương lại vừa duy trì quan hệ hòa hảo giữa hai dân tộc. Hoàng đế chấp thuận, định bụng sẽ gả trưởng công chúa cho thiền vu.

Một phần bức tranh “Minh Phi xuất tái đồ”,Nguyên Nhân Hội.(Ảnh: Khu vực công cộng)

Khi ý vua đưa ra, các đại thần đồng loạt tấu rằng: Hung Nô không phải là dân tộc có lễ nghi, dẫu gả công chúa cũng chưa chắc duy trì được ân nghĩa lâu dài. Năm xưa Cao Tổ đã tuyển chọn những cung nữ xinh đẹp mượn danh công chúa để thực hiện sứ mệnh cầu thân. Như thế, nếu sau này vợ chồng không hòa thuận thì cũng không tổn hại đến thiên triều. Còn nếu gả trưởng công chúa cho thiền vu, vạn nhất công chúa bị hà hiếp đến nỗi phải viết thư cầu cứu thì triều đình cũng không thể khoanh tay đứng nhìn. Một khi xuất binh cứu viện thì sẽ khiến hai bên chịu nạn binh đao, như vậy chính sách hòa thân sẽ không còn giá trị nữa.

Nguyên Đế cho là phải, bèn chiểu theo lệ cũ cho tuyển chọn trong các cung nữ, tìm ra một người có thể mượn danh công chúa để gả cho Hung Nô. Yêu cầu là cung nữ ấy vừa phải xinh đẹp lại vừa tình nguyện, như vậy mới không lo xảy ra hậu hoạn. Hậu cung ngàn giai nhân mỹ nữ, nhưng muốn tìm được người tự nguyện cầu thân thì chẳng khác nào mò kim dưới đáy bể.

Lúc này, trong thâm cung có một kỳ nữ can đảm bước ra. Nàng hiểu được tình cảnh của quốc gia nên đã tự nguyện ra nơi biên ải, dấn thân vào gian nguy hiểm cảnh, giải quyết nỗi khốn khó của triều đình. Nàng chính là Vương Chiêu Quân.

Chiêu Quân ra biên thùy

Là một cô gái xinh đẹp và tài năng, Vương Tường từng ôm ấp mộng tưởng dài lâu. Nhưng nàng đâu biết rằng, suốt mấy năm trong thâm cung nàng không có cơ hội được diện kiến tôn nhan, dẫu chỉ một lần.

Triều đình có quy định rằng, hậu cung phải vẽ tranh mỹ nữ dâng lên cho hoàng đế lựa chọn. Các mỹ nữ trong cung có được sủng ái hay không đều phụ thuộc vào bức tranh mỹ nhân mà họa sĩ vẽ. Lúc ấy, họa sĩ của cung đình là Mao Diên Thọ nắm giữ bút cọ, quyết định tiền đồ của các cung nhân. Do đó các cung nhân đều phải hối lộ cho Mao Diên Thọ: “Thiên kim họa vân mấn, bách vạn tả nga mi” (ngàn vàng vẽ tóc mây, trăm vạn tả mày ngài). Vương Tường là cô gái có tự trọng, có nhân phẩm, lại có khí chất hơn người, nàng không vì một phút vinh hoa mà hạ mình luồn cúi. Mao Diên Thọ không nhận được hối lộ, liên cố ý vẽ thêm vào bức chân dung một nốt ruồi “khắc phu”, khiến nàng phải ở lãnh cung suốt mấy năm ròng không được gặp mặt quân vương.

Ai biết rằng, nốt ruồi khắc phu ấy đã thay đổi vị trí của nàng trong lịch sử. Nếu như Chiêu Quân được hoàng đế sủng ái, có lẽ nàng sẽ mãi chỉ là một phi tần xinh đẹp trong ngàn vạn giai nhân, thời gian rồi cũng sẽ lãng quên. Nhưng cuối cùng, nàng đã khắc tên mình vào lịch sử khi dũng cảm bước ra nơi biên thùy, thực hiện sứ mệnh an định nơi biên cương, gánh trên vai trọng trách hòa thân giữa Hán triều và Hung Nô, trở thành một biểu tượng của chính sách cầu thân: “An nguy phó thác nữ nhân”. Cô gái mảnh mai ấy đã phải trải qua muôn núi nghìn sông để gả cho Thiền vu Hô Hàn Tà, từ một mỹ nhân vô danh trở thành đại sứ cầu thân, là minh nguyệt của Hán triều soi chiếu Tây Vực, mãi mãi khắc tên mình vào thiên thu.

