Đại dịch Vũ Hán: Hãy để chân lý nở hoa nơi tận cùng của nỗi sợ hãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi đại dịch virus Corona ở Vũ Hán vẫn đang tiếp tục “hoành hành” và lan rộng, mỗi người tự “bọc mình” trong những lớp bảo hộ khác nhau, chỉ còn lại “đôi mắt” để nhìn. Phải chăng còn lại “đôi mắt” là để chúng ta chứng kiến những phù du, ảo mộng của đời sống vật chất này, hay để ta nhận ra rằng, đôi khi tận cùng của nỗi sợ hãi lại chính là chân lý trong tâm!?

Nỗi sợ hãi có thể là điểm khởi đầu của một hành trình tâm linh

Chúng ta đều biết rằng, mỗi một cuộc khủng hoảng trong đời có thể là một bước ngoặt, đôi khi lại chính là một bước ngoặt sinh tử, như trong đại dịch virus Corona tại Vũ Hán này. Đương nhiên, điều này sẽ đi kèm nỗi sợ hãi. Bởi vì nó đe dọa sẽ “lấy đi” những điều quan trọng của chúng ta, “lấy đi” những người thân yêu, công danh sự nghiệp, tiền tài, cho đến sự an tâm, sức khỏe, tinh thần… hoặc có thể là tất cả, bao gồm cả tính mạng của bản thân mình.

Trong tác phẩm “Nhà giả kim” nổi tiếng thế giới của mình, nhà văn Paulo Coelho đã viết một cách sâu sắc: “Khi đứng ở ngưỡng cửa cái chết, người ta thường cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống”.

Tác phẩm Nhà giả kim” của nhà văn Paulo Coelho. (Ảnh: Wikipedia)
Tác phẩm Nhà giả kim” của nhà văn Paulo Coelho. (Ảnh: Wikipedia)

“Nhà giả kim” kể về hành trình của chàng trai trẻ Santiago từ một cậu chăn cừu với cuộc sống thường ngày bình yên đã lên đường đến một xứ sở xa lạ và dấn thân vào sa mạc đầy hiểm nguy, bí ẩn để tìm kiếm kho tàng trong giấc mơ của mình. Và cậu đã gặp một nhà giả kim thực thụ, người hướng dẫn cậu đi tìm kho báu. Trên con đường đến “kho báu” đó, Santiago phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Khi gặp toán cướp, nhà giả kim nhắc nhở cậu: “Đừng để họ thấy cậu sợ. Bọn họ là những kẻ dũng cảm nên rất khinh những ai hèn nhát”.

Có thể nói, nếu Santiago không kiểm soát được nỗi sợ hãi của mình, cậu sẽ mất mạng. Và nếu không vượt qua được nỗi sợ hãi, cậu không thể trò chuyện với “trái tim” mình, vốn là cách để cậu học “ngôn ngữ của vũ trụ” và biến thành… gió. Thật ra, đó chính là ngưỡng cửa để Santiago nâng cao nhận thức tâm linh của mình.

Khi Ben Sherwood, tác giả của cuốn “Câu lạc bộ những người sống sót” bắt đầu nghiên cứu lý do tại sao một số người thoát khỏi nghịch cảnh trong khi những người khác bị nó “tấn công”, ông cho rằng những người sống sót có khả năng phục hồi cao hơn. Ví như, một người sẽ cảm thấy cú sốc tâm lý rất lớn khi họ nhảy dù từ trên không lần đầu tiên, tâm trí họ có thể bị “đông cứng” vì nỗi sợ hãi. Nếu họ không nhanh chóng “rời khỏi” nỗi sợ đó, họ có thể quên mở dù, và trả giá bằng tính mạng mình.

Sherwood nói: “Những người sống sót tốt nhất có một sự hiểu biết về ý nghĩa sinh mệnh. Họ có thể buông bỏ và đón nhận thực tế mới”.

