Đại dịch có mắt: Đằng sau ôn dịch đều có an bài [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Văn hóa truyền thống cho rằng: Ôn dịch là có "quỷ ôn dịch rải bệnh dịch", các bệnh dịch nơi nhân gian về bản chất đều là do Thần linh an bài tùy theo thiện ác nơi nhân gian.

Ôn dịch là chỉ một loại bệnh truyền nhiễm nào đó bùng phát trên phạm vi lớn, quy mô của nó liên quan đến nhiều lục địa, thậm chí lây nhiễm toàn cầu và có rất nhiều người nhiễm bệnh. Khoa học hiện đại ngày nay cho rằng: Ôn dịch là do một loại virus nào đó gây ra; Trong lịch sử đã từng xuất hiện nhiều trận ôn dịch, trong đó có nhiều bệnh là liên quan đến động vật, chẳng hạn như virus corona chủng mới (viêm phổi Vũ Hán), cúm mùa, lao phổi, dịch hạch, viêm phổi, v.v.

Đại dịch hoành hành, nó có thể gây tử vong, phá hủy thành thị, chính trị, quốc gia, tàn phá nền văn minh, và thậm chí có thể tiêu diệt các tộc người và giống loài...

Văn hóa truyền thống lại cho rằng: Ôn dịch là có "quỷ ôn dịch rải bệnh dịch", các bệnh dịch nơi nhân gian về bản chất đều là do Thần linh an bài tùy theo thiện ác nơi nhân gian. Có khi ôn Thần và Dịch quỷ xuất hiện để cho con người biết được mà lấy đó làm bài học sâu sắc đối với điều này. Trong các sách cổ ghi chép, ôn dịch là do Thượng Thiên an bài, trong ôn dịch con người sống chết đều có định số, từ xưa đến nay đều có không ít ghi chép.

Ngư dân Hồ Châu

Vào năm Nam Tống Thiệu Hưng thứ 31 (năm 1161), ở Hồ Châu có một người đánh cá tên là Ngô Nhất. Trong một lần đi đánh cá, ông buộc thuyền bên ngoài một ngôi nhà ven sông. Đến lúc nửa đêm, Ngô Nhất nghe thấy trên bờ có tiếng người nói chuyện:

"Chúng ta ở đây lâu quá rồi, nên chuyển sang nơi khác, chuyển đến chiếc thuyền này xem sao?".

Có giọng nói đáp lại: "Đây là thuyền đánh cá, lại là người ở bên ngoài, lên đó làm gì có cái gì để dùng? Ngày mai từ hướng đông nam có một chiếc thuyền khác đi tới, trên đó chở hai chiếc rương màu đỏ, còn có mấy vò rượu, chúng ta có thể đi cùng theo. Mà người kia là thân nhân của người bệnh nay đến thăm bệnh, nhà hắn lại giàu có, rất thích hợp với chúng ta".

Tiếp đó, có rất nhiều giọng nói hưởng ứng, sau rồi im bặt.

Ngô Nhất trong một lần đi bắt cá buộc thuyền bên ngoài một ngôi nhà ven sông. (Ảnh: Một phần bức tranh của Viên Diệu thời nhà Thanh)
Ngô Nhất trong một lần đi bắt cá buộc thuyền bên ngoài một ngôi nhà ven sông. (Ảnh: Một phần bức tranh của Viên Diệu thời nhà Thanh)

Ngô Nhất cảm thấy kỳ quái, sáng sớm hôm sau bèn đi nghe ngóng, hóa ra người trong ngôi nhà kia đang bị bệnh dịch, cuộc trò chuyện đêm qua chắc hẳn là của Quỷ ôn dịch. Thế là ông liền đi về hướng đông nam cách đó vài dặm để nghiệm chứng. Quả nhiên ông gặp một chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền có hai chiếc rương và vò rượu. Ngô Nhất vội vàng đem câu chuyện đêm hôm qua nghe được kể cho chủ thuyền.

Chủ thuyền giật mình nói: "Nhà kia là nhà con rể của tôi, hôm nay tôi muốn đi qua đó thăm người ốm. Không có anh đến báo trước thì cả nhà tôi đều trúng bẫy của quỷ ôn dịch rồi".

Sau đó người chủ thuyền bèn đem hết những món quà mang theo cho Ngô Nhất rồi quay thuyền trở về nhà.

Kẻ sĩ Bân Châu

Vào thời Hậu Lương Ngũ Đại, có một học giả đi từ Ung Châu đến Bân Châu, lúc cách Bân Châu chừng hơn một trăm dặm thì trời đã về đêm, nhưng ánh trăng trong sáng, ông bèn dò theo ánh trăng tiếp tục lên đường. Khi đi đến một bãi đất hoang, bỗng nhiên ông nghe thấy phía sau có tiếng xe ngựa, càng lúc càng gần, ông vội vàng trốn vào bụi cỏ ven đường. Vị học giả nhìn thấy có ba người cưỡi ngựa, mặc quần áo trông giống như quân vương, phía sau có đoàn người đi bộ, vừa đi vừa nói điều gì đó.

