Cùng Nhau Lần Nữa: Loạt tranh ‘Đứa con trai hoang đàng Tây Ban Nha’ hiếm hoi của Murillo được phục chế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự mô tả của Murillo về toàn bộ câu chuyện ngụ ngôn “Đứa con trai hoang đàng” là sự tiên phong cho tranh tường thuật Tây Ban Nha. Nó không chỉ là tập tranh cùng chủ đề đầu tiên về một câu chuyện ở Tây Ban Nha, mà còn có hai trong số những cảnh này chưa bao giờ có trước đó đối với nghệ thuật Tây Ban Nha.

Tội lỗi, sự ăn năn hối cải và sự khoan dung... tất cả đều thể hiện ra trong câu truyện ngụ ngôn “Đứa con trai hoang đàng”, truyện ngụ ngôn Kinh Thánh được minh hoạ nhiều nhất trong nghệ thuật phương Tây.

Ở Tây Ban Nha vào thế kỷ XVII, những cảnh Kinh Thánh đơn lẻ, như người con trai hoàn lương trở về nhà trong sự tha thứ của người cha, được nhìn thấy nhiều hơn là một chuỗi các bức tranh tường thuật cùng kể một câu chuyện. Mãi cho đến những năm 1660, nghệ thuật Tây Ban Nha mới thấy câu chuyện “Đứa con trai hoang đàng” được minh hoạ toàn bộ khi hoạ sĩ nổi tiếng Bartolomé Esteban Murillo vẽ một bộ tranh đầy tham vọng gồm sáu bức vẽ tường thuật.

Sáu bức tranh này đã được phục chế lại từ 2012 đến 2018. Và - lần đầu tiên trong suốt 30 năm - chuỗi tranh có thể được thấy cùng nhau trong đợt triển lãm “Murillo: Đứa con hoang đàng được phục chế” tại Trung Tâm Trưng Bày Quốc Gia Ireland. Triển lãm này được thực hiện bởi Aoife Brady, người chịu trách nhiệm của phòng trưng bày nghệ thuật Tây Ban Nha và Ý, và các bức tranh Muirne Lydon, người đã đi đầu trong các nỗ lực trùng tu.

Thể hiện trong triển lãm này là sự hiểu biết sâu sắc về quá trình vẽ tranh của Murillo được tiết lộ qua quá trình phục chế các tác phẩm. Thêm vào đó, các tác phẩm nghệ thuật châu Âu đã truyền cảm hứng cho loạt tranh “Đứa con hoang đàng” của Murillo, chẳng hạn như bản khắc của nghệ sĩ Pháp Jacques Callot và bản khắc của bậc thầy người Đức thời Phục Hưng Albrecht Dürer, cũng được trưng bày.

Triển lãm kết thúc ngày 10.01.2021, sau đó thì nó sẽ được đưa lên tàu cho tour triển lãm quốc tế, bắt đầu tại Bảo Tàng Meadows ở thành phố Dallas, Texas, ngày cụ thể vẫn chưa được công bố.

Nghệ sĩ tuyệt vời nhất ở Seville

Murillo được sinh ra ở Seville (1617-1682), đã sống và làm việc tại đây hơn 40 năm cho tới khi qua đời. Mặc dù chưa bao giờ rời Tây Ban Nha và cũng hiếm khi rời Seville, ông ấy vẫn có cơ hội tiếp cận với các nền văn hoá khác của châu Âu. Seville là một thành phố buôn bán nhộn nhịp, thịnh vượng bởi các thương nhân nước ngoài thường xuyên đến đây, và nhiều người trong đó trở thành nhà bảo trợ cho Murillo.

Thật thú vị rằng danh tiếng của Murillo vẫn tiếp tục tăng lên trong suốt thời kì thảm họa, khi mà Seville bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nạn đói. Phần lớn những người bạn cùng nghề thân thiết với Murillo, như họa sĩ Tây Ban Nha Francisco de Zurbarán, đã nhanh chóng rời khỏi Seville đến Madrid. Bởi vì các nhà bảo trợ của Murillo phần lớn là người nước ngoài, cuộc sống và công việc kiếm tiền của họ hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên ông vẫn tiếp tục làm việc tại thành phố và đã trở thành hoạ sĩ xuất sắc của thành phố Seville.