Trong một nghiên cứu khoa học về sự tồn tại những sinh mệnh “cao cấp” và những bí ẩn tâm linh trong hang động xô-ma-chi, giáo sư người Nga Ernst Muldashev và đoàn thám hiểm của ông gồm những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã dấn thân vào hành trình đến Himalaya để khám phá nguồn gốc loài người.

Tuy nhiên, người hướng dẫn địa phương cho biết không ai qua được “thử thách” để vào sâu trong hang động. Ông cho biết: “Việc đó nguy hiểm chết người”, vì có những nỗi sợ hãi vô hình ngăn cản người ta, những “áp lực” từ nỗi sợ hãi có thể khiến người đó vĩnh viễn không thể quay trở lại. Tuy nhiên, giáo sư Muldashev tha thiết đề nghị với nguyện vọng: “Động cơ của chúng tôi là tốt lành…”.

Và ông bắt đầu hành trình khám phá hang động của mình. Ông kể lại: “Nói chung, tôi có thể nói mình là người gan dạ, không phải lần đầu tiên tôi trèo núi vào hang. Nhưng tôi cảm thấy rõ ràng tâm trạng sợ hãi và phẫn uất từ đâu đó đến… Tôi tập trung tư tưởng, huy động hết ý chí để chiến đấu với cái đau khủng khiếp… “.

Bằng sự quả cảm của một người làm khoa học chân chính, giáo sư Muldashev đã vượt qua cái ngách đầu tiên dẫn đến động xô-ma-chi. Ông phát hiện ra: “Người Lemuria, người Atlan! Họ còn sống, hàng triệu năm nay họ vẫn sống đó… Tôi sẽ không bao giờ thắng được Ngài, nếu không được phép của Ngài… “.

Giáo sư Muldashev đã đối mặt và trải nghiệm nỗi sợ hãi vì một hành trình khám phá khoa học, hay đúng hơn là vì một hành trình tìm kiếm chân lý về mặt tâm linh của con người. Nếu chỉ bằng sự quả cảm của một người bình thường, ông có thể sẽ phải trả bằng tính mạng của mình, nhưng ông đã vượt qua “nỗi sợ hãi” đó bằng niềm tin vào tâm linh, bằng sự thành kính vào những sinh mệnh “cao cấp” trong hang động huyền bí xô-ma-chi.

Nếu chỉ bằng sự quả cảm của một người bình thường, ông có thể sẽ phải trả bằng tính mạng của mình, nhưng ông đã vượt qua “nỗi sợ hãi” đó bằng niềm tin vào tâm linh
Nếu chỉ bằng sự quả cảm của một người bình thường, ông có thể sẽ phải trả bằng tính mạng của mình, nhưng ông đã vượt qua “nỗi sợ hãi” đó bằng niềm tin vào tâm linh. (Ảnh: Shutterstock)

Có một nền ‘giáo dục đạo đức’ chuyên gieo rắc nỗi sợ hãi

Chúng ta biết rằng, việc giáo dục tư tưởng và đạo đức đóng vai trò cơ bản và vô cùng quan trọng, đó là nhân tố chính tác động đến hệ tư tưởng của một quốc gia.

Đối với vấn đề giáo dục đạo đức tại Trung Quốc, năm 1988, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố mục tiêu rõ ràng là giáo dục đạo đức chính là giáo dục chính trị và tư tưởng. Dựa trên nghiên cứu của ông Zhu Xiaoman và Liu Cilin, chính phủ Trung Quốc chủ yếu theo dõi các khóa học đạo đức từ trên xuống dưới, và ngay từ cấp tiểu học đã sử dụng hệ tư tưởng chính trị để giáo dục công dân trẻ. Vì thế, mục đích của việc giáo dục chỉ nhằm “khống chế” hệ tư tưởng của thế hệ trẻ mà thôi.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của hai tác giả là ông Lu Jie và ông Gao Desheng, các tài liệu hướng dẫn trong giáo dục đưa các quy định cho người học để thiết lập cách thức và thái độ đúng đắn, sao cho phù hợp với hệ tư tưởng chính trị. Hơn nữa, những hướng dẫn đó được chỉnh sửa và thay đổi với mục đích đáp ứng các xung đột đang tồn tại trong xã hội, đồng thời khẳng định những lập luận của chính phủ liên quan đến các vấn đề trong xã hội.

