Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đến hôm nay, khi Trung Quốc bộc lộ dã tâm không cần che dấu, Nhật Bản dẫu vẫn thận trọng nhưng đã xác định lập trường rõ ràng ai bạn ai thù. Và Nhật Bản cũng không cần che dấu nữa, đã gọi thẳng Đài Loan là một “quốc gia”.

Xem lại Kỳ 1

Kỳ 2: Đài Loan - Nhật Bản, duyên nợ thế kỷ

Nhật Bản thay đổi cách tiếp cận vấn đề Đài Loan?

Theo tờ Nikkei Asia, hôm 16/3/2021, trong cuộc họp Nhật - Mỹ cấp Bộ trưởng Quốc phòng, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó khẳng định sẽ không dung thứ cho “hành vi gây bất ổn” của Trung Quốc.

Tokyo cũng xem xét khả năng thực hiện lệnh điều động Lực lượng Phòng vệ SDF “để bảo vệ tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ” nếu xung đột xảy ra.

Tiếp đó, ngày 3/6/2021 Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã gọi Đài Loan là một “quốc gia”. Sáu ngày sau, trên sóng truyền hình quốc gia, cựu thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trên sóng truyền hình quốc gia cũng gọi Đài Loan là một “quốc gia”.

Chưa hết, hôm 7/9, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tuyên bố rằng, nếu Đài Loan “gặp chuyện”, Nhật Bản không thể đứng ngoài cuộc. Đài Loan có quan hệ mật thiết với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, là một người bạn quan trọng và có chung giá trị phổ quát với Nhật Bản về tự do, dân chủ, nhân quyền v.v.

Cùng thời gian đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama nhận xét rằng Nhật Bản và Đài Loan cùng chia sẻ một mối đe dọa. Ông ví Đài Loan với Nhật Bản còn hơn cả mối quan hệ bạn bè, mà giống như một gia đình, như mũi và miệng trên cùng một thân thể vậy.

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama nhận xét rằng Nhật Bản và Đài Loan cùng chia sẻ một mối đe dọa. (Ảnh: Chân dung ông Yasuhide Nakayama. Wikipedia/CC BY 4.0)

Ông cũng cho rằng Nhật Bản cần xem xét lại thỏa thuận ngoại giao với Trung Quốc, trong đó Tokyo công nhận chính quyền Bắc Kinh vào năm 1972, thay vì Trung Hoa Dân Quốc như trước đó.

Dĩ nhiên, ngay lập tức Nhật Bản phải tiếp nhận tiếng hú tức tối vọng qua eo biển từ các “chiến lang” to mồm của chính quyền Trung Quốc như Triệu Lập Kiên, Uông Văn Bân, Cảnh Sảng v.v. đang nhảy dựng lên như sói dữ đụng phải lửa.

Với truyền thống tiếp cận ngoại giao đầy thận trọng, phát ngôn gần đây của các chính trị gia Nhật Bản báo hiệu một sự thay đổi rõ ràng trong cách nhìn nhận mối quan hệ của Tokyo với Trung Quốc.

Chúng ta phải lý giải điều này ra sao?

“Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh cửu”

Đó là phát ngôn nổi tiếng của Lord Palmerston, người từng hai lần là thủ tướng Anh vào thế kỷ 19 - người nổi tiếng về tài xử lý khủng hoảng và cân bằng cán cân quyền lực, cũng như rất được lòng dân chúng Anh quốc. Mỹ vẫn luôn là đồng minh của Nhật Bản, Đài Loan thì chưa thực sự, Trung Quốc dù không ưa, nhưng vẫn là chỗ để Nhật Bản kiếm lợi. Đó là tình hình vài năm trước đây.

