Cổ cầm, tuyệt phẩm kết nối giữa Thần và người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khổng Tử nói: "Người quân tử lập chí hướng ở đạo, nắm chắc đức, dựa vào nhân nghĩa, vui chơi ở lục nghệ". Một trong lục nghệ là nhạc, mà cổ cầm đứng đầu trong các nhạc cụ. Thế nên người ta nói, người quân tử thì không thể thiếu cổ cầm được.

Cầm - Kỳ - Thư - Hoạ được xem là tứ nghệ của bậc văn nhân trong văn hoá truyền thống khi xưa, trong đó cổ cầm được đứng hàng đầu. “Phần hương thao cầm" (Đốt hương gảy đàn) chính là thưởng thức nghệ thuật nhạc Cổ Cầm, trong tâm thể hiện sự Tĩnh và Tịnh.

Căn cứ theo ghi chép trong Tân Luận, Cầm Đạo Biên của Hoàn Đàm: "Xưa Thần Nông kế tiếp dòng tộc Bào Hy (Phục Hy) làm vua thiên hạ, trên quan sát phép tắc của trời, dưới lấy theo phép tắc của đất, gần lấy theo quy luật bản thân, xa lấy theo quy luật của vật, thế là bắt đầu gọt đẽo cây ngô đồng làm đàn cầm, lấy dây thừng dây tơ làm dây đàn, để thông với đức của Thần linh, hợp với sự hài hòa tốt lành của đất" (Nguyên văn: "Tích Thần Nông thị kế Bào Hy nhi vương thiên hạ, diệc thượng quan pháp ư thiên, hạ thủ pháp ư địa, cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật, ư thị thủy tước đồng vi cầm, thằng ti vi huyền, dĩ thông Thần minh chi đức, hợp thiện địa chi hòa yên").

Cũng có nghĩa là nói cấu tạo của cổ cầm chính là tượng trưng cho chư thần trong trời đất, sự hoà hợp của thiên địa.

Đàn cổ cầm
Cấu tạo của cổ cầm chính là tượng trưng cho chư thần trong trời đất, sự hoà hợp của thiên địa. (Ảnh: Wikipedia).

Là vật do Thánh hiền chế tác, Cổ Cầm đương nhiên trở thành công cụ để phát dương tinh thần đạo đức của các bậc tiên hiền. Vì vậy trong quá trình chế tạo mỗi một chi tiết của cổ cầm đều ẩn chứa hàm nghĩa đặc biệt. Trong cuốn Phong Tục Thông của Ứng Thiệu thời Đông Hán có viết: "Cổ Cầm dài 4 thước 5 tấc (khoảng 1,2m), phỏng theo tứ thời ngũ hành, 7 dây tượng trưng cho 7 tinh tú. Dây lớn nghĩa là vua, dây nhỏ nghĩa là bề tôi, lại thêm hai dây do Văn Vương, Võ Vương thêm vào, hợp thành ân vua tôi".

Có thể thấy Cầm ban đầu có 5 dây tượng trưng cho Ngũ hành, sau thêm hai dây Văn vương, Võ vương bên trong để thêm hàm nghĩa vua tôi.

Về vị trí của phím trên cổ cầm, trong sách Cầm tiên của Thôi Tuân Độ đời Tống có viết: "13 phím tượng trưng cho tháng, phím ở giữa tượng trưng tháng nhuận". Vốn là đàn cổ có 12 phím tượng trưng cho 12 tháng, còn phím lớn nhất ở giữa đại biểu cho quân vương, tượng trưng cho tháng nhuận. Ngoài ra đàn Cổ Cầm còn có 3 loại âm sắc là: “âm phiếm”, “âm án” và “âm tản”, tượng trưng cho Thiên, Địa, Nhân hòa hợp.

Thế nên trong thiên Ngụy Văn Hầu sách Lạc Thác có nói: "Người quân tử nghe tiếng đàn cầm, đàn sắt thì nghĩ về chí hướng và đạo nghĩa của kẻ bề tôi" (nguyên văn: "Quân tử thính cầm sắt chi thanh, tắc tư chí nghĩa chi thần"). Cũng có nghĩa là nghe âm sắc dịu dàng của dây đàn cầm đàn sắt là liên tưởng đến sự chính trực, trung hậu của bậc bề tôi có chí hướng có đạo nghĩa.

Để tìm hiểu về lịch sử của Cổ Cầm cần phải ngược dòng thời gian trở về 3000 năm trước, các văn nhân hiền sĩ cổ đại thường nhờ tiếng đàn mà nổi danh thiên hạ. Ví như bậc chí Thánh tiên sư Khổng Tử chính là một nhà soạn nhạc và tấu nhạc Cổ Cầm nổi tiếng trong lịch sử. Hay như Bá Nha, là nhà âm nhạc dân gian thời kỳ Xuân Thu, nổi tiếng nhờ quá trình học cổ cầm trên đảo Bồng Lai, giúp chúng ta lĩnh hội cảnh giới “Tĩnh quan thiên địa, thuận theo tự nhiên".

