Có thể bạn chưa biết về Tôn Quyền: Cử hiền đãi sĩ, quên nhược điểm chỉ nhìn ưu điểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời Tam Quốc, trong vài chục năm ngắn ngủi, nhiều nhân vật anh hùng xuất hiện như Tào Tháo, Gia cát Lượng, Lưu Bị, Tôn Quyền, Chu Du, Quan Vũ, Trương Phi… họ đã tung hoành ngang dọc, cùng làm lên một khúc ca tráng liệt về tinh thần cao thượng “Trung nghĩa, tín nghĩa, nhân nghĩa, ân nghĩa, hiệp nghĩa”, để lại cho hậu thế những giá trị vô tận cùng những nỗi niềm cảm khái.

Trong đó, vị anh hùng được Tào Tháo - nhân vật có hùng tâm thống nhất thiên hạ - khen rằng: “Sinh tử đương như như Tôn Trọng Mưu” (Sinh con trai sao cho được như Tôn Quyền - tự là Trọng Mưu). Tôn Quyền tuy không được hậu thế ngợi ca như Tào Tháo, Lưu Bị, Gia Cát Lượng… nhưng công tích của ông cũng không thể xem nhẹ.

Theo sử sách ghi lại, Tôn Quyền chấp chính 52 năm, là vị hùng chủ có thời gian chấp chính lâu nhất trong Tam Quốc. Khi tại vị, phía tây liên kết Thục Hán, phía bắc kháng Tào Ngụy, quốc nội thì bình định Sơn Việt, mở rộng khai khẩn vùng Giang Nam, là vị hoàng đế đầu tiên cai trị vùng Giang Nam sau thời Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc.

Ngoài ra, Đông Ngô còn là nơi có kỹ thuật hàng hải hàng đầu khiến cả thế giới khi ấy nể phục, có thế nối thông từ miền bắc tới Liêu Đông, nam tới Đài Loan, khai sáng ra tuyến đường thủy sớm nhất nối Trung Quốc và Đài Loan, kiến lập giao thương buôn bán, rồi quan hệ qua lại, trao đổi văn hóa.

Thời Đông Ngô đỉnh thịnh, cương thổ bao gồm cả trung hạ du Trường Giang xuống đến tận vùng Giao Chỉ phía nam (nay là miền bắc Việt Nam), có diện tích tương đương với nước Ngụy, lớn hơn Thục Hán rất nhiều.

Từ những thành tựu đó có thể thấy Tôn Quyền thực xứng với lời khen của Tào Tháo, cũng xứng với lời từ của Tân Khí Tật thời nhà Tống: “Anh hùng vô mịch, Tôn Trọng Mưu xứ” (Anh hùng không phải tìm đâu xa, ở chỗ Tôn Quyền đó). Mà sự cường thịnh lâu bền của Đông Ngô thì không thể tách khỏi những cống hiến của Tôn Quyền trong việc chiêu hiền đãi sĩ, ái tài như mệnh của vị hùng chủ Đông Ngô.

Di ngôn Tôn Sách thành sự thực

Tôn Quyền sinh vào năm Quang Hòa thứ 5 (năm 182) thời Đông Hán ở Hạ Phi, Từ Châu (nay là Phi Châu, Từ Châu, tỉnh Giang Tô), cha ông khi ấy là Tôn Kiên nhậm chức Huyện thừa Hạ Phi, Tôn Quyền còn có người anh là Tôn Sách. Người ta nói rằng, họ là hậu duệ của binh pháp gia Tôn Vũ.

Trong “Giang Biểu truyện” có ghi lại, khi Ngô phu nhân có mang Tôn Quyền, mộng thấy trăng sáng bay vào lòng, lại còn mộng thấy cả mặt trời nhập dạ. Tôn Kiên nghe phu nhân nói vậy, mừng không cầm lòng được thốt lên: “Nhật nguyệt là tinh hoa của âm dương, là biểu tượng cực kỳ phú quý.”

Năm cuối Đông Hán, Tôn Kiên đã nhậm chức Thái thú Trường Sa, khởi binh hưởng ứng liên quân Quan Đông thảo phạt Đổng Trác, đồng thời di chuyển về huyện Thư, quận Lư Giang (nay là tây nam huyện Lư Giang tỉnh An Huy). Tôn Sách, Tôn Quyền cùng mẹ là Ngô phu nhân đi theo. Tại đây, Tôn Sách gặp được Chu Du - bậc tài danh lỗi lạc phi thường, hai người kết bạn, thân nhau như thủ túc.

Năm 191, Tôn Kiên phụng mệnh Viên Thuật thảo phạt Lưu Biểu - Thứ sử Kinh Châu, không may Tôn Kiên tử trận. Năm 195, Tôn Sách khởi binh chinh phạt Giang Đông, mời Chu Du phò tá cho mình, Tôn Quyền cũng ra trận. Tôn Quyền khi ấy mới 15 tuổi, tính cách hào sảng khoáng đạt, sùng thượng nghĩa hiệp, thích nuôi dưỡng môn khách, danh tiếng không thua kém bậc cha anh.