Môn Giáo dục Đạo đức này ở các trường học Trung Quốc thường dạy học sinh, sinh viên tự hào về thành tựu chính trị của ĐCSTQ. Trẻ em Trung Quốc ngay từ khi mới chập chững tập viết, tập đọc, đã bị nhồi nhét những bài học giáo huấn về tư tưởng của ĐCSTQ, và các thế hệ học sinh Trung Quốc cứ thụ động học theo.

Ở Trung Quốc, giáo dục đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để kiểm soát nhân dân, trong khi mục đích căn bản của giáo dục là để đào tạo các trí thức có cả tri và thức. Tri là nói đến sự hiểu biết thông tin, dữ liệu và các sự kiện lịch sử; thức nói đến quá trình phân tích, nghiên cứu, và tái sáng tạo – một quá trình phát triển tinh thần. Những người chỉ có tri mà không có thức thì bị coi như là những con mọt sách, chứ không phải là những trí thức thực sự có lương tâm xã hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, giáo dục trong các trường học Trung Quốc nhấn mạnh rằng người học không nên thực hiện bất cứ điều gì mà chính quyền không mong đợi, do đó, Trung Quốc được bao quanh bởi những trí thức có kiến thức nhưng không phán xét hoặc không dám đưa ra chính kiến riêng của bản thân.

Khi nỗi sợ hãi mang tính phụ diện trở thành lẽ dĩ nhiên

Chúng ta từng biết về một thuật ngữ gọi là Hội chứng Stockholm, là trường hợp các nạn nhân đã trở nên gắn bó tình cảm với người bắt giữ họ và thậm chí bảo vệ người này. Tiến sĩ Yang Jingduan, một bác sĩ tâm thần của Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson về Tâm thần học và Hành vi Con người, đã mô tả bốn điều kiện tiên quyết cho Hội chứng Stockholm:

  • Trước tiên, bạn thực sự tin rằng cuộc sống của bạn đang gặp nguy hiểm và kẻ lạm dụng có thể giết bạn bất cứ lúc nào mà không do dự.
  • Thứ hai, kẻ lạm dụng sẽ cung cấp cho bạn những ân huệ nhỏ khi bạn đang trong cơn tuyệt vọng.
  • Thứ ba, bạn hoàn toàn bị cô lập với bất kỳ nguồn thông tin nào khác ngoài kẻ lạm dụng.
  • Và thứ tư, bạn được đào tạo để nghĩ rằng bạn không có lối thoát.

Tiến sĩ Yang cho rằng hệ thống giáo dục của Trung Quốc đã đưa học sinh vào một trạng thái như hội chứng Stockholm này, và biến một Trung Quốc với 5.000 năm văn minh văn hóa và tinh thần thành một Trung Quốc “sống trong sợ hãi”.

Tháng 1/2017, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng bởi bài viết của một bà mẹ có nickname yashalong2000 trên WeChat, bày tỏ sự thất vọng và nỗi sợ hãi của người Trung Quốc trước thảm họa sương mù ô nhiễm. Tuy nhiên, đằng sau đó là thể hiện của một tâm tư trĩu nặng khi mà nỗi sợ hãi đã ngấm vào từng tế bào của mọi thế hệ người Trung Quốc, từ già đến trẻ.

tâm tư trĩu nặng khi mà nỗi sợ hãi đã ngấm vào từng tế bào của mọi thế hệ người Trung Quốc, từ già đến trẻ. 
Tâm tư trĩu nặng khi mà nỗi sợ hãi đã ngấm vào từng tế bào của mọi thế hệ người Trung Quốc, từ già đến trẻ. (Ảnh: Shutterstock)