Hán Nguyên Đế mừng rỡ khi nghe nói rằng có cung nhân sẵn sàng xả thân vì nước, nguyện ý chịu nhận cái khổ phong sương, ở trong lều bạt, mặc áo da cừu, rong ruổi nơi sa mạc… Ông bèn truyền chỉ bày tiệc rượu tiễn Vương Tường hạ giá Hung Nô.

Trước khi xuất giá, hoàng đế ban cho Vương Tường hai chữ “Chiêu Quân”, phong cho nàng làm công chúa Vĩnh An, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề: Sau khi đến nơi biên ải, nàng cần giữ hòa khí với lân bang, giữ gia đạo yên ổn. Hoàng hậu cũng ban cho nàng một cây đàn tỳ bà.

Vào ngày lên đường, Chiêu Quân xuất hiện với tư dung lộng lẫy làm rực sáng cả cung đình, nàng bồi hồi ngoảnh nhìn phong cảnh quê hương yêu dấu. Nỗi niềm tha hương cố quốc của nàng khiến hoàng đế cũng bùi ngùi rơi lệ, vẻ đẹp mỹ lệ như Tiên nga của nàng khiến vua ngỡ ngàng rung động. Hoàng đế biết rằng nhan sắc rực rỡ tuyệt trần ấy ông sẽ chỉ được gặp duy nhất một lần trong đời. Lúc ấy, Hán Nguyên Đế chỉ ước sao có thể giữ lại Vương Chiêu Quân bên mình, nhưng vì sợ thất tín với Thiền vu Hô Hàn Tà, ông đành phải thở dài bất lực.

Thiền vu Hô Hàn Tà có được bậc quốc sắc thiên hương thì vui vẻ vô cùng, ông đã phong cho nàng làm “Ninh Hồ yên chi”, ý nghĩa là vị vương hậu giữ đất Hồ được bình yên, mang đến một cuộc sống mỹ hảo. Ông cũng gửi thư bày tỏ lòng trung thành với nhà Hán, phát nguyện bảo vệ sự bình yên của dải biên cương từ phía tây tới Đôn Hoàng, chấm dứt nạn thổ phỉ xâm nhiễu, nguyện cho quan hệ hữu hảo này truyền đến muôn đời. Sau này, niên hiệu “Cánh Ninh” của Hán Nguyên Đế cũng bắt nguồn từ đây.

Vương Chiêu Quân. (Tranh Nhật Bản/ CC BY SA 3.0)

Thơ Đỗ Phủ vịnh Chiêu Quân

Vào năm đầu Đại Lịch thời Đường Đại Tông, Đỗ Phủ từ Quỳ Châu ra Tam Hiệp, đến Giang Lăng, ông đã đi thăm di tích lịch sử của các anh hùng, tướng lĩnh, tài sĩ, giai nhân thời cổ đại. Đến thăm cảnh xưa chốn cũ, qua Kinh Môn đến thôn làng của Minh Phi (tức Vương Chiêu Quân), ông không khỏi nghĩ đến người con gái từng vượt vạn dặm xa xôi để kết giao hòa hiếu. Ngàn năm trôi qua, những gì còn lại chỉ là một nấm mồ xanh cô độc dưới bóng hoàng hôn. Đỗ Phủ bùi ngùi tái hiện lại câu chuyện lịch sử ấy qua bài “Vịnh hoài cổ tích ngũ thủ - Kỳ 3”. “Đường Thi Biệt Tài” nhận xét rằng: Trong thơ từ vịnh Chiêu Quân, chỉ có bài này mới xứng là tuyệt xướng.

Đối với bậc quốc sắc Vương Chiêu Quân, Đỗ Phủ đã biểu đạt sự sùng kính sâu sắc, từ đó để lại cho hậu thế tuyệt tác này:

Vịnh hoài cổ tích kỳ 3 - Vịnh Chiêu Quân

Quần sơn vạn hác phó Kinh Môn,
Sinh trưởng Minh Phi thượng hữu thôn.
Nhất khứ tử đài liên sóc mạc,
Độc lưu thanh trủng hướng hoàng hôn.
Hoạ đồ tỉnh thức xuân phong diện,
Hoàn bội không quy nguyệt dạ hồn.
Thiên tải tỳ bà tác Hồ ngữ,
Phân minh oán hận khúc trung luân.

Bản dịch thơ của Nguyễn Minh:

Đến Kinh Môn qua nhiều sông núi
Thăm xóm làng xưa có Minh Phi
Người theo sa mạc bắc đi
Nay còn phần mộ xanh rì hoàng hôn
Xem bức họa Hán vương nhận biết
Nhưng chỉ còn hồn nép dưới trăng
Ngàn năm còn khúc Hồ âm
Xem ra oán hận đầy trong khúc này.

