Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 7 [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu năm 1841 chỉ mới là phiến loạn nội địa thì sang năm 1842 là năm quân Xiêm chính thức xâm lăng nước ta…

Xem lại Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5, Phần 6

Phần 7: Chiến tranh Việt Xiêm lần 5 (1841-1845)

Chất Tri đại bại phải cầu hòa
Ang Duong thành công lên ngôi báu

1842 liên quân Xiêm Miên đại bại, rút về Trấn Tây

Đầu tiên họ tụ tập một nhóm người vốn là tù nhân tội phạm lưu vong ở Cao Miên sau cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi 1833, rồi cùng tôn một người thanh niên - nói là con hoàng tử Cảnh, tự xưng là Hoàng tôn (cháu nội vua Gia Long) về nước làm chiêu bài chính trị, dọn đường cho việc đưa quân Xiêm sang xâm lược Miền Nam. Điều này chứng tỏ đại tướng thống lãnh quân Xiêm là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) thực sự là một kẻ lắm thủ đoạn, đa mưu túc trí. Sử sách ghi chép:

“Năm thứ 2 mùa xuân, bọn Man phỉ liên kết với giặc Xiêm, phái thêm rất nhiều viện binh, quân thuỷ bộ cả nước chia đường vào cướp, tướng của giặc ở đường thuỷ tên là Ô Thiệt, quản suất binh thuyền hướng vào cửa biển Hà Tiên mà bắn. Giặc ở đường bộ liên kết với bọn thổ phỉ, từ Chu Nham đến núi Lộc Giác, thiết lập đồn sách, ba mặt súng lớn giao nhau bắn ra, ngoài đài luỹ, tên đạn rơi xuống như mưa…
(Đại Nam liệt truyện).

Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, lần tiến quân này Bodin Decha thay đổi cả đường hành quân tiến sang nước ta với tiêu chí là nhanh gọn, bí mật với yếu tố đánh úp bất ngờ:

“Tháng 2 quân Xiêm lại tăng cường hải quân, đến gần Cần Vọt (Quảng Biên, Kampot), ta bố trí giữ tại cửa Hà Tiên (Kim Dữ). Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. Xiêm kéo mấy vạn binh tràn vùng kinh Vĩnh Tế, ta chống đỡ không kịp. Cánh quân chánh của Xiêm đánh từ bờ biển vịnh Xiêm La qua theo đường Hà Tiên, chớ không từ Nam Vang mà thọc xuống theo sông Tiền giang như mấy lần trước”.
(Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam).

Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên.
Rồi binh thuyền của Xiêm kéo tới Bạch Mã (Kép) đông đảo hơn với ý định chiếm Lư Khê (Rạch Vược, phía nam Hà Tiên, bờ biển) và chiếm Tô Môn (cửa Đông Hồ, bên cạnh núi Tô Châu) để bao vây Hà Tiên. (Ảnh: Shutterstock)

Trước tình hình nguy cấp, vua Thiệu Trị đã điều động binh lính chủ lực cùng các danh tướng vào Nam dẹp loạn:

“Tỉnh Hà Tiên báo tin nguy cấp. Vua lập tức sai bọn Đoàn Văn Sách mang quân ngăn chống, đốc thúc binh thuyền đi tắt ngoài biển thuộc địa phận Hà Tiên để viện trợ đánh giết. Lại sai Phạm Văn Điển, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến đánh. Cho Lê Văn Đức làm Tổng thống tiễu bộ quân vụ, Lê Văn Phú làm Tham tán đại thần, quản lĩnh binh thuyền đi mau đến đánh giết. Đại binh chưa đến, Đoàn Văn Sách đóng giữ đài Kim Dữ. Tuần phủ Hà Tiên là Lương Văn Liễu giữ luỹ đều thân đốc biền binh ngày đêm luôn luôn phát súng lớn chống đánh. Thuyền giặc lui trước, bọn Chất Tri chưa biết, cùng nhau đem quân Xiêm, quân giặc liên kết với nhau, lập đồn luỹ ở sông Vĩnh Tế để chống cự, lại đến đồn bảo quân ta đi lại quấy nhiễu. Bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến đánh, giết hại rất nhiều, đốt phá hết trại sách của giặc...”.
(Đại Nam liệt truyện).

