Cúng dường, bố thí, cúng siêu độ có tác dụng không? Làm thế nào mới đúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Hiện nay rất nhiều người tin nhân quả báo ứng, tin luân hồi. Vì vậy, nhiều người đã hữu ý làm việc thiện như bố thí, cúng dường, phóng sinh, hay cúng siêu độ cho vong linh người thân đã qua đời… Những việc này có tác dụng không? Làm như thế nào mới đúng?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Ai cũng có lòng thành kính, mong muốn thông qua cúng dường, bố thí để bản thân và gia đình được bình an, đắc phúc báo, vong linh người thân được siêu thoát.

Tuy nhiên, do chưa tìm hiểu kỹ về những lời Đức Phật và của các vị Tôn giả, những Đại đệ tử của Đức Phật khi các Ngài tại thế, nên không tránh khỏi mỗi người làm một kiểu, mỗi chùa làm một kiểu, thậm chí tranh cãi gây xôn xao dư luận. Vậy cúng dường và bố thí như thế nào mới đúng, mới đắc phúc báo? Phật, chư tăng nhận cúng dường và bố thí như thế nào? Người nghèo thì cúng dường bố thí như thế nào? Chúng ta hãy xem những câu chuyện cổ Phật gia để tìm lời giải đáp.

Đức Phật dạy người nghèo bố thí như thế nào?

Một người nghèo hỏi Đức Phật: “Tại sao con nghèo như thế?”

Đức Phật trả lời: “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác”.

Người nghèo băn khoăn hỏi lại: “Con không có thứ gì cả, thì lấy gì để bố thí?”.

Đức Phật từ bi giảng: “Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể bố thí được 7 điều này:

Nhan thí: Bố thí nụ cười - Dùng nét mặt vui vẻ, nụ cười thân thiện với những người xung quanh.

Ngôn thí: Bố thí lời nói - Dùng những lời nói nhẹ nhàng, từ bi, chân thật với người khác.

Tâm thí: Bố thí tấm lòng - Dùng tấm lòng thiện lương, bao dung, thật thà đối đãi người khác.

Nhãn thí: Bố thí ánh mắt - Dùng ánh mắt hiền từ, vui vẻ khi nhìn người đối diện.

Thân thí: Bố thí thân thể - Luôn giúp đỡ người khác những gì mình có thể làm được.

Tọa thí: Bố thí chỗ ngồi - Nhường chỗ ngồi cho người khác.

Phòng thí: Bố thí phòng ở - Cho người cần nơi tá túc ở nhờ".

Thiết nghĩ, 7 loại bố thí này, bất kỳ ai cũng có thể làm được. Đây là 7 biểu hiện của thiện tâm, bởi thiện tâm chính là bố thí tốt nhất. Hàng ngày luôn làm 7 việc thiện này thì ắt sẽ có phúc báo, bởi như người xưa nói: “Người làm việc thiện, tuy phúc chưa đến thì họa đã tránh xa. Người làm việc ác, tuy họa chưa đến thì phúc đã rời xa”.

Đức Phật giảng về 7 loại bố thí. (Wikipedia)
Đức Phật giảng về 7 loại bố thí. (Wikipedia)

Tôn giả Ca Diếp dạy người nghèo cúng dường như thế nào?

Một hôm, Tôn giả Ca Diếp đến một tòa thành, gặp một bà lão rất nghèo khổ không nhà cửa, không thân thích, ở góc hẻm tối tăm. Hôm ấy, bà đổ bệnh, gần như nằm liệt không ngồi dậy nổi, chừng như đang hấp hối.

Chỗ bà nằm có nhiều mảnh ngói vỡ. Một người qua đường thương xót bà lão, nên đổ nước vo gạo trên miếng gói vỡ để bà lão uống cầm hơi khi đói khát.

Tôn giả Ca Diếp trông thấy bà lão, liền tiến tới khất thực. Bà lão nhìn thấy Tôn giả thì cố gượng ngồi dậy, thở hổn hển, đoạn hỏi: “Ngài nghèo hơn tôi sao? Tôi rất yếu, không miếng ăn, không mảnh vải che thân, đang nằm chờ chết. Tôi còn gì để cúng dường đây?”.

Tôn giả ôn tồn giảng giải cho bà lão: “Hôm nay tôi đến xin thức ăn của bà chính là để giúp bà. Nếu tôi cho bà thức ăn, tiền bạc thì chỉ khiến bà càng nghèo khổ hơn. Nhưng nếu bà cho tôi chút gì lúc này, thì chính là bà đã tích được đại đức, kiếp sau có thể tái sinh vào gia đình giàu có hoặc lên thiên thượng hưởng phúc dài lâu”.