Trong bài thơ, Đỗ Phủ đã ngược dòng thời không, đứng từ nơi Minh Phi sinh trưởng mà nhìn lại cuộc đời in dấu ngàn thu của nàng. Ngày ấy, nàng đã vì nước mà dâng hiến thân mình. Ngày ấy, nàng bước ra từ chốn thâm cung, dấn thân vào nơi hoang mạc xa xôi hiểm trở. Ngày ấy, nàng đã gieo xuống hạt giống của bình yên và hy vọng… Từ câu chuyện của quá khứ, nhà thơ trở về hiện tại cùng với hoàn cảnh của bản thân mà thể hiện nỗi niềm đồng cảnh ngộ. Thời không đan xen, tình cảnh phản chiếu, xưa và nay giao hòa. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh “vượt qua trăm núi ngàn sông đến Kinh Môn”, thế núi hùng vĩ và khí thế hào hùng ấy đã tôn lên nhân cách và tinh thần bất khuất của Vương Chiêu Quân.

Trong thơ, Đỗ Phủ mượn niềm hoài cổ để ký thác tình cảm với thân thế nước nhà. Vương Tự Thích thời nhà Minh viết rằng: Đỗ Phủ “vì thôn làng của Chiêu Quân mà thương cảm người khác. Chiêu Quân có quốc sắc, vào cung thấy ghen tỵ. Còn Đỗ Phủ cũng là bậc quốc sĩ, vào triều thấy tật đố, hai người đồng cảnh ngộ như nhau”. Chính là nói, Đỗ Phủ cảm hoài cảnh ngộ nhân sinh tương đồng giữa họ mà viết ra tuyệt phẩm Đường thi này.

Trong nỗi niềm hoài niệm về Vương Chiêu Quân, nhà thơ đã triển hiện tiếng lòng trầm bổng nhiều cung bậc. “Vi Lô Thi Thoại” viết: “Những câu chữ như ‘Quần sơn vạn hác phó Kinh Môn’, trong chính khí hạo nhiên lại có sự uyển chuyển quanh co”. Đỗ Phủ đã khắc họa rất sống động cuộc đời và tinh thần của vị mỹ nhân ‘lạc nhạn’. Đất thiêng sinh hiền tài, nơi ấy đã sinh ra bậc giai nhân kiệt xuất. Trong cái hạo nhiên bi tráng, người con gái ấy nào có khác chi bậc anh hùng? Cũng giống như Thanh Trủng hướng về hoàng hôn, gò xanh dưới ánh chiều tà, trong cảnh cô đơn quạnh quẽ đã triển hiện ra chính khí hạo nhiên, mang sức sống bất diệt giữa đất trời.

Đến thời Nam triều, tác giả Giang Yểm đã miêu tả cảnh Chiêu Quân ra nơi biên thùy: Gió chợt nổi lên, mặt trời ẩn về phía tây, chim nhạn thưa thớt bay, mây trời nhợt nhạt không còn rực rỡ sắc màu". Phong vân đột biến, cảnh vật đổi thay như cũng đồng cảm với nỗi niềm bịn rịn khi nàng rời xa quê hương. Chiêu Quân nhìn xa xăm, thấy cung Tử Đài xa dần, xa dần phía sau lưng, trước mắt chỉ toàn là núi non trùng điệp không có điểm tận cùng. “Vọng quân vương hề hà kì, chung vô tuyệt hề dị vực” (vọng quân vương biết khi nào chừ, ở nơi đất khách không có điểm dừng). Từ nay nàng không còn được gặp lại thiên tử nhà Hán nữa, cả đời sẽ phải chôn thân mình nơi quê người không biết khi nào mới trở về. Nghĩ đến đây, nàng không khỏi ngước lên trời than thở.

Trên hành trình đằng đẵng ấy, nàng đã lấy ra cây đàn tỳ bà và gảy một khúc gọi là “Xuất tái khúc” bày tỏ nỗi bi sầu trong tâm. Một con chim nhạn bay qua, cảm nhận được nỗi ai oán liền sa xuống đất. Từ “lạc nhạn” trong “Trầm ngư lạc nhạn” (vẻ đẹp chim sa cá lặn) cũng bắt nguồn từ đây. Khi qua cửa ải cuối cùng là Nhạn Môn Quan, tiếng đàn của nàng lại một lần nữa vang lên, trở thành điển tích "Hồ Cầm".