Tác giả đó đã viết: Dĩ nhiên, tôi hiểu xuất thân của bố chồng tôi. Ông thuộc về thế hệ những người bị dày vò bởi sự sợ hãi. Họ trải qua sự sợ hãi mà chúng ta chưa từng trải qua, và nỗi sợ hãi này cuối cùng đã biến thành sự tôn sùng. Tôi không có nhiều hy vọng cho cả một thế hệ như vậy; tinh thần của họ hầu như đã bị dập tắt hoàn toàn. Tôi chỉ ước gì họ không làm ảnh hưởng nhiều đến thế hệ tiếp theo. Tôi luôn từ chối lời khuyên của thế hệ cũ một phần cũng vì như vậy…

Đây là đất nước của những kẻ hèn nhát. Những người dũng cảm dám nói phải trả giá. Có nhiều ví dụ, chẳng hạn như vụ tai nạn của Sun Zhigang. Các phóng viên đưa tin về vụ này đã phải trả giá bằng cả tương lai của họ và rồi họ đã bị chúng ta lãng quên”.

Gần đây nhất, khi dịch bệnh virus Corona bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do chính quyền Vũ Hán đã “bưng bít” thông tin, và tiến hành phong tỏa thành phố khi không còn “gói ghém” sự thật được nữa.

Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang nói trong cuộc phỏng vấn: “Tiết lộ về bùng phát dịch không kịp thời... Là một nhà lãnh đạo chính quyền địa phương, tôi chỉ có thể công bố thông tin sau khi tôi nhận được sự cho phép của chính quyền trung ương”.

Rất nhiều người đã lên án hành động “xem thường tính mạng” của hàng triệu con người của chính quyền Vũ Hán. Nhưng nếu một trong nhiều người Trung Quốc ngoài kia bị đặt vào “tình huống” như các quan chức trên, rất có thể họ cũng không thể, không biết, hoặc không dám làm điều gì khác hơn. Có thể nói, nỗi sợ hãi “chính trị” đã khiến con người đánh mất lương tri.

Có một thứ di sản tinh thần vượt trên mọi nỗi sợ hãi: đó là ‘đức tin’ vào lẽ phải

Có thể nói, những gì nằm ngoài tuyên truyền chính trị và tư tưởng của ĐCSTQ đều phải chịu sự phê phán và đả kích. Có thể thấy rõ sự khác biệt khi so sánh người Trung Quốc và người Hong Kong, vốn cùng chung dòng máu Trung Hoa, nhưng người Hong Kong lại có cách sống, cách nghĩ khác biệt.

Trong cuộc biểu tình đòi quyền tự chủ cho Hong Kong vào đầu tháng 9 năm 2019, người dân Hong Kong đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi đã xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình, họ không bao giờ bị “nỗi sợ hãi” làm cho lùi bước. Đây chính là điều mà người dân Trung Quốc với tư tưởng đã bị làm cho “biến dị” không thể hiểu được.

Tuy nhiên, lòng tốt chính là một giá trị phổ quát của nhân loại. Có những người đã vượt qua nỗi sợ hãi của cái chết, để bảo tồn một thứ chân lý mang tên: “đức tin” vào lẽ phải.

Anthonius Gunawan Agung vốn chỉ là một nhân viên kiểm soát không lưu bình thường ở sân bay Palu, Indonesia. Ngày 28/09/2018, chàng nhân viên 21 tuổi Agung đã ở tại tháp canh sân bay Palu để hướng dẫn máy bay Batik Air cất cánh khi động đất và sóng thần bắt đầu phá hủy Palu. Khi tháp đồng hồ bắt đầu rung chuyển, những người xung quanh Agung tìm cách thoát thân, nhưng anh vẫn tiếp tục ở lại và theo dõi chiếc máy bay để đảm bảo nó có thể cất cánh an toàn.