Bà lão nghe Tôn giả Ca Diếp nói thì xúc động nghẹn lời, nhưng bà chẳng thể tìm được món đồ nào tử tế để bố thí cho Tôn giả. Bà buồn bã nói: “Tôi mang ơn lời dạy bảo của Ngài, nhưng chẳng tìm được chút thức ăn hay quần áo nào để bố thí cả”.

Tôn giả Ca Diếp lại nói: “Người nghèo nhất chính là kẻ giàu có mà chẳng muốn cho đi”.

Nghe lời ấy, bà lão bỗng mặt mày hớn hở, vui sướng, hai tay nâng những miếng ngói vỡ còn chút nước vo gạo và dâng cho Tôn giả. Tôn giả Ca Diếp kính cẩn tiếp nhận và uống ngay trước mặt bà lão. Sau đó chẳng bao lâu, bà lão chết và được lên Thiên thượng làm Thiên nhân.

Tôn giả Ca Diếp. (Phạm vi công cộng)

Tại sao hành động cúng dường nước vo gạo cho nhà sư lại giúp bà có được phúc báo lớn như vậy?

Thứ nhất, bà đã bố thí bằng cả tấm lòng thành kính, hoan hỉ. Thứ 2, chút nước gạo đó là của cải duy nhất của bà, có thể kéo dài mạng sống của bà thêm chút ít, nhưng bà vẫn vui vẻ cúng dường. Thứ 3, Tôn giả Ca Diếp khi đó vẫn trong thân xác người trần, giống như một nhà sư khổ hạnh bình thường, nhưng Ngài đã đắc quả vị La Hán rồi, đâu phải là cúng dường cho tăng nhân bình thường, mà là cúng dường cho bậc Giác giả. Thế nên, bà lão mới có phúc phận to lớn đến như thế, trở thành Thiên nhân.

Kinh Phật còn ghi chép một câu chuyện về một Tôn giả khác cũng đã dạy người nghèo cách cúng dường để được phúc báo.

Người không có tiền thì cúng dường như thế nào?

Trong Kinh Hiền Ngu có ghi chép rằng, một lần Tôn giả Ca Chiên Diên gặp một phụ nữ nô lệ nghèo khổ, bị ông chủ đánh đập, nên đã ra sông tự tử.

Tôn giả khuyên can, người phụ nữ nói: "Tôi là một người nghèo, cả đời chịu khổ, bị đày đọa tới mức thực không muốn sống nữa!".

Tôn giả từ bi khuyên giải: "Người nghèo chưa chắc đã bất hạnh, người giàu chưa chắc đã hạnh phúc. Làm người chỉ cần sống không thẹn với lòng, tâm hồn thanh thản, đó là một loại niềm vui và tốt đẹp, bần cùng có gì phải buồn chứ?".

Người phụ nữ nói: "Ngài phải biết rằng tôi là một nô lệ, làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng không đủ ăn đủ mặc, không có tự do. Chủ nhân của tôi là người vừa keo kiệt vừa tàn bạo. Nếu làm việc có chút sai sót, ông ta không đánh thì cũng mắng nhiếc tôi. Nghĩ tới những thống khổ này đều là do nghèo túng mà ra, làm sao không buồn phiền cho được?".

Tôn giả Ca Chiên Diên giảng giải: “Phải bố thí. Bà phải biết rằng, giàu nghèo của đời người đều có nguyên nhân. Tại sao người nghèo lại nghèo? Bởi vì đời trước họ không bố thí và tu phúc. Thế người phú quý tại sao lại giàu có? Là bởi đời trước họ sẵn lòng bố thí và tu phúc. Cho nên, bố thí và tu phúc là cách tốt nhất để thoát nghèo và trở nên giàu có”.

Người phụ nữ khổ sở nói: “Ngài nói không sai, nhưng tôi nghèo tới mức chẳng có gì hết thì bố thí thế nào?”.

Tôn giả đáp: “Bố thí không nhất định phải dùng tiền. Bà đựng đầy nước vào chiếc bình đó rồi mang tới cúng dường tôi là được”.

“Nhưng cái bình này không phải của tôi, nó thuộc về chủ nhân của tôi”.

“Cái bình là của chủ nhân, nhưng nước trong đó là do bà mang tới mà”.

Người phụ nữ vui mừng quá đỗi. Bà đâu phải không có gì, bà chỉ không có tiền mà thôi. Nhưng bà vẫn còn có sức lực, có sức khỏe, có thiện ý, thậm chí lúc nào cũng có cơ hội để cải biến vận mệnh. Những thứ này đều đem lại phúc báo không ít hơn người khác.

Người phụ nữ đi đến bên dòng sông rửa sạch bình nước, đổ đầy nước tinh khiết vào rồi cung kính dâng tặng Tôn giả Ca Chiên Diên.