Mỹ từng muốn chia sẻ trách nhiệm gìn giữ an ninh ở eo biển Đài Loan với Nhật Bản. Tuy vậy, Tokyo cố gắng cân bằng mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh và mối quan hệ đồng minh chiến lược với Washington, vì vậy thái độ của Tokyo với Đài Bắc thông thường không rõ ràng. Nhưng nay, sự cân bằng đó đã bị phá vỡ với sự hung hăng ngày càng tăng của chính quyền Trung Nam Hải, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đặc biệt là ở eo biển Đài Loan, nơi gắn chặt với lợi ích của Nhật Bản. Ai đồng minh, ai kẻ địch, với Nhật Bản đã khá rõ ràng.

Thứ nhất, hơn 80% tàu chở dầu và chở hàng của Nhật Bản phải đi qua eo biển Đài Loan. Vì vậy, nếu Trung Quốc chiếm được hòn đảo này, đó sẽ là một uy hiếp cực lớn đến huyết mạch kinh tế của Nhật Bản.

Hơn 80% tàu chở dầu và chở hàng của Nhật Bản phải đi qua eo biển Đài Loan. Vì vậy, nếu Trung Quốc chiếm được hòn đảo này, đó sẽ là một uy hiếp cực lớn đến huyết mạch kinh tế của Nhật Bản.

Thứ hai, quần đảo Okinawa và đảo Ryukyu của Nhật cùng nằm trên chuỗi đảo thứ nhất với Đài Loan, vậy nên Đài Loan có mối quan hệ “môi hở răng lạnh” với an ninh hàng hải của Nhật Bản. Nếu chiếm được Đài Loan, Trung Quốc có thể bành trướng sức mạnh hải quân ra Thái Bình Dương, càng khiến Nhật Bản bị uy hiếp. Điều này lý giải cho phát ngôn của ngài thứ trưởng Quốc phòng Nhật đó là: Nhật Bản - Đài Loan giống như mũi và miệng trên một thân thể.

Thứ ba, Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hai bên đã tranh chấp với nhau nhiều năm về quần đảo này.

Thứ tư, thị trường Trung Quốc tuy màu mỡ, nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, nó đầy bất ổn.

Quốc gia đại sự không phải là mối quan hệ cá nhân, nên có thể chấp nhận quan điểm của thủ tướng Palmerston. Tuy vậy, nếu bên cạnh quan hệ lợi hại, đồng minh lại chia sẻ những giá trị tinh thần khác thì mối quan hệ đồng minh sẽ càng thêm khăng khít. Điều này lý giải về quan hệ “hơn cả bạn bè, như một gia đình”, hay là “cùng chung giá trị phổ quát với Nhật Bản về tự do, dân chủ, nhân quyền” mà các quan chức Nhật Bản đã dành để nói về Đài Loan. Quá khứ đã cho chúng ta những manh mối để lý giải những nhận xét này.

Nhật Bản - Đài Loan: mối duyên nợ mấy thế kỷ

Đài Loan, từ người hàng xóm thờ ơ trở thành thuộc quốc của Nhật Bản

Nhật Bản bắt đầu biết đến đảo Đài Loan từ trước thời kỳ Mạc Phủ Tokugawa (Thời kỳ Edo 1603-1867) nhưng đến thời kỳ này mới bắt đầu có sự qua lại chính thức, song chưa được bao lâu thì năm 1639 Nhật Bản thi hành chính sách “Tỏa quốc”, tức là đóng cửa gần như không giao thiệp với ngoại quốc, cho mãi tới năm 1853.

“Tỏa quốc” như một giấc ngủ kéo dài hơn hai trăm năm của xứ sở Phù Tang. Đến khi Nhật Bản thực sự vươn mình thức dậy vào năm 1868 thời Minh Trị Duy Tân, thì Đài Loan đã qua tay mấy đời chủ, từ thực dân Hà Lan, đến họ Trịnh của Trịnh Thành Công, rồi đến thời điểm đó là vương triều Đại Thanh.

Năm 1874, lấy cớ trả đũa cho sự kiện Lưu Cầu năm 1871, một sự kiện mà thủy thủ của Lưu Cầu (hay Ryuku thuộc Nhật Bản) bị thổ dân Đài Loan giết hại, Nhật Bản tiến hành chiến dịch “chinh Đài”. Chiến dịch đã kết thúc nhờ giải pháp ngoại giao giữa Đại Thanh và Nhật Bản, lý do chính là vì Nhật Bản thấy mình chưa đủ sức khuất phục Đại Thanh.