Lời cuối cùng mà người ta nghe thấy được từ anh là: “Batik 6321 cho phép cất cánh”. Hành động anh hùng của chàng trai trẻ đã giúp hàng chục sinh mạng được an toàn trước thiên tai kinh hoàng, nhưng những giây phút còn lại đã không còn đủ để Anthonius cứu lấy sinh mạng của chính mình.

Tuổi trẻ cùng những khát vọng của đời người đã ra đi cùng Anthonius, nhưng những gì anh để lại chính là chân lý, khi lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại cao hơn cả mong muốn bảo vệ bản thân, khi “nỗi sợ hãi” không thể chiến thắng được tính “bản thiện” của con người.

Ngày 15/04/1912, con tàu Titanic huyền thoại đã chìm vào đáy đại dương, để lại sau lưng những bài học nghiêm khắc nhất cho nhân loại. Đó là tiền bạc cũng chẳng thể mua được cho người ta cảm giác an toàn, đó là đòn nặng đánh vào sự tự mãn của con người khi thách thức tự nhiên, rằng Titanic “vĩ đại” sẽ “không bao giờ chìm”. Dù vậy, Titanic đã gặp nạn, và mang theo nỗi sợ hãi kinh hoàng của khoảng 1.500 hành khách và phi hành đoàn xuống đáy đại dương.

Tuy nhiên, trong những giây phút đau đớn, sợ hãi nhất, khi vấn đề sinh tử chỉ còn được tính bằng vài giờ, vài phút, đến vài giây. Nhà tỷ phú Ben Guggenheim cùng thư ký Victor Giglio đã “thản nhiên” ở lại tàu. Ông gửi lời nhắn tới vợ mình: “Không có phụ nữ nào sẽ phải ở lại tàu chỉ vì Ben Guggenheim là một kẻ hèn kém”.

Doanh nhân nổi tiếng Isidor Straus cùng vợ mình đã ở lại trên tàu. Ông nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại”. Còn vợ ông, quý bà Ida thì khẳng định: “Tôi sẽ không rời khỏi chồng mình. Chúng tôi sẽ chết như chúng tôi đã sống cùng nhau”. Một nhân chứng người Thụy Sĩ kể lại việc cô bồng hai đứa con lên thuyền cứu hộ, nhưng không còn đủ chỗ cho bản thân. Một người phụ nữ đã đứng lên nhường chỗ cho cô và nói: “Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!”.

Có thể thấy, những con người “phi thường” ấy, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi với niềm tin vào một chân lý cao thượng hơn, đó là “đức tin” vào lương tri, lẽ phải và lòng tốt. Trong đại nạn, xin hãy ghi nhớ rằng tình yêu thương, lòng chính nghĩa và sự thiện lương mới là điều đáng trân quý nhất.

Có thể thấy, những con người “phi thường” ấy, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi với niềm tin vào một chân lý cao thượng hơn, đó là “đức tin” vào lương tri, lẽ phải và lòng tốt.
Có thể thấy, những con người “phi thường” ấy, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi với niềm tin vào một chân lý cao thượng hơn, đó là “đức tin” vào lương tri, lẽ phải và lòng tốt. (Ảnh: Shutterstock)

Bây giờ hoặc không bao giờ: hãy đánh bại virus “nhân tính” mang tên “nỗi sợ hãi những người tốt trong tâm”

Theo những báo cáo gần đây, “tử thần” Coronavirus ngày càng có những biểu hiện 'tinh ranh', nguy hiểm và đáng sợ... có vẻ rất giống nhân tâm “biến dị” mà người Trung Quốc phải gánh chịu dưới áp lực của nỗi sợ hãi chính trị.

Gần gây, một chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo vào ngày 28 tháng 1 rằng: “Dựa trên các quan sát lâm sàng, nhóm người mang virus này, có vẻ như bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên họ vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt là những người tiếp xúc gần gũi với họ. Về mặt thuật ngữ y học, những hiện tượng lây lan bệnh một cách âm thầm kể trên thường được gọi tên một cách mĩ miều là 'vật chủ thầm lặng!' ".