Với kinh nghiệm chiến đấu phong phú và hỏa lực hùng mạnh trong suốt mấy chục năm chinh phạt từ lúc lập quốc, quân nhà Nguyễn dù chỉ có 5000 quân nhưng đã nhanh chóng đánh bại triệt để quân Xiêm, dù họ có quân số đông hơn gấp nhiều lần. Phi Nhã Chất Tri (Phraya Bodin Decha) cùng Nặc Ông Đôn phải nhanh chóng triệt thoái về Cao Miên:

“Trận đánh này, quân ta không quá vài ngàn người mà giết lui được hơn 2 vạn bè lũ của giặc; không đến ba khắc, lấy được 7 đồn, chém giết không biết đâu mà kể, bên tả bên hữu sông Vĩnh Tế dẹp hết một loạt. Lại di quân chuyển đến núi Thất Sơn cùng Lê Văn Đức hội quân lần lượt tiến đánh các đồn thổ phỉ ở núi Cẩm Sơn, Tượng Sơn, quân giặc nghe thấy bóng gió chạy trốn cả, lại vào núi Trà Biệt giữ chỗ hiểm để chống cự. Quan quân tiến đánh, chém và bắt được nhiều. Kịp đến 2 xứ Sà Tốn, Tô Sơn, rất nhiều hiểm trở, bọn giặc ấy chia từng đoạn thiết lập đồn sách, ước hơn 10 chỗ. Quan quân chia làm 5 đạo, lấy thuyền nhỏ nhân đêm lẻn tiến đi, đến mờ sáng đến bờ cả một loạt. Đốc quân lên luỹ, bọn giặc cùng quẫn, cùng đem nhau đến thú, kể có hàng ngàn. Thất Sơn đều dẹp yên hết cả, bèn ra lệnh kéo quân về. Triệu Lê Văn Đức về Kinh, những viên biền các tỉnh chia phái đi hợp đánh, đều về nhận chức cũ. Người nước Xiêm bị thua đau lần này, thường muốn phái thêm binh thuyền lại đến lần nữa, để giúp giặc Man sinh sự. Vừa gặp nước ấy có việc, vội dừng lại”.
(Đại Nam liệt truyện).

Quan quân chia làm 5 đạo, lấy thuyền nhỏ nhân đêm lẻn tiến đi, đến mờ sáng đến bờ cả một loạt. Đốc quân lên luỹ, bọn giặc cùng quẫn, cùng đem nhau đến thú, kể có hàng ngàn.
Quan quân chia làm 5 đạo, lấy thuyền nhỏ nhân đêm lẻn tiến đi, đến mờ sáng đến bờ cả một loạt. Đốc quân lên luỹ, bọn giặc cùng quẫn, cùng đem nhau đến thú, kể có hàng ngàn. (Ảnh: Shutterstock)

1845, quân Việt phản công trên đất Cao Miên

Nặc Ông Đôn dựa hơi quân Xiêm mà lên ngôi vua Cao Miên. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi vừa thua đau tại Đại Nam, lại phải chịu thêm cảnh quân Xiêm La tàn bạo quấy nhiễu, làm dân chúng ca thán khắp nơi. Nhiều lưu dân bỏ xứ sang xin quy thuận Đại Nam.

Vua Thiệu Trị nhân đó sai tướng đi kinh lý đất Cao Miên. 1845, Quân ta đại phá quân Xiêm Miên ở Oudong, khiến cho Phi Nhã Chất Tri phải cầu hòa:

“Mùa đông năm ấy, bọn tên Sô, tên Mẫn mang gia quyến chạy sang ta xin viện trợ. Liêm Đạt thân đến An Giang xin quân. Bèn sai Doãn Uẩn, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Công Nhàn chia đường tiến sang viện trợ đánh dẹp. Lại phái đại thần là Vũ Văn Giải, Tôn Thất Bạch đến Gia Định tuỳ cơ điều khiển. Nguyễn Ương, Doãn Uẩn, Nguyễn Hoàng tiến đánh Sách Sô, phá luỹ Bình Thiết, Chất Tri bị thua mới bỏ Trấn Tây đem tên Dun chạy về Ô Đông ẩn nấp, đắp luỹ cố giữ. Tức thì sai bọn Vũ Văn Giải đi mau đến An Giang, nhân cơ hội đánh dẹp và vỗ yên, quan quân nhân thế thắng tiến đến dẹp yên được Trấn Tây, chia đặt thổ quan chiêu dụ và coi quán dân thổ; rồi tức thì tiến quân đến Vĩnh Long, vây chặn Ô Đông, đắp núi đất, vận đại bác lên để bắn, Chất Tri thế đến cùng quẫn. Rồi sau trận đánh ở Liên Kiên, Hồ Đúc Tú khinh suất tiến lên, gặp quân phục bị thua. Chất Tri bèn nhân cai đội bị bắt được là Lê Văn Ân yên ủi cho về, mang thư cầu hoà, Vũ Văn Giải cứ tình thực đề đạt lên. Triều đình nghĩ đến quân dân, chuẩn y lời xin”.
(Đại Nam liệt truyện).

