Có phải Kinh Phật dạy "Người không vì mình Trời tru đất diệt" hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhân sinh tại thế, cả đời công danh sự nghiệp, vợ đẹp con khôn; hoặc đơn côi cùng khổ, thì vẫn hai bàn tay trắng ra đi, mà không biết đi về chốn nào? Nếu diễn giải sai Kinh Phật để phóng túng bản thân, thì điều chờ đợi phía trước quả là khủng khiếp...

Câu chuyện với người bạn cũ

Hùng vốn xuất thân từ nông thôn, ban đầu là công nhân, sau nhờ tự học và nỗ lực chăm chỉ trong công việc, cộng thêm đầu óc khá linh hoạt, có nhiều sáng kiến, nên dần dần được thăng lên chức tổ trưởng, quản đốc, và cuối cùng là trưởng phòng. Có thể nói sự nghiệp của anh khá suôn sẻ và thành đạt, là điều mà trước đây dù có nằm mơ Hùng cũng không dám nghĩ đến.

Bẵng đi gần 10 năm, tôi tình cờ gặp lại Hùng, thật bất ngờ khi Hùng cho biết đã xin từ chức và nghỉ việc, và còn bất ngờ hơn nữa là anh đã làm chủ một công ty, tuy quy mô chưa lớn nhưng cũng thuộc loại khá có uy tín. Công ty của anh chuyên kinh doanh và sản xuất vật tư, linh kiện điện tử cho các công ty nước ngoài.

Bạn bè lâu ngày không gặp thật nhiều điều muốn nói, Hùng mời tôi vào nhà hàng hải sản trong khu phố ẩm thực, gọi một phòng riêng để anh em hàn huyên. Anh tâm sự: công việc mới khiến anh rất bận rộn, và phải đọc sách nghiên cứu nhiều lĩnh vực ngoài công việc. Hùng cũng thường xuyên đi công tác nước ngoài, khách hàng của anh có cả người châu Âu, châu Á, Đông Nam Á... nhưng phần nhiều là các công ty Trung Quốc. Vì vậy Hùng phải tìm hiểu khá kỹ về văn hóa tập quán của họ.

hiểu sai lời Phật dạy
Anh tâm sự: công việc mới khiến anh rất bận rộn, và phải đọc sách nghiên cứu nhiều lĩnh vực ngoài công việc. (Ảnh: Shutterstock)

Thật không thể hình dung ra một đứa trẻ nhà quê mấy chục năm trước, giờ lại là người thành đạt, lại có tầm hiểu biết khá như thế này. Hùng 'bật mí': "Để thành công thì ngoài sản phẩm cạnh tranh ra, cần hiểu tâm lý khách hàng. Người mỗi quốc gia có bối cảnh văn hóa, tập quán riêng, hiểu được văn hóa của họ là chìa khóa để mở những cánh cửa dẫn đến thành công".

Tôi rất ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khen: "Chà, đúng là 'Sĩ biệt tam nhật, quát mục tương đãi' (kẻ sĩ 3 ngày không gặp là đã nhìn nhau bằng con mắt khác rồi). Cậu đúng là Lã Mông thời hiện đại. Nhưng thời đại kim tiền này thì chỉ am hiểu văn hóa tập quán của đối tác cũng chắc gì đã có được hợp đồng?"

Hùng nheo mắt cười: "Đúng rồi, cần hiểu triết lý sống nữa. Thời hiện đại này, ai cũng thế thôi "người không vì mình, Trời tru Đất diệt"!.

Tôi hơi bất ngờ: "Làm gì có cái kiểu triết lý ích kỷ, tự tư tự lợi như vậy. Đây chỉ là cách sống của nhóm lợi ích, tham quan ô lại và các cô chiêu cậu ấm thôi, làm gì có triết gia nào lại đề xuất ra cái thứ triết lý rác rưởi đó?".

Hùng nghiêm giọng: "Tôi không nói chơi đâu, đây chính là câu trong Kinh Phật đó. Trong Kinh Phật viết rằng: 'Nhân sinh vị kỷ, Thiên kinh Địa nghĩa, nhân bất vị kỷ, Thiên tru Địa diệt'. Câu này có nghĩa là: 'Con người vì mình, đó là Đạo lý của Trời Đất. Người không vì mình thì Trời tru Đất diệt'. Thế nên ai cũng truy cầu tiền bạc, danh vọng, quyền lực, mỹ sắc... Hiểu được truy cầu của mình và của người thì có thể tìm được điểm chung".