Thời cơ đã đến khi Đế quốc Nhật Bản trở nên cường thịnh hơn sau cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, chiến thắng hải quân nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895). Hai bên ký kết Hiệp ước Shimonoseki (Hay Hiệp ước Mã Quan), Đài Loan và Bành Hồ chính thức trở thành đất của người Nhật vào năm 1895.

Thời cơ đã đến khi Đế quốc Nhật Bản trở nên cường thịnh hơn sau cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân, chiến thắng hải quân nhà Thanh trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (1894-1895). (Tranh miêu tả hải chiến giữa quân Thanh và quân Nhật/ Miền công cộng)

Đài Loan - Nhật Bản trong 50 năm quan hệ thuộc địa và mẫu quốc (1895 - 1945)

Trong khoảng từ 1895 -1915 đã xảy ra các cuộc kháng chiến của người Đài Loan, có cả người Hán và thổ dân, và đều bị dập tắt, nhưng ý chí kiên cường của người địa phương, nhất là của thổ dân Đài Loan, khiến cho người Nhật phải nể phục. Bộ phim sử thi bi tráng “Warriors of the Rainbow: Seediq Bale (Chiến binh cầu vồng)” của đạo diễn Đài Loan Ngụy Đức Thánh đã lột tả tinh thần của những cuộc chiến hào hùng đó.

Từ sau năm 1915, chính phủ Nhật thay đổi cách tiếp cận cứng rắn với hòn đảo, vì vậy đã gần như không còn các cuộc chống đối. Người Nhật dự tính sẽ xây dựng ở Đài Loan một thuộc địa kiểu mẫu, xây dựng cơ sở hạ tầng, nền kinh tế, các ngành công nghiệp, phát triển giáo dục văn hóa... có tư tưởng đồng hóa địa phương bằng văn hóa Nhật Bản để rồi cuối cùng sẽ đối đãi với Đài Loan giống như các hòn đảo ở quê nhà. Đến những năm thế chiến 2 từ 1937 đến 1945, người Nhật còn cho phép người Đài Loan địa phương được tham gia tranh cử và điều hành chính quyền, rồi đi lính v.v. gần như một công dân Nhật Bản.

Thế chiến 2 kết thúc với chiến thắng thuộc về quân Đồng Minh và Nhật Bản là bên chiến bại, dưới áp lực của Mỹ, Nhật phải trao trả Đài Loan cho đại diện của Trung Hoa lúc ấy là chính quyền Trung Hoa Dân Quốc của Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Tưởng Giới Thạch.

Ngày 25 tháng 10 năm 1945 tại Đài Bắc, Tổng đốc Đài Loan Andō Rikichi và Tướng quân Trần Nghi tiến hành thủ tục bàn giao Đài Loan. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Đài Loan - bạn bè và ân nhân của Nhật Bản trong giai đoạn 1945 - 1972

Ngày 25/10/1946, kỷ niệm một năm ngày Đài Loan được trả về Trung Hoa, lần đầu tiên Tưởng công đặt chân lên hòn đảo này, được chào đón nồng nhiệt bởi nhân dân nơi đây. Ấn tượng chính của ông lúc đó là hòn đảo mang phong cách văn hóa Nhật rất đậm nét, nhưng không đáng lo ngại, điều đáng mừng là hòn đảo không có bất cứ một dấu hiệu nào của Trung cộng, có thể dùng làm cơ sở để xây dựng một tỉnh kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Lúc này ở Trung Nguyên đã nổ ra cuộc nội chiến Quốc - Cộng lần 2. Thật éo le, Đài Loan sau đó không phải tỉnh kiểu mẫu đầu tiên mà lại là mảnh đất cuối cùng của Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng Nhật Bản được dự tính là một đồng minh quan trọng của nó.

