Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Về quy mô địa lý, dân số, quy mô quân sự… Đài Loan quả là anh chàng David bé nhỏ trước gã khổng lồ Goliath PRC ở Đại lục. Ấn tượng bề ngoài dễ gây nên nhận định sai lầm về tương quan lực lượng đôi bên.

Ngày quốc khánh ở Đài Loan có điều gì lạ?

Ngày 10/10 là quốc khánh của Đài Loan, còn gọi là ngày lễ Song Thập, đây là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Vũ Xương 10/10/1911, còn gọi là Cách mạng Tân Hợi vì sự việc xảy ra vào năm Tân Hợi. Cách mạng Tân Hợi đã làm sụp đổ hoàn toàn triều đại quân chủ của nhà Thanh.

Lý do gì mà Đài Loan - một hòn đảo nằm tách biệt lại lấy một ngày kỷ niệm sự việc xảy ra tại Trung Hoa đại lục làm ngày quốc khánh của mình? Đài Loan có liên hệ gì với Trung Hoa đại lục? Nguồn gốc sự việc chỉ có thể tìm trong lịch sử hình thành của quốc đảo, không thể tách rời mối quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, và không thể không liên đới với một quốc gia nhiều duyên nợ là Nhật Bản… Hay nói cách khác, đó chính là đầu mối của tất cả những rắc rối địa chính trị đang xảy ra ở khu vực này ngày hôm nay.

Đài Loan - vị trí địa lý

Người ta vẫn gọi Đài Loan, nhưng tên chính thức của quốc đảo này là Trung Hoa Dân Quốc. Đài Loan chỉ là tên một hòn đảo chính nằm trong nhóm đảo nằm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, tọa lạc giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và quần đảo Philippines, cách Trung Quốc đại lục từ 130 - 180km qua eo biển Đài Loan.

Diện tích của Đài Loan khoảng 36,000 km2, tổng nhân khẩu ước tính chừng 23,5 triệu người. Đài Loan nằm ở giao giới giữa khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, lại có lượng mưa dồi dào nên cây cỏ quanh năm xanh tốt, thổ hải sản đều phong phú, cảnh quan hùng vĩ diễm lệ, nên còn có cái tên Latin là Formosa. Chuyện là vào năm 1554, thủy thủ trên tàu buôn của người Bồ Đào Nha đi qua vùng biển Đài Loan, thấy hòn đảo rất đẹp nên phấn khích hô vang “Ilha Formosa!” - có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”. Trước thập niên 1950, các quốc gia châu Âu chủ yếu gọi Đài Loan là "Formosa".

Một số chiến lược gia gọi chuỗi đảo ở Đông Á (trong đó có Đài Loan) là “Vạn lý trường thành ngược”. Các sĩ quan và chiến lược gia hải quân của Trung Quốc coi Trung Quốc như bị “đóng hộp” bởi chuỗi quần đảo này.

Đài Loan trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển

Từ thời kỳ cổ đại đến năm 1895

Sách vở vùng Trung Nguyên đã nói đến vùng đất này từ thời kỳ Tam Quốc, lúc đó Đài Loan được gọi là Di Châu. Trong “Tam Quốc chí”, phần “Ngô chí” có nói đến việc quân đội nước Ngô của Ngô Tôn Quyền đã từng vượt biển đổ bộ lên hòn đảo này. Sang đến thời kỳ Tùy - Đường, người ta gọi Đài Loan là Lưu Cầu quốc và quân đội Trung Nguyên cũng có lần đổ bộ lên hòn đảo, xung đột với dân địa phương, bắt được tù binh rồi về, điều này được ghi chép trong “Tùy thư - Lưu cầu truyện”. Đa số những thư tịch cổ này cho rằng Đài Loan là một hòn đảo bốn mặt vây quanh bởi núi, không có băng tuyết mùa đông và chỉ có “đám rợ núi” sống ở đó. Họ không thấy lợi ích gì khi chiếm đóng vùng đất này.

