Có công xử án, tú tài được chuyển sinh thành Tư Mã Ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh, trong "Dụ thế minh ngôn" quyển thứ 31 "Náo âm ty, Tư Mã Mạo xử án", tác giả Phùng Mộng Long đã ghi lại một câu chuyện chuyển sinh của Tư Mã Ý và một vài anh hùng thời Tam Quốc.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Tư Mã Ý, đại thần, đại quân sư nước Ngụy thời Tam Quốc, có tầm nhìn xa, nổi tiếng ẩn nhẫn cẩn thận, đã phò tá bốn đời họ Tào: từ Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ đến Tào Phương, ông nắm giữ hoàn toàn quyền bính trong chính quyền và quân đội Tào Ngụy.

Thời Linh Đế Đông Hán có một vị tú tài họ Tư Mã, tên Mạo, tự là Trùng Tương, tư chất thông minh, tám tuổi đã có thể chấp bút thành văn. Tư Mã Mạo được xem là thần đồng, được tiến cử đến kinh thành, nhưng vì lỡ lời đụng chạm đến giám khảo nên không đậu khoa cử. Đến 50 tuổi, ông vẫn là một tú tài, không có chức vị.

Vào thời Linh Đế Đông Hán, thói đời xuống dốc, tình trạng mua quan bán chức xảy ra nhiều vô kể.

Một ngày nọ, Tư Mã Mạo say rượu. Ông mang sự oán giận có tài nhưng không gặp thời viết vào một quyển "Oán từ", trách ông Trời bất công, trách sao những kẻ keo kiệt, bủn xỉn thì tiền tài như nước; những người hay bố thí, lại có lúc trắng tay; những kẻ hại người lại được phú quý, những người trung hậu lại phải chịu thiệt thòi. Sau khi viết xong còn thêm một một câu: “Nếu ta là Diêm Vương thì mọi việc đều sẽ được sửa lại".

Sau khi ngâm vài lần, ông liền châm lửa đốt đi, bị Thần Dạ Du đang tuần tra bắt gặp, liền mang bản “Oán từ” này lên bẩm cáo Ngọc Đế.

Ngọc Đế nổi giận nói: "Tước lộc của người đời sâu xa, có quan hệ với số mệnh. Nếu theo như hắn nói, hiền giả ở trên, người bất tài ở dưới, người có tài thì hiển đạt vinh quang, người bất tài thì bị gạt bỏ, như thế thiên hạ đời đời thái bình, giang sơn sẽ vĩnh viễn không thay đổi sao? Há có lý nào như vậy! Nho sinh kia kiến thức nông cạn, còn nói thiên đạo bất công."

Ngọc Đế lệnh cho Diêm Vương bắt hồn của Tư Mã Mạo đến âm ty, để ông ta làm Diêm Vương trong sáu thời thần (một thời thần là hai giờ đồng hồ hiện nay), để phán quyết những vụ án còn tồn động. "Nếu như phán xử công minh, đời sau hãy để hắn đại phú đại quý, đền bù những uất ức thống khổ của đời này, nhưng nếu không phán quyết được, thì đánh hạ vào địa ngục Phong Đô, vĩnh viễn không được chuyển sinh làm người".

Tư Mã Mạo bị tiểu quỷ dẫn đến trước Sâm La Điện. Diêm Vương lệnh cho Tư Mã Mạo thay quan phục, thăng đường xử án. Phán quan đưa lên hồ sơ vụ án thứ nhất chính là một vụ sát hại trung thần đầu thời nhà Hán hơn 350 năm trước. Nguyên cáo là Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố; bị cáo là: Lưu Bang, Lữ Thị.

Diêm Vương lệnh cho Tư Mã Mạo thay quan phục, thăng đường xử án. (Tranh: Winnie Wang)

Tư Mã Mạo cho quỷ sai đưa nguyên cáo và bị cáo lên.

Hàn Tín nói: "Tôi nhận ơn lập đàn bái tướng của Hán Vương, đã đem hết tâm cơ, tu sửa sạn đạo, lén vượt Trần Thương, cùng Hán Vương bình định Tam Tần, lại cứu Hán Vương ở Huỳnh Dương, bắt Ngụy Vương Báo; phá đại binh, bắt Triệu Vương Yết, phía bắc bình định nước Yên, phía đông đánh dẹp nước Tề, hạ hơn 70 thành, phía nam đánh bại hơn 20 vạn đại quân, giết được danh tướng Long Thư, bày ra thế trận thập diện mai phục, diệt được quân Sở, bức tử Hạng Vương ở bến đò Ô Giang, lập được mười đại công lao!