Tôi thầm khen anh bạn, không ngờ ngoài tài năng kinh doanh ra, anh lại có hiểu biết và nghiên cứu uyên bác như vậy. Tuy nhiên, trong lòng vẫn không cho rằng câu "triết lý" mà Hùng vừa nói lại có nguồn gốc từ Kinh Phật. Phật dạy con người từ bi, hỷ xả, cớ sao lại có câu nói đầy danh lợi ích kỷ như thế này được?

Tín ngưỡng Thần Phật
Trong lòng tôi vẫn không cho rằng câu "triết lý" mà Hùng vừa nói lại có nguồn gốc từ Kinh Phật. (Ảnh: Shutterstock)

Diễn giải sai Kinh Phật...

Vậy là sau bữa tiệc, tôi về nhà liền tìm hiểu về câu 'danh ngôn' kia, và thật bất ngờ, câu đó đúng là có nguồn gốc từ Kinh Phật, nằm trong phần "Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh". Tuy nhiên tôi cũng phát hiện ra một vấn đề về diễn dịch nghĩa của Kinh. Nguyên văn chữ Hán là: "Nhân sinh vị kỷ, Thiên kinh Địa nghĩa, nhân bất vị kỷ, Thiên tru Địa diệt" (人生為己,天經地義,人不為己,天誅地滅).

Chữ Hán có hiện tượng là cùng một chữ, âm đọc khác nhau thì có nghĩa khác nhau. Vấn đề gây hiểu sai ở câu này chính là chữ 為 có hai âm là "Vi" và "Vị".

- Vị: có từ tính là giới từ, nghĩa là vì - biểu thị mục đích. Trong tiếng Việt hiện nay còn dùng chữ Vị này trong các từ như: "vị kỷ", "vị tha", "vị tư", "vị công", "vị quốc vị dân" (vì quốc gia, vì nhân dân)...

- Vi: có từ tính là động từ, thường có nghĩa: là, làm, như: "Vi thiện tối lạc" (làm việc thiện là niềm vui lớn nhất). "Vi" còn có nghĩa là sửa, trị sửa, tu sửa... như: "Vi chính" (trị sửa chính sự). Mở đầu chương "Vi chính" trong Luận Ngữ của Khổng Tử là câu: "Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở, nhi chúng tinh cộng chi", nghĩa là: "Trị sửa chính sự, làm chính trị cần dùng đức, giống như sao Bắc đẩu, ở vị trí của nó mà muôn sao chầu về".

Thế nên câu nói trong Kinh Phật này sẽ đọc là: "Nhân sinh vi kỷ, Thiên kinh Địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, Thiên tru Địa diệt", nghĩa là: "Đời người cần phải sửa mình, đó là Đạo lý của Trời Đất. Người không sửa mình thì Trời tru Đất diệt".

Lời Phật dạy
"Đời người cần phải sửa mình, đó là Đạo lý của Trời Đất. Người không sửa mình thì Trời tru Đất diệt" (Ảnh: Wikipedia)

Khi Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, các đệ tử có hỏi Ngài rằng, sau này các đệ tử sẽ dựa vào đâu để tu hành. Đức Phật có trả lời rằng "Dĩ giới vi sư" - lấy giới luật làm thầy. Trong Phật giáo thì yêu cầu bắt buộc, tối thiểu đối với mọi Phật tử, tăng ni là Ngũ giới (5 điều giới cấm), cụ thể như sau:

  1. Không sát sinh (Pànàtipàtà veramanì).
  2. Không trộm cắp (Adinnàdàna veramanì).
  3. Không tà dâm (Kàmesu micchàcàrà veramanì).
  4. Không nói dối (Musà vàdà veramanì).
  5. Không uống rượu - và các chất say, chất kích thích (Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì).