Truyện ngụ ngôn “Đứa con trai hoang đàng”

Truyện ngụ ngôn “Đứa con trai hoang đàng” là một câu chuyện cổ điển về sự chuộc lỗi. Một ngày, người em út trong gia đình có hai anh em trai đã tiến đến người cha xin được ứng trước phần thừa kế của mình. Không lâu sau khi nhận được phần thừa kế, người đàn ông trẻ này đã thu dọn đồ đạc và rời nhà để đi đến vùng đất xa xôi.

National Gallery of Ireland
“Đứa Con Hoang Đàng Nhận Phần Của Mình”, được vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inch x 53 inch. Được trình bày bởi Sir Alfred và Lady Beit, năm 1987; Bộ Sưu Tập Beit. (Phòng trưng bày Quốc gia Ireland)

Ở thành phố mới, anh ta đi theo một cuộc sống trụy lạc, tiêu pha cho đến khi trở nên túng thiếu. Nạn đói nhanh chóng ập đến với đất nước này, và khi không một đồng xu cắc bạc trong túi, chàng trai nghèo phải đi tìm việc để sinh tồn. Anh ta được thuê làm như một người chăn lợn trên cánh đồng và ở đó anh ta đã bắt đầu hối lỗi. Anh ta thậm chí còn thèm cả thức ăn của những con lợn bởi vì anh ta chẳng có gì. Anh ta nghĩ lại về cha mình: thậm chí người hầu của ông ấy còn được ăn ngon. Anh ta đã quyết định trở về nhà và khiêm nhường nhận lỗi cho những sự ngu ngốc của mình.

“Sự ra đi của Đứa Con Hoang Đàng”, được vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inches by 53 inches. Được giới thiệu bởi Sir Alfred and Lady Beit năm 1987; Bộ Sưu Tập Beit (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)
“Đứa Con Hoang Đàng Chơi Tiệc Tùng” vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo vào những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inches by 53 3/8 inches. Được trình bày bởi Alfred and Lady Beit, 1987. Bộ Sưu Tập Beit. (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)
“Đứa Con Hoang Đàng Bị Đuổi Ra Ngoài” vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo vào những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inches by 53 3/8 inches. Được trình bày bởi Alfred and Lady Beit, 1987. Bộ Sưu Tập Beit. (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)
“Đứa Con Trai Hoang Đàng Cho Lợn Ăn” vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo vào những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inches by 53 3/8 inches. Được trình bày bởi Alfred and Lady Beit, 1987. Bộ Sưu Tập Beit. (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)

Khi về nhà, cậu con trai được cha chào đón, người đã chạy ra ngoài để gặp anh ta với rất nhiều niềm vui. Người con đã thú nhận rằng anh ta đã mắc tội với Trời và không tôn trọng cha. Và anh ta đã xin được đối xử như một trong những người hầu của cha. Nhưng người cha quá đỗi hạnh phúc đã yêu cầu những người hầu mặc cho con trai bộ trang phục lộng lẫy và lấy một con bê béo nhất để chuẩn bị cho bữa tiệc, tất cả đều chào đón sự trở về của con trai. Con trai của ông ấy đã lạc lối nhưng anh ta đã tìm thấy được đường trở về nhà.

“Sự Trở Về Của Đứa Con Trai Hoang Đàng,” vẽ bởi Bartolomé Esteban Murillo vào những năm 1660. Tranh sơn dầu trên vải; kích thước 41 1/8 inches by 53 3/8 inches. Được trình bày bởi Alfred and Lady Beit, 1987. Bộ Sưu Tập Beit. (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)

Khi người anh lớn từ cánh đồng về nhà, anh ta đã rất giận giữ với sự đố kỵ vì sự chào đón dành cho người em. Anh ta đã đứng trước cha mình để muốn hiểu tại sao, đứa con trai trung thành và làm việc chăm chỉ này, lại chưa bao giờ nhận được phần thưởng nào như thế. Người cha đã nói một cách đơn giản cho anh ta rằng họ đã luôn ở bên nhau và tất cả những gì của cha thì cũng là của các con.