Ai ngờ Hán Tổ khi thu được thiên hạ, không niệm tình công lao trước đây, tước đi chức vị. Lữ Hậu cùng với Tiêu Hà lập kế, lừa tôi đến Trường Lạc Cung, rồi vu cho tội mưu phản, tru di tam tộc. Đến nay đã hơn 350 năm, hàm oan chưa báo, cúi xin Diêm Vương minh giám".

Tư Mã Mạo gật đầu thở dài: "Quả thật thu được thiên hạ nhà Hán, hơn nửa công lao là của Hàn Tín, công đức cao dày, thiên cổ không trả được oan này, thì phải chuyển thế báo oán vậy".

Tư Mã Mạo lại hỏi Đại Lương Vương Bành Việt: "Vì sao Lữ thị giết ông?"

Bành Việt đáp: "Tôi có công, không có tội. Lữ Hậu vu cho tôi tội mưu phản, sai lấy trùy đồng đánh chết, nấu thịt làm tương, bêu đầu trên phố, không được an táng, tôi thật là oan uổng!"

Bành Việt là khai quốc công thần của nhà Tây Hán, được phong là Lương Vương. Sau đó trong phong trào trừ khử những vương hầu khác họ, ông bị đi đày. Trên đường đi gặp được Lữ Hậu, ông kể rõ với Lữ Hậu rằng mình vô tội, hy vọng có thể trở về cố hương. Lữ Hậu trên mặt đáp ứng, sau lưng lại nói với Cao Tổ: "Bành Việt là dũng tướng, nếu đi đày đến đất Thục thì sẽ là hậu họa, chi bằng giết luôn đi".

Thế rồi bà xúi giục môn khách của Bành Việt tố cáo tội mưu phản. Bành Việt bị đánh chết, còn bị chém thành thịt vụn.

Tư Mã Mạo lại gọi Cửu Giang Vương Anh Bố nghe phán xử. Anh Bố nói: "Tôi cùng Hàn Tín, Bành Việt ba người, công lao như nhau, giang sơn Đại Hán, đều là do ba người chúng tôi giành được, không có một chút tâm tư phản bội nào. Một ngày, Lữ nương nương hạ chỉ, ban thưởng một lọ thịt muối. Tôi tạ ơn xong, đang thưởng thức, khi bắt đầu cảm thấy ngon, không ngờ lại xuất hiện một ngón tay, trong tâm nghi hoặc, sau đó tra hỏi, mới biết là thịt của Đại Lương Vương Bành Việt.

Tôi cảm thấy đau xót, nôn hết xuống sông, thịt rơi xuống biến thành một con cua nhỏ. Ngày nay, dưới sông vẫn còn một loại cua tên là: “Bành Việt”. Khi đó tôi không có chỗ trút giận, liền chém ngay sứ thần. Lữ Hậu biết được, sai người ban “tam ban triều điển” (tự chọn một trong ba cách chết): một thanh gươm, rượu độc và một dải lụa để lấy mạng tôi. Tôi chết oan không có chỗ minh oan, xin Diêm Vương minh giám".

Anh Bố lúc còn trẻ bởi vì phạm pháp, phải chịu tội xăm mình, nên còn gọi là Kình Bố. Cuối đời nhà Tần, Anh Bố hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Trần Thắng, Ngô Quảng. Sau khi Trần Thắng thất bại, ông đi theo Hạng Lương, trở thành Đương Dương Quân của nước Sở. Trong cuộc chiến ở Cự Lộc đánh bại quân chủ lực nhà Tần, và trong quá trình Hạng Vũ tiến quân vào thành Hàm Dương, Anh Bố thường nhận lệnh làm tiên phong.

Hạng Vũ lúc truy phong thiên hạ, lập Anh Bố làm Cửu Giang Vương. Lúc Hán Sở phân tranh, ông không chịu xuất binh giúp Hạng Vũ, cuối cùng đi theo Lưu Bang, được Hán Vương phong là Hoài Nam Vương. Sau đó ông lại dẫn quân đến Cai Hạ, hội hợp với cánh quân khác của nhà Hán đánh bại Hạng Vũ. Anh Bố sau khi thấy những công thần Trần Hy, Hàn Tín, Bành Việt lần lượt bị Hán Đế trừ khử, trong lòng không yên, nên mới tạo phản.

Tư Mã Mạo sau khi nghe xong câu chuyện liền nói: "Ba vị hiền tướng quả nhiên chết thật đáng thương! Quả nhân quyết định, đem thiên hạ nhà Hán chia ba, ba người các ông mỗi người nắm giữ một nước, để báo đáp công lao hiển hách đời trước”.