“Đám rợ núi” mà người Trung Nguyên đề cập đến chính là những chủ nhân lâu đời nhất của vùng đảo này - những thổ dân theo ngữ hệ Nam Đảo, thứ ngôn ngữ được chia sẻ tại các hải đảo Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Madagascar và một phần nhỏ tại đại lục châu Á.

Suốt thời kỳ triều Đường, Tống, Nguyên... có một số giao dịch giữa Trung Nguyên và thổ dân ở đảo, nhưng không có sự chiếm đóng hay định cư của người Đại lục trên hòn đảo này. Bất quá họ chỉ lập ra trại tuần kiểm ty - một loại cơ quan kiểm soát, ngăn chặn sự phá phách của thổ dân địa phương và cả Oa khấu - tức là hải tặc Nhật Bản. Cơ quan này được đặt tại Bành Hồ - một hòn đảo nhỏ thuộc chùm đảo của Đài Loan hiện nay.

Sang đến đầu thời Minh, triều đình tài trợ cho hoạt động thám hiểm đại dương của đô đốc Trịnh Hòa. Trịnh Hòa đã có sự tiếp xúc với thổ dân Đài Loan, nhưng cũng không chiếm đóng đất này. Sau 7 chuyến hải hành tốn kém của Trịnh Hòa, nhà Minh không tiếp tục tài trợ cho hoạt động khám phá bằng đường biển, thậm chí còn ban hành lệnh “hải cấm”, tức là cấm đi biển. Đài Loan vẫn nguyên vẹn là vùng đất của thổ dân Nam Đảo. Chung quy cũng vì từ thời cổ đại, các triều đại ở Trung Hoa đều không lấy hoạt động hải dương làm trọng.

Và cũng vì phương tiện vận tải biển của nhân loại chưa có đủ sức mạnh để vượt qua những khoảng cách lớn trên đại dương.

Mãi đến đầu thế kỷ 17, các quốc gia phương Tây ban đầu là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha rồi đến Hà Lan phát triển mạnh về lực lượng tàu biển, đi khắp thế giới, và họ đã đến Đài Loan. Người Hà Lan xung đột với quan quân nhà Minh tại Bành Hồ. Bị đuổi đi, họ đến xây dựng pháo đài An Bình (hay Zeelandia) trên đảo chính Đài Loan để làm cứ điểm, rồi chiêu tập người Hán ở miền duyên hải tỉnh Phúc Kiến thuộc Đại lục đến Đài Loan để khai khẩn. Đó hầu hết là những nạn dân, chạy loạn, trốn đói, hoặc trốn tù.

Từ căn cứ này, người Hà Lan đã tiến hành phong tỏa, cướp bóc vùng duyên hải Phúc Kiến và đã bị đánh bại bởi thủy quân Minh triều, chỉ huy bởi tướng Trịnh Chi Long trong cuộc hải chiến mà sử gọi là cuộc hải chiến Minh - Hà Lan vào thời vua Sùng Trinh. Tuy vậy, mãi đến khi kết thúc triều Minh, người Hà Lan mới bị xóa sổ khỏi Đài Loan bởi một nhân vật thuộc phong trào “phản Thanh - phục Minh”, đó là Trịnh Thành Công, sự việc dẫn đến lần chiếm đóng đầu tiên với quy mô lớn của người Hán lên vùng đảo này.

The Portrait of Koxinga.jpg

Trịnh Thành Công. (Phạm vi công cộng)

Bấy giờ tại Trung Nguyên, người Mãn Châu chiến thắng nhà Minh, lập nên triều Đại Thanh. Quân đội Bát Kỳ của nhà Thanh tiến vào Phúc Kiến, Trịnh Chi Long đầu hàng nhưng con trai ông là Trịnh Thành Công lãnh đạo một bộ phận quân kháng chiến chạy ra đảo Kim Môn - nay cũng thuộc Đài Loan, rồi dần dần chạy ra đảo chính Đài Loan, lấy Đài Loan làm căn cứ khôi phục Minh triều. Tại đây 25 nghìn tướng sĩ cùng vài trăm chiến hạm của Trịnh Thành Công đã chiến thắng bọn “quỷ Hồng mao” - một cách gọi của người Hán đối với người Hà Lan râu tóc hung đỏ, như câu chuyện dựa trên sự thực lịch sử được miêu tả rất sinh động trong tiểu thuyết nổi tiếng “Lộc Đỉnh Ký” của văn hào Kim Dung.

