Đại nhẫn của Ngộ Không, Trương Lương, Tư Mã Thiên [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trương Lương, Tư Mã Thiên và Tôn Ngộ Không là ba nhân vật ở các thời đại khác nhau, tồn tại trong các thế giới thực và ảo khác nhau. Vậy điều gì đã giúp họ vượt qua thời không để kết nối với nhau, cùng lưu danh thiên cổ?

“Tây Du Ký” kể rằng, Tôn Ngộ Không phá rối hội Bàn Đào, đại náo Thiên cung, ngông cuồng đòi soán ngôi Ngọc Đế, phạm vào đại tội nên bị đè dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm. Vì để bào mòn cái tâm cuồng vọng và ngạo mạn ấy, Phật Tổ chỉ cho phép Ngộ Không đói thì ăn viên sắt, khát thì uống nước gỉ đồng. Thu qua đông đến, xuân hết hạ về, thân này vùi mãi tại nơi đây, nào đâu dám mơ tưởng “cậy mình tài giỏi xưng hùng, hàng long phục hổ vẫy vùng tứ tung”? Trải qua 500 năm dâu bể, Ngộ Không đã xem tận phù hoa chốn nhân gian, trong tâm tự biết hối lỗi. Nếu như lại có cơ hội, nguyện sẽ kiên tâm bồ đề, bỏ tà theo thiện, lập chí tu hành.

Bồ Tát thấy được tâm ý của Ngộ Không, liền dặn y hãy nhẫn nhịn chờ đến khi gặp được tăng nhân nhà Đường mới có thể ra khỏi Ngũ Hành. Vừa thấy có hy vọng cứu thoát, Ngộ Không mừng vui khôn xiết, sớm chiều thấp thỏm, hồi hộp đến mức nửa đêm tỉnh giấc, mắt hoài ngóng trông. Đến khi thấy bóng dáng Đường Tăng từ xa, Ngộ Không đã cao hứng vẫy tay gọi lớn: “Sư phụ, sao giờ này sư phụ mới đến? Xin ngài hãy cứu con ra, con sẽ bảo vệ ngài sang Tây Thiên lấy kinh!”. Con khỉ này tuy ngang ngạnh bướng bỉnh, nhưng vẫn gìn giữ được thiên tính, chí thành chí chân, mỗi lời nói ra đều trực tiếp nói về tu luyện, không lạc sang những chuyện thế thái nhân tình.

Ngộ Không: Xem tranh thấu huyền cơ

Đôi mắt của Ngộ Không là mắt lửa ngươi vàng, ban ngày có thể nhìn thấy lành dữ ngoài nghìn dặm, còn nội trong nghìn dặm, thì những thứ nhỏ như chuồn chuồn vỗ cánh cũng có thể nhìn thấy rõ ràng.

Khi vừa mới bắt đầu cuộc hành trình, Ngộ Không đã đánh chết hổ dữ và sáu tên giặc cỏ trước mặt Đường Tăng. Đường Tăng cả giận, suốt đường cằn nhằn trách tội. Ngộ Không vô cùng bất mãn, lại càng thêm khó chịu khi sư phụ nói rằng mình không thể làm hòa thượng, không thể sang Tây Thiên. Ngộ Không thành tâm muốn tu luyện như vậy, nhưng lại bị đôi mắt thịt của Đường Tăng định đoạt, rằng không làm được hòa thượng, không sang được Tây Thiên… vậy nên trong tâm vô cùng ảo não.

Thơ: CHUYỆN NGỘ KHÔNG DIỆT TRỪ LỤC TẶC | NTD Việt Nam (Tân Đường Nhân)
Khi vừa mới bắt đầu cuộc hành trình, Ngộ Không đã đánh chết hổ dữ và sáu tên giặc cỏ trước mặt Đường Tăng. Đường Tăng cả giận, suốt đường cằn nhằn trách tội. (Ảnh: Shen Yun Performing Arts)

Khi không nhẫn được lửa giận trong lòng, Ngộ Không tự ý bỏ mặc Đường Tăng, nhảy lên cân đẩu vân bay đi. Mỹ Hầu vương đã hơn 500 năm không trở về Hoa Quả Sơn, thân vừa mới được tự do, theo lý thì nên quay đầu về thăm cố hương mới phải. Nhưng vừa mới đi được nửa đường Ngộ Không đã xuống Đông Hải long cung, tìm Long Vương để kể khổ.