Một vài điều đầu tiên đối với nghệ thuật Tây Ban Nha

Sự mô tả của Murillo về toàn bộ câu chuyện ngụ ngôn “Đứa con trai hoang đàng” là sự tiên phong cho tranh tường thuật Tây Ban Nha. Nó không chỉ là tập tranh cùng chủ đề đầu tiên về một câu chuyện ở Tây Ban Nha, mà còn có hai trong số những cảnh này chưa bao giờ có trước đó đối với nghệ thuật Tây Ban Nha. Đó là “Đứa con trai hoang đàng tiệc tùng”“Đứa con trai hoang đàng bị đánh đuổi”. Điều này là vì người dân địa phương Seville “coi trọng sự lịch thiệp và tự chủ hơn là công khai và hoa mỹ”, Brady giải thích trong danh mục triển lãm. Đối với sự nhạy cảm của người Tây Ban Nha, những cảnh này được xem là không nghiêm túc và bất lịch sự.

Sách “Murillo: Đứa Con Trai Hoang Đàng Phục Chế” khảo sát tỉ mỉ tập tranh Đứa Con Trai Hoang Đàng của Murillo, bao gồm sự khôi phục. (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)

Không có bất kỳ bằng chứng nào về việc bộ tranh này đã được trưng bày công khai, và mặc dù có rất nhiều nghiên cứu người ta cũng chưa biết ai là người bảo trợ của bộ tranh. Bởi vì sự nhạy cảm của địa phương và bản chất phóng túng của hai cảnh đã nhắc đến trước đó, các học giả đã nghiên cứu cho rằng có thể nhà bảo trợ là người nước ngoài.

Các chuyên gia khác thì tin rằng nhà bảo trợ phải có mối liên hệ nào đó với Seville bởi vì bộ tranh có nhiều tài liệu tham khảo của địa phương. Theo “Đánh Giá Nghệ Thuật Ai-len”, một số chuyên gia tin rằng quý tộc Seville là Don Miguel de Mañara, là bạn của Murillo, cũng là nhà bảo trợ, có lẽ đã đặt bộ tranh dựa trên cuộc đời của ông ta. Khi còn trẻ, Mañara đã sống buông thả, trụy lạc, điều mà sau này ông ta đã rất ân hận, do đó đã cống hiến cuộc đời mình cho sự chân phương mộc mạc và xây dựng bệnh viện từ thiện ở Seville và Murillo đã trang trí nó.

Lấy bối cảnh Seville thế kỷ XVII, các bức tranh mang đến cho người xem một câu chuyện Kinh Thánh Tây Ban Nha một cách rõ ràng. Ví dụ, những chiếc ghế bọc da trong “Đứa con trai hoang đàng nhận phần thừa kế” và những cái bát và bình trong cảnh tiệc tùng đã thể hiện rõ các sản phẩm kim loại Tây Ban Nha đặc trưng. Thậm chí những con lợn mà đứa con trai hoang đàng cho ăn cũng là giống lợn đen Iberian bản địa, vẫn được nuôi ở Tây Ban Nha để làm món thịt nguội truyền thống: jamón ibérico.

Chi tiết từ “Đứa Con Trai Hoang Đàng Cho Lợn Ăn” không chỉ thể hiện ra sự ăn năn hối lỗi chân thành trên khuôn mặt của anh ta mà còn có một chi tiết tăng thêm hương vị Tây Ban Nha cho tập tranh của Murillo: Lợn Iberian (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)
Người con trai thưởng thức rượu, phụ nữ và âm nhạc, một chi tiết từ “Đứa Con Trai Hoang Đàng Tiệc Tùng” (Phòng Trưng Bày Quốc Gia Ireland)

Murillo đã không có bất kỳ nghệ thuật ngụ ngôn bản địa nào hướng dẫn cho ông ấy. Theo Brady, ông ta đã lấy cảm hứng từ rạp hát Tây Ban Nha: vở kịch năm 1604 của Lope de Vega “El Hijo de Pródigo” và vở kịch ngụ ngôn năm 1622 của José de Valdivielso .