Mấy thế hệ của họ Trịnh đã cát cứ vùng đảo này, cho đến đời Trịnh Khắc Sảng - cháu nội của Trịnh Thành Công, thì quân đội họ Trịnh bị tiêu diệt toàn bộ bởi quân đội của Thanh triều Khang Hy vào năm 1683. Tuy vậy, sau đó Thanh triều khống chế nghiêm ngặt người Hán từ Đại lục sang Đài Loan và giao quyền quản lý Đài Loan cho tỉnh Phúc Kiến, vốn ở gần Đài Loan nhất.

Mãi đến năm 1885, danh tướng Tả Tông Đường mới đề xuất Thanh triều cần phải chuyển Đài Loan thành một tỉnh để xây dựng ở đây một lực lượng phòng thủ đủ mạnh trước phương Tây. Nhưng tỉnh Đài Loan của Đại Thanh chỉ tồn tại trong 10 năm, vì đến năm 1895, Thanh triều đã phải cắt nhượng Đài Loan cho Nhật Bản sau khi bại trận trong cuộc chiến Thanh - Nhật, theo Điều ước Mã Quan (hay Shimonoseki).

Đài Loan chỉ trở lại thuộc quyền quản lý của người Hán tại Hoa lục vào năm 1945 dưới một cái tên mới, nhờ công lao của một vị anh hùng. Cái tên ấy chính là Trung Hoa Dân Quốc và vị anh hùng là Tổng thống Tưởng Giới Thạch.

Từ năm 1945 đến nay

Đài Loan vì sao có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, và lấy ngày 10/10 làm quốc khánh? Muốn hiểu điều này ta phải quay lại ngày 10/10/1911, ngày bắt đầu cuộc khởi nghĩa Vũ Xương - sự kiện mở màn cho cách mạng Tân Hợi.

Cuộc cách mạng này do bác sĩ Tôn Trung Sơn lãnh đạo, đã lật đổ Thanh triều, xây dựng chế độ Cộng hòa đại nghị với Tôn Trung Sơn làm Đại Tổng thống, quốc hiệu đổi từ Đại Thanh trở thành Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi Tôn Trung Sơn mất đi, Tưởng Giới Thạch là người lãnh đạo cao nhất của quân đội Trung Hoa Dân Quốc tiến hành Bắc phạt, cuối cùng đã chinh phục các thế lực quân phiệt cát cứ, thống nhất Trung Hoa, trở thành Chủ tịch Chính phủ Quốc dân của Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1928.

Sau sự kiện Lư Câu Kiều năm 1937, ông tiếp tục lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc kháng Nhật. Từ thủ đô kháng chiến Trùng Khánh, Tưởng đã dẫn dắt nhân dân Trung Hoa chiến thắng một kẻ thù hùng mạnh nhất châu Á thời đó là phát xít Nhật. Năm 1945, phe Trục thua trận, nước Mỹ đồng minh đã yêu cầu nước Nhật bại trận trả lại đảo Đài Loan cho Trung Hoa Dân Quốc. Ngày 25/10/1945, Trung Hoa Dân Quốc chính thức tiếp quản Đài Loan, Bành Hồ.