Từ đó bà chăm chỉ làm theo những điều Tôn giả chỉ dạy, tích công đức bằng cách cúng dường nước cho các tăng nhân. Sau này, bà được lên Thiên giới hưởng phúc.

Đức Phật giảng về việc làm lễ siêu độ cho vong linh như thế nào?

Vua Ba Tư Nặc thỉnh Đức Phật đến siêu độ cho vong linh của phụ vương ông, mong phụ vương có thể hoàn trả nợ nghiệp, giải thoát khỏi luân hồi.

Đức Phật giảng cho vua về việc cúng siêu độ cho vong linh. (Ảnh Epoch Times)

Đức Phật nhận lời và yêu cầu vua chuẩn bị 2 bình sứ, một bình đựng đầy tinh dầu và một bình đựng đầy đá cuội, rồi dùng vải bịt chặt miệng bình. Sau đó Đức Phật bảo vua thả 2 bình xuống sông rồi dùng gậy đập vỡ cả 2. Tinh dầu lập tức nổi tràn trên mặt nước, còn đá cuội chìm sâu tận đáy sông.

Đức Phật hỏi: “Vậy nếu bệ hạ làm đủ mọi nghi thức cầu cúng, liệu có thể nào tinh dầu chìm xuống và đá cuội nổi lên không?”.

Vua trả lời: “Không thể”.

Đức Phật hỏi tại sao? Vua trả lời: “Vì đó là quy luật tự nhiên. Tinh dầu luôn nổi trên mặt nước, và đá cuội luôn chìm nơi đáy nước”.

Đức Phật nói: “Chúng ta và tự nhiên không có gì khác biệt, chúng ta vốn là một phần của tự nhiên. Thưa bệ hạ, trên thực tế, nếu như tổ tiên chúng ta gây ra lỗi lầm, gieo quả không tốt, thì những năm tháng còn lại của họ tự nhiên cũng giống như những hòn đá cuội kia vậy, nó sẽ chìm sâu xuống đáy nước. Còn làm được những việc công đức, thì cũng như tinh dầu nổi lên trên mặt nước vậy”.

“Không chỉ thân thể của một kiếp này, mà còn suốt nhiều đời kiếp luân hồi khác nữa, đều phải gánh chịu nghiệp quả do họ đã gây ra. Ngài thử nói xem, quy luật tự nhiên này thì lễ cúng nào, kinh kệ nào, việc hiến tế nào, hay bất cứ nghi thức nào có thể thay đổi được nó? Thưa bệ hạ, cho dù tôi là Phật cũng không thể thay đổi được việc đó. Chỉ có việc thiện mới có thể giúp Ngài mở ra cánh cửa giải thoát”.

Đức Phật giảng chỉ có nhà vua tích đức làm nhiều việc thiện, thì phụ vương của vua mới có thể chuộc được một phần tội lỗi, mới có cơ hội giải thoát. Như vậy, việc cúng siêu độ cho vong linh người thân đã qua đời, thì đó chỉ là nghi lễ, có tác dụng rất nhỏ bé, điều thực sự có tác dụng chính là gia quyến còn sống làm nhiều việc thiện, tích đức cho bản thân, và cũng là giảm tội nghiệp cho người đã khuất.

Từ những lời dạy của Đức Phật và các Tôn giả về việc cúng dường, bố thí, lễ cúng… có thể thấy, để bản thân và gia đình được phúc báo, thì cách duy nhất là thành tâm kính Thần, Phật, và hành thiện, hướng thiện. Mọi việc cúng dường, bố thí, lễ cúng, phóng sinh… đều vô ích nếu không có cái tâm thiện.

Nếu mục đích ẩn giấu của việc cúng bái chỉ là để mưu lợi cho bản thân, cầu xin sức khoẻ, sống cuộc sống thoải mái, làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức, chứ không thành tâm hướng thiện, hối lỗi những tội lỗi trước kia, thì dẫu có cúng dường cả núi vàng cũng không thể gọi là “việc thiện” được.

Tại sao cúng dường cho tăng nhân được phúc báo to lớn như vậy? Bởi vì như hai câu chuyện trên, hai Tôn giả đó tuy là tăng nhân khổ hạnh, nhưng đã đắc quả vị La Hán rồi. Nếu là tăng nhân thường thì sao? Thì có thể không có được phúc báo to lớn như thế. Còn nếu tăng nhân nhận cúng dường mà không thực tu, không khổ tu, dùng tiền tài đó hưởng lạc, thì việc cúng dường đó không những vô ích mà có thể tạo tội nghiệp.

Tường Hòa
(T/h)



BÀI CHỌN LỌC

Cúng dường, bố thí, cúng siêu độ có tác dụng không? Làm thế nào mới đúng?