Tại sao Phật lại dạy các đệ tử "lấy giới luật làm thầy"? Bởi vì theo giới luật mới đạt được tiêu chuẩn của Phật tử, mới thực sự là đệ tử của Phật. Người nghiêm khắc giữ giới, trì giới thì sẽ tránh được những việc ác, việc xấu, có nghĩa là tránh tạo nghiệp. Người tu luyện thì cần thủ đức, tức là giữ giới để tránh tạo thêm nghiệp. Tu hành là tu bỏ, trừ bỏ nghiệp lực. Phật gia cho rằng: đời người là bể khổ. Thế gian con người là dơ bẩn, là nghiệp cuộn lấy nghiệp. Người tu luyện "lấy khổ làm vui", chính là để tiêu trừ nghiệp lực, cho đến khi hết sạch nghiệp lực thì đủ tiêu chuẩn trở về thế giới Thiên quốc, mà như Phật giáo nói là "đến bờ bên kia của Niết Bàn".

Người bình thường không phải là Phật tử, tuy không có yêu cầu về giới luật, nhưng cũng có những tiêu chuẩn đạo đức làm người, cần hành thiện tích đức, tức là tạo nhân tốt, để sau này, và đời sau được quả tốt. Phật giáo giảng lục đạo luân hồi, tức là con người sau khi chết đi thì chỉ thoát khỏi cái xác phàm này thôi, còn nguyên thần bất diệt, nó sẽ tùy theo nghiệp thiện và nghiệp ác mang theo mà đi theo 6 con đường luân hồi (cũng gọi là 6 nẻo luân hồi, lục đạo luân hồi, lục đạo, lục thú):

  • Cõi Trời (tiếng Phạn: deva)
  • Cõi Thần (tiếng Phạn: asura)
  • Cõi người (tiếng Phạn: manussa)
  • Cõi súc sinh (tiếng Phạn: tiracchānayoni)
  • Cõi ngạ quỷ (tiếng Phạn: petta)
  • Cõi địa ngục (tiếng Phạn: niraya).

Người hành thiện tích đức, tùy đức lớn nhỏ mà có thể chuyển sinh vào một trong 3 cõi trên hưởng phúc. Tuy nhiên ở mỗi cõi cũng chia các tầng thứ khác nhau, ví như chuyển sinh cõi người, nếu là người có đức lớn thì sẽ được vinh hoa phú quý như làm quan lớn, phát tài lớn; còn nếu đức ít thì sống nghèo khổ, như ăn xin, hoặc bệnh tật cực khổ…

Làm nhiều việc ác bị quả báo
Người mà làm nhiều việc ác, thì phải chuyển sinh ở 3 cõi dưới, phải chịu khổ. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Người mà làm nhiều việc ác, thì phải chuyển sinh ở 3 cõi dưới, phải chịu khổ. Ví như những người ác, cả đời hành ác, hoặc làm việc đại ác thì phải xuống địa ngục. Trong địa ngục có tầng thấp nhất là Địa ngục Vô gián, người cực kỳ ác, phỉ báng Thần Phật, phá hoại Pháp, sát hại người tu luyện... thì sẽ bị chuyển sinh vào nơi này, bị tiêu diệt vô cùng tận, không ngừng nghỉ, vĩnh viễn không được chuyển sinh sang các cõi khác.

Thế nên một người mà chỉ chạy theo dục vọng và lợi ích cá nhân, vô Pháp vô Thiên, nhục mạ Trời Đất, phỉ báng Thần Phật, không điều ác gì mà không làm, phạm cả những tội "thập ác bất xá", không nhận ra tội lỗi sai trái, không biết sửa mình... thì cuối cùng sẽ bị Trời tru Đất diệt. Con người trần trụi đến với thế gian, rồi cuối cùng lại trần trụi ra đi. Mấy chục năm sống trên cõi đời này hỏi có ý nghĩa gì? Cả đời công danh sự nghiệp, hay vợ đẹp con khôn, hoặc đời đơn côi cùng khổ, thì vẫn hai bàn tay trắng ra đi, mà không biết đi về chốn nào? Nếu diễn giải sai Kinh Phật để phóng túng bản thân, thì điều chờ đợi phía trước quả là khủng khiếp.

Trung Dung



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Có phải Kinh Phật dạy "Người không vì mình Trời tru đất diệt" hay không?