Và trong suốt cuộc đời của Murillo, Thư Viện Quốc Gia Tây Ban Nha đã có được một bộ sưu tập lớn và quan trọng của tác phẩm nghệ thuật châu Âu, đặc biệt nghệ thuật Phục Hưng Phương Bắc. Tác phẩm của hai họa sĩ đặc biệt ảnh hưởng đến bộ tranh “Đứa con hoang đàng’ của Murillo là: bản khắc của bậc thầy người Đức Albrecht Dürer và một bộ gồm 10 bức tranh khắc của nghệ sĩ người Pháp Jacques Callot.

“Mặc dù chưa bao giờ rời khỏi Tây Ban Nha, ông ấy là một nghệ sĩ quốc tế, hướng ngoại, có khả năng viết lại các câu chuyện từ những truyền thống và hình thức nghệ thuật khác nhau vào trong một bối cảnh bản địa”, Brady đã nói trong danh mục triển lãm.

Murillo đã tạo những sự bổ sung và giải thích cho câu chuyện ngụ ngôn theo cách riêng của ông. Danh mục triển lãm đưa ra một vài ví dụ. Chẳng hạn, ông ấy đã mô tả người mẹ và chị của đứa con trai hoang đàng trong hai cảnh đầu tiên, khi người con trai nhận phần thừa kế của mình, và trong cảnh sự ra đi của anh ta; người mẹ và chị gái không được đề cập đến trong chuyện Kinh Thánh.

Thái độ khinh thường của người con trai lớn rất rõ ràng trong “Sự Ra Đi Của Đứa Con Hoang Đàng”. Murillo đã bổ sung thêm vào cảnh này một người mẹ và con gái, không có trong chuyện kinh thánh. (Phòng Trưng bày Quốc Gia Ireland)

Trong bức tranh “Đứa con trai hoang đàng tiệc tùng”, sự suy tàn đạo đức của anh ta trông gần như thuần thục. “Các giá trị phổ biến của sự đứng đắn trong bối cảnh Tây Ban Nha thế kỷ XVII đã khiến Murillo thêm vào một bầu không khí khiêm tốn khác thường trong một cảnh được mô tả là “hoang dã” trong đoạn trích Kinh Thánh”, danh mục triển lãm giải thích. Những bức tranh khác của châu Âu cùng chủ đề này, đặc biệt là của trường Hà Lan và Flemish, còn có nhiều cảnh hoang dại hơn nữa.

Murillo đã mô tả thời khắc mà đứa con trai hoang đàng nhận ra sự thất sủng trong bức tranh “Đứa con trai hoang đàng bị đuổi đánh”. Trong tranh, người con trai bị tống cổ ra khỏi nhà chứa. Điều này không được mô tả trong Kinh Thánh. Danh mục cũng đề cập đến sự bổ sung thêm gái điếm, bà lão vào nền tranh, là sự khác biệt của nghệ thuật phương Tây. Sự hiện diện của cô ta có lẽ ám chỉ sự vỡ mộng của chàng trai ấy, bước ngoặt của câu chuyện chính là ở chỗ người phạm lỗi đã vỡ mộng những thú vui vật chất và nhục dục xác thịt và đánh thức những sai về lầm lề thói của anh ta, điều mà ngay lập tức báo trước sự ăn năn hối cải”, danh mục triển lãm cho biết thêm.

Cảnh cuối cùng trong bộ tranh của Murillo, “Sự trở về của đứa con trai hoang đàng”, không giống với truyện Kinh Thánh; nó đã không thể hiện cảnh tức giận của người anh trai.