Tôn Quyền còn thường xuyên tham dự mưu lược quân sự cùng Tôn Sách, làm Tôn Sách nhiều phen kinh ngạc. Mỗi khi bày tiệc mời khách, Tôn Sách thường quay đầu nhìn Tôn Quyền rồi bảo: “Những vị khách kia sau này sẽ đều là thuộc hạ của hiền đệ”.

Tranh vẽ Tôn Sách, họa sĩ thời nhà Thanh (Miền công cộng)

Năm 196, Tôn Sách bổ nhiệm Tôn Quyền khi ấy mới 15 tuổi làm huyện trưởng Dương Diên (nay là huyện Nghi Hưng Giang Tô), sau đó Tôn Quyền được quận đề cử Hiếu Liêm, châu lý tiến cử làm Mậu Tài, rồi lại làm quyền Phụng Nghĩa Hiệu Úy. Năm 199, Tôn Quyền theo Tôn Sách thảo phạt Thái thú Lư Giang Lưu Huân. Sau khi đánh bại Lưu Huân, họ tiếp tục tiến quân Sa Diên, thảo phạt Thái thú Giang Hạ Hoàng Tổ.

Sau khi đánh bại các thế lực cát cứ, Tôn Sách bắt đầu vững bước bình định Giang Đông. Cùng lúc đó, bên cạnh Tôn Sách còn tụ hội nhiều nhân sĩ trí mưu. Ông có “các mưu sĩ Trương Chiêu người Bành Thành, Trương Hoằng người Quảng Lăng, Tần Tùng, Trần Đoan v.v.” để hoạch định sách lược, làm địa khu Giang Đông được vận hành trơn tru. Đặc biệt là hai vị Trương Chiêu, Trương Hoằng, có đóng góp lớn lao cho chính quyền Giang Đông, ‘Hai vị tham mưu Trương Hoằng, Trương Chiêu, thường một vị thủ thành, một vị chinh thảo’.

Vào lúc cơ nghiệp sắp thành, năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Tôn Sách bị ám sát. Trước lúc lâm chung ông nói với Tôn Quyền: “Sử dụng dân chúng Giang Đông, quyết sách tác chiến, tranh bá thiên hạ, đệ không bằng ta, nhưng cử hiền đãi sĩ, làm họ tận tâm phò tá bảo vệ Giang Đông, thì ta không bằng đệ”.

Sự thực sau này đã minh chứng phán đoán chuẩn xác của Tôn Sách.

Cử hiền đãi sĩ thi triển tài hoa

Khi Tôn Sách mất, Tôn Quyền vừa mới 18 tuổi kế vị, nhưng suốt ngày khóc lóc bi thương, không màng chính sự. Trương Chiêu can gián: “Nay thiên hạ đại loạn, hùm sói đầy đường, chỉ ôm đau thương mà không màng quốc sự, có khác chi mở cửa mời đạo tặc vào nhà, tất sẽ tự rước họa.”

Tôn Quyền tỉnh ngộ, nén giữ bi thương, bắt đầu xử lý quốc sự, thị sát quân đội, vỗ về bách tính.

Về mặt nhân sự, Tôn Quyền dùng lễ thầy trò đối đãi Trương Chiêu. Tranh vẽ Trương Chiêu thời nhà Thanh. (Miền công cộng)

Sau khi nghe kiến nghị của các mưu thần, Tôn Quyền lựa chọn chính sách đối nội là: “Vỗ về Sơn Việt, thảo phạt kẻ không theo”, ra sức mở rộng Giang Nam; về đối ngoại thì không chính diện kháng Tào, chịu nhận chức Thảo Lỗ tướng quân, Thái Thú Cối Kê, để tránh đối lập và xung đột. Về mặt nhân sự, Tôn Quyền lấy lễ thầy trò đối đãi với Trương Chiêu, cử Chu Du, Trình Phổ, Lữ Phạm làm tướng soái; đồng thời tích cực “Chiêu mộ hiền tài, trưng cầu danh sĩ”.

Tôn Quyền có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Quý kỳ sở trường, vong kỳ sở đoản”, (chỉ coi trọng sở trường mà quên sở đoản của họ). Ông cho rằng, cần trọng dụng ưu điểm của người, nhưng cũng cần độ lượng bao dung khiếm khuyết của người ta, nếu không sẽ rất dễ bị rơi vào những lời tư vấn nhạt nhẽo vô giá trị, thậm chí có thể gây mâu thuẫn. Ông vẫn trọng dụng Lỗ Túc, mặc dù Trương Chiêu nhận xét Lỗ Túc là: “Niên thiếu thô sơ” (Tuổi trẻ nông nổi), và trọng dụng Lã Mông cho dù Lã Mông xuất thân bần hàn.