Tháng 10 năm 1945 ngay sau khi Thế chiến 2 kết thúc, Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Tưởng Giới Thạch đã nói rằng “vận mệnh của Thiên hoàng Nhật Bản cần do nhân dân Nhật Bản quyết định” (2). Mặc dù là bên chiến thắng và chịu nhiều tổn thất vì đế quốc Nhật, ông chủ trương không can thiệp vào nội tình Nhật Bản.

Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Tưởng Giới Thạch đã nói rằng “vận mệnh của Thiên hoàng Nhật Bản cần do nhân dân Nhật Bản quyết định” (2). Mặc dù là bên chiến thắng và chịu nhiều tổn thất vì đế quốc Nhật, ông chủ trương không can thiệp vào nội tình Nhật Bản. (Ảnh: Chân dung ông Tưởng Giới Thạch)/ Miền công cộng

Ngày 11/6/1950, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch có chỉ ra rằng "hai nước Trung-Nhật nhất định phải hợp tác thân thiết hoà thuận, mới có thể đạt đến mục đích cùng tồn tại cùng phồn vinh" (2). Tưởng công cũng phát biểu rằng, “không có ai kháng Nhật sớm như ông, hy sinh nặng nề hơn, cống hiến lớn hơn… nhưng về hoà ước với Nhật nếu như không có cách nào tham gia, không chỉ không công bằng với mình, mà còn khiến hoà ước với Nhật mất đi tính chân thực, đồng thời làm trầm trọng thêm thế cục hỗn loạn tại Viễn Đông, không tiếp nhận bất kỳ điều kiện kỳ thị nào” (3).

“Hòa ước San Francisco” năm 1951 được ký kết tại Hoa Kỳ chính thức chấm dứt Thế chiến 2, kết thúc địa vị cường quốc của Nhật Bản và cũng bắt Nhật Bản phải bồi thường chiến tranh cho các quốc gia phe Đồng Minh. Do không xác định được đại diện của Trung Quốc như một bên tham gia Hòa ước, nên cả Trung Hoa Dân Quốc lẫn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) đều không có mặt trong văn kiện này.

Bởi vậy, đến năm 1952, Nhật Bản ký riêng với Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan sau này) bản “Điều ước hòa bình Trung - Nhật” tại Đài Bắc với các điều khoản tương tự như trong “Hòa ước San Francisco”, khác biệt ở chỗ ngoài việc chính thức trao trả lãnh thổ Đài Loan, Bành Hồ cho chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, thì chính quyền này của Tổng thống Tưởng Giới Thạch không đòi hỏi Nhật Bản phải bồi thường chiến tranh.

Tổng thống Tưởng Giới Thạch luôn được Nhật Bản nhớ đến như một ân nhân có tấm lòng quảng đại vì ở thời điểm quan trọng, ông đã có tiếng nói tôn trọng quyền tự quyết của người Nhật sau cuộc chiến, giúp bảo tồn chính thể của Nhật Bản, không đòi hỏi bồi thường và luôn chủ trương không kỳ thị với Nhật Bản. Từ Nhật Hoàng Hirohito đến hầu hết các đời thủ tướng, lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đều thay mặt nhân dân Nhật Bản thể hiện lòng biết ơn đối với Tổng thống Tưởng Giới Thạch về chính sách khoan dung "lấy đức báo oán" với Nhật.

“Tháng 12/1967, Hơn 15.000 người Nhật Bản tại Tokyo tiến hành đại hội cảm tạ Tưởng Giới Thạch” (4). “Tháng 9 năm 1986, nhằm kỷ niệm 100 năm sinh nhật Tưởng Giới Thạch, một nhóm chính khách kỳ cựu và lãnh đạo công thương Nhật Bản do cựu Thủ tướng Kishi Nobusuke đứng đầu phát động thành lập "Tưởng công di đức hiến chương hội" tại Tokyo, Nhật Bản, thành viên ban đầu lên tới hơn 6.000 người. Hạ tuần tháng 10, hội cử hành đại hội kỷ niệm lần thứ nhất tại Nagoya, có nhiều nhân vật cao cấp tham dự” (5).