Đứa con trai hoang đàng của Murillo trở về

Bộ tranh “Đứa con trai hoang đàng” là một trong hai bộ tranh theo cùng chủ đề duy nhất của Murillo, và tập tranh duy nhất này vẫn còn nguyên vẹn. Bằng cách nào mà tác phẩm nghệ thuật Tây Ban Nha hiếm hoi này đến được Ireland là một câu chuyện đặc biệt khác và là một minh chứng rõ ràng cho sự uy tín và được yêu mến suốt thời gian qua.

Ngày nay, chúng ta may mắn được quan sát toàn bộ tập tranh tường thuật của Murillo là nhờ vào sự nỗ lực không tưởng của bá tước Dudley. Năm 1867, một người đàn ông Anh đã mua năm bức tranh “Đứa con trai hoang đàng” từ một vị chính trị gia Tây Ban Nha và thương nhân José de Salamanca y Mayol. Sau đó, bá tước đã đặt cả tâm huyết để mua bức thứ sáu và là bức tranh cuối cùng: “Sự trở về của đứa con hoang đàng”.

Cảnh cảm động của một gia đình đoàn tụ, chi tiết từ bức tranh “Sự Trở Về Của Đứa Con Hoang Đàng”. (Phòng trưng bày quốc gia Ireland)

Thuộc sở hữu của một loạt các nhà sưu tập có tiếng Tây Ban Nha, bức tranh “Sự trở về của đứa con hoang đàng” đã rất nổi tiếng trong quá khứ. Người Tây Ban Nha sở hữu cuối cùng là nữ hoàng Isabella II và chồng, người đã tặng bức tranh cho Pope Pius IX năm 1856.

Sau một loạt các cuộc đàm phán với Vatican, cuối cùng bá tước cũng hoàn thành ước nguyện của mình: năm 1871, ông ấy đã trả một mức giá đắt đỏ để có thể tập hợp các bức tranh trong bộ tranh cùng chủ đề của Murilo, đổi lấy hai bức tranh thời Phục Hưng Ý - gồm một bức của Fra Angelico “Trinh Nữ trong hào quang của các Thánh Dominic và Catherine của Alexandria”, và một bức của Bonifazio di Pitati về gia đình Thánh - và thêm 2000 vàng Napoleon để hợp nhất “Sự trở về của đứa con hoang đàng” với năm bức còn lại.

Bộ sưu tập Beit

Vào năm 1896, ông trùm vàng và kim cương Alfred Beit đã mua lại bộ tranh. Cháu trai của ông là ngài Alfred Lane Beit, người đã thừa hưởng bộ sưu tập, đã sửa sang lại những căn phòng để đủ chỗ trưng bày các bức tranh ở lâu đài Kensington Palace Gardens ở Luân Đôn và sau đó là ở nhà Russborough House, County Wicklow, Ireland.

Gia đình Beit rất yêu quý bộ tranh. Thậm chí sau khi họ đã tặng những bức tranh cho phòng triển lãm Quốc Gia Ireland vào năm 1987, cùng với những kiệt tác vô giá như của Johannes Vermeer và Diego Velázquez, thì chỉ có bộ tranh “Đứa con trai hoang đàng” của Murillo là được đặt điều kiện để trả về nhà họ, Russborough House, vào mỗi mùa hè cho tới năm 2002.

Ngày nay, các bức tranh đã được hơn 350 tuổi, nhưng câu chuyện kể trực quan và đầy sức ảnh hưởng của Murillo về bộ tranh cùng chủ đề “Đứa con trai hoang đàng” vẫn còn làm say đắm người xem. Trong các bức tranh này, Murillo đã làm sáng tỏ sức mạnh của câu chuyện ngụ ngôn lại vừa trực quan, làm nổi bật sự liên quan tổng thể bất kể là tín ngưỡng, thời gian hay nơi chốn.

Để biết thêm thông tin và xem hình ảnh của triển lãm online: “Murillo: Đứa con trai hoang đàng”, hãy vào đường dẫn bên dưới

NationalGallery.ie

Du Du

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cùng Nhau Lần Nữa: Loạt tranh ‘Đứa con trai hoang đàng Tây Ban Nha’ hiếm hoi của Murillo được phục chế