Ông bí mật đi theo đoàn người kia cách chừng mấy chục bước, nghe thấy bọn họ nói: "Hiện tại chúng ta phụng mệnh đến Bân Châu lấy ba ngàn mạng người, không biết nên dùng phương pháp gì lấy mới thỏa đáng, mời hai vị đưa ra một chút chủ ý".

Một người trả lời, nói: "Chắc cần phải thông qua chiến tranh để lấy".

Một người khác nói: "Biện pháp đánh trận mặc dù tốt, nhưng mà khiến quân tử và tiểu nhân đều chịu họa chiến tranh, như vậy sẽ không tốt. Tôi nghĩ rải ôn dịch vẫn là thỏa đáng hơn".

Mấy người còn lại đều đồng ý biện pháp dùng ôn dịch. Bọn họ nói xong thì nhanh bước đi xa, không còn nghe rõ gì nữa. Sau khi vị học giả này đi đến Bân Châu, ở Bân Châu quả nhiên đang bùng phát ôn dịch, không ít người chết vì bệnh dịch.

Người phụ nữ ở Dị Thôn

Vào một ngày tháng 5 năm Nam Tống Khánh Nguyên thứ nhất (năm 1195), bên ngoài cổng phía nam thành Hồ Châu có một người phụ nữ dáng vẻ mảnh mai, đi một đôi giày nơ đen. Cô một thân một mình đi đến, muốn thuê một chiếc thuyền nhỏ để đi từ Hà Sơn về Dị Thôn.

Có một người phụ nữ dáng vẻ mảnh mai, đi một đôi giày nơ đen, cô một thân một mình đi đến. (Ảnh: Một phần bức tranh của Chu Lãng thời nhà Nguyên)
Có một người phụ nữ dáng vẻ mảnh mai, đi một đôi giày nơ đen, cô một thân một mình đi đến. (Ảnh: Một phần bức tranh của Chu Lãng thời nhà Nguyên)

Người phụ nữ này lên thuyền không lâu thì nằm xuống ngủ trên thuyền, lấy chiếu đắp che thân. Con thuyền rất nhỏ, về lý thì chỉ cần người phụ nữ này xoay người ho khan một chút, nhà đò đều nghe thấy, nhưng kỳ lạ là từ lúc cô nằm xuống thì hoàn toàn vắng lặng im ắng. Nhà đò cảm thấy rất kỳ quái, thế là bèn lén lút giở một góc chiếu ra xem. Quả nhiên dưới chiếu đều là rắn con màu đen, mỗi con dài chừng một thước, có mấy ngàn con như vậy đang bò lúc nhúc. Cảnh tượng này khiến người lái thuyền kinh hãi, vội vàng đắp chiếu lại như cũ.

Chuyến đi này đường sông chừng sáu mươi dặm, khi đi đến một bến đò nhỏ gần Dị Thôn, nhà đò gõ "bang... bang" vào mạn thuyền rồi nói: "Đến nơi rồi!".

Người phụ nữ kia lập tức đứng dậy, hình dáng giống hệt như lúc đến. Cô lấy từ bên hông ra hai trăm quan tiền đưa cho nhà đò. Nhà đò không dám nhận, người phụ nữ hỏi tại sao không lấy?

Nhà đò nói: "Tôi vừa rồi giở chiếu ra xem, nhìn thấy bên trong đều là rắn! Tôi nào dám nhận tiền của cô".

Người phụ nữ cười, nói: "Ngươi tuyệt đối không được nói gì với người khác. Ta là rắn ôn dịch từ thành Hồ Châu đến đây để rải ôn dịch, một tháng sau ta lại về thành Hồ Châu".

Nói dứt lời, người phụ nữ liền xuống thuyền, cô chậm rãi đi vào trong khu rừng trúc, đi chưa được mấy bước thì đã không thấy người đâu nữa.

Dị Thôn có 700 hộ gia đình, mùa hè năm đó bị ôn dịch hoành hành chết gần một nửa. Trước đó, ở ba châu là Hồ Châu, Thường Châu và Tú Châu (Gia Hưng, Chiết Giang) từ mùa xuân đến mùa hè bị bệnh dịch bùng phát. Hồ Châu là bị nặng nhất, duy chỉ có vào tháng 5 là tương đối bình an, nhưng đến tháng 6, ôn dịch lại trở nên nghiêm trọng. Đây hẳn là do người phụ nữ rắn kia sau khi rải ôn dịch ở Dị Thôn lại quay trở về rải ôn dịch ở thành Hồ Châu.

Hồng Mai, quan đại thần nổi tiếng triều Nam Tống cảm thán nói, chuyện này thật là đáng sợ!

Lý Tuệ
Theo Tuệ Minh - Sound of Hope

Tham khảo:
"Dị văn tổng lục " quyển 4 - Tác giả ẩn danh - thời nhà Nguyên
"Thái bình quảng ký" - Tác giả Lý Phưởng - thời nhà Tống
"Di kiên chí" quyển 2 - Tác giả Hồng Mai - thời Nam Tống.



BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch có mắt: Đằng sau ôn dịch đều có an bài [Radio]