“Tháng sáu năm Ất Tỵ (1845), là năm Thiệu Trị thứ năm, Võ Văn Giải vào đến Gia Định, cùng với Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị, tiến binh sang đánh Chân Lạp, phá được đồn Dây Sắt, lấy lại thành Nam Vang, người Chân Lạp về hàng kể hơn 23,000 người. Đoạn rồi, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudong).”
(Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

Đoạn rồi, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudong).”
"...Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đem binh đuổi đánh quân Tiêm La và quân Chân Lạp, vây Nặc Ông Đôn và tướng Tiêm La là Chất Tri ở Ô-Đông (Oudong).” (Ảnh: Shuttersrock)

Sau chiến thắng của ta, Phi Nhã Chất Tri phải cùng các tướng lãnh nhà Nguyễn ký hòa ước, lập lại vua Cao Miên dưới sự bảo hộ của cả hai nước. Từ đó trở đi hòa bình đã được lập lại ở miền Nam. Sử chép:

“Tháng chín năm ấy, Chất Tri sai người sang xin hòa. Qua tháng mười thì Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn và Chất Tri ký tờ hòa ước ở nhà hội quán, hai nước đều giải binh. Nguyễn Tri Phương rút quân về đóng ở Trấn Tây, đợi quân Xiêm thi hành những điều ước đã định. Tháng chạp năm Bính Ngọ (1846), Nặc Ông Đôn dâng biểu tạ tội và sai sứ đem phẩm vật sang triều cống. Tháng hai năm Đinh Mùi (1847) - là năm Thiệu Trị thứ bảy, Triều đình phong cho Nặc Ông Đôn làm Cao Miên Quốc Vương và phong cho Mỹ Lâm Quận Chúa làm Cao Miên Quận Chúa. Lại xuống chiếu truyền cho quân thứ ở Trấn Tây rút về An Giang. Từ đó nước Chân Lạp lại có vua, và việc ở phía nam mới được yên vậy”.
(Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

Bại tướng 2 lần Chao Phraya Bodin Decha là ai?

Trong vòng trăm năm mà người Xiêm đã năm lần xâm lấn nước ta. Trong đó 2 lần có cùng 1 tướng chỉ huy là Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) một kẻ địch lợi hại và nham hiểm. Người viết cảm thấy cũng cần nói thêm về viên tướng chỉ huy người Xiêm này để nêu bật lên chiến công anh dũng của quân tướng nhà Nguyễn: từ Trương Minh Giảng đến Trần Văn Năng, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương... đã vô cùng xuất sắc đánh bại triệt để đội quân của tướng Phi Nhã Chất Tri, đem lại một vết nhơ không bao giờ rửa trôi trong cuộc đời binh nghiệp huy hoàng của vị đệ nhất danh tướng Xiêm La triều Chakri này.

Tướng Phi Nhã Chất Tri là tướng lĩnh cao cấp nhất của vương triều Chakri Xiêm La. Ông ta từng giữ các chức Bộ trưởng Phòng vệ, Bộ trưởng Nội vụ, Thống lĩnh quân đội (แม่ทัพใหญ่) và Thái sư nhiếp chính Akkhra Maha Senabodi (อัครมหาเสนาบดี) của vua Rama III. Ông được xem là một trong những vị tướng quyền lực nhất trong giai đoạn đầu của vương triều Chakri.

Ông là người thờ 2 đời vua Xiêm là Rama II và Rama III, cũng là người đã dẫn quân tiêu diệt vương quốc Viêng Chăn, đốt trụi thủ đô nước này và dời dân sang bờ bên kia sông Mekong (vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay).

Ông cũng là người trực tiếp dẫn quân xâm lược Đại Nam 2 lần vào năm 1833 và 1842. Lần thứ hai vào năm 1842, tuy bị thua về quân sự nhưng về mặt chính trị ông lại thành công khi giúp nước Cao Miên từ chỗ là một phần lãnh thổ của Việt Nam mà được khôi phục lại ngôi vua, chịu sự bảo hộ của cả Xiêm và Việt. Người lên ngôi vua cũng là người do ông ta bảo hộ. Nên biết rằng khi dẫn quân sang đánh Đại Nam ông ta đã hơn 70 tuổi mà vẫn còn tinh lực như thế, quả thật là một đối thủ đáng gờm của nước ta vậy.