"Hàn Tín tận trung báo quốc, giúp nhà Hán giành được hơn nửa thiên hạ, đáng tiếc hàm oan mà chết. Cho ngươi sinh ra ở nhà của Tào Tung, huyện Tiều, họ Tào tên Tháo, tự là Mạnh Đức, đầu tiên làm tướng nhà Hán, sau trở thành Ngụy Vương, trấn giữ Hứa Đô, được hưởng một nửa giang sơn nhà Hán. Khi đó quyền uy hơn người, để ông báo thù kiếp trước. Khi còn sống không được xưng Đế, cho thấy ông không có tâm làm phản nhà Hán. Con của ông sau khi được truyền ngôi, sẽ truy tôn ông là Vũ Đế, bù đắp cho mười đại công lao của ông".

Hàn Tín tận trung báo quốc, giúp nhà Hán giành được hơn nửa thiên hạ. (Tranh: Blue Hsiao - Epoch Times)

Tư Mã Mạo lại gọi Hán Tổ Lưu Bang đến nghe phán xử: "Ông kiếp sau vẫn đầu thai vào nhà Hán, được lập thành Hiến Đế, cả đời bị Tào Tháo hiếp đáp, kinh hồn khiếp vía, đứng ngồi không yên, sống một ngày bằng một năm. Bởi vì đời trước, vua phụ hiền thần, đời sau quần thần sẽ ức hiếp vua để tương báo."

Tiếp theo gọi Lữ Hậu đến phán xử: "Ngươi sẽ đầu thai vào Phục gia, ngày sau sẽ làm hoàng hậu của Hiến Đế, bị Tào Tháo dày vò đau khổ, ban cho dải lụa đỏ mà treo cổ chết trong cung, để báo mối thù giết Hàn Tín ở cung Trường Lạc".

Lại gọi Cửu Giang vương Anh Bố lên: "Để người đầu thai ở nhà Tôn Kiên ở Giang Đông, họ Tôn, tên Quyền, tự là Trọng Mưu. Đầu tiên làm Ngô Vương, sau sẽ thành Ngô Đế, trấn giữ Giang Đông, hưởng thụ phú quý một nước".

Sau đó lại gọi Bành Việt đến: "Ông là con người chính trực, cho ông làm con trai của Lưu Hoằng thôn Lâu Tang, quận Trác, họ Lưu, tên Bị, tự là Huyền Đức, được ngàn người khen nhân đức, vạn người khen nghĩa khí. Sau này trở thành Thục Đế, chăm lo đất Thục, cùng Tào Tháo, Tôn Quyền tạo thành thế chân vạc. Tào Thị diệt Hán nhưng ngươi sẽ kế tục nhà Hán, để biểu thị lòng trung của ngươi".

Tư Mã Mạo lại nói: “Khi Hán Sở phân tranh, những tướng sĩ chết không cam lòng, có tài nhưng chưa được phát huy, có thù muốn báo hay có ơn muốn trả, hết thảy đều cho sinh ra vào thời Tam Quốc. Những ai gian ác hại người, âm mưu tàn độc, những người có ân không báo, sẽ trở thành chiến mã cho tướng sĩ cưỡi".

Diêm La Vương mang phán quyết của Tư Mã Mạo trình lên Ngọc Đế.

Ngọc Đế xem xong, bèn khen: "Vụ án kéo dài hơn 300 năm, hắn chỉ trong sáu thời thần lại có thể phán quyết rõ ràng như vậy. Hắn kiếp này không may gặp ủy khuất, kiếp sau sẽ ban cho hắn chức vị vương hầu, đổi tên không đổi họ, vẫn sinh vào nhà Tư Mã, tên Ý, tự là Trọng Đạt, ở ngoài trận mạc thì làm tướng quân, trong triều thì làm tể tướng, truyền ngôi cho con cháu.

Tào Tháo, mặc dù là để Hàn Tín báo thù, nhưng sau khi làm những việc khi quân phạm thượng, không thể không giáo huấn hắn. Chỉ sợ hậu nhân không biết được những nguyên nhân trước đó, học theo điều xấu, nên sẽ để Tư Mã Ý làm nhục con cháu Tào thị, giống như việc Tào Tháo làm nhục Hiến Đế. Đó chính là gặp phải báo ứng, để cảnh tỉnh người đời sau, khuyên răn đời sau chỉ làm điều thiện không làm điều ác".

Thế là, vợ chồng Tư Mã Mạo đến thời Tam quốc chuyển sinh thành vợ chồng Tư Mã Ý.

Đức Nhân
Theo Epochtimes

Tư liệu tham khảo: "Dụ thế minh ngôn"



BÀI CHỌN LỌC

Có công xử án, tú tài được chuyển sinh thành Tư Mã Ý