Thực tế là Tưởng công đã trở thành biểu tượng quan hệ hữu hảo giữa Nhật Bản - Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn tiếp nghị viên Hạ viện Nhật Bản Keiji Furuya tại Đài Loan. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tuy vậy, trong lúc đó những nhân vật cánh tả trong chính giới Nhật Bản vẫn "đi lại" với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và khi họ lên nắm quyền thì ưu tiên mối quan hệ với PRC, thêm vào đó là vấn đề lợi ích kinh tế, sự thèm muốn thị trường Hoa lục… dẫn đến bất đồng có tính giai đoạn trong quan hệ Trung Hoa Dân Quốc - Nhật Bản. Đỉnh điểm của nó là sự kiện đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao hai bên vào năm 1972 khi thủ tướng thân Trung Hoa Dân Quốc là Satō Eisaku nghỉ hưu, thay thế vào đó là thủ tướng thân PRC là Tanaka Kakuei. Chớp lấy cơ hội này, Thủ tướng của PRC là Chu Ân Lai đã đề nghị Trung Quốc - Nhật Bản cấp tốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 9/1972, thủ tướng Tanaka sang thăm Trung Quốc, ký kết “Tuyên bố chung Trung - Nhật”, công nhận chính sách “một Trung Quốc” và vai trò đại diện của PRC, chính là thỏa thuận ngoại giao mà Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama đang yêu cầu phải xem xét lại.

Tanaka còn được “tặng kèm” lời cảm ơn của Mao Trạch Đông về cuộc xâm lược của Nhật Bản - cuộc xâm lược lấy đi nhiều máu của nhân dân Trung Hoa nhưng lại đem đến cơ hội cướp được chính quyền cho phe đảng của Mao như ta đã biết.

Dường như mấy câu thơ trong bài “Thường Bình trạm cảm ngâm” của Tưởng công vẫn đeo đuổi số mệnh gian nan của ông và của cả Đài Loan đến lúc này:

“Thân suất tam thiên tử đệ binh,
Si hào vị tĩnh thử đông chinh.
Gian nan cách mệnh thành cô phẫn
Huy kiếm trường không thế lệ hoành”

Tạm dịch:

“Đông chinh, tử đệ ba ngàn người,
Bởi lũ cáo cầy loạn chửa thôi.
Gian nan cách mạng thành cô phẫn
Vung kiếm lên không gạt lệ đời”

Từ 1972 đến nay, từ đối tác giấu diếm đến đồng minh công khai

Sự đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên không phải không có nhiều tiếc nuối. Tuy vậy, những hoạt động giao lưu kinh tế vẫn diễn ra. Người Nhật Bản sau đó nhiều lần bày tỏ họ vĩnh viễn không quên tấm lòng của Tưởng Giới Thạch đối với Nhật sau Thế chiến 2, điều giúp Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ tái thiết. Các đời Tổng thống sau này của Đài Loan như Nghiêm Gia Cam, Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển v.v. đều đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Người Nhật Bản sau đó nhiều lần bày tỏ họ vĩnh viễn không quên tấm lòng của Tưởng Giới Thạch đối với Nhật sau Thế chiến 2, điều giúp Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ tái thiết. (Ảnh: Tổng hợp)

Năm 1996 xảy ra cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở eo biển Đài Loan khiến Hoa Kỳ điều chiến hạm vào để đe dọa Trung Quốc, Nhật Bản cũng bày tỏ sự lo ngại, đề xuất với Trung Quốc lập trường “đối thoại trực tiếp và giải quyết vấn đề hoà bình".

Trừ việc công nhận Đài Loan như một quốc gia có thể gây căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, Nhật Bản chủ trương một mối quan hệ thân mật không chính thức với Đài Loan. Sau trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999 tại Đài Loan, chính phủ và dân chúng Nhật Bản tích cực viện trợ Đài Loan cứu trợ thiên tai. Đến năm 2011 khi Nhật Bản xảy ra động đất sóng thần dẫn đến thảm họa Fukushima, Đài Loan lại phản ứng nhanh nhất, có số tiền viện trợ cho Nhật Bản nhiều nhất.