Với những biểu hiện của Coronavirus, người ta dễ dàng dẫn đến một sự liên tưởng thú vị nhưng lại rất chua cay đến ĐCSTQ. Sự truyền nhiễm trong “im lặng” của coronavirus không khác gì việc kiểm duyệt tự do ngôn luận, khống chế dư luận, thao túng thông tin của ĐCSTQ. Cũng như hơn 20 năm qua ĐCSTQ vẫn luôn che dấu việc đàn áp dã man về tín ngưỡng, bắt cóc, bỏ tù, tra tấn, cướp mổ nội tạng các nhóm tù nhân lương tâm, người Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công.

Trong khi đó, môn khí công tu luyện nâng cao cả thân lẫn tâm Pháp Luân Công vốn được hơn 100 triệu người trên thế giới theo học, được truyền rộng hơn 114 quốc gia, đơn giản chỉ vì nguyên lý chỉ đạo của Pháp Luân Công là “Chân - Thiện - Nhẫn”, chính là những giá trị đạo đức phổ quát của thế gian mà mọi người đều cần đề cao và tôn trọng.

Điều kỳ lạ là pháp môn này bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng lại bị chính phủ Trung Quốc đàn áp, và người dân vốn qua tuyên truyền “lây nhiễm” mà phản đối, thậm chí sợ hãi khi nghe đến ba chữ “Pháp Luân Công”. Internet Trung Quốc cũng kiểm duyệt vô cùng gắt gao đối với ba chữ “Pháp Luân Công”, hoặc “Chân - Thiện - Nhẫn”. Phải chăng con virus “nhân tính” mang tên “nỗi sợ hãi người tốt trong tâm” đã đầu độc tâm hồn của người dân Trung Quốc đại lục.

Một tác giả người Trung Quốc đã viết: "Tôi nghĩ chúng ta khá hơn thế hệ trước bởi chúng ta biết sự tồn tại của nỗi sợ hãi, và chúng ta biết rằng sự sợ hãi là không thật. Chúng ta cũng biết rằng dưới nỗi sợ đó là sự chọn lựa giữa đúng và sai. Đây giống như là một hạt giống có thể nở hoa trong tương lai để khôi phục lại bầu trời trong xanh cho các thế hệ tiếp theo”.

Nhà văn Paulo Coelho đã viết: “Sự thử thách sinh tử có thể đến với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào và dưới bất cứ hình thức nào. Đó chính là sự lựa chọn của sinh mệnh”… “Mọi thứ ở đời đều là dấu hiệu cả”… “Vũ trụ là một ngôn ngữ ai cũng có thể hiểu nhưng chúng ta đã quên mất”… “Tương lai tuy đã được định sẵn nhưng vẫn còn có thể thay đổi được”.

Ngày hôm nay, khi đại dịch virus Corona bất ngờ ập đến, nhiều người đã tự hỏi nguồn gốc dịch bệnh là từ đâu, nguyên nhân lây nhiễm là gì, làm sao để thoát khỏi dịch bệnh... Nhiều người cũng đã nhận ra virus “nhân tính” này ngay trong “tâm chấn” virus dịch bệnh. Nếu đó đã là “sự lựa chọn của sinh mệnh”, hãy một lần dũng cảm tiêu diệt virus “nhân tính”, tiêu diệt “nỗi sợ hãi những người tốt trong tâm”, biết đâu virus dịch bệnh cũng theo đó mà bị “diệt” mất.

Trận đại dịch đã diễn ra ngày hôm nay, là một lần cho nhân loại chứng kiến nỗi kinh hoàng của sinh tử, và nỗi sợ hãi từ sâu thẳm sinh mệnh con người. Tận cùng của nỗi đau là khi ta chỉ còn nhận ra nhau qua “đôi mắt”, thì xin hãy để tận cùng nỗi sợ hãi là chân lý trong tâm.

Tâm An



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Đại dịch Vũ Hán: Hãy để chân lý nở hoa nơi tận cùng của nỗi sợ hãi