Cổ nhân luận đàm thế nào về liêm sỉ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sinh thời, Khổng tử cho rằng chỉ một người biết liêm sỉ mới có thể cư xử có chừng mực, dũng cảm vượt qua cám dỗ, đối diện với sai sót của bản thân, vượt lên chính mình. Đây có thể nói chính là biểu hiện của lòng dũng cảm phi thường...

Làm người sinh con ra mà không dạy là tội của cha, dạy mà không nghiêm ấy cái không đúng là ở thầy. Giáo dục con người biết thế nào là nhân tín lễ nghĩa, liêm sỉ chính là cái gốc để làm người.

Vào thời Xuân Thu, Yến Anh làm quan nước Tề. Năm thứ 3 đời vua Tề Trang Công, quan đại phu nước Tấn là Loan Doanh giả làm phản chạy trốn đến nước Tề. Tề Trang Công thịnh tình khoản đãi, nói với quần thần: “Loan Doanh rất có tài, ta thiện đãi ông ấy, muốn ông ấy giúp ta thành tựu đại nghiệp”.

Tuy nhiên Yến Anh và Loan Doanh trước đó đã từng quen biết, ông hiểu rõ con người của Loan Doanh nên nói với Tề Trang Công: “Loan Doanh là người xảo quyệt bất lương, hắn và thần từng nói chuyện với nhau nên thần hiểu rõ điều này. Thần thấy hắn đối với Chúa công thì dùng lời lẽ cực kỳ nịnh bợ, không câu nào là chân tình cả. Hắn cố ý làm như thế là bởi có dụng ý bất thiện, Chúa công cần phải đề phòng”.

Trang Công không chịu nghe, ngược lại đối với Loan Doanh vẫn tin yêu như trước. Loan Doanh tại nước Tề kết giao với các quan đại thần, tặng quà hối lộ khắp nơi, cực lực kết bè với nước Ba, rất nhiều người đều bị hắn lung lạc lôi kéo và nói tốt cho hắn. Yến Anh hết sức can gián Trang Công, thỉnh cầu vua hãy đề phòng Loan Doanh, cuối cùng Tề vương kiềm chế không được, mở miệng mắng to: “Ngươi chẳng biết tốt xấu, chẳng lẽ Loan Doanh với ngươi có thù oán hay sao, ngươi mỗi ngày đeo bám theo ta nói bậy về ông ấy, ta xem ra kẻ gian ác chính là người như ngươi đó!”.

Dù bị Trang Công mắng vậy nhưng Yến Anh vẫn không kiêng sợ gì, nói: “Chúa công yêu thích lời ngon tiếng ngọt, Loan Doanh liền lợi dụng điều này. Nếu nói người như vậy là trung, thế thì ai là kẻ bất trung? Thần không thẹn với lương tâm, vì có lòng liêm sỉ nên không nịnh hót bợ đỡ, chỉ có kẻ gian ác mới không xem trọng liêm sỉ mà thôi”.

Chúa công yêu thích lời ngon tiếng ngọt, Loan Doanh liền lợi dụng điều này. Nếu nói người như vậy là trung, thế thì ai là kẻ bất trung?
Chúa công yêu thích lời ngon tiếng ngọt, Loan Doanh liền lợi dụng điều này. Nếu nói người như vậy là trung, thế thì ai là kẻ bất trung? (Ảnh: NTDTV).

Quả nhiên qua một năm, Loan Doanh làm nội gián cho nước Tấn. Tới năm Tề Trang Công thứ 6, Trang Công bị quyền thần là Thôi Trữ giết chết, không ai dám đi phúng điếu. Yến Anh bất kể an nguy, ôm thi thể Trang Công khóc lớn. Thôi Trữ nói với Yến Anh: “Chúa công đối với ngươi cũng không trọng dụng, ngươi vì sao mà khóc hắn?”.

Yến Anh nghiêm mặt nói: “Trung thì không siểm nịnh, gian thì không nói Chân. Ta thân là bề tôi, đương nhiên tận trung, sao có thể chỉ biết trách người đã chết, không có đại nghĩa như thế được?”.