Mới đây, Nhật Bản cũng đã viện trợ cho Đài Loan 12 triệu liều vaccine Astrazeneca bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, cũng như ngay lập tức tiêu thụ dứa Đài Loan sau khi Trung Quốc dở trò cấm nhập mặt hàng này.

Các thế hệ lãnh đạo chính quyền Nhật Bản có nhiều người đi thăm Đài Loan sau khi rời nhiệm sở, bày tỏ một sự ủng hộ kín đáo nhưng sâu sắc của Nhật Bản dành cho Đài Loan. Đơn cử như chuyến thăm của hai cựu thủ tướng Abe Shinzō và Asō Tarō năm 2013 biểu thị Nhật Bản và Đài Loan là bạn bè có chung các giá trị về tự do dân chủ, nhân quyền cơ bản và xã hội pháp trị, hình thành quan hệ Đài - Nhật mật thiết như hiện tại.

Đến hôm nay, khi Trung Quốc bộc lộ dã tâm không cần che dấu, Nhật Bản dẫu vẫn thận trọng nhưng đã xác định lập trường rõ ràng ai bạn ai thù. Và Nhật Bản cũng không cần che dấu nữa, đã gọi thẳng Đài Loan là một “quốc gia”.

Nhật Bản - Đài Loan, hơn cả một mối quan hệ lợi hại

Ai cũng có thể nhìn thấy ngay rằng, Nhật Bản quan hệ với Trung Quốc chủ yếu là vì lý do kinh tế. Về phương diện giá trị tinh thần, Nhật Bản là một quốc gia dân chủ, tôn trọng tự do, nhân quyền, pháp trị… chắc chắn không thể chia sẻ những giá trị tinh thần với một chính thể độc tài ngạo ngược như Trung Quốc.

Trên phương diện ấy, Nhật Bản lại gần gũi hơn nhiều với Đài Loan - một xứ cũng tự do, dân chủ, pháp trị… lại từng là đất cũ, lưu giữ văn hóa xưa của người Nhật trong mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ.

Nhưng chắc hẳn có điều này ít ai để ý, trong khi chính quyền Đại lục vong bản đã phủ nhận tổ tiên mình, thì Đài Loan lại là nơi lưu giữ, bảo tồn và phục hưng những giá trị văn hóa Thần truyền Trung Hoa. Nhưng đấy cũng là nguồn gốc văn hóa của xã hội Nhật Bản, một đất nước tiếp thu được rất nhiều ảnh hưởng tốt của văn hóa Thần truyền Trung Hoa từ thời kỳ Đại Đường, và sau đó là thời nhà Minh. Điều này lý giải cho những phát biểu của các chính khách và lãnh đạo quân đội Nhật Bản về quan hệ “hơn cả bạn bè, như một gia đình”, hay là “cùng chung giá trị phổ quát với Nhật Bản về tự do, dân chủ, nhân quyền”.

Nước Mỹ thì xa, Nhật Bản lại gần. Nếu có Nhật Bản sát cánh, Đài Loan sẽ có thuận lợi gì? Chắc chắn không thể bỏ qua không xét đến ân oán truyền kiếp giữa hai đối thủ Trung Hoa - Nhật Bản, trong đó Nhật Bản luôn được coi như một khắc tinh của Trung Hoa hàng trăm năm nay.

Đó sẽ là nội dung kỳ cuối cùng của loạt bài.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(1), (3), (4), (5): Theo cuốn “Thời đại Tưởng Giới Thạch” của Nhà xuất bản tiểu sử Đài Bắc

(2): Theo tập 23 cuốn “Chủ tịch Tưởng công - suy nghĩ và phát ngôn”

(5): “Taiwan TV News in Nagoya, Japan, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tưởng Giới Thạch” - Thư viện quốc gia Đài Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đối đầu Đài Loan - Đại lục trong mối duyên nợ tay ba: Đài Loan - Trung Quốc - Nhật Bản (Kỳ 2)