Vương Chiêu Quân. (Tranh Dữu Tử/ Epoch Times)

Sứ mệnh Vương Chiêu Quân

Ở Hung Nô, Vương Chiêu Quân nỗ lực thích ứng cuộc sống trên đồng cỏ, dần dần hòa nhập với phương cách sinh hoạt của người dân thảo nguyên, thích ứng với mùa đông dài đằng đẵng, bầu trời âm u, cái lạnh thấu xương tê tái và cuộc sống trong căn lều vải.

Chiêu Quân là đại biểu của văn hóa Hán ở thảo nguyên, nàng mang phương thức trồng trọt, dệt may, nấu ăn, y dược, ca vũ… dạy cho người dân nơi đây. Nàng quan tâm đến bách tính, có tấm lòng bác ái, vì vậy ai cũng yêu mến người con gái đẹp đa tài đa nghệ này, coi nàng là phúc âm của thảo nguyên.

Vương Chiêu Quân giúp Hung Nô và Hán thất kết tình giao hảo, thực hiện lời hứa của Hô Hàn Tà: Ổn định biên cương bờ cõi, để biên thùy không có chuyện binh đao.

Vài năm sau, Thiền vu Hô Hàn Tà qua đời, con trai của ông là Phục Chu Luy Nhược Đề lên kế vị. Theo phong tục Hung Nô, tân thiền vu sẽ nạp quả phụ của cha mình làm vợ. Vương Chiêu Quân không đành lòng, mặc dù khao khát được trở về cố quốc nhưng nàng vẫn phải theo sắc lệnh của hoàng đế nhà Hán: nhập gia tùy tục, tuân theo tục lệ người Hồ. Sau này, Vương Chiêu Quân và Phục Chu Luy Nhược Đề sinh được hai nàng công chúa nhỏ.

Vương Chiêu Quân đã gắn bó với thảo nguyên đến những năm cuối đời. Nàng được an táng trong một gò đất dưới chân đồi gọi là Thanh Trủng. Sắc cỏ nơi Mạc Bắc sớm tàn tạ điêu linh, nhưng Thanh Trủng trong nhiều năm liền chỉ một màu xanh tươi. Thời gian thấm thoắt trôi qua, “một nấm mồ xanh dưới hoàng hôn” đã kể cho thế nhân câu chuyện phi phàm, sống mãi với thời gian.

Kể từ thời Hán Tuyên Đế đến Hán Thành Đế, biên cảnh an tĩnh, bách tính chăn trâu chăn ngựa, cuộc sống yên ổn nhàn nhã, lính biên phòng không cần phải canh gác phòng thủ, nhiều năm liền không động đến binh đao. Đó quả thực là cảnh tượng yên bình hiếm có giữa Hồ và Hán. Hung Nô “tam thế xưng phiên” (ba đời xưng chư hầu), chấm dứt cuộc xung đột căng thẳng giữa Hồ và Hán trong một thời gian dài, trong đó Vĩnh An công chúa Vương Chiêu Quân đã lập lên công lao to lớn. Ấy chính là yếu thắng mạnh, nhu nhược thắng cương cường, “nhất nữ đương quan vạn phu mạc địch” (một cô gái làm quan, vạn phu không có kẻ địch).

Người ta thường nói, các bậc anh hùng hào kiệt “đầu đội trời, chân đạp đất”, họ được Thượng thiên ban cho văn tài để an bang, võ tài để trị nước. Còn với một cô gái yếu đuối mảnh mai, ai có thể làm nên những điều lớn lao cao cả? Câu trả lời chính là Vương Chiêu Quân. Cũng giống như các bậc anh hùng tiên liệt, Chiêu Quân được Thượng Thiên giao cho sứ mệnh trọng đại, trở thành sứ giả hòa thân giữ ổn định biên cương phía bắc, đồng thời để Hung Nô kết duyên với văn hóa Hán triều.

Người đời sau đánh giá rất cao vai trò của Vương Chiêu Quân: “Kể từ khi Chiêu Quân ra nơi biên thùy, hai tộc Hán và Hung Nô không có chiến tranh, nhân khẩu đông đúc, vùng biên cương yên ổn, ngựa trâu đầy đàn, ba đời không phát sinh chiến loạn, không có cảnh bắt người đi chiến đấu”...

Minh Hạnh
Theo Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times

Nguồn tư liệu:

  • “Hán Thư”
  • “Hậu Hán Thư”
  • “Nam Hung Nô liệt truyện”
  • “Chiêu Quân diễm sử diễn nghĩa”
  • “Toàn Đường Thi”

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Chuyện Vương Chiêu Quân: Một nấm mồ xanh dưới hoàng hôn