Khổng Tử từng nói tinh thần của Sĩ đại phu: “Hành kỷ hữu sỉ" (Tinh thần của bậc Sĩ đại phu làm gì cũng cần có liêm sỉ) và “Tri sỉ cận hồ dũng" (Người biết liêm sỉ chính là người dũng cảm), một người có lòng liêm sỉ mới có thể cư xử khiêm nhường khoan hậu, có chừng mực. Bất luận là sự tu dưỡng của một người hay là khí tiết của một dân tộc, biết liêm sỉ chính là tôn chỉ đầu tiên của lương tri. Làm người biết liêm sỉ mới có tâm xấu hổ, biết phân biệt đúng sai thiện ác.

Khổng Tử cho rằng chỉ một người biết liêm sỉ mới có thể cư xử có chừng mực, dũng cảm vượt qua cám dỗ, đối diện với sai sót của bản thân, vượt lên chính mình. Đây có thể nói chính là biểu hiện của lòng dũng cảm phi thường.

Mạnh Tử cũng từng nói: “Vô tu ác chi tâm, phi nhân dã", đại ý rằng: nếu như một người sống mà không biết xấu hổ trước cái xấu thì đó không thể tính là con người.

Mạnh tử nhìn nhận con người sinh ra ai cũng có lòng trắc ẩn, biết liêm sỉ khiêm cung, có lòng phân biệt thị phi phải trái. Đây chính là cội nguồn của thiện tính: Nhân, Tín, Lễ, Trí, chỉ có loài cầm thú mới rời xa đặc tính thiện lương thiên bẩm này của nhân loại. Chỉ khi nào con người có lòng liêm sỉ mới có thể đối diện và hành sự được một cách cao thượng trước những cám dỗ về lợi ích vật chất.

Chỉ khi nào con người có lòng liêm sỉ mới có thể đối diện và hành sự được một cách cao thượng trước những cám dỗ về lợi ích vật chất. 
Chỉ khi nào con người có lòng liêm sỉ mới có thể đối diện và hành sự được một cách cao thượng trước những cám dỗ về lợi ích vật chất. (Ảnh: Epoch Times).

Mạnh Tử nói: “Nhân bất khả dĩ vô sỉ, vô sỉ chi sỉ, vô sỉ dã" (Con người thì không thể không có liêm sỉ, không biết nỗi hổ thẹn của vô liêm sỉ thì cũng chính là vô liêm sỉ vậy).

Dũng cảm nhận sai, nhận chỗ thiếu sót của bản thân đó không phải việc dễ dàng. Một người nhận ra chỗ sai sót, chỗ không đủ của bản thân ắt sẽ cảm thấy xấu hổ vô liêm sỉ, đương nhiên có thể cải chính bản thân thì không khi nào là muộn cả. Còn như không cảm thấy đó là vô liêm sỉ, ngược lại lại cho là điều vinh hiển, vậy thì mãi mãi không thể cứu chữa.

Chu Hi triều Tống cũng từng nói: “Nhân hữu sỉ, tắc năng hữu sở bất vi", ý tứ là người biết liêm sỉ ắt không thể làm những việc không nên làm.

Người biết liêm sỉ mới có đủ ý chí kiên định để đối diện với phú quý, giàu nghèo, danh lợi được mất trong đời, không vì cái lợi bản thân mà làm những điều trái đạo. Còn người không biết liêm sỉ thì không việc xấu nào là không thể làm.

Học giả Lã Khôn triều Minh viết cuốn Hạp Ngâm Ngữ - Trị Đạo, trong đó có câu: “Ngũ hình bất như nhất sỉ" đại ý là: dù có trừng phạt tàn khốc cỡ nào cũng không bằng dạy cho dân chúng hiểu biết về liêm sỉ. Lã Khôn cho rằng giáo dục con người hiểu được liêm sỉ còn quan trọng hơn cả việc trừng phạt bằng cực hình.

Khi đạo đức con người đề cao, biết được thế nào là liêm sỉ, biết được việc gì nên làm và việc gì không thì ắt có thể phân được phải trái, đúng sai. Điều này còn hiệu quả hơn cả việc trừng phạt. Vậy nên chủ trương của Nho gia xưa nay luôn đề cao việc giáo hoá trước khi trừng phạt.

Cổ Phong (biên dịch).

Theo:secretchina.com
Tác giả: Trương Vân Phong.



BÀI CHỌN LỌC

Cổ nhân luận đàm thế nào về liêm sỉ?