Long Vương nghe nói Đại Thánh ngạo mạn năm xưa nay đã thay tâm đổi tính, cải tà quy chính, lập chí tu hành, nên vô cùng vui mừng, nhiệt tình dâng trà chiêu đãi. Chính vào lúc này, Ngộ Không vô tình nhìn thấy một bức tranh đề dòng chữ “Di kiều tiến lý” (Bên cầu dâng giày). Long Vương thấy vậy bèn nói:

“Vị tiên này là Hoàng Thạch Công, còn người kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công gặp Trương Lương trên cầu Dĩ, biết chàng trai này là người có thiên phú nên muốn nhận anh ta làm đồ đệ. Thế là, Thạch Công cố ý làm rơi giày dưới chân cầu và bảo Trương Lương xuống nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn nhặt giày mang lên, mang lên rồi lại bị Thạch Công bắt phải xỏ vào chân cho mình. Ba lần như vậy, Trương Lương không chút tỏ ra lười biếng. Thạch Công quý mến Trương Lương cần cù lễ độ, cung cung kính kính, không mảy may cao ngạo chút nào, nên đến đêm bèn trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư. Về sau, quả nhiên Trương Lương mưu tính trong màn trướng mà quyết đoán được thắng bại ở nơi nghìn dặm. Sau khi thái bình rồi, Trương Lương lại từ quan vào núi, theo Xích Tùng Tử học được Đạo Tiên. Đại Thánh à, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được?”.

 

Ngộ Không nghe xong, trầm mặc hồi lâu không nói, cuối cùng đứng dậy cáo biệt rồi bay ra khỏi Long cung, tiếp tục bảo hộ Đường Tăng. Ấy là vì Ngộ Không đã minh bạch được thái độ đúng đắn của người chân tu đại Đạo. Chính sự “nan nhẫn năng nhẫn” của Trương Lương đã khơi dậy tinh thần cho Ngộ Không, đặt định nền tảng cho những thành tựu sau này.

Ngộ Không nghe xong, trầm mặc hồi lâu không nói, cuối cùng đứng dậy cáo biệt rồi bay ra khỏi Long cung, tiếp tục bảo hộ Đường Tăng. (Miền công cộng)

Trương Lương: Nan nhẫn năng nhẫn

Cố sự “Bên cầu dâng giày” kể trên xuất phát từ “Sử Ký”, phần “Lưu Hầu thế gia”. Lưu Hầu là phong hiệu của Trương Lương sau khi phò trợ nhà Hán thành công. Trương Lương xuất thân từ danh gia thế tộc, nhiều đời làm khanh sĩ nước Hàn, cả ông nội và cha của Trương cũng đều là vương công trọng thần trong triều. Sau khi Tần diệt Hàn, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, lại nghĩ đến việc gia tộc đã nhiều đời thụ nhận quốc ân, Trương Lương thấy mình không thể thờ ơ vô cảm, liền quyết định bán hết gia tài, chiêu mộ lực sĩ báo thù cho nước, lên kế hoạch thích sát Tần Thủy Hoàng ở Bác Lãng Sa.

Kế hoạch thích sát thất bại, Tần Thủy Hoàng lệnh cho quân vệ truy nã khắp thiên hạ, lùng tìm thích khách khắp tứ phương. Nhưng vì Trương Lương “mạo như phụ nhân hảo nữ” (tướng mạo như một người con gái đẹp), không ai ngờ Trương chính là một trong những thích khách. Người có vẻ ngoài yếu đuối như thế, sao có thể nhấc được cây thiết chùy nặng hơn 120 cân đây? Nhờ đó Trương mới có thể thoát khỏi cuộc truy lùng ráo riết của thị vệ nhà Tần.

“Sử Ký” chép rằng, trong những ngày mai danh ẩn tích ấy, Trương Lương vẫn “thong dong dạo chơi trên cầu Di Kiều ở Hạ Bì”. Thông thường, kẻ to gan lớn mật làm những chuyện kinh thiên động địa như hành thích quân vương đều phải lẩn trốn, hoặc run rẩy như con chim sợ cành cong, hoặc hoang mang như trông gà hóa cuốc. Nhưng Trương Lương lại ung dung tự tại tản bước trên cầu. Có thể thấy đây là người cảnh giới rất cao, nội tâm trấn tĩnh, dũng khí tràn đầy.