Chính quyền Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc, vốn là chính quyền Trung Quốc chính thống, sau khi triều Thanh diệt vong, Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền chính thống của Trung Quốc.
Chính quyền Đài Loan Trung Hoa Dân Quốc, vốn là chính quyền Trung Quốc chính thống, sau khi triều Thanh diệt vong, Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền chính thống của Trung Quốc. (Tổng hợp)

Phe Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong chính quyền Trung Hoa Dân Quốc đã hầu như không đóng góp gì trong cuộc chiến kháng Nhật. Mục đích của Mao Trạch Đông và các lãnh tụ ĐCSTQ là “tọa sơn quan hổ đấu”, lợi dụng chiến tranh để bảo tồn và phát triển lực lượng chờ đến ngày cướp chính quyền. Và rồi sau Thế chiến 2, vào năm 1946 họ phát động cuộc nội chiến Quốc-Cộng lần 2 và giành thắng lợi vào năm 1949. Trong cuộc hội đàm năm 1972, Mao còn cảm ơn thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka rằng, nhờ có Nhật Bản trong cuộc chiến xâm lược ấy, ĐCSTQ mới giành được chính quyền (Theo cuốn “Đời tư Mao Trạch Đông”).

Chủ tịch Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và Trung Hoa Quốc Dân đảng đành rút lui ra đảo Đài Loan vào tháng 12/1949. Đài Loan trở thành vùng đất cuối cùng của Trung Hoa Dân Quốc.

Và cũng từ sau tháng 10/1949, ĐCSTQ đổi tên nước thành “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” (PRC).

Cuộc nội chiến kết thúc mà không có thỏa thuận hòa bình nào, tức là hai bên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Và kể từ đó, Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan) cho đến những năm 1990, vẫn lập kế hoạch quân sự “phản công Đại lục” để “quang phục Trung Hoa”. Ngược lại, PRC dưới sự cai trị của ĐCSTQ thì giương cao khẩu hiệu “Giải phóng Đài Loan”. Hai bên đều cho rằng chỉ có một nước Trung Quốc thống nhất, nhưng lại không thống nhất về việc ai sẽ giữ vai trò đại diện cho nước Trung Quốc này trên trường quốc tế.

Do ảnh hưởng từ thế cục Chiến tranh Lạnh, Liên Hợp Quốc và đa số quốc gia phương Tây tiếp tục công nhận Trung Hoa Dân Quốc là chính phủ hợp pháp đại diện cho Trung Quốc. Nhưng “gió đã xoay chiều”, đồng minh trở mặt vào ngày 25/10/1971 khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) đã được Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận là nước Trung Quốc hợp pháp duy nhất thông qua Nghị quyết Đại hội 2758. Nghị quyết này không chỉ được hỗ trợ bởi hầu hết các quốc gia cộng sản (bao gồm Liên Xô) và các nước không liên kết (như Ấn Độ), mà còn bởi một số đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp. Sự kiện này xảy ra sau cuộc gặp bí mật của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger với Thủ tướng Chu Ân Lai của PRC vào năm 1971. Kể từ đó Trung Hoa Dân Quốc cũng bị PRC thay thế vai trò 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ mà họ vốn là thành viên sáng lập.

Và dưới áp lực của ĐCSTQ, Trung Hoa Dân Quốc bị nhiều quốc gia khác xóa bỏ quan hệ chính thức, cái tên Trung Hoa Dân Quốc cũng dần dần bị thay thế bằng Đài Loan, là tên hòn đảo lớn nhất của quốc gia này. Giấc mơ “phản công Đại lục” hay “quang phục Trung Hoa” xưa của người trai đất Thần Châu là Tưởng Giới Thạch không biết bao giờ mới đạt được:

Đằng đằng sát khí khắp hoàn cầu,
Sức chẳng bằng người, buông được đâu
Quang phục Thần Châu, xong trọng trách
Đông du há phải bởi phong hầu

("Thuật chí" - Tưởng Giới Thạch, viết năm 1909 khi đang du học trường sĩ quan dự bị ở Nhật)

Từ những năm 1990 ước vọng ấy cũng dần bị co lại cho vừa sức hơn, đó là giữ được “Đài Loan độc lập”.