Tướng Phi Nhã Chất Tri là tướng lĩnh cao cấp nhất của vương triều Chakri Xiêm La.
Tướng Phi Nhã Chất Tri là tướng lĩnh cao cấp nhất của vương triều Chakri Xiêm La.

Tướng Doãn Uẩn nhà Nguyễn nhận xét về Phi Nhã Chất Tri [Bodin Decha] như sau:
"Phi Nhã Chất Tri là đại tướng của Xiêm. Từ thời Minh Mạng đã công phá Viêng Chăn. Người Xiêm bỏ hòa hiếu tìm thù địch. Y tự chuyên việc biên giới. Nhiều lần đến xâm lược đều là do y gây sự. Bị quan binh ta đánh bại, không biết đã mấy lần rồi. Lần này bại ở Thiết Thằng (đồn dây sắt), bỏ Nam Vang (Phnom Penh), thoái thủ U Đon (Oudong), thế lực đã quẫn, bất đắc dĩ đem cái mặt dày tự đến thuyết hòa, là chúng đã hết trò rồi. Trong khi ngồi, ta (Doãn Uẩn) nhìn y tuổi đã ngoài bảy mươi mà sức vóc khỏe mạnh, nói năng trôi chảy, cử chỉ giao tiếp rất thành thạo. Người xưa nói: "Kỳ tài anh khí bất tất trung hạ, cao kiến mẫu thức bất tất độc thư" (khí phách kỳ tài không cứ phải trung hạ, trông xa biết rộng không cứ phải đọc sách) quả có như vậy".

Lời kết:

Từ sông Bạch Đằng, nơi ghi dấu ấn của Tiền Ngô Vương diệt quân Nam Hán, Lê Hoàn khiến nhà Tống ôm hận, rồi Trần Hưng Đạo bắt Ô Mã Nhi, đến chiến tuyến sông Như Nguyệt ghi dấu Thái úy Lý Thường Kiệt vang danh với bài thơ Nam Quốc Sơn Hà… Thế sự chầm chậm trôi, từng triều đại nối nhau qua đi, dòng thời gian vẫn vô tình phủ mờ đi công tích của các bậc tiền nhân, khiến cho hậu thế mỗi lần giở trang sử sách vẫn không khỏi bồi hồi.

Mỗi triều đại dù ít hay nhiều đều góp một phần to lớn vào sự hình thành của đất nước này, cái gọi là Tổ Quốc mà mỗi người dân Việt vẫn luôn tự hào. Và nhà Nguyễn cũng lại giống như vậy - cũng hoàn thành tốt hết mức có thể vai trò lịch sử của họ.

Triều Nguyễn trong suốt mấy trăm năm, từ thời chúa Nguyễn với 9 chúa và 13 đời vua, trải qua không ít thăng trầm nhưng đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử. Và dẫu cho các sử gia sau này có đánh giá họ là “bán nước” hay “đầu hàng Pháp” gì đi nữa thì cũng không thể phủ nhận một điều là: triều đại này [triều Nguyễn] đã mở mang bờ cõi rộng nhất trong suốt mấy ngàn năm qua.

Chính nhà Nguyễn đã đưa miền Nam vào bản đồ quốc gia và đã đổ máu chinh chiến vô số lần, chiến thắng nhiều kẻ thù sừng sỏ cỡ như Hà Lan (thời chúa Nguyễn Phúc Tần) và chiến thắng chung cuộc trước đế quốc Xiêm La trong cuộc chiến chống ngoại xâm 140 năm - dài nhất trong lịch sử. Không có triều Nguyễn, sẽ không thể có miền Nam, một phần quan trọng nhất của nước ta. Vậy nên với vai trò là một triều đại mở cõi, cùng với những danh tướng vì nước quên thân như Trần Văn Năng, Doãn Uẩn, Nguyễn Công Trứ... và các trận chiến đi vào sử sách như trận Vàm Nao, U Đông, Sầm Khê, thì công lao và danh tiếng của nhà Nguyễn sẽ luôn tồn tại trong lòng nhân dân mãi mãi về sau và làm nức lòng bao thế hệ hậu nhân bất kể mọi lời khen chê, công tội...

Minh Bảo



BÀI CHỌN LỌC

Đại chiến Việt - Xiêm: Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam. Phần 7 [Radio]