Hoàng Thạch Công làm rơi chiếc giày nhưng lại ra lệnh cho Trương Lương xuống cầu nhặt lên. Trương Lương cho dù chỉ là người trẻ tuổi, nhưng dẫu sao cũng là công tử con nhà quan, kẻ trên người dưới đều phải cung kính phục tùng, do đó Trương không khỏi ngạc nhiên, từng có ý muốn ẩu đả với lão nhân. Nhưng nghĩ lại, ông lão đã già cả, Trương bèn cố nén lại hỏa giận trong tâm, vâng lời xuống cầu nhặt giày. Sau khi nhặt lên, ông lão lại bắt Trương xỏ giày cho mình. Trương Lương xuất thân quý tộc, rất có giáo dưỡng, tu thân dưỡng tâm, Trương liền buông bỏ lửa giận trong lòng, quỳ xuống cung cung kính kính xỏ giày cho lão nhân. Hoàng Thạch Công vô cùng hài lòng khen rằng: “Nhụ tử khả giáo hĩ”, nghĩa là: cậu bé này có thể dạy dỗ được, và truyền thụ “Thái Công binh pháp” cho Trương Lương.

Trương Lương xuất thân quý tộc, rất có giáo dưỡng, tu thân dưỡng tâm, Trương liền buông bỏ lửa giận trong lòng, quỳ xuống cung cung kính kính xỏ giày cho lão nhân. (Miền công cộng)

Đức nhẫn của Trương Lương hẳn cũng là điều khiến Tư Mã Thiên cảm động. Lúc ấy, Tư Mã Thiên đang ở trong cảnh ngộ thương tâm, thân mang nỗi nhục, tâm tình oan khuất nên vô cùng thấu hiểu. Ý tại ngôn ngoại, giữa mỗi dòng chữ trong “Sử Ký” ông đều lưu lại sự cảm kích trước dũng khí và đức nhẫn của Trương Lương.

Tư Mã Thiên: Nhẫn nhục cực độ

Trong thời gian viết “Sử Ký”, Tư Mã Thiên vì biện hộ cho danh tướng Lý Lăng mà phải chịu cung hình, bị kẻ sĩ khắp thiên hạ phỉ báng, cười chê.

Tư Mã Thiên đảm nhiệm chức vụ trong cung, đối với Lý Lăng ông chưa hề giao du, không cùng chí hướng, hai người cũng chưa từng nâng chén uống rượu cùng nhau. Nhưng vì biết rằng Lý Lăng là bậc “quốc sĩ chi phong”, khi quốc gia nguy nan thì sẵn sàng xông pha, vì nước nhà mà giải nỗi ưu lo, vậy nên Tư Mã Thiên đã dùng hai chữ “kỳ sĩ” để xưng hô với Lý Lăng.

Tư Mã Thiên nói: “Tôi quan sát Lý Lăng, quả thực là người biết giữ tiết tháo, thờ cha mẹ theo đạo hiếu, giữ chữ tín với bạn bè, gặp tiền tài thì liêm khiết, hoặc lấy hoặc cho kẻ dưới đều theo lễ nghĩa, phân biệt lớn nhỏ tôn ti, khiêm nhường theo lễ, cung kính khiêm tốn cam chịu ở dưới người khác, luôn nghĩ đến cấp nạn của nước nhà mà không nghĩ đến bản thân mình. Với phẩm đức tích chứa trước giờ của ông ấy, tôi cho rằng Lý Lăng có phong độ của bậc quốc sĩ”.

Lúc ấy, Lý Lăng chỉ huy 5000 bộ binh tiến thẳng vào chiến địa, đánh vào tận vương đình của Hung Nô. Lý Lăng cùng với Thiền vu chiến đấu liên tiếp hơn 10 ngày, số quân địch thiệt mạng vượt quá xa số thương vong trong quân đội của ông. Lý Lăng dũng mãnh tác chiến, khiến quân Hung Nô phải chấn kinh. Sau đó Thiền vu của Hung Nô đã điều động Tả - Hữu Hiền Vương, dốc toàn bộ quốc lực bao vây Lý Lăng.

Thiết Mộc Chân suất lĩnh dũng sĩ Mông Cổ (ảnh: Epoch Times).
Lý Lăng dũng mãnh tác chiến, khiến quân Hung Nô phải chấn kinh. (Ảnh: Epoch Times).