Sự khác biệt căn bản và tương quan lực lượng Trung Hoa Dân Quốc - PRC (hay Đài Loan - Đại lục)

Về quy mô địa lý, dân số, quy mô quân sự… Đài Loan quả là anh chàng David bé nhỏ trước gã khổng lồ Goliath PRC ở Đại lục. Ấn tượng bề ngoài dễ gây nên nhận định sai lầm về tương quan lực lượng đôi bên.

Nhưng Đài Loan hay Trung Hoa Dân Quốc lại mới là dòng chính thống, là người chủ chính thức của mảnh đất Trung Hoa, vì họ kế thừa sự nghiệp của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, cũng như Tưởng Giới Thạch lại kế thừa đại nghiệp của Tôn Trung Sơn - Đại Tổng thống được bầu, bậc Quốc phụ của Trung Hoa Dân Quốc sau cuộc Cách mạng Tân Hợi; Họ kế thừa cả văn hóa truyền thống Trung Hoa; Họ lại có công kháng Nhật... rõ ràng là danh chính ngôn thuận hơn ĐCSTQ - kẻ cướp chính quyền với tư tưởng ngoại lai, vốn “sớm đầu tối đánh” suốt từ thời ở Giang Tây năm 1927.

Về chế độ chính trị, Đài Loan là quốc gia theo thể chế dân chủ, là một xã hội cởi mở, tự do, khuyến khích sáng tạo… còn PRC lại là một thể chế độc tài, sắt máu, chà đạp nhân quyền, coi rẻ sinh mệnh.

Về văn hóa, Đài Loan bảo tồn và phục hưng văn hóa truyền thống, chữ viết, là một xã hội có đạo đức, tín Thần, tôn trọng tự do tín ngưỡng, khiến xã hội ổn định, phồn vinh và đáng sống. Đơn cử như cộng đồng người tu luyện Pháp Luân Công tại Đài Loan là đông nhất thế giới ngoài Đại lục, được tự do tu luyện và đóng góp cho xã hội.

Ngược lại, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phá hủy văn hóa truyền thống, cắt đứt mạch nguồn đạo đức khiến người với người tàn ác như lang sói; lại vô Thần bất tín, đàn áp tôn giáo tín ngưỡng, khiến xã hội ngày càng bất ổn, loạn lạc. Cuộc đàn áp phong trào Pháp Luân Công với những tội ác ghê rợn như cướp mổ nội tạng đã diễn ra mấy chục năm nay chưa dừng lại.

Văn hóa truyền thống, đạo đức mới là nền tảng để xây dựng con người, con người có văn hóa truyền thống, có đạo đức mới kiến thiết nên quốc gia vững mạnh, chính đó là chỗ khác biệt cơ bản giữa Đài Loan và PRC.

Hơn một thế kỷ trước, nhà tư tưởng Phan Châu Trinh nước Việt từng đề xuất con đường để chấn hưng đất nước đó là “Khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”. Trước hết, người dân phải biết phân biệt thiện - ác, đúng - sai, mở mang trí óc, tiếp thụ tinh hoa tri thức rồi mới có tinh thần vững mạnh; có sức mạnh và văn minh tinh thần mới có xã hội phồn vinh, đời sống sung túc. Tình cờ, một hòn đảo Đài Loan xa xôi cách biệt lại làm được điều này.

Tổng thống Tưởng Giới Thạch sinh thời cũng nhấn mạnh: “Sự thịnh vượng của một đất nước và sự thịnh vượng của dân tộc hoàn toàn bắt nguồn từ đạo đức cao thượng của con người nước đó, tri thức tuyệt vời, sự cường tráng về thể chất và sự phát triển của cộng đồng nơi đó…”

Và rằng: “Cái gọi là chiến tranh không phải là chiến tranh thuần túy vật chất, ngoài sức mạnh vật chất còn có sức mạnh tinh thần là cơ bản nhất. Sức mạnh vật chất phải dựa vào sức mạnh tinh thần thì mới đủ mạnh…” (Trích: “Những điều trọng yếu khi Chính phủ và nhân dân hợp lòng cứu nước, 1936”).