Tôn Quyền nói: “Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có lời thề sống chết có nhau, Tử Du không phụ lòng ta, cũng là do ta không phụ lòng Tử Du.” Tranh vẽ Gia Cát Cẩn, thời nhà Thanh (Miền công cộng).

Tôn Quyền không chỉ chiêu hiền đãi sĩ, biết nhìn người, mà còn dùng người không nghi ngại. Như anh trai Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn, thời mạt Hán di cư về Giang Đông, được Tôn Quyền hết sức trọng dụng, làm tới Thái thú Nam quận, đại tướng quân. Đêm trước trận chiến Ngô, Thục ở Di Lăng, Gia Cát Cẩn đã viết thư cho Lưu Bị, tránh được liên minh tan vỡ. Có người mang việc này mật báo Tôn Quyền, nói Gia Cát Cẩn thông đồng với địch. Tôn Quyền không tin, còn nói “Ta và Tử Du (Gia Cát Cẩn) có lời thề sống chết có nhau, Tử Du không phụ lòng ta, cũng là do ta không phụ lòng Tử Du.”

Đông Ngô có một số lão tướng từng phò tá Tôn Kiên, Tôn Sách, các vị này trung dũng có thừa nhưng trí mưu lại không đủ, Tôn Quyền đề bạt một số tướng lĩnh trẻ, làm thế nào để các lão tướng tâm phục khẩu phục, Tôn Quyền rất chú trọng điểm này.

Có một lần, Tôn Quyền để cho vị tướng trẻ xuất thân bần hàn là Chu Thái trấn thủ Nhu Tu, còn lão tướng Chu Nhiên, Từ Thịnh làm phó tướng. Tôn Quyền biết rõ hai vị lão tướng sẽ không phục, do vậy ông mượn cớ đi thị sát lũy Nhu Tu. Trong lúc tiệc rượu ngà say, ông bảo Chu Thái cởi áo để mình trần, lộ rõ thân hình đầy thương tích, có thể hình dung là không chỗ da lành. “Chu tướng quân vết thương này là từ đâu ra?”. “Chu tướng quân vết kia là từ trận nào vậy?”, “Chu tướng quân sẹo đó là ở chiến dịch nào?”

Nghe vấn đáp của hai vị quân thần mà cử tọa chấn kinh trong tâm. Tôn Quyền xoa vai Chu Thái nói: “Tướng quân, ta và ông thân như huynh đệ, tướng quân trên chiến trường đã vì ta xả thân quên sống chết, nên thương tích đầy mình, sao Tôn Quyền ta có thể không cảm tạ ân này mà giao trọng nhiệm cho ông đây?”

Chu Nhiên, Từ Thịnh ngồi bên nghe mà ngây người, từ đó trở đi không dám bất kính với Chu Thái nữa.

Chu Thái quả nhiên không phụ lòng tin của Tôn Quyền. Khi Tào Tháo suất lĩnh 40 vạn đại quân tấn công Nhu Tu Khẩu, mấy trận giao tranh vẫn không giành thế thượng phong. Lúc Tào Tháo từ xa quan sát quân đội Đông Ngô, thấy thế trận chỉnh tề, hàng ngũ nghiêm mật, bất giác thốt lên: “Sinh tử đương như Tôn Trọng Mưu, Lưu Cảnh Thăng nhi tử nhược đồn khuyển nhĩ!” (Sinh con trai nên được như Tôn Quyền, còn con Lưu Cảnh Thăng (Lưu Biểu) thì chỉ như chó lợn thôi!), sau đó lệnh lui quân.

Chính do Tôn Quyền hiểu người, giỏi dùng người, dùng người không nghi ngại, nên mới tụ tập được xung quanh nhân tài nườm nượp, rất nhiều bậc trí sĩ, danh thần, đại tướng, văn có Trương Chiêu, Trương Hoằng, Cố Ung, Thị Nghi, Trương Ôn, Khám Trạch, Ngu Phiên, Triệu Tư, Gia Cát Cẩn… về võ có Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Cam Ninh, Lăng Thống, Từ Thịnh, Gia Tề, Chu Thái, Thái Sử Từ…còn có các danh tướng hiển hách được tôn xưng là Đông Ngô tứ kiệt: Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn, so với Tào Tháo mưu sĩ như mây, mãnh tướng như rừng, đâu có kém gì. Cũng chính vì điều này, nên Đông Ngô mới bảo trì được hệ thống chính trị minh bạch, quốc phú dân cường bền lâu.

Tác giả: Lưu Hiểu - Epochtimes

Thái Bình biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Có thể bạn chưa biết về Tôn Quyền: Cử hiền đãi sĩ, quên nhược điểm chỉ nhìn ưu điểm