Lý Lăng vì không còn vũ khí, lại không được chi viện nên đành chịu bại trận và bị bắt làm tù binh. Tư Mã Thiên cho rằng mặc dù thất bại, nhưng Lý Lăng cùng với 5000 bộ binh liều chết chống Hung Nô, tận trung báo quốc, công lao ấy đã đủ để tỏa sáng trong thiên hạ. Tư Mã Thiên vốn có ý tốt, biết bệ hạ âu sầu, vậy nên ông mới nói về công lao của Lý Lăng để giải khai nút thắt trong tâm, làm yên lòng hoàng thượng, đồng thời ngăn chặn những lời sàm ngôn cấu kết hòng mưu hại Lý Lăng. Nhưng vì cuộc tranh luận gay gắt trên triều, Tư Mã Thiên nhất thời không thể nói rõ, hoàng thượng cũng không truy cứu kỹ càng đã vội giáng cho ông tội khi quân, sai người tống Tư Mã Thiên vào Đại Lý Tự để xét xử.

Tư Mã Thiên bị trói chặt tay chân, thân mang hình cụ, bị lột y phục và quất bằng roi mây. Sau đó ông lại bị giam trong phòng tối, cửa đóng kín đến mức gió cũng không lọt qua, gọi là “tàm thất” (nhà ngục thiến người). Ông phải chịu đựng đủ mọi thứ vũ nhục, bị người ta vu khống hãm hại, bị tra khảo đánh đập, đầu cạo trọc, tay khóa sắt, chân đeo cùm... tưởng như không còn gì bi thảm hơn.

Tư Mã Thiên một thân trong sạch, tâm như ngọc bích Hòa Thị, như minh châu Tùy Hầu, phẩm hạnh cao quý như Hứa Do, Bá Di. Nhưng vì phải chịu hủ hình (hình phạt bị thiến) nên ông không thể tự hào, suốt đời phải nhẫn nhịn đủ mọi lời miệt thị, coi khinh. Ông tự nhủ: Chu Văn Vương bị vua Trụ bắt giam mà suy diễn ra “Chu Dịch”; Khổng Tử chu du liệt quốc, trải qua gian hiểm khốn ách mà viết thành “Xuân Thu”; Khuất Nguyên sống trong cảnh đày ải mà viết ra tác phẩm “Ly tao” lưu danh thiên cổ; Tả Khâu Minh hai mắt không thấy ánh Mặt Trời mà vẫn viết nên “Quốc Ngữ”; Tôn Tử bị chặt mất hai chân và vẫn luận “Binh pháp”; Lã Bất Vi bị đày sang đất Thục, biên soạn “Lã thị Xuân Thu” lưu truyền hậu thế…

Trong nỗi thống khổ triền miên ấy, cho dù phải chịu oan khuất đến đâu, nhục nhã thế nào, ông đều tự nhủ bản thân phải sống tiếp, hoàn thành nhiệm vụ trọng đại mà cha ông từng dang dở. Nhờ đó, bộ kiệt tác sử học trải dài hơn 3000 năm đã ra đời, đó chính là “Sử Ký”.

Từ cố sự “bên cầu dâng giày” đã dẫn xuất ra ba nhân vật lừng danh trong lịch sử, từ trong đó có thể thấy tâm đại nhẫn của Trương Lương, Tư Mã Thiên và Tôn Ngộ Không. Ba nhân vật tuy chưa từng gặp mặt, sống trong các thời đại khác nhau, các thế giới thực và ảo khác nhau, nhưng chính đặc điểm nhẫn được cả những việc khó nhẫn đã giúp họ có cơ duyên vượt qua thời không kết nối cùng nhau. Đại nhẫn của Trương Lương đã giúp Lưu Bang thành tựu đế nghiệp. Đại nhẫn của Ngộ Không giúp bản thân viên mãn, trở thành Đấu Chiến Thắng Phật. Đại nhẫn của Tư Mã Thiên đã viết nên cuốn “Sử Ký” truyền kỳ. Sức mạnh của tâm đại nhẫn, thật là kỳ vĩ lắm thay!

Minh Hạnh
Theo Hoàng Phủ Dung - France Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đại nhẫn của Ngộ Không, Trương Lương, Tư Mã Thiên [Radio]