Chính sức mạnh tinh thần của trí tuệ và đạo đức cao thượng mới giúp Tưởng và Trung Hoa Dân Quốc chiến thắng nước Nhật phát xít có quân đội hùng hậu và hiện đại gấp nhiều lần.

Sau hơn nửa thế kỷ người Đài Loan được “khai dân trí”, xã hội Đài Loan đã có được “dân khí” và đời sống “hậu dân sinh”. Ngày 24/9/2020, tổ chức Taiwan Thinktank đã công bố kết quả một cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 2% người Đài Loan nhận mình là người Trung Quốc (theo Taiwan News). Tổng số người chủ trương độc lập và muốn giữ nguyên trạng lên đến 86%, sự đồng thuận của người dân về vị thế của Đài Loan tăng cao. Dân ý đã quá rõ ràng.

Các chính đảng ở Đài Loan chỉ khác nhau căn bản ở mức độ tiếp xúc với Đại lục chứ tuyệt đối không chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ" tương tự cái mà Bắc Kinh áp dụng với Hong Kong.

Dân khí ở Đài Loan thật khác xa với tình trạng ở Đại lục, nơi mà tướng thì hủ bại, quân dân thì bạc nhược, chính trị gia thì tham nhũng bại hoại, đấu đá với nhau đến sống chết.

Ngày 9/10/2021, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nhân kỷ niệm 110 năm cuộc Cách mạng Tân Hợi 1911 rằng: “Đạt được việc thống nhất tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình là phù hợp nhất với lợi ích chung của đất nước Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào của chúng tôi ở Đài Loan,”

Và rằng: “Những ai quên tổ tiên, phản bội quê hương, chia cắt đất nước đều phải chịu chung số phận. Họ nhất định sẽ bị nhân dân hắt hủi và bị lịch sử phán xét”. (theo trithucvn.org)

Từ Đài Loan ngày 10/10/2021, trong cuộc mít tinh mừng ngày Quốc khánh, Tổng thống Thái Anh Văn đã đáp trả, bà hy vọng có thể xoa dịu căng thẳng trên eo biển Đài Loan và nhắc lại rằng Đài Loan sẽ không "hành động hấp tấp".

"Nhưng tuyệt đối không được ảo tưởng rằng người dân Đài Loan sẽ cúi đầu trước áp lực", bà nói trong bài phát biểu bên ngoài văn phòng tổng thống ở trung tâm Đài Bắc.

Bà Thái còn nói thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quốc phòng và thể hiện quyết tâm tự vệ để đảm bảo rằng không ai có thể buộc Đài Loan đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra cho chúng tôi". (theo Reuters)

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vẫy tay chào trong buổi lễ đón trực thăng tấn công Apache AH-64E mới do Mỹ sản xuất tại một căn cứ quân sự ở Đào Viên vào ngày 17/7/2018. (Ảnh của SAM YEH / AFP qua Getty Images)

Chi tiêu cho quân sự của Đài Loan tuy không bằng được Đại lục, nhưng lại sở hữu những công nghệ cao, khó đối phó. Chẳng hạn, gần đây nước này tuyên bố đã chế tạo được hỏa tiễn bay tầm thấp radar khó phát hiện, có thể bắn vào tận Bắc Kinh.

Chính nghĩa đang đứng về phía chàng David Đài Loan trong cuộc đối đầu với gã khổng lồ PRC. Trong khi PRC cô độc không đồng minh, cũng chẳng chư hầu, thì Đài Loan ngày càng nhận được sự ủng hộ trên trường quốc tế từ các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Úc và phương Tây, và đặc biệt có một quốc gia nhiều duyên nợ trong lịch sử với cả Đài Loan và Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đó là Nhật Bản.

Sự kề vai sát cánh của Nhật Bản với Đài Loan khiến cho cục diện chính trị quân sự khu vực này càng thêm kịch tính. Xin hãy đón xem trong bài viết kỳ tới.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 1)