Không Thành Kế" là một điển tích nổi tiếng thời Tam Quốc, ấy là khi Gia Cát Lượng ngồi gảy đàn đã toát lên thần thái ung dung, tĩnh tại khiến cho hơn 10 vạn đại quân của Tư Mã Ý phải rút lui. Thời kỳ Ngụy - Tấn, Kê Khang, một trong Trúc Lâm Thất Hiền tinh thông cầm nghệ, tuy bị Tư Mã Chiêu hãm hại nhưng trước lúc bị xử hình vẫn ung dung diễn tấu khúc Quảng Lăng khiến trời đất cảm động, quỷ kinh thần khóc. Đây đều là những nhà cổ cầm nổi tiếng trong lịch sử. Từ những câu chuyện này chúng ta có thể phần nào lĩnh ngộ được cảnh giới tinh thần nghệ thuật cổ cầm của văn nhân hiền sĩ xưa kia.

Âm điệu của cổ cầm khiến người nghe có một cảm giác thanh cao thoát tục, chính là vì cổ nhân có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng đối với thời gian, tâm ý, dáng vẻ, bầu không khí khi chơi Cổ Cầm. Vậy nên có thuyết giảng về “Lục kỵ, thất bất đàn” (6 điều kiêng kỵ và 7 điều cấm khi đàn). Ở đây “Lục kỵ” là chỉ về 6 hiện tượng thời tiết, gồm: giá rét, nóng nực, gió to, mưa to, sấm sét và tuyết lớn. “Thất bất đàn” gồm: Nghe tin có người chết, khi tấu nhạc, khi nhiều việc, người không sạch sẽ, áo mũ không ngay ngắn, không đốt hương, và không gặp tri âm, đây đều là những lúc không thích hợp để chơi cổ cầm.

Trong phần tự, tức phần giới thiệu mở đầu sách Thần kỳ bí phổ đời Minh đã chỉ ra rằng: "Cổ Cầm là vật do thánh nhân làm thành, để quy chính lòng người, để dẫn dắt chính sự, để hài hòa lục khí (âm dương gió mưa sáng tối), để điều hòa ngọc chúc (khí tiết tứ thời), là linh khí của trời đất, là thần vật của đời thái cổ, là âm nhạc để thánh nhân trị sửa thế sự, là vật để quân tử tu dưỡng" (nguyên văn: “Nhiên cầm chi vi vật, thánh nhân chế chi, dĩ chính tâm thuật, đạo chính sự, hoà lục khí, điều ngọc chúc, thực thiên địa chi linh khí, thái cổ chi thần vật, nãi trung quốc thánh nhân trị thế chi âm, quân tử dưỡng tu chi vật").

Cổ cầm được xem như là khuôn phép trị quốc của thánh nhân, là điểm tựa tu dưỡng của bậc quân tử. Vậy nên chỉ cần vi phạm quy tắc của Thánh nhân và người quân tử thì không được chơi đàn cổ cầm.

Trong cuốn Bạch hổ thông Ban Cố đã chú giải về nội hàm của Cổ Cầm: "Cổ cầm có nghĩa là cấm. Do đó cấm chỉ gian tà để quy chính lòng người" (nguyên văn: “Cầm giả, cấm dã. Sở dĩ cấm chỉ ư tà, dĩ chính nhân tâm dã").

Như vậy, Cổ Cầm có nội hàm cấm dâm tà và uốn nắn nhân tâm. Sách Cầm sử đời Tống có viết: “Xưa Thánh nhân tấu cổ cầm, âm thanh của đất trời vạn vật đều ở trong đó”. Cổ Cầm đứng đầu trong các nhạc cụ xưa, được coi là có phẩm đức ưu dị nhất, nên thích hợp làm công cụ cho người quân tử tu tâm dưỡng tính. Âm thanh cổ cầm trầm lắng khoáng đạt, sâu xa, khiến người ta gột sạch lòng xao động mà tĩnh tâm lại, cảm thấy an hòa thư thái, thể nghiệm nội tâm vui tươi hòa ái. Tiếng nhạc cổ cầm trong trẻo tinh tế, khiến người ta cảm thấy tâm trí gợi mở, tâm tình u nhã, hóa giải bất bình, thăng hoa cảnh giới tâm hồn, đạt đến cảnh giới “Trung hòa”, đó chính là tác dụng “Nhạc giáo

Cổ nhân xem nghệ thuật Cổ Cầm là cảnh giới thể hiện vẻ đẹp cao quý, có trí tuệ vượt ra ngoài thế gian, được xem là cảnh giới Thiên - Nhân hợp nhất, Thiên - Địa tương thông. Vậy nên âm nhạc cổ cầm thể hiện sự sâu sắc của văn hóa truyền thống hơn so với các loại nhạc khí truyền thống khác, nó thể hiện cảnh giới tinh thần của Thánh nhân mà người tu Đạo cần phải có.

Khải Chính biên dịch

Tác giả: Cổ Âm
Theo zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Cổ cầm, tuyệt phẩm kết nối giữa Thần và người